Số 31.2011 (540) ngày 02/08/2011

 

SỐ 31 (540) - THÁNG 8/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

66/2011/NĐ-CP

Nghị định 66/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn…

 

* 5 tiêu chí bổ nhiệm người quản lý DN do Nhà nước làm chủ sở hữu

Trang 2

2

64/2011/NĐ-CP

Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

 

* Chính phủ ban hành Nghị định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh 

Trang 2

3

63/2011/NĐ-CP

Nghị định 63/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại

 

* 4 trường hợp Trung tâm trọng tài bị thu hồi Giấy phép hoạt động 

Trang 3

4

40/2011/QĐ-TTg

Quyết định 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến

 

* Trợ cấp 360.000 đồng hàng tháng cho thanh niên xung phong

Trang 3

5

1271/QĐ-TTg

Quyết định 1271/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012

 

* Năm 2012 tiến hành Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp 

Trang 3

6

1270/QĐ-TTg

Quyết định 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020"

 

* 7 nhóm giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số 

Trang 4

7

62/2011/NĐ-CP

Nghị định 62/2011/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn

 

* Phải đạt đô thị loại III trước khi được công nhận là thành phố thuộc tỉnh 

Trang 4

8

61/2011/NĐ-CP

Nghị định 61/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/06/2004 của Chính phủ…

 

* Thêm 2 trường hợp không bị buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh 

Trang 5

9

87/NQ-CP

Nghị quyết 87/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2011

 

* Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt

Trang 5

10

1244/QĐ-TTg

Quyết định 1244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015

 

* Đến 2015, tăng số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ lên gấp 1,5 lần 

Trang 6

11

1241/QĐ-TTg

Quyết định 1241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015

 

* Chi 955 tỷ cho chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 07/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS07/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

5 TIÊU CHÍ BỔ NHIỆM NGƯỜI QUẢN LÝ DN DO
NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU

Ngày 01/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2011/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Người được bổ nhiệm làm quản lý doanh nghiệp phải đạt 05 tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm là: Đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp và của cơ quan có thẩm quyền; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng; trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao và không thuộc trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo quy định.

Ngoài các điều kiện nêu trên, việc bổ nhiệm kiểm soát viên còn phải tuân theo quy định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật. Thời hạn bổ nhiệm không quá 05 năm; đối với chức danh kiểm soát viên, thời hạn bổ nhiệm không quá 03 năm.

Người quản lý doanh nghiệp hết thời hạn giữ chức vụ, chức danh được cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm lại khi đạt các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm nêu

 

trên; hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp; không trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử và không trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật từ khiển trách trở lên.

Cũng theo Nghị định này, người đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí chức danh được cử làm đại diện; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; hiểu biết pháp luật, có ý thức chấp hành pháp luật và không thuộc trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, chức danh.

Ngoài ra, Nghị định còn có các quy định cụ thể về việc từ chức, miễn nhiệm, thôi làm đại diện; thôi việc, nghỉ hưu; đánh giá và bồi dưỡng kiến thức; các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2011.

CHÍNH PHỦ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP
BẮT BUỘC CHỮA BỆNH

Ngày 28/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự. 

Theo đó, trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc 01 bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp. 

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang thi hành án tại Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì người có thẩm quyền đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi có Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ người bị kết án tiến hành trưng cầu

 

giám định pháp y tâm thần đối với họ và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 

Cũng theo Nghị định này, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần được Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh phải thông báo ngay cho thân nhân hoặc chính quyền địa phương nơi người bị bắt buộc chữa bệnh đăng ký thường trú hoặc tạm trú biết. 

Khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định pháp y tâm thần giám định về tình trạng bệnh của người đó, căn cứ vào kết quả giám định, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2011.

4 TRƯỜNG HỢP TRUNG TÂM TRỌNG TÀI BỊ THU HỒI
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/07/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại về quản lý nhà nước về trọng tài, thủ tục đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài… 

Theo Nghị định này, hồ sơ xin cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy phép đăng ký hoạt động, hồ sơ chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có thể nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính cho cơ quan có thẩm quyền. 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài; trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp. Trung tâm trọng tài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. 

Ngoài ra, Trung tâm trọng tài cũng có thể thành lập Chi nhánh và Văn phòng đại diện; trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định lập Chi nhánh, Trung

 

tâm trọng tài phải đăng ký hoạt động của Chi nhánh tại Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi đặt Chi nhánh. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập Văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm, thay đổi Trưởng Văn phòng đại diện, Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở và nơi đặt Văn phòng đại diện. 

Nghị định cũng quy định 04 trường hợp mà Trung tâm trọng tài bị thu hồi Giấy phép hoạt động là: Trung tâm trọng tài có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm; Trung tâm trọng tài không tiến hành bất kỳ hoạt động nào ghi trong Điều lệ, Giấy phép thành lập trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài không tiến hành đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp địa phương… 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/09/2011 và thay thế Nghị định số 25/2004/NĐ-CP ngày 15/01/2004. Trước ngày 31/12/2011, các Trung tâm trọng tài được thành lập trước ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ và Quy tắc tố tụng trọng tài cho phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại; Điều lệ sửa đổi, bổ sung phải được Bộ Tư pháp phê chuẩn.

TRỢ CẤP 360.000 ĐỒNG HÀNG THÁNG CHO
THANH NIÊN XUNG PHONG

Ngày 27/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Theo Quyết định này, thanh niên xung phong đã tham gia kháng chiến hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương được hưởng các chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 01 lần, ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, Ngân hàng Chính sách Xã hội để sản xuất kinh doanh cải thiện đời sống. 

Cụ thể, mức trợ cấp 01 lần đối với thanh niên xung phong đã tham gia kháng chiến từ đủ 02 năm trở xuống bằng 2,5 triệu đồng; trên 02 năm, thì từ năm thứ 03 trở đi, mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. Thanh niên xung phong đã từ trần
 

 

thì 01 trong những người sau đây được hưởng chế độ trợ cấp 01 lần bằng 3,6 triệu đồng: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần. 

Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng mức 360.000 đồng. Mức trợ cấp này được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đối tượng được xét hưởng trợ cấp hàng tháng thì không hưởng chế độ trợ cấp 01 lần. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2011 và thay thế Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/04/1999. 

NĂM 2012 TIẾN HÀNH TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ,
HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP

Tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, cơ sở hành chính, sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài trên phạm vi cả nước, phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ. 

Đây là nội dung và mục đích của cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27/07/2011. 

Nội dung của cuộc Tổng điều tra bao gồm các thông tin chung về cơ sở, người lao động của các cơ sở, thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin về tài sản, vốn đầu tư thực hiện phân theo nguồn hình thành vốn và phân theo khoản mục đầu tư, thông tin về trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin. 

Cuộc Tổng điều tra sẽ được tiến hành theo 02 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (từ

 

ngày 01 đến ngày 30/04/2012) thực hiện thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài. 

Ở giai đoạn 2, sẽ tiến hành thu thập thông tin của các cơ sở hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; các thông tin này được thu thập từ ngày 01 đến ngày 30/07/2012. 

Để thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra lần này, Thủ tướng chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và đến tận cấp xã; các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra này tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổng Điều tra. 

Cũng trong Quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện phương án Tổng điều tra; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự toán kinh phí Tổng điều tra trình Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai tổ chức, chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra, tổng hợp và công bố kết quả Tổng điều tra.

7 NHÓM GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" trong Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/07/2011.

Địa bàn thực hiện Đề án là miền núi, dân tộc thiểu số; ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; những vùng phải di dời để phát triển kinh tế; vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ). 

Mục tiêu của Đề án là từ nay đến 2015 cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 5.000 người) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc. 

Phấn đấu đến năm 2015, 50 - 60% số làng, bản, buôn, phum, sóc, thôn... có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện và đến năm 2020 là 70 - 85%, 60 - 80% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trên địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành. 

Bên cạnh đó, mỗi huyện vùng dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ phát triển ít nhất

 

02 nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. 

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 7 giải pháp, trong đó giải pháp đột phá là đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển. 

Cùng với đó, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người; xây dựng các chương trình hoạt động, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia định kỳ hàng năm và cả giai đoạn 2011 - 2020… 

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án là khoảng 1512 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 (2011 - 2015) là 1030,7 tỷ đồng, giai đoạn 2 (2016 - 2020) là 481,3 tỷ đồng. 

PHẢI ĐẠT ĐÔ THỊ LOẠI III TRƯỚC KHI ĐƯỢC CÔNG NHẬN
LÀ THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Ngày 26/07/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2011/NĐ-CP về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn, trong đó quy định rõ 10 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc tỉnh. 

Cụ thể, các tiêu chuẩn để được công nhận là thành phố thuộc tỉnh, như: Đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại III trở lên; quy mô dân số đạt từ 150.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ hai phần ba trở lên; thời gian xây dựng đồng bộ từ 01 năm trở lên. 

Thành phố thuộc tỉnh cũng đồng thời phải thực hiện chức năng đô thị, là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu trong tình hoặc đô thị thuộc tỉnh, trung tâm chuyên ngành của vùng liên tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu của vùng liên tỉnh; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một vùng trong tỉnh, một tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với vùng liên tỉnh. 

Cũng theo Nghị định này, 01 trong 09 tiêu chuẩn để thành lập thị xã thuộc tỉnh, thị

 

xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là về chức năng đô thị, thị xã phải là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành, đầu mối giao thông, giao lưu, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một vùng trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Bên cạnh đó, thị xã thuộc tỉnh, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập phải đạt một số tiêu chuẩn khác như: Đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại IV; quy mô dân số đạt từ 50.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị đạt từ 75% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 75% trở lên… 

Cùng với đó, quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập khi mật độ dân số đạt từ 10.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động; hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh và có quy hoạch phân khu đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt… 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2011.  

THÊM 2 TRƯỜNG HỢP KHÔNG BỊ BUỘC ĐƯA VÀO
CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Ngày 26/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/06/2004 quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh. 

Theo đó, Nghị định bổ sung thêm 02 trường hợp không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, gồm: người nước ngoài và người trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam. Trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên trong thời hạn 02 năm (kể từ ngày đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh) lại tái nghiện không còn thuộc đối tượng không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. 

Cũng theo Nghị định này, thay vì phải trả tiền ăn theo quy định tại Nghị định 135/2004/NĐ-CP, theo quy định mới, người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định. Đối với người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, người chưa thành niên, người không có nơi cư trú nhất định sẽ được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn. 
 

 

Đối với người đã chấp hành 1/2 thời hạn, có tiến bộ rõ rệt trong thời gian chấp hành quyết định hoặc lập công trong thời gian chấp hành tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội thì được giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại. 

Cách xác định người có tiến bộ rõ rệt, lập công cũng được quy định cụ thể là: Trường hợp có tiến bộ rõ rệt trong thời gian chấp hành quyết định là người trong thời gian chấp hành quyết định tích cực lao động, học tập, chữa trị, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của Trung tâm và được giám đốc Trung tâm khen thưởng tại khoản 2 Điều 70 Nghị định 135/2004/NĐ-CP. 

Trường hợp lập công trong thời gian chấp hành quyết định là người tố cáo những hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giúp cơ quan điều tra phát hiện, ngăn ngừa tội phạm, các hành vi trốn khỏi Trung tâm, chống, phá Trung tâm; cứu được tính mạng của người khác; cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể và được Giám đốc Trung tâm khen thưởng bằng văn bản…   

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/09/2011. 

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ THẮT CHẶT

Khu vực sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn do tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tai nạn giao thông, tội phạm, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường vẫn còn gây nhiều bức xúc xã hội. Đời sống người lao động, người có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp tập trung còn nhiều khó khăn. 

Đây là đánh giá được nêu trong Nghị quyết số 87/NQ-CP ngày 27/06/2011 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 07/2011 đã diễn ra ngày 24/07/2011. 

Cũng theo Nghị quyết này, đánh giá về kết quả đã đạt được trong 07 tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục nhận định, tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực; tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiềm chế, thu ngân sách tăng khá, bội chi ngân sách nhà nước giảm; quan trọng nhất là trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, nhưng đầu tư cho lĩnh vực xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vẫn tiếp tục được chú trọng. 

Bên cạnh đó, để phấn đấu đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, từ nay đến cuối năm và thời gian tiếp theo, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết trước đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính

 

phủ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, đặc biệt chú ý bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng ngân hàng; tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát. 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; nghiêm túc thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, phấn đấu giảm bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội quyết định. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng xuất khẩu nông sản, lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá…
 

ĐẾN 2015, TĂNG SỐ LƯỢNG SÁNG CHẾ ĐĂNG KÝ
BẢO HỘ LÊN GẤP 1,5 LẦN

Ngày 25/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015. 

Theo đó, Thủ tướng chủ trương tạo bước chuyển biến đột phá trong đầu tư và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tăng cường nguồn đầu tư từ xã hội cho phát triển khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển mạnh các hoạt động xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ đăng lý và khai thác sáng chế trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. 

Mục tiêu trong giai đoạn này là tăng số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ lên gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, xây dựng 4000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó 45% tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, ban hành 1000 quy chuẩn kỹ thuật. 

Trên 60% nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, 20% nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn có kết quả được công bố trên các tạp chí có uy tín, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; hình

 

thành được 10 tổ chức nghiên cứu cơ bản trong các trường đại học trọng điểm quốc gia có đủ tiêu chuẩn và điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới. 

Bên cạnh đó, cần phát triển 3000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành từ các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm khảng 70%. Tăng giá trị giao dịch công nghệ thành công trên thị trường khoa học và công nghệ đạt bình quân 15 - 17%. Hình thành 30 tổ chức nghiên cứu và phát triển cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. 

Cũng trong Quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng Đề án phát triển tiềm lực một số tổ chức khoa học công nghệ trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh; phát triển tiềm lực các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 

CHI 955 TỶ CHO CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Với mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng, ngày 22/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1241/QĐ-TTg phê duyệt Chương quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015. 

Chương trình sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với tổng kinh phí 955 tỷ đồng, được bố trí từ các nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; viện trợ quốc tế; huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác. 

Nội dung của Chương trình gồm 05 Dự án trong đó, mục tiêu của Dự án 1 phấn đấu 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và sinh viên, học sinh các cấp, các cụm dân cư được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. 

Nội dung Dự án 2 là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới, cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và cán bộ làm công tác pháp chế; hỗ trợ thí điểm một số cơ quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

 

Dự án 3 là nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch. 

Dự án 4 sẽ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới với mục tiêu xây dựng và thí điểm thực hiện 05 mô hình nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới gồm: Mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp tại 10 cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm; Mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 63 xã… 

Dự án 5 sẽ được thực hiện tại một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đại diện cho các khu vực, vùng, miền trong phạm vi toàn quốc với việc hỗ trợ xây dựng phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới. Mục tiêu của dự án sẽ thí điểm thành lập và vận hành 04 Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bình đẳng giới. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/07/2011.
 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây http://www.luatvietnam.vn/nhanbantin.aspx. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.