Số 31.2010 (489) ngày 10/08/2010

 

CHÍNH PHỦ


Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 7/2010 (SMS: 30/NQ-CP) - Ngày 08/8/2010, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 30/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 7/2010. Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, tổ chức phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các địa phương, trước hết là các thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, đăng ký và niêm yết giá sữa, giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn và tại nhà thuốc trong các bệnh viện; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để quản lý giá các sản phẩm này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần; điều chỉnh hợp lý mối quan hệ giữa lãi suất vay ngoại tệ và lãi suất vay Việt Nam đồng; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ linh hoạt theo hướng ổn định, phù hợp với các cân đối vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại tệ. Các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án; chủ động điều chuyển vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2010 và năm 2011. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, kiên quyết đình hoãn, cắt giảm đầu tư các công trình chưa cần thiết, kém hiệu quả.

Thu hút chuyên gia giỏi tham gia giám định tư pháp (SMS: 1358/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1358/QĐ-TTg ngày 03/8/2010 ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 về việc phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Theo Kế hoạch này, Bộ Tư pháp được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp; hoàn thiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các cá nhân tham gia hoạt động giám định cả ở phương diện vật chất (ngạch lương riêng, phụ cấp trách nhiệm, chế độ thâm niên đối với người giám định tư pháp chuyên trách, chế độ bồi dưỡng đối với người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm tương quan thu nhập từ việc thực hiện giám định tư pháp với mặt bằng thu nhập của người giám định không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và phi vật chất (tôn vinh các chuyên gia giỏi, hàng đầu trong các lĩnh vực tham gia hoạt động giám định).
Trong năm 2010 sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo về đánh giá hệ thống các quy định của pháp luật về giám định tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì với mục tiêu hoàn thiện chế định giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về giám định tư pháp phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện các quy định pháp luật về giám định tư pháp; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh Giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản có liên quan.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực chứng khoán (SMS: 85/2010/ND-CP) - Nghị định số 85/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 02/8/2010 để thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định mới này quy định nâng mức xử phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Mức phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất là 70 triệu đồng đối với tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ (trước đây chỉ phạt tối đa đến 20 triệu đồng đối với hành vi tương tự). Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật (trước đây chỉ phạt tối đa đến 50 triệu đồng đối với hành vi tương tự).
Ngoài các mức phạt tiền nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng trong thời hạn tối đa 60 ngày để khắc phục trong trường hợp có thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký chào bán hoặc buộc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nếu sau thời hạn đình chỉ này mà vẫn không khắc phục được vi phạm; thu hồi giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng đối với trường hợp hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2010.

Không được chào bán chứng khoán để thành lập doanh nghiệp (SMS: 84/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định này bổ sung Điều 3a sau Điều 3 “Quy định chung về việc chào bán chứng khoán ra công chúng”. Theo đó, tổ chức, cá nhân không được chào bán chứng khoán ra công chúng trong các trường hợp sau: doanh nghiệp không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán; chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp. Việc đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải do tổ chức phát hành thực hiện, trừ các trường hợp: chủ sở hữu nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) thực hiện bán phần vốn nhà nước do tập đoàn, tổng công ty nắm giữ ra công chúng nhằm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; cổ đông lớn bán phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng.
Nghị định cũng bổ sung quy định: trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp thì phải có thời gian hoạt động từ một năm trở lên và có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm đăng ký chào bán. Trường hợp tổ chức phát hành có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu chuyển đổi thì hồ sơ chào bán phải nêu rõ rủi ro đối với quyền lợi của người mua trái phiếu kèm theo phương án đền bù cho nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoại trừ công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc đã niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán, đối với công ty đại chúng theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Chứng khoán phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước và công bố thông tin ra công chúng về việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày không còn đủ 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc vốn điều lệ điều chỉnh xuống dưới 10 tỷ đồng Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2010.

 

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Quy định về hệ thống điện phân phối (SMS: 32/2010/TT-BCT) - Ngày 30/7/2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 32/2010/TT-BCT. Thông tư này quy định về: các tiêu chuẩn vận hành hệ thống điện phân phối; đầu tư phát triển lưới điện phân phối; dự báo nhu cầu phụ tải điện; điều kiện và thủ tục đấu nối vào lưới điện phân phối; điều độ và vận hành hệ thống điện phân phối; đo đếm điện năng tại các điểm giao nhận giữa lưới điện phân phối và nhà máy điện đấu nối vào lưới điện phân phối không tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh và khách hàng sử dụng lưới điện phân phối. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các đơn vị phân phối điện, khách hàng sử dụng lưới điện phân phối và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo Thông tư này, các loại tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bao gồm: thời gian xem xét, ký thỏa thuận đấu nối và thực hiện đấu nối mới hoặc thời gian điều chỉnh đấu nối cho khách hàng; chất lượng trả lời khiếu nại bằng văn bản, văn bản phải trả lời rõ ràng khiếu nại được chấp nhận hay không đồng thời giải thích rõ ràng phương án giải quyết trong trường hợp khiếu nại được chấp nhận và cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết khác giúp khách hàng đánh giá được phương án giải quyết. Đơn vị phân phối điện phải tổ chức, duy trì và cập nhật hệ thống thông tin để ghi nhận tất cả khiếu nại từ khách hàng bằng văn bản hay qua điện thoại. Hàng năm, đơn vị phân phối điện có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối cho năm tới và có xét đến bốn (04) năm tiếp theo trong phạm vi quản lý. Kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối hàng năm được lập căn cứ trên kết quả dự báo nhu cầu phụ tải điện năm và phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt và các thỏa thuận đấu nối đã ký.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2010. Bãi bỏ Quyết định số 37/2006/QĐ-BCN ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy định đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
 

 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện (SMS: 21/2010/TT-BLDTBXH) - Được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2010/TT-BLĐTBXH ngày 05/8/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế Quản lý, tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm Quản lý sau cai nghiện và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm). Quy chế này quy định việc quản lý, tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy (người sau cai nghiện) tại Trung tâm. Theo Quy chế này, người sau cai nghiện được bố trí chỗ ở phù hợp, đảm bảo các tiện nghi cần thiết; nếu là nữ được ở trong khu vực dành riêng cho  nữ của Trung tâm; được tiếp thân nhân tại khu vực dành riêng trong Trung tâm; được tư vấn, chăm sóc sức khỏe, điều trị nhằm ổn định tâm lý và phòng, chống tái nghiện; được học văn hóa, học nghề theo nguyện vọng, điều kiện sức khỏe, trình độ học vấn của bản thân và khả năng tổ chức của Trung tâm; được cấp văn bằng, chứng chỉ học văn hóa, học nghề theo trình độ đạt được; được giải quyết việc làm. Khi tham gia lao động, sản xuất tại các cơ sở giải quyết việc làm ngoài Trung tâm, người sau cai nghiện được ký kết hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ, chính sách về tiền công, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ ốm và các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cũng theo Quy chế này, Trung tâm có trách nhiệm cung cấp cho người sau cai nghiện thông tin về thị trường lao động tại địa phương nói riêng và xã hội nói chung, về khả năng tổ chức và phối hợp tổ chức dạy nghề của Trung tâm, năng lực dạy nghề của các cơ sở liên kết dạy nghề với Trung tâm và các chế độ, chính sách học nghề có liên quan. Nếu có điều kiện, tổ chức cho người sau cai nghiện thăm quan cơ sở dạy nghề liên kết với Trung tâm, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có khả năng tạo việc làm cho người sau cai nghiện sau khi học nghề. Người sau cai nghiện đang được quản lý tại Trung tâm, tùy vào điều kiện sức khỏe, tay nghề chuyên môn của bản thân và khả năng của Trung tâm được sắp xếp, giải quyết việc làm theo một trong các phương thức được quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 94/2009/NĐ-CP.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2010.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Bổ sung chính sách tài chính khu kinh tế cửa khẩu (SMS: 116/2010/TT-BTC) - Ngày 04/8/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 116/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 137/2009/TT-BTC ngày 03/7/2009 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, thay nội dung của Điều 1 quy định về Danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi hoàn thuế giá trị gia tăng bằng quy định về quản lý hải quan, quản lý thuế. Theo Điều 1 mới này, hàng hóa từ nội địa Việt Nam hoặc từ các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu không được mở tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu bao gồm: bia các loại; nước giải khát, rượu và thức uống có cồn rượu; thuốc lá điếu các loại, xì gà; điện thoại di động, thẻ cào điện thoại di động; ô tô các loại; xe gắn máy các loại; xăng dầu. Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp các loại thuế đối với những mặt hàng này như bán hàng trong nội địa Việt Nam. Hàng hóa từ nội địa Việt Nam hoặc các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu thực hiện mở tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về thuế GTGT nhưng phải kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT, bao gồm: mỳ, miến, cháo, phở ăn liền; bánh kẹo các loại; xà phòng, bột giặt, dầu gội đầu, dầu tắm, kem đánh răng; sữa các loại, bột dinh dưỡng, dầu ăn và các loại gaz sử dụng cho các loại thiết bị lạnh.
Hàng hóa ngoài các mặt hàng nói trên từ nội địa Việt Nam hoặc các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được mở tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu và áp dụng thủ tục kiểm tra, hoàn các loại thuế theo quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về thuế hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Phụ lục I Danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi  hoàn thuế GTGT áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 0% ban hành kèm theo Thông tư số 137/2009/TT-BTC.

Giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng thuộc nhóm 7606 (SMS: 115/2010/TT-BTC) - Thông tư số 115/2010/TT-BTC ngày 04/8/2010 của Bộ Tài chính đã sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 7606 tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, mặt hàng nhôm không hợp kim ở dạng tấm, lá và dải, có chiều dày trên 0,2mm được dát phẳng hoặc tạo hình bằng phương pháp cán hay ép nhưng chưa xử lý bề mặt (mã 7606.91.20.00) và loại khác (mã 7606.91.90.00), thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi được giảm từ 3% xuống còn 0%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng đồ chơi (SMS: 111/2010/TT-BTC) - Ngày 30/7/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 111/2010/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng đồ chơi thuộc nhóm 9503 tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới. Cụ thể, mặt hàng trò chơi xếp hình hoặc xếp ảnh (mã 9503.00.71.00) và các loại đồ chơi đố trí loại khác (mã 9503.00.79.00) thuế suất giảm từ 20% xuống còn 10%.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

 

LIÊN BỘ


Tăng mức hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán tái hòa nhập cộng đồng (SMS: 113/2010/TTLT-BTC-BLDTBXH) - Bộ Tài chính,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 113/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 03/8/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 116/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 27/9/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng. Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư này là thay nội dung của khoản 2, mục III Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH bằng nội dung mới theo hướng tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng nói trên. Cụ thể, nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ được xem xét, trợ cấp một lần quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết, mức chi được tính trên cơ sở giá cả thực tế của từng địa phương nhưng không quá 200.000 đồng/người; tiền vệ sinh phụ nữ với mức 20.000 đồng/người/tháng; tiền ăn với mức 20.000 đồng/người/ngày. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ tiền khám bệnh và thuốc chữa bệnh; trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của cơ sở phải chuyển đến bệnh viện của Nhà nước điều trị thì chi phí khám bệnh, thuốc chữa bệnh và điều trị trong thời gian nằm viện do thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ xem xét hỗ trợ, mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/đợt điều trị. Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, sau khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, sau 24 giờ mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm tổ chức mai táng, mức chi phí mai táng là 3.000.000 đồng/người.
Ngoài ra, nạn nhân còn được trợ cấp tiền ăn trong thời gian đi đường là 20.000 đồng/người, tối đa không quá 5 ngày. Mức hỗ trợ tiền tầu, xe được tính trên quãng đường thực tế và giá vé phương tiện vận chuyển công cộng. Cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm mua vé tầu, xe cấp cho nạn nhân. Trường hợp nạn nhân là trẻ em nếu không có thân nhân đến đón thì cơ sở hỗ trợ bố trí cán bộ đưa trẻ em về nơi cư trú hoặc liên hệ với cơ quan Lao động -Thương binh và Xã hội nơi trẻ em cư trú để đón nhận.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.