Tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng (SMS: 201771) - Ngày 07/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/2006/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước 6 tháng cuối năm 2006. Thủ tướng yêu cầu: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, ô tô, xe máy của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước... Bộ Xây dựng hoàn thiện và ban hành quy định về trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bảo đảm chất lượng công trình bao gồm trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, đơn vị khảo sát thiết kế và nhà thầu thi công trong từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng... Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng thành lập ngay các Đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ để tiến hành thanh tra một số công trình, dự án trọng điểm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có sử dụng nguồn vốn lớn của Nhà nước, vốn vay, tài trợ của nước ngoài, trong đó tập trung vào các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Phải lựa chọn những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực tham gia các Đoàn thanh tra. Cơ quan điều tra tập trung điều tra, sớm có kết luận đối với các vụ án lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản, thông báo cho các ngành, các cấp và các nhà tài trợ... Các Bộ, ngành và địa phương trong tháng 8/2006, phân bổ ngay số vốn chưa được phân bổ của kế hoạch năm 2006 cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, tăng cường phối hợp trong điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch và các cơ chế, chính sách quản lý đầu tư, xây dựng. Đơn vị được hỏi ý kiến tham gia đúng thời hạn quy định, quá thời hạn 15 ngày mà không có ý kiến tham gia bằng văn bản thì được coi là nhất trí với ý kiến của đơn vị chủ trì, đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về phần việc của đơn vị mình...
Kế hoạch phát triên kinh tế - xã hội (SMS: 201770) - Ngày 07/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 27/2006/CT-TTg về một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong những tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2006. Thủ tướng chỉ thị: cần tập trung thực hiện để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là những vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thuế, xuất nhập khẩu, điều kiện tiếp cận vay vốn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân, thanh quyết toán khối lượng xây dựng công trình; cụ thể hoá các giải pháp và nội dung thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chấn chỉnh bộ máy hành chính và đẩy mạnh việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, kế hoạch sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước sau khi đã cổ phần hoá, các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên... Khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, chú ý phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính - viễn thông, tư vấn pháp lý... Các cơ quan chức năng công bố công khai, minh bạch các quy định về thủ tục, giấy tờ cần thiết đối với từng thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công sở để làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát...
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp (SMS: 201775) - Theo Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ban hành ngày 02/8/2006, Chính phủ quy định: người phải thi hành án có hành vi cố tình không nhận giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án, quyết định của Tòa án hoặc đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ 2 nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng... Nếu người phải thi hành án có các hành vi như: sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên; phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng... Đối với vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực: phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung của bản chính để làm thủ tục yêu cầu công chứng, chứng thực... Nếu dùng giấy tờ giả hoặc dùng các thủ đoạn gian dối khác để làm thủ tục công chứng, chứng thực sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng... Nghị định quy định rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật định; phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi gian dối khi đăng ký kết hôn... Đối với vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư. Nghị định quy định rõ: Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc Giấy phép hành nghề tại Việt Nam để hành nghề luật sư... Mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng được áp dụng đối với các vi phạm: cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào; thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá... Đối với văn phòng con nuôi nước ngoài thực hiện các hoạt động khi giấy phép đã quá hạn hoặc chưa được cấp giấy phép đã hoạt động; thực hiện hoạt động về nuôi con nhằm mục đích vụ lợi sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục (SMS: 201772) - Ngày 02/8/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục là mức tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình giáo dục. Chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục là căn cứ chủ yếu để biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, đánh giá kết quả học tập của người học... Việc đánh giá kết quả học tập, công nhận người học hoàn thành chương trình môn học, cấp học hoặc trình độ đào tạo bằng hình thức kiểm tra, thi kết thúc môn học, thi tốt nghiệp hoặc xét tốt nghiệp; kết quả kiểm tra, thi là một căn cứ chủ yếu giúp nhà trường và các cấp quản lý giáo dục đánh giá chất lượng giáo dục. Việc công nhận tốt nghiệp một cấp học hoặc một trình độ đào tạo được thực hiện bằng: xét tốt nghiệp đối với trung học cơ sở; thi tốt nghiệp đối với trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng; thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp đối với trình độ đại học; bảo vệ luận văn đối với trình độ thạc sĩ; bảo vệ luận án đối với trình độ tiến sĩ... Nghị định cũng nêu rõ: quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phải đảm bảo các nguyên tắc: phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, của từng vùng, quy hoạch phát triển của từng địa phương; bảo đảm tính đa dạng, đồng bộ của hệ thống giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất và dịch vụ; tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ chủ yếu, các cơ sở giáo dục trọng điểm và các ngành trọng điểm, các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng đặc biệt khó khăn... Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ miễn, giảm phí khi sử dụng các dịch vụ công về giao thông, giải trí, khi tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề (SMS: 201769) - Theo Nghị định số 73/2006/NĐ-CP ban hành ngày 31/7/2006, Chính phủ quy định: với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức đó có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả... Cụ thể: hành vi mở cơ sở dạy nghề không đúng với quy định của nội dung quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; Báo cáo sai các điều kiện để được thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; Mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động... có thể bị phạt từ 05 đến 10 triệu đồng... Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tổ chức đào tạo nghề khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề; Đào tạo và cấp bằng nghề cao hơn trình độ đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Đào tạo các ngành, nghề chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép... Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, truyền nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, tập nghề vào những hoạt động trái pháp luật quy định... Với các vi phạm quy định về thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề, phạt tiền từ 01 - 40 triệu đồng; vi phạm quy định về hoạt động của cơ sở dạy nghề, phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng; vi phạm về chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,2 - 5 triệu đồng... Tước quyền sử dụng không thời hạn quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động là hình thức xử phạt bổ sung cao nhất đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|