Số 32.2008 (388) ngày 15/08/2008

 CHÍNH PHỦ


Chống thư rác
(SMS: 505621)
- Theo Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ban hành ngày 13/8/2008, Chính phủ quy định: nghiêm cấm việc tạo điều kiện, cho phép sử dụng phương tiện điện tử thuộc quyền của mình để gửi, chuyển tiếp thư rác; trao đổi mua bán hoặc phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử; sử dụng các phần mềm để thu thập địa chỉ điện tử khi không được phép của người sở hữu địa chỉ điện tử đó; trao đổi, mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư rác…
Có 2 loại thư rác là: thư điện tử, tin nhắn với mục đích lừa đảo, quấy rối hoặc phát tán virus máy tính, phần mềm gây hại; thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo vi phạm các nguyên tắc gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.
Mức phạt tiền cao nhất là 80 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử mà máy chủ gửi thư điện tử quảng cáo không đặt tại Việt Nam; Cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet có máy chủ dịch vụ gửi tin nhắn không đặt tại Việt Nam; Cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn mà không sử dụng số thuê bao gửi tin nhắn quảng cáo do nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn Việt Nam cấp.
Ngoài ra, phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thu thập địa chỉ điện tử cho mục đích quảng cáo không được sự đồng ý của người sở hữu địa chỉ đó. Hành vi tạo điều kiện, cho phép người khác sử dụng phương tiện điện tử thuộc quyền của mình để gửi, chuyển tiếp thư rác sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng…
Mức phạt 20 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi trao đổi, mua bán hoặc phát tán các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng các phần mềm thu thập địa chỉ điện tử; trao đổi mua bán danh sách địa chỉ điện tử hoặc quyền sử dụng danh sách địa chỉ điện tử nhằm mục đích gửi thư rác...
Gửi quá 5 thư điện tử quảng cáo đến 1 địa chỉ thư điện tử trong 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận, sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Không phải nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mà vẫn gửi thư điện tử hoặc tin nhắn quảng cáo khi chưa được người nhận đồng ý thì bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng…
Nghị đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Ưu đãi người có công với cách mạng
(SMS: 505620)
- Ngày 13/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước và từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 gồm: trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận; được cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hóa tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú.
Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi theo quy định hiện hành mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết. Nếu đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định hiện hành thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng còn sống hoặc con (trong trường hợp cha, mẹ, vợ, chồng không còn) của họ được hưởng trợ cấp chung 1 lần là 50 triệu đồng. Tương tự đối với trường hợp là thân nhân của người hoạt động cách mạng thì được trợ cấp 25 triệu đồng; người có công với cách mạng không có vợ hoặc chồng thì thực hiện trợ cấp 1 lần 10 triệu đồng đối với người thờ cúng…
Ngoài ra, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng (đang sống cô đơn không nơi nương tựa), con (hoặc con mồ côi) từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi của người có công với cách mạng nếu vẫn tiếp tục đi học, con bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc
(SMS: 505584)
- Theo Công văn số 1318/TTg-KTN ra ngày 12/8/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: bảo đảm an ninh, trật tự và bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu vùng bị thiên tai, đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề mới nảy sinh sau khi lũ rút.
Cung ứng đủ cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, chỉ đạo tích cực, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường; xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
Cùng với việc vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau, khẩn trương chỉ đạo khôi phục, sửa chữa nhà nhà ở, trạm xá, các công trình thủy lợi, điện, giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng cấp bách khác để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai; nhất là khôi phục, sửa chữa trường học bị hư hỏng để học sinh kịp vào năm học mới.
Khôi phục và phát triển sản xuất, đồng thời tiếp tục rà soát lại các phương án, chủ động công tác phòng, chống mưa lũ tiếp theo nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.


Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
(SMS: 505552)
- Ngày 11/8/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 204/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện Đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở, theo nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội, trong đó ưu tiên người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số…
Đề án này cần nêu rõ: các đối tượng hộ gia đình được hỗ trợ, xếp thứ tự ưu tiên… làm cơ sở cho các địa phương bình xét, xác định danh sách cụ thể; Tiêu chí, yêu cầu về quy mô, tính bền vững của nhà ở xây dựng hỗ trợ; Xác định nguồn kinh phí xây dựng nhà ở hỗ trợ…
Về mức hỗ trợ, ngân sách Trung ương hỗ trợ từ 6 - 7 triệu đồng cho 1 nhà; cho vay ưu đãi từ 7 - 8  triệu đồng cho 1 nhà; đối với những nơi nhà ở thuộc diện di dời, khu quy hoạch tập trung có thể cho vay nhiều hơn…


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2008
(SMS: 505530)
- Theo Nghị quyết số 17/2008/NQ-CP ra ngày 08/8/2008, Chính phủ yêu cầu: tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu. Chú trọng việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, đặc biệt là vốn lưu động cho sản xuất, vốn cho xuất khẩu và vốn đầu tư xây dựng cơ bản các dự án, công trình thiết yếu; bảo đảm điện cho sản xuất; tiếp tục rà soát để cải tiến, xoá bỏ các thủ tục hành chính gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi tiêu trong sản xuất và tiêu dùng. Đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn ODA, FDI; Rà soát, bố trí lại kế hoạch đầu tư năm 2008 của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án trọng điểm, các dự án sắp hoàn thành.
Điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường với lộ trình, thời điểm thích hợp. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, bảo đảm cân đối nguồn hàng, không để thiếu hàng hoá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm. Tiếp tục giữ ổn định giá điện, giá than cho bốn hộ trọng điểm, giá nước sạch và cước vận chuyển xe buýt công cộng đến hết năm 2008.

Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế; điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt; cải thiện cán cân thanh toán; kiểm soát chặt chẽ và tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh; Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chí mới về thành lập ngân hàng thương mại cổ phần để quản lý chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế thị trường của nước ta; đồng thời, có các biện pháp kiểm soát, xử lý đối với các ngân hàng hoạt động không có hiệu quả.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Nhiệm vụ năm học 2008 - 2009
(SMS: 505588)
- Ngày 13/8/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008 - 2009.
Bộ trưởng yêu cầu: các sở, phòng GD-ĐT, các trường cần tăng cường phối hợp với các hội và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để vận động, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho từng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh bỏ học trở lại trường.
Các địa phương ở vùng khó khăn cần tăng cường đầu tư kinh phí, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đi học, vận động học sinh bỏ học đi học trở lại, phụ đạo học sinh yếu, tăng cường đội ngũ giáo viên, mở rộng các hình thức tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên, đưa lớp học về các cụm dân cư; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, dưới sự lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương để thực hiện xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục.
Về giáo dục mầm non (GDMN), cần n
âng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ban hành chuẩn phát triển trẻ 5-6 tuổi. Chỉ đạo mở rộng diện thực hiện chương trình thí điểm GDMN, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai đại trà vào năm 2010.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy và đổi mới công tác thanh tra giáo dục các cấp. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và thanh tra viên. Tăng cường các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học, ngành học; thanh tra, kiểm tra việc phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo…

Xây dựng và triển khai Đề án phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009 - 2015 nhằm tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi tiếp cận với giáo dục có chất lượng trong các loại hình trường;
chuẩn bị tiếng Việt, nhất là đối với trẻ em vùng khó khăn, vùng dân tộc trước khi vào lớp 1. Đảm bảo trẻ em 5 tuổi ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc được đi học tại các trường mẫu giáo công lập, ở các vùng còn lại tăng cường huy động trẻ 5 tuổi được học trong các loại hình trường…
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản
(SMS: 505594)
- Theo Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành ngày 06/8/2008, quy định: tổ chức, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản phải Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp hộ gia đình ương nuôi, thuần dưỡng, làm dịch vụ giống thuỷ sản quy mô nhỏ, có thu nhập thấp thì không phải đăng ký kinh doanh…
Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống bố mẹ, giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được đào tạo về kỹ thuật sản xuất giống thuỷ sản hoặc nuôi trồng thuỷ sản. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống thuần chủng, đàn giống cụ kỵ, đàn giống ông bà phải có nhân viên kỹ thuật có văn bằng chứng nhận trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản hoặc ngành sinh học…
Trước khi đ­ưa ra khỏi trại sản xuất giống, cơ sở phải khai báo và gửi hồ sơ kiểm dịch theo mẫu đến cơ quan quản lý thú y ở địa phương để kiểm dịch và cấp phiếu kiểm dịch cho lô giống đó; giống lưu thông không có phiếu kiểm dịch buộc phải tiêu huỷ.
Khi kiểm dịch phát hiện lô giống có tỷ lệ cảm nhiễm bệnh vượt mức cho phép theo quy định đối với từng loại bệnh thì cơ quan kiểm dịch yêu cầu và hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện tiêu huỷ ngay toàn bộ lô giống đó, khử trùng cơ sở sản xuất.
Trường hợp người mua giống tự đến cơ sở lấy mẫu để kiểm tra bệnh trước khi mua thông qua các tổ chức, cá nhân đủ năng lực kiểm tra bệnh bằng phương pháp tiên tiến (PCR,...) có kết quả lô giống đó bị nhiễm bệnh và thông báo lại thì cơ sở không được bán lô giống đã nhiễm bệnh đó, phải báo ngay cho cơ quan quản lý thú y địa phương hướng dẫn tiêu huỷ toàn bộ và thực hiện khử trùng làm sạch khu vực trước khi tiếp tục sản xuất lô mới.
Đối với tất cả các loại giống thuỷ sản nhập khẩu phải làm thủ tục kiểm dịch qua cửa khẩu, phải nuôi cách ly trong một thời gian từ 1-2 ngày trở lên để theo dõi tình trạng sức khoẻ và sự thích ứng với môi trường, sau khi đã có xác nhận của cơ quan kiểm dịch giống không bị nhiễm bệnh thì mới được đưa vào sản xuất…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế nhập khẩu
(SMS: 505539)
- Ngày 05/8/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 67/2008/QĐ-BTC về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, đa số thuế suất nhập khẩu các mặt hàng này được giảm xuống còn 2%. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu của nhóm hàng 04.04: Whey, đã hoặc chưa cô đặc hoặc pha thêm đường hoặc chất ngọt khác; các sản phẩm có chứa thành phần sữa tự nhiên, đã hoặc chưa pha thêm đường hoặc chất ngọt khác, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, giảm từ 10% xuống còn 2%; của đậu tương, đã hoặc chưa vỡ mảnh (mã số HS là 1201.00.90.00) giảm từ 2% xuống còn 0%; của lysin và este, muối của chúng (mã số HS là 2922.41.00.00) giảm từ 5% xuống còn 2%...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Dự trữ máy phát điện
(SMS: 505591)
- Ngày 04/8/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 66/2008/QĐ-BTC về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ quốc gia đối với máy phát điện”.
Theo đó, khi một lô máy phát điện được nhập kho ở nhiều đơn vị dự trữ quốc gia khu vực khác nhau, bản chính hồ sơ được giao cho đơn vị có số lượng máy nhập kho nhiều nhất, còn các đơn vị khác hồ sơ là bản sao có công chứng nhà nước.
Chọn ngẫu nhiên bất kỳ 5% tổng số máy giao nhận tại một điểm kho nhận hàng để tiến hành nổ máy, kiểm tra toàn diện tình trạng vận hành của máy phát. Kết quả kiểm tra vận hành phải đảm bảo: động cơ thứ cấp hoạt động tốt, không có tiếng va đập lạ; công suất phát điện đạt công suất danh định tại tốc độ quay danh định tương ứng với điện áp của máy đạt từ 95% đến 105% điện áp danh định; các đồng hồ chỉ báo trên bảng điều khiển hiển thị số liệu phù hợp với tình trạng vận hành…
Mọi trường hợp giao nhận máy đều phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chất lượng, tình trạng thực tế của lô hàng và các tài liệu, hồ sơ được giao kèm theo. Biên bản giao nhận được lưu giữ cùng các hồ sơ pháp lý khác kèm theo lô hàng.
Nhà kho phải kín, có tường bao quanh bảo đảm tránh mưa, nắng và không gần những nơi có nguồn nhiệt cao hoặc đường điện cao thế. Nền kho cao, bằng phẳng và khô ráo. Tải trọng nền tối thiểu đạt 5,0 tấn/m2, xung quanh kho có rãnh thoát nước tránh ngập úng nền kho. Không cất giữ máy phát điện cùng với các các vật liệu, hoá chất dễ cháy nổ hoặc gây ăn mòn kim loại…
Thủ kho không thực hiện việc bảo quản, sửa chữa và vận hành máy phát điện khi chưa nắm vững các chỉ dẫn trong tài liệu hướng dẫn kèm theo máy hoặc chưa xác định rõ nguyên nhân các hư hỏng khi đang thực hiện công việc bảo quản. Thủ kho không có chuyên môn không được thực hiện các công việc bảo dưỡng, vận hành hoặc sửa chữa đòi hỏi thợ lành nghề hoặc những chuyên gia chuyên ngành thực hiện. Tuyệt đối không được làm những công việc ngoài phạm vi trách nhiệm được giao…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Báo cáo tài chính
(SMS: 505592)
- Ngày 08/8/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 23/2008/QĐ-NHNN ban hành Chế độ Báo cáo tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, Chế độ Báo cáo tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về nội dung, phương pháp lập, tổng hợp, trình bày và các nội dung khác có liên quan đến Báo cáo tài chính đối với  NHNN, bao gồm:  lập, trình bày và nộp Báo cáo tài chính của các đơn vị thuộc hệ thống NHNN; Tổng hợp và lập Báo cáo tài chính của toàn hệ thống NHNN.
Báo cáo tài chính được lập trên cơ sở số liệu các tài khoản trong và ngoài Bảng cân đối kế toán theo đúng tính chất, nội dung của tài khoản được quy định trong hệ thống tài khoản kế toán NHNN hiện hành và Hệ thống tài khoản kế toán các đơn vị hành chính sự nghiệp hiện hành.
Đồng thời, Báo cáo tài chính phải phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực và khách quan số liệu về các hoạt động của các đơn vị báo cáo. Đối với một số biểu mẫu Báo cáo tài chính có kèm theo các yêu cầu thuyết minh thì phải trình bày rõ ràng, đầy đủ các vấn đề cần thuyết minh.
Báo cáo tài chính được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản và bằng file (tệp) dữ liệu trên vật mang tin (băng, đĩa từ…) hoặc truyền qua mạng máy vi tính. Báo cáo bằng văn bản và file dữ liệu trên vật mang tin hoặc truyền qua mạng máy vi tính phải khớp đúng với nhau.
Năm tài chính của NHNN bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào cuối ngày 31/12 năm dương lịch. Việc công khai Báo cáo tài chính hoặc cung cấp số liệu từ Báo cáo tài chính được thực hiện theo quy định hiện hành. Việc công khai số liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong ngành Ngân hàng phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật Nhà nước.Việc kiểm toán và xác nhận Báo cáo tài chính hàng năm của NHNN thực hiện theo quy định của pháp luật.
Báo cáo tài chính phải được lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về kế toán.
Trong nội dung của Chế độ Báo cáo tài chính đối với NHNN quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị báo cáo, các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN trong việc thực hiện chế độ này.

Quyết định  này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.
 

 TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG


Chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm
(SMS: 505611)
- Ngày 06/8/2008, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Quyết định số 1024/QĐ-TĐC về việc ban hành Hướng dẫn đánh giá chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Theo đó, cơ sở phải đảm bảo vật tư, linh kiện mua vào phù hợp với các yêu cầu đã quy định. Cách thức và mức độ kiểm soát áp dụng cho người cung ứng và sản phẩm mua vào phụ thuộc vào mức độ tác động của sản phẩm mua vào đối với quá trình tạo ra thành phẩm.
Sau khi phân loại mũ bảo hiểm, xác định số lô hiện sản xuất tại cơ sở sản xuất, trong lô chọn ngẫu nhiên 6 mũ bảo hiểm, tạo thành một mẫu điển hình để gửi thử nghiệm tại phòng thử nghiệm do tổ chức chứng nhận lựa chọn.
Việc lấy mẫu phải được lập thành biên bản có chữ ký của người lấy mẫu thuộc tổ chức chứng nhận (hay người được ủy quyền) và chữ ký xác nhận của đại diện cơ sở sản xuất.
Các công việc liên quan như phương pháp niêm phong/ký hiệu mẫu, vận chuyển, bảo quản mẫu, thời gian nhận mẫu, thông báo kết quả thử nghiệm, bảo mật,… được tổ chức chứng nhận giải thích rõ và thống nhất với cơ sở và phòng thử nghiệm trước khi tiến hành.
Nếu kết quả thử nghiệm mẫu lần thứ nhất không đạt yêu cầu quy định, tổ chức chứng nhận thông báo đến cơ sở sản xuất để có biện pháp khắc phục. Sau khi cơ sở sản xuất đã có biện pháp khắc phục, tổ chức chứng nhận sẽ tiến hành lấy mẫu lần 2 loại mũ bảo hiểm này để thử nghiệm lại các chỉ tiêu không đạt. Kết quả thử nghiệm mẫu lần 2 sẽ là kết quả đánh giá cuối cùng. Trong trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu lần hai vẫn không đạt, tổ chức chứng nhận sẽ thông báo đến cơ sở sản xuất về việc loại mũ bảo hiểm đó chưa đủ điều kiện để chứng nhận hợp quy tại thời điểm đánh giá.
Cơ sở có mũ bảo hiểm đánh giá hợp quy sẽ được cấp Giấy chứng nhận hợp quy có giá trị 3 năm, trong đó nêu rõ loại mũ, kích cỡ, vòng đầu, có kích chắn gió hay không, nhãn hiệu…
Ba tháng trước khi hết hạn hiệu lực, tổ chức chứng nhận thông báo để cơ sở biết và làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận. Dựa trên yêu cầu bằng văn bản của cơ sở và kết quả các lần giám sát định kỳ, tổ chức chứng nhận sẽ xem xét cấp lại Giấy chứng nhận cho cơ sở.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 06/8/2008.