Số 32.2007 (337) ngày 17/08/2007

 QUỐC HỘI


Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh
(SMS: 501211)
- Ngày 04/8/2007, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH12.
Theo đó, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận giúp việc.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
 

 CHÍNH PHỦ


Gia hạn nộp thuế
(SMS: 501207)
- Theo Công văn số 4532/VPCP-KTTH ngày 16/8/2007 về việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, Văn phòng Chính phủ thông báo về ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này như sau: đồng ý gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng là 90 ngày đối với các mặt hàng: phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất cơ bản, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu nhựa và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, với điều kiện người nộp thuế phải là đối tượng chấp hành tốt pháp luật về thuế hoặc có bảo lãnh về số tiền phải nộp trong trường hợp người nộp thuế là đối tượng chưa chấp hành tốt pháp luật về thuế…

Quy định về thuê tư vấn xây dựng
(SMS: 501162)
- Ngày 09/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
Theo đó, việc thuê tư vấn nước ngoài thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, tiết kiệm chi phí và hiệu quả.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thuê và hình thức thuê tư vấn nước ngoài lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn của tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thuê và hình thức thuê tư vấn nước ngoài lập các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng phê duyệt.
Có 02 hình thức thuê tư vấn là thuê chuyên gia và thuê tổ chức. Chuyên gia tư vấn nước ngoài phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn xây dựng, có ít nhất 05 năm hành nghề tư vấn xây dựng và đã tham gia hoàn chỉnh ít nhất 03 dịch vụ tư vấn xây dựng cùng loại công việc dự kiến được thuê. Tổ chức tư vấn nước ngoài phải có đăng ký hoạt động, có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về tài chính, có đủ số lượng, chất lượng chuyên gia và đã thực hiện hoàn chỉnh ít nhất 03 dịch vụ tư vấn xây dựng cùng loại với dịch vụ tư vấn dự kiến được thuê với tư cách là nhà thầu chính.
Chi phí thuê tư vấn nước ngoài xác định theo dự toán tháng-người hoặc xác định bằng tỷ lệ phần %. Chi phí thuê chuyên gia xác định trên cơ sở số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của từng chuyên gia tương ứng với mức tiền lương cơ bản và các khoản chi phí tính theo tiền lương cơ bản của chuyên gia như chi phí xã hội, quản lý, bảo hiểm...
Việc thuê tư vấn nước ngoài phải thông qua hợp đồng tư vấn ký kết giữa chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc cơ quan tổ chức lập đồ án quy hoạch xây dựng với nhà thầu tư vấn. Trong quá trình thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng có liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, nhà thầu tư vấn nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Trường hợp sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước ngoài phải tuân thủ các văn bản hiện hành liên quan.
Nhà thầu tư vấn nước ngoài tuyệt đối không được mua bán thầu dưới mọi hình thức. Quá trình giám sát việc thực hiện hợp đồng, nếu phát hiện có vi phạm các nội dung đã cam kết trong hợp đồng hoặc mua bán thầu thì xử lý theo quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giải quyết tranh chấp lao động
(SMS: 501095)
- Ngày 08/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 133/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động.
Theo đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải, Hội đồng hòa giải phải họp với các bên tranh chấp lao động để hòa giải. Phiên họp hòa giải vụ tranh chấp lao động được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng.
Ngoài ra, đối với các vụ tranh chấp lao động về quyền, trong trường hợp đã được Hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải nhưng không thành; hoặc đã hết thời hạn 3 ngày mà Hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc không tổ chức được phiên họp hòa giải thì Chủ tịch UBND cấp huyện có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp huyện phải họp với các bên tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp…
Ở các doanh nghiệp không được đình công, Hội đồng trọng tài lao động do UBND cấp tỉnh thành lập, gồm các thành viên chuyên trách và kiêm nhiệm là đại diện của cơ quan lao động, công đoàn, người sử dụng lao động và đại diện của Hội luật gia hoặc là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động ở địa phương. Hội đồng trọng tài lao động gồm 5 hoặc 7 thành viên hòa giải các vụ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và các vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp không được đình công… Trong thời hạn 7 ngày làm việc, Hội đồng này phải họp với các bên tranh chấp để giải quyết. Khi tiến hành giải quyết các vụ tranh chấp lao động, Hội đồng phải ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Nếu một trong hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết…
Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp chưa có Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tập thể lao động được cử đại diện để tổ chức và lãnh đạo đình công với số người đại diện là số lẻ, tối đa không quá 9 người và tối thiểu không dưới 3 người…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ phu nhân/phu quân ngoại giao
(SMS: 501058)
- Ngày 06/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 157/2005/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đó, cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có chức danh từ Bí thư thứ ba trở lên, Trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không giữ chức vụ ngoại giao, cán bộ, công chức hưởng chỉ số sinh hoạt phí ngoài nước tương đương chỉ số sinh hoạt phí của Bí thư thứ nhất, cán bộ, công chức có chức danh ngoại giao hưởng chỉ số sinh hoạt phí ngoài nước tương đương chỉ số sinh hoạt phí của Bí thư thứ ba trở lên được hưởng chế độ phu nhân/phu quân do ngân sách nhà nước chi trả…
Phu nhân/phu quân Đại sứ được hưởng 125% mức sinh hoạt phí tối thiểu; phu nhân/phu quân Công sứ, Tham tán Công sứ, Tham tán và Trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không giữ chức vụ ngoại giao hưởng 110% mức sinh hoạt phí tối thiểu; phu nhân/phu quân Bí thư thứ ba trở lên, cán bộ, công chức hưởng chỉ số sinh hoạt phí ngoài nước tương đương chỉ số sinh hoạt phí của Bí thư thứ nhất và cán bộ, công chức có chức danh ngoại giao hưởng chỉ số sinh hoạt phí tương đương Bí thư thứ ba trở lên hưởng 80% mức sinh hoạt phí tối thiểu…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm giá bán xăng
(SMS: 501205)
- Theo Quyết định số 73/2007/QĐ-BTC ban hành ngày 16/8/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: kể từ ngày 16/8/2007, các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu tại thị trường trong nước thực hiện giảm giá bán lẻ 500 đồng/lít.
Cụ thể: Xăng không chì RON 95 là 11.600 đồng/lít; RON 92 là 11.300 đồng; RON 90 là 11.100 đồng; RON 83 là 10.900 đồng.
Giá bán lẻ xăng tại các địa bàn xa cảng nhập khẩu xăng dầu (vùng 2) không vượt quá 2% giá bán lẻ tại vùng 1. Các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, căn cứ mức giảm giá xăng, có trách nhiệm xem xét hạ giá thành sản phẩm được sản xuất có nhiên liệu đầu vào là xăng, giảm giá cước vận chuyển cho phù hợp.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm giá bán xăng của các đơn vị trực thuộc, đại lý bán lẻ thuộc hệ thống phân phối mà doanh nghiệp quản lý…


Chính sách định canh, định cư
(SMS: 501155)
- Ngày 10/8/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 99/2007/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg.
Theo đó, đối với các xã tiếp nhận các hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến định canh, định cư xen ghép, sẽ được hỗ trợ cho ngân sách xã với mức 20 triệu đồng/hộ, để sử dụng vào các việc: Bồi thường đất ở, đất sản xuất cho hộ dân sở tại bị thu hồi đất giao cho hộ định canh, định cư theo chế độ quy định; Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã.
Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới đưa vào sản xuất: mức mỗi năm 30 triệu đồng/thôn, bản (điểm định canh, định cư tập trung). Thời gian hỗ trợ: 3 năm tính từ khi đã tổ chức các hộ dân về sinh sống tại điểm định canh, định cư tập trung…
Căn cứ quỹ đất, phương án giải quyết về đất ở và đất sản xuất, thực hiện giao đất cho các hộ du canh, du cư theo chế độ quy định: mức giao diện tích đất ở tối thiểu 200 m2 cho mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số du cư thực hiện định cư. Mức giao diện tích đất sản xuất tối thiểu một hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh thực hiện định canh là 0,5 ha đất nương, rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước một vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước hai vụ.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán
(SMS: 501091)
- Ngày 08/8/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 97/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, các tình tiết sau sẽ được xem xét để giảm nhẹ việc xử phạt vi phạm: chủ động ngăn chặn vi phạm tiếp diễn, làm giảm bớt thiệt hại; tự nguyện khắc phục hậu quả; tự nguyện bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính của mình gây ra sẽ do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định; vi phạm do thiếu hiểu biết; do bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; do bị xúi giục, lôi kéo, ép buộc thì phải có cơ sở bằng chứng để chứng minh…
Bên cạnh đó, sẽ tăng nặng nếu vi phạm nhiều lần là trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng trước đó chưa bị xử phạt hành chính; tái phạm là trường hợp trước đó đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa đến thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó.
Chủ tịch UBCKNN có quyền xử phạt tiền tối đa đến 70 triệu đồng…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Giải quyết vướng mắc về thuế GTGT
(SMS: 501204)
- Theo Công văn số 4640/TCHQ-KTTT về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 32/2007/TT-BTC, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: khi nhập khẩu hàng hóa. nếu doanh nghiệp đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập tái xuất thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nếu doanh nghiệp đăng ký tờ khai theo loại hình kinh doanh thì thời hạn nộp thuế là 30 ngày (đối với trường hợp được ấn hạn thuế) kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp hàng hoá đã tái xuất trong thời hạn nộp thuế 30 ngày nêu trên thì doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT tương ứng với một số hàng hóa tái xuất…