Số 30.2010 (488) ngày 03/08/2010

 

CHÍNH PHỦ


Quy chế tôn vinh danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân (SMS: 51/2010/QD-TTg) - Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010. Đối tượng được xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng là doanh nhân là người Việt Nam có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, người nước ngoài có các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các doanh nhân và doanh nghiệp được tham dự xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải thực hiện đúng các điều kiện theo ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh hoặc được cấp phép đầu tư. Cụ thể: thực hiện đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, đấu thầu, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về sở hữu trí tuệ; thực hiện nghiêm các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân và doanh nghiệp.
Doanh nhân, doanh nghiệp được tôn vinh và trao giải thưởng được nhận Cúp và Giấy chứng nhận danh hiệu, giải thưởng; có quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng giải thưởng; được ưu tiên khi xét tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm, giữ gìn và phát huy thành tích đã đạt được.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2010.

Xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (SMS: 50/2010/QD-TTg) - Ngày 28/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005. Đối tượng áp dụng Quy chế này là Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ. Quy chế này quy định việc xử lý nợ của khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Theo đó, các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro gồm có: gia hạn nợ, khoanh nợ và xóa nợ (Quy chế cũ chỉ quy định miễn, giảm lãi tiền vay và xóa nợ).
Theo Quy chế này, gia hạn nợ là việc Ngân hàng Chính sách xã hội cho phép khách hàng được kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. khách hàng được gia hạn nợ khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan với mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng; thời gian gia hạn nợ tối đa là 12 tháng đối với loại cho vay ngắn hạn và không quá ½ thời hạn cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn được tính từ ngày khách hàng vay đến hạn trả nợ. Khách hành được khoanh nợ khi mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng; thời gian khoanh nợ tối đa là 05 năm tính từ ngày khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan. Khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, sau khi đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) mà vẫn không có khả năng trả nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán thì được xem xét xóa nợ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2010.

Nghị định mới về đăng ký giao dịch bảo đảm (SMS: 83/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000. Nghị định mới này quy định rõ hơn các giao dịch bảo đảm phải đăng ký, bao gồm: thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định như sau: trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào sổ đăng bạ tàu bay, sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký. Hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm được nộp theo một trong 4 phương thức: nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đăng ký; gửi qua đường bưu điện; gửi qua fax hoặc thư điện tử đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản với điều kiện người yêu cầu đăng ký đã đăng ký khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15h thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì cũng không quá 03 ngày làm việc.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/9/2010.

Tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 (SMS: 1315/CT-TTg) - Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1315/CT-TTg ngày 23/7/2010 về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 với mục đích đánh giá khách quan kết quả thực hiện Luật Đất đai 2003 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá cụ thể từng nội dung quản lý nhà nước về đất đai để làm rõ những mặt được, những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại; làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; làm rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…để từ đó đề xuất, kiến nghị những nội dung sửa đổi Luật Đất đai 2003 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2020.
Theo Chỉ thị này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tổng kết và đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; kiến nghị những nội dung cụ thể cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, bao gồm những nội dung chủ yếu về thời hạn, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Bộ Tài chính đánh giá, tổng kết về thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá đất cụ thể. Bộ Tư pháp rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai với pháp luật khác có liên quan; tổng kết các nội dung liên quan đến công chứng, chứng thực các giao dịch về quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí cho các bộ, ngành ở Trung ương và hướng dẫn sử dụng kinh phí ở các địa phương để thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 theo mục đích, nội dung, yêu cầu của Chỉ thị này.
 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Bổ sung mặt hàng được cấp phép nhập khẩu tự động
(SMS: 31/2010/TT-BCT) - Ngày 27/7/2010, Bộ Công thương có Thông tư số 31/2010/TT-BCT bổ sung các mặt hàng tôn mạ kim loại và tôn mạ sơn phủ màu vào Danh mục sản phẩm thép áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2010/TT-BCT ngày 20/5/2010.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 09/9/2010 và hết hiệu lực vào ngày 31/12/2010.
 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Quản lý đầu tư, xây dựng các dự án mô hình nông thôn mới
(SMS: 18/2010/TT-BKH) - Ngày 27/7/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 18/2010/TT-BKH. Thông tư này hướng dẫn thủ tục quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường tại 11 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Các đối tượng công trình cụ thể bao gồm: hệ thống đường giao thông từ liên gia đến liên thôn, hệ thống điện đến hộ gia đình, hệ thống thủy lợi, đường nội đồng và nâng cấp các chợ; trung tâm văn hóa xã và các nhà văn hóa thôn, sân vận động xã, các khu thể thao thôn, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, trường học các cấp, trạm y tế, điểm bưu điện xã; hệ thống thoát nước thải các khu dân cư, hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến các hộ, hạ tầng các khu chăn nuôi, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung; phát triển cải tạo hệ thống ao, hồ sinh thái kết hợp phát triển kinh tế, trồng cây xanh, cây hoa cảnh nơi công cộng.
Theo Thông tư này, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã là chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, do UBND xã quyết định thành lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng, sử dụng con dấu của xã để giao dịch. Ban Quản lý này được ký các hợp đồng kinh tế với các đơn vị có tư cách pháp nhân, cộng đồng hoặc cá nhân cung cấp các hàng hóa, xây lắp và dịch vụ để thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trình cơ sở hạ tầng. Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà Ban Quản lý xã không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư thì UBND huyện giao cho một đơn vị có đủ năng lực làm chủ đầu tư và có sự tham gia của UBND xã.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho văn bản số 6867/BKH-KTNN ngày 08/9/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi
(SMS: 23/2010/TT-BGDDT) - Được ban hành theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 23/7/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Văn bản này quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi gồm: nội dung Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi; trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục mầm non; được áp dụng đối với các trường mầm non, trường mẫu giáo và lớp mẫu giáo độc lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ chuẩn này gồm 4 lĩnh vực, 28 chuẩn và 120 chỉ số, được ban hành nhằm mục đích hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1; là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chăm sóc, giáo dục, lựa chọn và điều chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục cho phù hợp với trẻ mẫu giáo năm tuổi; là cơ sở để xây dựng bộ công cụ theo dõi đánh giá sự phát triển của trẻ mẫu giáo năm tuổi, đồng thời là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi nhằm nâng cao nhận thức về sự phát triển của trẻ em, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất trong chăm sóc, giáo dục trẻ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Căn cứ Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phòng giáo dục và đào tạo các quận/huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi. Căn cứ vào hướng dẫn của phòng giáo dục và đào tạo, các trường mầm non, trường mẫu giáo và lớp mẫu giáo độc lập triển khai sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/9/2010.
 

BỘ TÀI CHÍNH


Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SMS: 106/2010/TT-BTC) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 106/2010/TT-BTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tài chính, từ ngày 09/9/2010, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới và tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận. Mức thu này được áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh. Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại. Đối với tổ chức: mức thu tối đa không quá 500.000 đồng/giấy; trường hợp giấy chứng nhận cấp cho tổ chức chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy; trường hợp cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận: mức thu tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp.
Thông tư quy định miễn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trước ngày Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực thi hành (ngày 10/12/2009) mà có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được cấp giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
 

TỔNG CỤC HẢI QUAN


Quy trình hải quan đối với hàng hóa gia công với nước ngoài (SMS: 1820/QD-TCHQ) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ký Quyết định số 1820/QĐ-TCHQ ngày 28/7/2010 ban hành Quy trình nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài. Theo Quy trình này, ngoài việc kiểm tra điều kiện được nhận gia công, kiểm tra sự đồng bộ, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ hải quan do doanh nghiệp nộp, xuất trình thì việc kiểm tra cơ sở sản xuất được thực hiện khi có nghi vấn về địa chỉ doanh nghiệp (không có thực hoặc trùng với địa chỉ của doanh nghiệp khác…) đã thông báo trên hợp đồng gia công, nghi vấn về cơ sở sản xuất hoặc các điều kiện không đảm bảo thực hiện hợp đồng gia công (không có cơ sở sản xuất, không có dây chuyền, thiết bị sản xuất không phù hợp với mặt hàng gia công…).
Thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm gia công thực hiện theo Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu thương mại, trừ việc kiểm tra tính thuế. Đối với việc xuất khẩu sản phẩm gia công nếu áp dụng hình thức chuyển cửa khẩu thì thực hiện theo hướng dẫn tại quy trình nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu. Đối với các lô hàng xuất khẩu phải kiểm tra thực tế hàng hóa, ngoài việc phải kiểm tra tên hàng, lượng hàng, chủng loại hàng hóa còn phải đối chiếu mẫu nguyên liệu lấy khi nhập khẩu do doanh nghiệp xuất trình với nguyên liệu cấu thành trên sản phẩm thực tế xuất khẩu; khi có nghi vấn, cán bộ hải quan đề xuất ý kiến trình lãnh đạo chi cục hải quan để có chỉ đạo xử lý, có thể trưng cầu giám định của cơ quan chuyên ngành để xác định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2010; bãi bỏ Quyết định số 1179/QĐ-TCHQ ngày 17/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu (SMS: 1807/QD-TCHQ) - Quy định phân luồng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và kiểm tra hải quan vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 1807/QĐ-TCHQ ngày 27/7/2010. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu qua kiểm tra hải quan được phân thành 4 luồng. Hàng hóa luồng 1 gồm hàng hóa nhập khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại, hàng hóa được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật, hàng hóa không phải nộp thuế; hàng hóa luồng này được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Hàng hóa luồng 2 gồm hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế có giá trị khai báo đến 01 triệu đồng Việt Nam; hàng hóa luồng này cũng được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Hàng hóa luồng 3 bao gồm hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế, có giá trị khai báo trên 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng Việt Nam; hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Hàng hóa luồng 4 bao gồm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế có giá trị khai báo trên 10 triệu đồng Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, hàng hóa chưa xác định được nội dung khai báo hải quan, hàng hóa có nghi ngờ về giá trị khai báo theo quy định của pháp luật; hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng biện pháp thủ công; riêng đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu, kinh doanh thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định riêng của từng loại hình hàng hóa nhập khẩu.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nếu là tài liệu, chứng từ thương mại, hàng hóa được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật, hàng hóa không phải nộp thuế được phân luồng hàng hóa và kiểm tra hải quan tương tự như hàng hóa luồng 1 nêu trên. Hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa phải nộp thuế, hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa xuất khẩu có điều kiện, hàng hóa xuất khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/8/2010.