Số 30.2009 (437) ngày 04/08/2009

CHÍNH PHỦ


Khuyến khích doanh nghiệp dự trữ xăng dầu (SMS: 535687) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1139/QĐ-TTg ngày 31/7/2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 với quan điểm nhằm bình ổn thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước, ổn định năng lực sản xuất của các nhà máy lọc hóa dầu, bảo đảm an ninh năng lượng và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường xăng dầu trong nước; giảm thiểu các tác hại đối với nền kinh tế trong trường hợp nguồn cung dầu thô trên thị trường thế giới có sự giảm bất thường và hoạch định các chính sách dự trữ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và thị trường có định hướng. Theo Quyết định này, mục tiêu phát triển là từ năm 2015, tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam cần đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế. Từ năm 2009 đến năm 2025, dự trữ xăng dầu thương mại tối thiểu ổn định ở mức 30 ngày nhu cầu (tương ứng khoảng 66 ngày nhập ròng vào năm 2015 và 39 ngày nhập ròng vào năm 2025). Tổng nhu cầu vốn đầu tư của hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu giai đoạn đến năm 2015 cần khoảng 2,38 tỷ USD, giai đoạn 2016 - 2025 cần khoảng 7,19 tỷ USD.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự trữ theo quy định của pháp luật và có quy định rõ về chế độ kiểm tra và giám sát cùng các chế tài xử phạt vi phạm đối với hai loại hình dự trữ thương mại và dự trữ sản xuất do doanh nghiệp quản lý. Từ năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì lượng dự trữ tối thiểu 30 ngày cung ứng cả về cơ cấu chủng loại theo số lượng kinh doanh của năm trước; các nhà máy lọc hóa dầu duy trì lượng dự trữ tối thiểu là 15 ngày sản xuất đối với dầu thô và 10 ngày sản xuất đối với sản phẩm xăng dầu trong điều kiện vận hành bình thường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế vùng đặc biệt khó khăn (SMS: 535681) - Ngày 30/7/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2009/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với cán bộ, viên chức y tế, lao động hợp đồng và cán bộ, nhân viên quân y trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định này, các đối tượng nói trên được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70% và phụ cấp thu hút mức 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y được hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.
Ngoài việc được hưởng các loại phụ cấp nêu trên, cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác tại các cơ sở y tế thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi được cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu để học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí và tiền phụ cấp đi lại, tiền thuê nhà ở. Bên cạnh đó, đối với những vùng thiếu nước ngọt và sạch theo mùa, các đối tượng này còn được giải quyết trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày sau khi đã trừ phần chi phí nước ngọt sinh hoạt được tính trong tiền lương.
Cán bộ, viên chức y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này thì không hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế của Nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009.

Ban hành Quy chế hoạt động của khu phi thuế quan (SMS: 535683) - Ngày 30/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 100/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Quy chế này không áp dụng đối với khu phi thuế quan là khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu quy định trong Quy chế này bao gồm: khu bảo thuế, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại công nghiệp, khu thương mại tự do và các khu có tên gọi khác được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Trong khu phi thuế quan có các hoạt động: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các hoạt động khác quy định tại Luật Thương mại; sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, chế biến hàng hóa và phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Đối tượng được phép hoạt động trong khu phi thuế quan là: thương nhân Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân Việt Nam và của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trong khu phi thuế quan không có dân cư thường trú hoặc tạm trú trừ trường hợp cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp khu phi thuế quan được tạm trú qua đêm vì phải làm việc tại khu phi thuế quan và phải được phép của ban quản lý khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu phi thuế quan với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng hóa là văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam được mua để phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp khu phi thuế quan, doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với những loại hàng hóa này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009.

Bãi bỏ Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuộc Chính phủ (SMS: 535682) - Ngày 29/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2009/NĐ-CP bãi bỏ Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01/4/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ. Theo Nghị định này, các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mình theo quy định tại nghị định của Chính phủ đối với từng cơ quan đó; chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2009.

Bổ sung 12 xã thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (SMS: 535588) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 phê duyệt bổ sung 12 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 7 tỉnh vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình từ kế hoạch năm 2009 do ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư. Đó là: xã Hua Nhàn và Háng Đồng thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; xã Nậm Manh thuộc huyện Mường Tè và xã Giang Ma thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; xã Trà Nham thuộc huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi; xã Thuận Hà thuộc huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông; xã Ea Sar thuộc huyện Ea Kar, xã Cư San thuộc huyện M’Dắk, xã Ea Sin thuộc huyện Krông Búk và xã Ea Bung thuộc huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk; xã Nga My thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và xã Nghĩa Lợi thuộc huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 chỉ đạo lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện đúng mục đích, đối tượng, nội dung hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đến 2015, trên 65% cán bộ phòng, chống HIV/AIDS có trình độ đại học (SMS: 535587) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tuyến tỉnh) giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015. Theo Quyết định này, các chỉ tiêu đạt được đến năm 2015 là: 100% trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo đảm chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành; 100% trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được đầu tư đủ các trang, thiết bị thiết yếu đáp ứng yêu cầu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; trên 65% công chức, viên chức trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh có trình độ đại học, sau đại học và 100% cán bộ, nhân viên trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được đào tạo, tập huấn chuyên môn về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
Tổng số vốn để thực hiện Đề án này ước khoảng 1.590 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thông qua nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS khoảng 1.064 tỷ đồng, ngân sách của địa phương khoảng 526 tỷ đồng, vốn ODA, các nguồn viện trợ quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Hướng dẫn chi tiết về chế độ bảo hiểm y tế (SMS: 535548) - Ngày 27/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo Nghị định này, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 Luật Bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tổng chi phí của một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu; 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật và người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác; phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cũng theo quy định tại Nghị định này, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc khám bệnh, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau: 70% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng III và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; 50% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng II và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; 30% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng I, hạng đặc biệt và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2009. Bãi bỏ Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế và Điều 18 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

 

BỘ TÀI CHÍNH


Chi tiết mã số và điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng khoáng sản (SMS: 535591) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 152/2009/TT-BTC ngày 27/7/2009 chi tiết thêm mã số tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng khoáng sản thuộc nhóm 2614 quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Quyết định sửa đổi, bổ sung thành mã số và thuế suất thuế xuất khẩu mới quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, mặt hàng quặng inmenit và tinh quặng inmenit (mã số 2614.00.10) được chi tiết thêm mã số các mặt hàng: inmenit hoàn nguyên (TiO2 ≥ 56% và FeO ≤ 11%), mã số 2614.00.10.10; xỉ titan (TiO2 ≥ 85%), mã số 2614.00.10.20; rutile nhân tạo và rutile tổng hợp (TiO2 ≥ 83%), mã số 2614.00.10.30. Thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng nói trên đều giảm từ 20% xuống còn 18%.
Thông tư này có hiệu lực và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

BỘ XÂY DỰNG


Từ 01/01/2010, cơ sở đào tạo giám sát thi công xây dựng phải đăng ký lại hoạt động (SMS: 535620) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 hướng dẫn hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (QLDA) và giám sát thi công xây dựng công trình (GSTC) theo Điều 36, Điều 40 và Điều 57 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, bao gồm: quy định về điều kiện năng lực của cơ sở đào tạo; về việc đăng ký, thẩm định, công nhận các cơ sở đào tạo; quy định về chương trình khung; về công tác tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ; việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ.
Theo Thông tư này, các cơ sở đào tạo được công nhận là cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC bao gồm các cơ sở đào tạo từ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên, các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, các viện, học viện, trung tâm nghiên cứu có chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành xây dựng, các trung tâm có chức năng đào tạo thuộc các hội nghề nghiệp liên quan đến hoạt động xây dựng. Đối với các pháp nhân khác, Bộ Xây dựng sẽ xem xét cụ thể trên cơ sở nhu cầu và tình hình thực tế để công nhận. Các cơ sở đào tạo phải có ít nhất 40% giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn trên tổng số giảng viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA hoặc GSTC và tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nội dung tham gia giảng dạy. Giảng viên tham gia giảng dạy kỹ năng QLDA và GSTC phải có kinh nghiệm thực tế từ 7 năm trở lên hoạt động trong các lĩnh vực quản lý dự án, quản lý kinh tế xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2009 và thay thế cho Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình và Quyết định số 1857/QĐ-BXD ngày 29/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình. Các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình đã được Bộ Xây dựng quyết định công nhận trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục tổ chức đào tạo đến hết ngày 31/12/2009, sau thời gian này phải thực hiện đăng ký lại. Các cá nhân đã tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành phải đăng ký và tham gia kỳ kiểm tra theo nội dung của Thông tư này tại cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận và được xét cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ QLDA nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.