Số 31.2009 (438) ngày 11/08/2009

CHÍNH PHỦ


Hỗ trợ trực tiếp người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn (SMS: 535916) - Đây là chính sách được ban hành theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng được hỗ trợ là người dân thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Nhà nước thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của chính sách này là hỗ trợ đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn; hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Việc hỗ trợ được thực hiện bằng tiền hoặc hiện vật, cụ thể: hỗ trợ bằng tiền mặt theo định mức 80 ngàn đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn và 100 ngàn đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn để các đối tượng này chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống phù hợp với thực tế của từng hộ; hỗ trợ bằng hiện vật cho sản xuất và đời sống của hộ các hộ nghèo (có thể lựa chọn trong danh mục: giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y, muối iốt).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2009. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn quy định tại Quyết định này thực hiện từ ngày 01/01/2010.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 7/2009 (SMS: 535966) - Ngày 07/8/2009, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 32/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 7/2009. Tại Nghị quyết này, Chính phủ khẳng định nhiệm vụ trong 5 tháng còn lại của năm 2009 rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn…, đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng các công trình, dự án.
Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm việc tiêu thụ nông, thủy sản, cung cấp đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cho nông dân; giao Bộ Công thương tổ chức phối hợp đồng bộ, có hiệu quả hoạt động của các cơ quan Chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng phát triển thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là lúa gạo, nông sản, thủy sản của nông dân, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thương phẩm, thực phẩm.

Quy định mới về khuyến mại bằng thuốc chữa bệnh (SMS: 535914) - Ngày 06/8/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, khoản 7 Điều 4 của Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định “Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại”, nay được sửa đổi, bổ sung như sau: “Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc”.
Nghị định số 68/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2009.

Định mức đầu tư một số dự án thuộc Chương trình 135 (SMS: 535922) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05/8/2009 ban hành định mức đầu tư một số dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II áp dụng trong năm 2010 như sau: Đối với các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II: dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là 300 triệu đồng/xã/năm; dự án cơ sở hạ tầng là 1.000 triệu đồng/xã/năm; dự án đào tạo cán bộ xã, cộng đồng là 60 triệu đồng/xã/năm. Đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II: dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là 50 triệu đồng/thôn, bản/năm; dự án cơ sở hạ tầng là 200 triệu đồng/thôn, bản/năm; dự án đào tạo cán bộ xã, cộng đồng là 15 triệu đồng/thôn, bản/năm.
Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Cụ thể là chính sách hỗ trợ học sinh là con các hộ nghèo đi học thực hiện theo niên học được kéo dài đến hết tháng 5/2011 (gia hạn thêm 01 năm so với quy định cũ); học sinh là con các hộ nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông được hỗ trợ 140.000đồng/tháng/học sinh x 9 tháng/năm về tiền ăn, dụng cụ học tập và sinh hoạt (trước đây chỉ hỗ trợ cho học sinh bán trú).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2009.

Hoàn thành chuyển đổi tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn quốc gia trước 31/12/2011 (SMS: 535811) - Ngày 03/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2009/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, rời thời hạn phải hoàn thành đến trước ngày 31/12/2011 đối với các công việc sau: chuyển đổi các tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn quốc gia; xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung và chuyển đổi các tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn quốc gia; chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung và chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; chuyển đổi các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn và các tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung và chuyển đổi các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn và các tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Nghị định này cũng sửa đổi khoản 1 Điều 35 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau: Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng phải chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được tiếp tục sử dụng để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho đến khi các văn bản này được chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/9/2009.
 

BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi quy định về kinh phí ủy nhiệm thu thuế (SMS: 535923) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 157/2009/TT-BTC ngày 06/8/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo Thông tư này, sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí ủy nhiệm thu (bên được uỷ nhiệm thu thuế được hưởng kinh phí uỷ nhiệm thu trích từ kinh phí hoạt động của cơ quan thuế) tại đoạn 2 mục IV phần D như sau: Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, thủ trưởng cơ quan thuế sẽ quyết định kinh phí ủy nhiệm thu phù hợp nhưng tối đa không được vượt quá 8% tổng số thuế do bên được ủy nhiệm đã thu đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, thuế nộp theo phương pháp khoán (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh); tối đa không vượt quá 1% số thuế thu được đối với thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp theo phương pháp khoán).
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Vay vốn làm đường giao thông nông thôn: lãi suất 0% (SMS: 535865) - Ngày 03/8/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 156/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, đầu tư các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn. Theo Thông tư này, đối tượng được vay vốn là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu đầu tư các dự án sau: dự án kiên cố hóa kênh mương loại II, loại III do địa phương quản lý và các dự án đầu tư xây dựng gia cố bờ bao, cống bọng (đối với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long); dự án phát triển đường giao thông nông thôn; dự án phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; dự án phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn; dự án trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp khi có nhu cầu, gồm các hạng mục: đầu tư nhà trạm, bể xả, bể hút, mua máy bơm, làm đường điện hạ thế từ trạm biến thế đến trạm bơm. Lãi suất cho vay thực hiện các dự án nói trên là 0%. Nguồn vốn trả nợ vay là ngân sách địa phương, việc cho vay vốn được thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Để được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các dự án nói trên phải đảm bảo các điều kiện: phù hợp với các yêu cầu, điều kiện phát triển của địa phương; đã được cấp có thẩm quyền quyết định và có đủ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành; xác định rõ nguồn vốn để thực hiện dự án gồm phần hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và từ nguồn thu tiền sử dụng đất hàng năm của địa phương, nguồn huy động đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 72/2000/TT-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, Thông tư số 79/2001/TT-BTC ngày 28/9/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.

Chế độ phân phối lợi nhuận của công ty nhà nước (SMS: 535819) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 155/2009/TT-BTC ngày 31/7/2009 của Bộ Tài chính về chế độ phân phối lợi nhuận của công ty nhà nước, đối với công ty nhà nước đang có số vốn nhà nước nhỏ hơn mức vốn điều lệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước được dùng để đầu tư bổ sung cho đủ mức vốn điều lệ của công ty đã được phê duyệt. Đối với công ty nhà nước có số vốn nhà nước lớn hơn hoặc bằng mức vốn điều lệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước được xử lý như sau: đối với các công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước, tổng công ty do các công ty tự đầu tư góp vốn thành lập, chuyển về văn phòng tổng công ty (hoặc công ty mẹ), đối với các công ty con trong mô hình công ty mẹ - công ty con thì chuyển về công ty mẹ; đối với tổng công ty nhà nước hoặc công ty mẹ và công ty nhà nước độc lập trực thuộc các bộ, địa phương, chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp).
Hàng năm, căn cứ vào kết quả kinh doanh và nhu cầu bổ sung vốn điều lệ của công ty nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty nước xem xét phương án và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận để công ty nhà nước được sử dụng phần lợi nhuận được chia bổ sung vốn điều lệ hoặc điều chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Đối với khoản lợi nhuận phải điều chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính có ý kiến chính thức bằng văn bản, công ty nhà nước phải thực hiện chuyển khoản lợi nhuận này về Quỹ. Quá thời hạn trên, doanh nghiệp phải nộp thêm tiền lãi quá hạn như đối với khoản vay có kỳ hạn tương ứng tại ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản và bị xác định là không chấp hành chính sách, chế độ của nhà nước. Khoản tiền lãi quá hạn này được hạch toán giảm trừ vào quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Quá cảnh hàng hóa của Lào qua Việt Nam (SMS: 535867) - Ngày 04/8/2009, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Thông tư này, hàng hóa phải xin phép quá cảnh là các hàng hóa quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 của Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào ngày 13/3/2009 (gọi tắt là Hiệp định). Để xin giấy phép quá cảnh hàng hóa, chủ hàng gửi hồ sơ đề nghị cho phép quá cảnh hàng hóa đến Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị cho phép quá cảnh hàng hóa (theo mẫu) và văn bản đề nghị cho phép quá cảnh hàng hóa của Bộ trưởng Bộ Công thương Lào (bản chính bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, trường hợp bằng tiếng Lào thì phải gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Lào hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Lào tại Việt Nam công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự).
Cũng theo Thông tư này, đối với các loại hàng hóa khác, khi quá cảnh qua các cặp cửa khẩu được quy định tại Điều 6 của Hiệp định, chủ hàng hoặc người chuyên chở chỉ cần làm thủ tục cho hàng hóa quá cảnh tại hải quan cửa khẩu mà không phải xin giấy phép quá cảnh. Hàng hóa quá cảnh phải được vận chuyển bởi người chuyên chở là pháp nhân được cấp phép hoặc ủy quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn thời gian quá cảnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 0938/2000/QĐ-BTM ngày 30/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế về hàng hóa của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 

LIÊN BỘ


Sửa đổi quy định về trợ cấp xã hội cho học sinh thuộc hộ nghèo (SMS: 535823) - Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 18/2009/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 03/8/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 4 mục I phần II Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT/BGD&ĐT-BTC-BLĐTB&XH ngày 25/8/1998 của liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập. Nội dung sửa đổi cụ thể như sau: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập là những người mà gia đình của họ thuộc diện hộ nghèo phải xuất trình giấy chứng nhận là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận theo mẫu giấy chứng nhận ban hành kèm theo Thông tư này (không phải làm đơn xin hưởng trợ cấp xã hội như quy định trước đây).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2009.