Số 30.2011 (539) ngày 26/07/2011

 

SỐ 30 (539) - THÁNG 7/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 

1

16/2011/UBTVQH12

Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

 

* Nghiêm cấm 12 nhóm hành vi trong quản lý, sử dụng vũ khí

Trang 2

CHÍNH PHỦ

 

 

 

2

60/2011/NĐ-CP

Nghị định 60/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

 

* Phạt tới 40 triệu đối với vi phạm giao thông đường thủy nội địa

Trang 2

3

59/2011/NĐ-CP

Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần

 

* Tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược trong doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa

Trang 3

4

1216/QĐ-TTg

Quyết định 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

 

* Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020

Trang 3

5

1208/QĐ-TTg

Quyết định 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030

 

* Đến 2020, Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải

Trang 4

6

1173/QĐ-TTg

Quyết định 1173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người

 

* Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người

Trang 4

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

7

107/2011/TT-BTC

Thông tư 107/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi điểm c, khoản 2, Điều 1 Thông tư số 40/2011/TT-BTC ngày 22/03/2011…

 

* Cơ quan chủ trì đàm phán ODA được quyền chọn ngân hàng phục vụ

Trang 5

BỘ XÂY DỰNG

 

 

 

8

734/QĐ-BXD

Quyết định 734/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc công bố một số thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ…

 

* Bộ Xây dựng công bố 11 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung

Trang 5

9

730/QĐ-BXD

Quyết định 730/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng

 

* Công bố thủ tục hành chính mới về lĩnh vực xây dựng

Trang 5

BỘ CÔNG THƯƠNG

 

 

 

10

27/2011/TT-BCT

Thông tư 27/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực

 

* Quy trình điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực

Trang 6

BỘ Y TẾ

 

 

 

11

2554/QĐ-BYT

Quyết định 2554/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Tay - Chân - Miệng

 

* Ban hành phác đồ mới điều trị bệnh tay - chân - miệng

Trang 6

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

 

12

28/2011/TT-BGDĐT

Thông tư 28/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non…

 

* Siết quản lý trường mầm non tư thục

Trang 7

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 06/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS06/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

NGHIÊM CẤM 12 NHÓM HÀNH VI TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ

Ngày 30/06/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII đã thông qua Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 gồm 6 chương, 38 điều quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012.

Theo Pháp lệnh, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ). Nghiêm cấm các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Pháp lệnh cũng quy định, chỉ có 05 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chống buôn lậu Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu và An ninh hàng không.

Bên cạnh đó, 04 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, gồm: Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao; Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh; Tổ chức khác có nhu cầu trang bị vũ khí thể thao để tập luyện, thi đấu thể thao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, cấp phép hoạt động.
 

 

Quy định nổ súng là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân.

Do đó, Pháp lệnh chỉ cho phép nổ súng khi đối tượng đang dùng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang dùng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng, mục tiêu quan trọng; đối tượng thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; động vật đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác… 

Việc sử dụng vũ khí thô sơ khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tài sản của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân và phòng vệ chính đáng phải bảo đảm an toàn, đúng đối tượng và đúng mục đích.

Cũng theo Pháp lệnh này, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào hoặc khi phát hiện, nhặt được vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì phải khai báo, giao nộp cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

PHẠT TỚI 40 TRIỆU ĐỐI VỚI VI PHẠM GIAO THÔNG
ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Ngày 20/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Đối với các vi phạm quy định về bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa; Nghị định quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi đổ rác hoặc rơm rạ xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; buộc súc vật và báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ đường.

Hành vi làm sạt lở kè, đập giao thông; tháo dỡ cấu kiện hoặc lấy đất, đá của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hàng lang bảo vệ luồng không đúng quy định theo giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi hoặc các chất phế thải khác không đúng quy định xuống luồng trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
 

 

Đáng chú ý, các hành vi cố ý tạo chướng ngại trên luồng; sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc công trình khác trên đường thủy nội địa có thể bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, phương tiện thủy có kẻ, gắn số đăng ký không đúng quy định, bị mờ hoặc bị che khuất bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng. Thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó không mang theo bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/09/2011 và thay thế Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005; bãi bỏ Điều 1 Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19/10/2007. Những vi phạm được phát hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được xử phạt hoặc chưa thi hành quyết định xử phạt, thì vẫn áp dụng quy định của Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 để xử phạt.

TỐI ĐA 3 NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC TRONG DOANH NGHIỆP
NHÀ NƯỚC CỔ PHẦN HÓA

Ngày 18/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Đối tượng cố phần hóa là công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên (TNHH1TV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; công ty TNHH1TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là doanh nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành công ty TNHH1TV.

Các doanh nghiệp nêu trên để được cổ phần hóa phải không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ, danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ hoặc còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

Cũng theo Nghị định này, đối tượng được mua cổ phần là nhà đầu tư trong nước với số lượng cổ phần không hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Số lượng nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định tối đa là 03 nhà đầu tư. Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 05 năm, kể từ

 

ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn trên thì phải được Đại hội cổ đông chấp thuận.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định: Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về doanh nghiệp, về phương án cổ phần hóa, tình hình quản lý và sử dụng đất đai, lao động theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật. Doanh nghiệp cổ phần hóa có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp cổ phần hóa có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên phải thuê các tổ chức có chức năng định giá như: các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá trong nước và ngoài nước thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù, các Công ty mẹ thuộc Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ còn phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/09/2011 và thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007; các quy định trước đây về cổ phần hóa trái với Nghị định này không còn hiệu lực thi hành.

THỦ TƯỚNG PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN
NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020

Ngày 22/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020; phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đồng thời tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Về cơ cấu bậc đào tạo, năm 2020, số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng gần 24 triệu người, chiếm khoảng 54% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế; con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng gần 12 triệu người; bậc cao đẳng là hơn 3 triệu người; bậc đại học khoảng 5 triệu người và bậc trên đại học khoảng 300.000 người. 

Nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 lên khoảng 20 triệu người năm 2020; khu vực dịch vụ tăng lên khoảng 17 - 19 triệu người và khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống còn khoảng 22 - 24 triệu người.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chủ trương tăng số lượng đội ngũ công chức, viên chức

 

của cả nước lên khoảng 6 triệu người, trong đó, số công chức, viên chức có trình độ từ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ khoảng 3,8 triệu người, chiếm khoảng 63% trong tổng số đội ngũ công chức, viên chức của cả nước.

Đến 2020, cả nước có khoảng từ 2,5 - 3 triệu doanh nhân, tỷ lệ doanh nhân có trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ chiếm khoảng 80% tổng số đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ dự kiến khoảng 154 nghìn người; số giáo viên, giảng viên bậc đại học khoảng 75,8 nghìn người, trong đó số giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 30%.

Cũng trong Quy hoạch này còn có các mục tiêu, định hướng phát triển nhân lực theo các vùng, miền và của một số ngành đặc thù như: giao thông vận tải; tài nguyên, môi trường; du lịch; ngân hàng; tài chính; công nghệ thông tin; năng lượng hạt nhân; nhân lực đi làm việc ở nước ngoài.

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực cả giai đoạn 2011 - 2020 ước tính khoảng 2.135 tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề dự kiến khoảng 1.225 - 1.300 tỷ đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

ĐẾN 2020, NHÀ NƯỚC CHỈ GIỮ ĐỘC QUYỀN LƯỚI ĐIỆN TRUYỀN TẢI

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 trên quan điểm từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức kinh doanh điện, Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia.

Mục tiêu của Quy hoạch từ nay đến năm 2020 phải cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695 - 834 tỷ kWh.

Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất năm 2020, đến năm 2030 tỷ lệ này là 6%. Đồng thời, các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp chống lũ, cấp nước, sản xuất điện cũng là một trong các hướng đi được ưu tiên; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020.

Phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt; đưa tổ máy điện 

 

hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020, đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Về cơ cấu nguồn điện đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000 MW, trong đó, thủy điện chiếm 23,1%, thủy điện tích năng 2,4%, nhiệt điện than 48%, nhiệt điện khí đốt 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%), nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%, điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%.

Để thực hiện mục tiêu đó, trong giai đoạn 2011 - 2015 cần đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong cả giai đoạn 2011 - 2030, nhu cầu đầu tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD)…

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT PHÒNG,
CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Ngày 18/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1173/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người bảo đảm thống nhất, hiệu quả.

Cụ thể, Bộ Công an chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người và cho nhân dân; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Phòng, chống mua bán người cho lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, Bộ Công an, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người, thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật Phòng, chống mua bán người gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

 

Ngay trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, các Bộ, ngành cần khẩn trương soạn thảo 02 Nghị định và 02 Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người. Trong đó, Bộ Công an có trách nhiệm soạn thảo Nghị định quy định chi tiết việc xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn dự thảo Nghị định quy định về cơ sở hỗ trợ; chế độ hỗ trợ; trình tự, thủ tục hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán.

Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hành vi phạm tội mua bán người; Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quan hệ phối hợp tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán.

Các cơ quan được phân công chủ trì có trách nhiệm hoàn thành các nội dung công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể được phân công; báo cáo kết quả triển khau Kế hoạch này về Chính phủ (thông qua Bộ Công an).

 

CƠ QUAN CHỦ TRÌ ĐÀM PHÁN ODA ĐƯỢC QUYỀN
CHỌN NGÂN HÀNG PHỤC VỤ

Ngày 20/07/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2011/TT-BTC sửa đổi điểm c, khoản 2, Điều 1 Thông tư số 40/2011/TT-BTC ngày 22/03/2011 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 07/09/2007 về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Trong đó, quyền chấp thuận và lựa chọn ngân hàng phục vụ trong các dự án ODA được trao cho cơ quan chủ trì đàm phán điều ước quốc tế cụ thể về ODA, thay vì thẩm quyền này thuộc Bộ Tài chính như quy định trước đây.

Cụ thể, căn cứ danh sách các ngân hàng đủ tiêu chuẩn là ngân hàng phục vụ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính công bố và văn bản đề nghị của ngân hàng thương mại, cơ quan chủ trì đàm phán điều ước quốc tế cụ thể về ODA xem xét chấp thuận và lựa chọn ngân hàng phục vụ dự án ODA, và thông báo cho đối tác đàm phán biết, thực hiện.

Trong trường hợp có nhiều ngân hàng thương mại đủ điều kiện cùng có đề nghị

 

phục vụ 01 dự án ODA, ưu tiên lựa chọn các ngân hàng sau: ngân hàng có kinh nghiệm trong phục vụ dự án ODA; ngân hàng thương mại nhà nước; ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Được biết, ngân hàng phục vụ là 01 ngân hàng thương mại được lựa chọn trong danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn để ủy quyền thực hiện việc giao dịch đối ngoại, thanh toán, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho dự án ODA.

Để được xác định là 01 ngân hàng phục vụ, ngân hàng đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Có tỷ lệ đảm bảo an toàn tài chính áp dụng đối với các tổ chức tín dụng theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; có địa bàn hoạt động phù hợp với địa bàn của dự án ODA và cam kết tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và quy định của nhà tài trợ về quản lý nguồn vốn ODA.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011.
 

BỘ XÂY DỰNG CÔNG BỐ 11 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Ngày 21/07/2011, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 734/QĐ-BXD về việc công bố một số thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.

Trong số 11 TTHC được sửa đổi, bổ sung gồm 05 thủ tục hành chính của cấp Trung ương và 06 thủ tục hành chính của cấp tỉnh, chủ yếu thuộc lĩnh vực xây dựng và quy hoạch xây dựng.

Các TTHC thuộc cấp Trung ương được sửa đổi, bổ sung gồm: Thủ tục công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Công nhận bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Công nhận cơ sở có đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng; Công nhận cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình…

Trong đó, thủ tục “Công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và công nhận bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng” được sửa đổi, bổ sung các nội dung về trình tự, cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ; thời

 

hạn giải quyết; mẫu đơn, mẫu tờ khai. Thủ tục hành chính “Công nhận cơ sở có đủ điều kiện đào tạo kỹ sư định giá xây dựng” được sửa đổi, bổ sung các nội dung về tên gọi; trình tự, cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết.

Bên cạnh đó, các TTHC ở cấp tỉnh được sửa đổi, bổ sung gồm: Thủ tục cấp chứng chỉ kỹ sư định giá hạng 1 (gồm trường hợp cấp thẳng không qua hạng 2 và trường hợp nâng từ hạng 2 lên hạng 1); Thủ tục tiếp nhận báo cáo của chủ đầu tư về chất lượng công trình xây và báo cáo nhanh sự cố công trình xây dựng … Trong số đó, thủ tục “Tiếp nhận báo cáo của chủ đầu tư về chất lượng công trình xây dựng và tiếp nhận báo cáo nhanh sự cố công trình xây dựng” được sửa đổi, bổ sung các nội dung về tên gọi; trình tự, cách thức thực hiện; thời hạn giải quyết; mẫu đơn, mẫu tờ khai.

Ngoài các thủ tục hành chính được sửa, đổi bổ sung, thủ tục “Công nhận lại phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng” được Bộ Xây dựng bãi bỏ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/07/2011.

CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI VỀ LĨNH VỰC XÂY DỰNG

Ngày 20/07/2011, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 730/QĐ-BXD về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Bộ đã công bố thủ tục hành chính “Tiếp nhận và quản lý giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng” để thay thế thủ tục hành chính “Tiếp nhận và quản lý giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng do chủ đầu tư gửi” đã được công bố tại Quyết định 838/QĐ-BXD ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Nội dung của thủ tục hành chính mới mà Bộ xây dựng ban hành quy định rõ: chủ đầu tư, chủ sở hữu có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ, gồm: 01 giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng (gọi tắt là: giấy chứng nhận) kèm theo báo cáo kết quả kiểm tra và biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình hoặc hạng mục công trình được

 

chứng nhận cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương (Sở Xây dựng) để kiểm tra và quản lý. Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận giấy chứng nhận qua đường bưu điện và gửi phiếu tiếp nhận theo mẫu quy định cho chủ đầu tư, chủ sở hữu trong thời gian 01 ngày kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận. Thời gian nhận giấy chứng nhận là thời gian tính theo dấu bưu chính nơi phát hành.

Quyết định cũng nêu rõ Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chịu trách nhiệm về nội dung của thủ tục hành chính công bố và các tài liệu có liên quan kèm theo Quyết định. Chánh Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm tổ chức cập nhật các nội dung liên quan về thủ tục hành chính nêu tại Quyết định vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và gửi thông báo bằng văn bản việc cập nhật nêu trên về Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký Quyết định công bố.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/07/2011.
 

QUY TRÌNH ĐIỀU TRA VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM TRONG
LĨNH VỰC ĐIỆN LỰC

Ngày 19/07/2011, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực.

Theo quy định trong Thông tư này, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc điều tra, xử phạt vi phạm có trách nhiệm hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết, liên quan đến vụ việc vi phạm theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt. Tổ chức, cá nhân có liên quan từ chối cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xét thấy vụ việc cần tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra Quyết định điều tra vụ việc vi phạm, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc vi phạm.

Việc điều tra vụ việc vi phạm được thực hiện bằng một hoặc một số biện pháp sau đây: Thu thập chứng cứ, tang vật, phương tiện, tài liệu liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm giải trình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc vi phạm; lấy ý kiến chuyên gia.

 

Cũng theo Thông tư này, trong quá trình điều tra vụ việc vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt có quyền yêu cầu trưng cầu giám định chứng cứ, tang vật, phương tiện, tài liệu liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm khi thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân bị điều tra.

Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ký ban hành kết luận điều tra vụ việc vi phạm trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc trình dự thảo kết luận điều tra. Kết luận điều tra vụ việc vi phạm được gửi cho tổ chức, cá nhân bị điều tra trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký.

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm phải chấp hành Quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Quá thời hạn nêu trên mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/09/2011.

 

BAN HÀNH PHÁC ĐỒ MỚI ĐIỀU TRỊ BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG

Ngày 19/07/2011, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 2554/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng (TCM) để thay thế cho Quyết định 1732/QĐ-BYT ngày 16/05/2008 trước tình trạng dịch bệnh đang lan nhanh và có nhiều trường hợp tử vong.

Theo phác đồ mới do Bộ Y tế ban hành, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này mà chỉ điều trị hỗ trợ bên cạnh việc bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Ngoài điều trị nội trú trong bệnh viện, các bậc cha mẹ cần tích cực theo dõi và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo tuổi; trẻ còn bú cần cho tiếp tục ăn sữa mẹ; hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.

Đồng thời, vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích; tái khám mỗi 1 - 2 ngày trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ; cần tái khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh, co giật, hôn mê...

Tại các cơ sở y tế cần cách ly theo nhóm bệnh, mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc; khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh

 

bằng Cloramin B 2%. Đặc biệt lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh; xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Được biết, TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá; có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
 

SIẾT QUẢN LÝ TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 28/2011/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/07/2008 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo.

Điểm đáng chú ý là Thông tư quy định tách biệt 02 quy trình cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục thay vì chỉ quy định về quy trình thành lập mà không quy định về quy trình cho phép hoạt động giáo dục như quy định trước đây.

Cụ thể, nhà trường, nhà trẻ tư thục được phép thành lập khi có đủ các điều kiện: có Đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch; đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục, đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính, phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường; có khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của nhà trường, nhà trẻ tư thục.

Các điều kiện để được cấp phép hoạt động giáo dục cũng khá chặt chẽ, trong đó, nhà trường, nhà trẻ tư thục chỉ được phép hoạt động giáo dục khi có quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục; có đất đai, trường sở, cơ sở vật 

 

chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định; địa điểm xây dựng nhà trường, nhà trẻ tư thục bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho trẻ em, giáo viên và người lao động; có từ ba nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và có không quá 20 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo…

Trong thời hạn 02 năm, nếu nhà trường, nhà trẻ tư thục có đủ các điều kiện nêu trên thì được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục; hết thời hạn quy định, nếu không đủ điều kiện cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục bị thu hồi.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định mở rộng đến 08 trường hợp mà nhà trường, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động thay vì 04 trường hợp như quy định trước đây. Cụ thể, nhà trường, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi không bảo đảm an toàn về tính mạng cho trẻ em và giáo viên, nhân viên, cán bộ; vi phạm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành; không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; không bảo đảm các điều kiện quy định; có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục…

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành từ ngày 29/08/2011; các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.