Số 31.2008 (387) ngày 08/08/2008

 CHÍNH PHỦ


Thu mua lúa gạo
(SMS: 505509)
- Ngày 07/8/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 5159/VPCP-KTN về một số giải pháp đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ hết lúa, gạo vụ Hè thu 2008 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, để tiêu thụ hết lúa hàng hoá vụ hè thu và bảo đảm cho người trồng lúa có lãi khoảng 40% trở lên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập trung chỉ đạo triển khai tốt một số giải pháp cấp bách sau: tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy nhanh tiến độ giao hàng để trong tháng 8 và 9 năm 2008 giao hết số gạo đã ký hợp đồng (3,6 triệu tấn) và khẩn trương thương thảo, ký hợp đồng mới với giá cả có lợi theo số lượng xuất khẩu cả năm 2008 khoảng 4,5 - 4,6 triệu tấn…
Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc triển khai ngay các biện pháp để mua khoảng 400 - 500 ngàn tấn gạo trong tháng 8 năm 2008 và bảo đảm đủ số lượng gạo để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký, nhằm tiêu thụ hết lúa hàng hoá vụ hè thu cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiểm tra, giám sát việc mua lúa, gạo hàng hoá của các đơn vị này…
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm cho vay đủ vốn với lãi suất thích hợp cho các doanh nghiệp mua lúa hàng hóa cho nông dân; xem xét gia hạn nợ cũ và tiếp tục cho vay mới theo quy định đối với hộ nông dân chưa tiêu thụ được lúa mà có nhu cầu gia hạn hoặc vay mới để tiếp tục sản xuất…


Xác định lại giới tính
(SMS: 505472)
- Theo Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ban hành ngày 05/8/2008, Chính phủ quy định: việc xác định lại giới tính áp dụng đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, tức là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính. Các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính phải được giữ bí mật.
Nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính; cấm tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; Cấm phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính và cấm thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Có 3 tiêu chuẩn y tế để xác định lại giới tính, gồm: nam lưỡng giới giả nữ; nữ lưỡng giới giả nam và lưỡng giới thật.
Trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới tính, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích hợp, bảo đảm nguyên tắc khi ở giới tính đó, người này có thể hòa nhập cuộc sống về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất.
Sau khi đã xác định lại giới tính, người được can thiệp y tế sẽ được cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy chứng nhận y tế và là căn cứ để đăng ký hộ tịch.
Các trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài hoặc đã thực hiện ở Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu muốn đăng ký lại hộ tịch thì phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó và đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế.
UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiểm tra, kiểm soát thị trường không để tăng giá bất hợp lý
(SMS: 505393)
- Theo Công điện số 1245/CĐ-TTg ra ngày 03/8/2008, Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể, phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm của mọi tổ chức, cá nhân; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất thiết không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số hàng hóa đến hết năm 2008 theo đúng chỉ đạo như: giá điện, than, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt công cộng; Xử phạt kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật để kịp thời xử lý các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn; Cần tập trung kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải, nhất là giá cước taxi, không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá cước vận tải quá mức, bất hợp lý…
Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra chi phí và giá bán các loại hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng giá, trước mắt tập trung vào các mặt hàng như: phân bón, thuốc chữa bệnh, vận tải, taxi, sữa,... tại các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...
Bên cạnh đó, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chủ động thực hiện các giải pháp hạn chế tăng giá hàng hóa như: tiết kiệm giảm chi phí, chấp nhận giảm lãi để chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát; trường hợp tăng giá bán hàng hóa, phải có giải trình và được sự chấp thuận của Bộ chủ quản và Bộ quản lý chức năng có liên quan về căn cứ và lộ trình  tăng giá đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật…


Các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông
(SMS: 505420)
- Theo Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ra ngày 31/7/2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ yêu cầu: UBND Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ lập quy hoạch xây dựng các bến, bãi đỗ xe; Xúc tiến thực hiện các dự án xây dựng điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đô thị theo quy hoạch và kế hoạch…
Đồng thời, xây dựng, cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm, đường cao tốc, đường vành đai, trục đô thị chính, nút giao thông và đường sắt đô thị. Khẩn trương xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm cho người đi bộ cũng như nâng cấp, bổ sung thiết bị điều khiển giao thông tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc…
Trong năm 2009, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND 2 thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức lập quy hoạch di dời các cơ quan hành chính, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố, trình Thủ tướng phê duyệt.
Sau khi được phê duyệt, UBND 2 thành phố lập kế hoạch cụ thể việc di dời, báo cáo Thủ tướng trong quý I/2010.
UBND 2 thành phố chấn chỉnh ngay công tác quản lý và sử dụng hè phố; Xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố phục vụ mục đích riêng và chính quyền các cấp cho phép sử dụng lòng đường, hè phố trái quy định.
Tiếp tục duy trì chính sách trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu đầu tư tăng thêm các tuyến đường có làn đường dành riêng cho xe buýt. Trong quý IV/2008, phải hoàn thành việc rà soát mạng lưới các tuyến xe buýt để điều chỉnh những bất hợp lý, bổ sung thêm các tuyến mới bảo đảm mạng lưới các tuyến xe buýt bao phủ hết các khu vực.
Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các giải pháp từng bước khắc phục ùn tắc giao thông và báo cáo Thủ tướng trong tháng 10/2008.


Điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm
(SMS: 505419)
- Ngày 31/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng
bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Theo đó, đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, từ ngày 01/01/2007 trở đi hưởng lương hưu, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, BHXH 1 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần.
Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng năm.

Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH của các năm trước năm 1995 có mức điều chỉnh chung và bằng mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH của năm 1994…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cơ cấu tổ chức
(SMS: 505417)
- Ngày 30/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2008/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2004/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội có 13 thành viên, gồm 1 Chủ tịch, không quá 8 Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội căn cứ năng lực cán bộ, địa bàn quản lý và điều kiện thực tế của địa phương để phân công nhiệm vụ đối với từng Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND.
Một số huyện, quận thuộc thành phố Hà Nội được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND trong tổng số thành viên UBND đã được quy định tại Nghị định số 107/2004/NĐ-CP.
UBND thành phố Hà Nội căn cứ điều kiện đặc thù và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trình Thủ tướng xem xét, quyết định các huyện, quận được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch. Chủ tịch UBND huyện, quận được tăng thêm Phó Chủ tịch căn cứ năng lực cán bộ, địa bàn quản lý và điều kiện thực tế của địa phương phân công nhiệm vụ đối với từng Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND.
Trong trường hợp nhiệm kỳ hoạt động của HĐND các cấp được cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài thì các Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ được kéo dài theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 31/7/2008.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng
(SMS: 505407)
- Theo Quyết định số 24/2008/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ban hành ngày 01/8/2008, quy định: ôtô nhập khẩu, điện thoại di động cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng như: nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm; các cấu kiện nhà lắp ghép; Đồng hồ cá nhân và đồng hồ thời gian khác; Máy điện và thiết bị điện; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh truyền hình và âm thanh; Chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột hoặc sữa; các loại bánh; Đường và các loại kẹo đường; Ca cao và các chế phẩm từ ca cao; Mỡ và dầu động vật hoặc thực vật; mỡ ăn được đã được chế biến; các loại sáp động vật hoặc thực vật... sẽ phải có giấy phép tự động do Bộ Công Thương cấp. Các doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép nhập khẩu tự động dưới hình thức xác nhận đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng. Việc xác nhận đăng ký nhập khẩu sẽ do Vụ trưởng hoặc các Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu thực hiện…
Thời hạn cấp phép theo chế độ tự động được thực hiện trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Hồ sơ (đề nghị cấp phép) được gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Văn thư của Bộ Công Thương. Khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ phải xuất trình cho cơ quan hải quan đơn đăng ký nhập khẩu đã được Bộ xác nhận.
Không quá 5 ngày, kể từ ngày hoàn tất thủ tục hải quan cho lô hàng nhập khẩu, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình nhập khẩu về Bộ.
Quyết định này có hiệu lực sau 21 ngày, kể từ đăng công báo và sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2008.


Quy chế chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu
(SMS: 505433)
- Theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành ngày 31/7/2008, quy định: Giấy phép kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu đối với thương nhân nước có chung biên giới do Sở Công Thương nơi có chợ hoặc cơ quan được Sở Công Thương ủy quyền cấp. Giấy phép kinh doanh tại chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu do Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu cấp…
Trước khi kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, thương nhân phải được cơ quan quản lý chợ chấp thuận ký hợp đồng thuê quầy hàng hoặc sạp hàng, ki-ốt hay cửa hàng tại chợ. Ngoài ra, thương nhân nước có chung biên giới phải được cơ quan có thẩm quyền của nước đó xác nhận cho phép kinh doanh tại chợ và được cấp Giấy phép kinh doanh tại chợ.
Hàng hóa trao đổi, mua bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu phải là hàng được phép lưu thông trên thị trường. Thương nhân kinh doanh trong chợ phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về chính sách thuế hiện hành của Việt Nam như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2 triệu đồng/1 người/1 ngày.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng
(SMS: 505467)
- Ngày 01/8/2008, Bộ Xây dựng đã ra Công văn số 1551/BXD-KTXD về việc hướng dẫn thêm một số nội dung của Thông tư số 09/2008/TT-BXD.
Theo đó, thời điểm tính chênh lệch giá vật liệu là thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo giai đoạn, có thể theo tháng, quý hoặc giai đoạn quy định trong hợp đồng.
Giá vật liệu tại thời điểm tính chênh lệch để điều chỉnh là giá vật liệu tại thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành do Liên Sở Xây dựng-Tài chính thông báo, công bố hoặc theo hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo qui định của Bộ Tài chính phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng công trình.
Giá trị chênh lệch giá vật liệu là chênh lệch giá vật liệu tại thời điểm điều chỉnh so với giá vật liệu xây dựng trong hợp đồng, dự toán gói thầu được duyệt hoặc giá vật liệu tại thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu (trường hợp đấu thầu) đối với hợp đồng được ký kết từ năm 2007, hoặc giá vật liệu tại thời điểm tháng 12/2006 hoặc quý IV/2006 nếu không có giá tại thời điểm tháng 12/2006 đối với hợp đồng được ký kết trước năm 2007.
Trường hợp giá vật liệu xây dựng trong hợp đồng, dự toán gói thầu được duyệt thấp hơn giá vật liệu xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo hoặc công bố tại thời điểm tương ứng thì lấy giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo hoặc công bố.
Để đảm bảo vốn, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời giảm thiệt hại cho nhà thầu thì chủ đầu tư được phép tạm duyệt dự toán bổ sung để làm cơ sở tạm ứng, tạm thanh toán cho nhà thầu trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh.

Trường hợp sau khi tạm duyệt dự toán bổ sung mà không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư cho tạm ứng, tạm thanh toán trên cơ sở dự toán bổ sung tạm duyệt; trường hợp vượt tổng mức đầu tư thì phải xin phép người quyết định đầu tư trước khi tạm ứng, tạm thanh toán.
 

 LIÊN BỘ: CÔNG AN - GIAO THÔNG VẬN TẢI


Hướng dẫn việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ
(SMS: 505474)
- Ngày 31/7/2008, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2008/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ.
Theo đó, khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm phải đăng ký nơi học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ trực tiếp vào mặt sau của quyết định xử phạt.
Nếu người vi phạm không thể đến học và kiểm tra đúng lịch học mà có lý do chính đáng (có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan công tác, cơ quan y tế...) thì phải thông báo cho cơ quan đã đăng ký học và kiểm tra biết, đồng thời phải đăng ký cụ thể thời gian học tiếp theo.
Người điều khiển xe mô tô 2, 3 bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, xe lam, xích lô máy, máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải học 4 giờ về những quy định của Luật Giao thông đường bộ, biển báo hiệu đường bộ, kết hợp với vận dụng trên sa hình; kiểm tra trắc nghiệm 10 câu hỏi (5 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 3 câu hỏi về biển báo, 2 câu hỏi về sa hình) trong thời gian 10 phút và phải trả lời đúng 8 câu hỏi trở lên thì mới đạt yêu cầu…
Người điều khiển ôtô các loại phải học 8 giờ (trong 1 ngày) về những nội dung trên; kiểm tra trắc nghiệm 20 câu hỏi (10 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 6 câu hỏi về biển báo, 4 câu hỏi về sa hình) trong thời gian 20 phút và phải trả lời đúng 16 câu hỏi trở lên…
Người vi phạm kiểm tra không đạt yêu cầu thì phải dự kiểm tra lại (không phải học lại) đến khi đạt yêu cầu trước khi nhận lại Giấy phép lái xe.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.