Số 30.2008 (386) ngày 01/08/2008

 CHÍNH PHỦ


Bổ sung quy định về hoạt động của Công ty Tài chính
(SMS: 505375)
- Ngày 29/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính.
Theo đó, Tổ chức nước ngoài trong Công ty Tài chính liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài phải có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn xin phép thành lập.

Công ty tài chính liên doanh là công ty tài chính được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của bên Việt Nam (gồm 1 hoặc nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam) và bên nước ngoài (gồm 1 hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài) trên cơ sở hợp đồng liên doanh, trong đó phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của công ty tài chính, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam không được vượt quá 30% vốn góp của bên Việt Nam.
Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài là công ty tài chính được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của 1 hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài.
Về hình thức huy động vốn, đối với các công ty tài chính chuyên ngành hoạt động trong các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, lĩnh vực thẻ không thực hiện nghiệp vụ huy động vốn bằng cách nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên của tổ chức, cá nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, công ty tài chính được phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá trị khác để huy động vốn.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Lệ phí trước bạ
(SMS: 505374)
- Ngày 29/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 176/1999/NĐ-CP và 47/2003/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.
Theo đó, miễn lệ phí trước bạ (LPTB) đối với: nhà ở, đất ở của hộ nghèo; nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; phương tiện thủy nội địa (bao gồm cả tàu cá) không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở người đến 12 người…
Ngoài ra, tỷ lệ (%) thu LPTB được quy định lại như sau: nhà, đất là 0,5%; tàu, thuyền là 1%. Riêng tàu đánh cá xa bờ là 0,5%; ôtô, xe máy, súng săn, súng thể thao là 2%...
Đặc biệt, xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố  trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở: nộp LPTB lần đầu là 5%.
Đối với xe máy mà chủ tài sản đã nộp LPTB theo quy định trên, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn được áp dụng tỷ lệ thu LPTB thấp hơn thì nộp LPTB theo tỷ lệ là 1%.
Trường hợp chủ tài sản trên đã kê khai, nộp LPTB đối với xe máy theo tỷ lệ thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định (xe máy đã nộp LPTB lần đầu 5%) thì nộp LPTB theo tỷ lệ là 5%. Xe máy nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi được áp dụng tỷ lệ là 1%, trừ 2 trường hợp nêu trên.
Ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp LPTB theo tỷ lệ từ 10-15%. Căn cứ quy định về tỷ lệ thu LPTB này, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể tỷ lệ thu LPTB đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Mức thu LPTB đối với các tài sản là nhà, đất; tàu, thuyền; ôtô, xe máy... tối đa là 500 triệu đồng/1 tài sản, trừ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe). Riêng nhà xưởng sản xuất kinh doanh được tính chung cho nhà xưởng trong cùng một khuôn viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chỉ đạo bảo đảm vốn các dự án xi măng
(SMS: 505356)
- Ngày 24/7/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 175/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về việc bảo đảm vốn các dự án xi măng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng có tác động trực tiếp tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy cần bảo đảm đủ vốn cho những dự án sẽ đi vào sản xuất trong các năm 2008, 2009 và 2010.
Giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục bảo đảm vốn cho các dự án xi măng đã ký kết hợp đồng tín dụng, hoàn thành đưa vào sản xuất trong các năm 2008, 2009. Đối với phần vốn chưa giải ngân, thực hiện theo lãi suất hiện hành; Đối với phần vốn đã giải ngân, các bên thương thảo về mức lãi suất hợp lý, trên nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro.
Riêng các dự án đi vào sản xuất trong năm 2010, Bộ Xây dựng rà soát, cân đối lại tiến độ huy động vốn trên cơ sở tính toán đến mức tăng trưởng trong các năm sau và thống nhất với các ngân hàng thương mại để có kế hoạch thu xếp vốn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cơ cấu lại vốn của các dự án để chủ động huy động nguồn vốn thực hiện. Trường hợp cần thiết bảo lãnh của ngân hàng trong nước để vay vốn nước ngoài, các doanh nghiệp chủ động thương thảo, lựa chọn ngân hàng đứng ra thu xếp bảo lãnh…
 

 LIÊN BỘ: KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - TÀI CHÍNH - CÔNG AN


Đăng ký kinh doanh
(SMS: 505376)
- Ngày 29/7/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thành lập cho đến khi không còn tồn tại, mã số doanh nghiệp được dùng để kê khai nộp thuế cho tất cả các loại thuế phải nộp, kể cả trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khác nhau. Khi doanh nghiệp không còn tồn tại thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại…
Những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chi nhánh văn phòng đại diện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trước khi văn bản này có hiệu lực không bắt buộc phải thực hiện ngay việc đăng ký thay đổi mã số doanh nghiệp mà được thực hiện kết hợp khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, trong đó mã số thuế của doanh nghiệp được sử dụng làm mã số doanh nghiệp và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Liên kết đào tạo
(SMS: 505366)
- Ngày 28/7/2008, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Theo đó, hợp đồng liên kết đào tạo phải thể hiện đầy đủ các thông tin về hoạt động diễn ra trong suốt quá trình đào tạo: Thông tin về tuyển sinh gồm: ngành nghề đào tạo; thời gian đào tạo; hình thức đào tạo; hình thức tuyển sinh; đối tượng tuyển sinh; địa điểm đặt lớp; lệ phí tuyển sinh; học phí khoá học và các khoản phí bảo hiểm (nếu có); Thông tin về quản lý người học gồm: trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người học; việc thu học phí, lệ phí, bảo hiểm (nếu có) và trách nhiệm đền bù thiệt hại do không thực hiện được các cam kết trong hợp đồng kiên kết…
Đơn vị chủ trì đào tạo được hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức quá trình đào tạo gồm: xây dựng chương trình, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị); lập kế hoạch đào tạo; tổ chức tuyển sinh; phân công giảng dạy, hợp đồng thỉnh giảng; ra đề, chấm thi/kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; xét công nhận kết quả và cấp bằng tốt nghiệp cho người học.
Đơn vị phối hợp đào tạo được quyền đề xuất đơn vị chủ trì đào tạo bổ sung vào chương trình đào tạo những nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; được cử đại diện tham gia quản lý, nhận xét, đánh giá người dạy và người học theo thỏa thuận trong hợp đồng liên kết đào tạo.
Các bên tham gia liên kết phải thông báo công khai và đầy đủ các thông tin về kỳ tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng về: số lượng, đối tượng, vùng tuyển, hình thức, lệ phí, địa điểm, lịch và những thông tin có liên quan như: ngành nghề, thời gian, hình thức, học phí, tiền mua tài liệu và các phí bảo hiểm (nếu có).
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục
(SMS: 505368)
- Theo Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 25/7/2008, quy định: Hồ sơ thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục phải có Bản cam kết trong thời gian không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập sẽ xây dựng xong trường, lớp và đầu tư trang thiết bị đảm bảo quy mô, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Đề án thành lập…
Nhà trường, nhà trẻ tư thục có từ 02 thành viên góp vốn trở lên phải có Hội đồng quản trị. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị không quá 11 thành viên, gồm có chủ tịch Hội đồng quản trị, Thư ký và các thành viên…
Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được phép huy động vốn dưới dạng đóng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước. Nội dung huy động vốn dưới dạng cổ phần phải được thể hiện trong Đề án thành lập trường…
Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục khi được đề cử không quá 65 tuổi. Giáo viên mầm non phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non, đối với những người có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm khác, phải có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non ít nhất là 30 ngày…
Ngoài ra, nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách khác theo quy định…

Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Quản lý học viên
(SMS: 505364)
- Ngày 25/7/2008, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 60/2008/QĐ-BLĐTBXH ban hành các quy chế mẫu về quản lý học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Ban hành kèm theo Quyết định này gồm 4 Quy chế mẫu: về quản lý học viên; về hoạt động thăm, gặp giữa gia đình học viên và học viên, cán bộ; về việc khen thưởng, kỷ luật đối với học viên; về tổ chức, hoạt động của Tổ tự quản học viên.
Theo đó, mỗi học viên được gặp thân nhân tối đa không quá 2 lần trong tháng và 30 phút một lần. Trường hợp được thưởng theo quy chế thi đua khen thưởng hoặc có lý do đặc biệt được Giám đốc Trung tâm đồng ý nhưng cũng không quá 4 lần trong một tháng và 60 phút một lần. Một lần học viên có thể gặp nhiều người nhưng tối đa không quá 3 người.
Học viên có vợ hoặc chồng nếu đủ các điều kiện theo quy định thì được Giám đốc Trung tâm xem xét cho phép gặp vợ hoặc chồng tại phòng dành riêng với thời gian không quá 24 giờ.
Khi gặp học viên, gia đình có trách nhiệm động viên, khích lệ con em mình chấp hành tốt quy định của pháp luật và của Trung tâm. Tích cực phấn đấu, học tập, rèn luyện để sớm hội nhập với gia đình. Không được có lời lẽ kích động hoặc hành vi ảnh hưởng đến công tác chữa trị, cai nghiện. Trường hợp có thắc mắc, kiến nghị thì gặp cán bộ Phụ trách thăm gặp để được giải đáp hoặc viết vào giấy và bỏ vào hòm thư góp ý của Trung tâm.
Học viên khi gặp gia đình phải tôn trọng, lễ phép. Nghiêm cấm các hành vi đe doạ, mặc cả và các hành vi thiếu văn hoá khác đối với gia đình; nói sai sự thật; cất giấu những đồ vật không được phép sử dụng trong Trung tâm.
Tổ trưởng Tổ thăm gặp có trách nhiệm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của gia đình học viên. Những vấn đề phức tạp, không rõ hoặc không thuộc thẩm quyền thì báo cáo Giám đốc Trung tâm để giải quyết.
Việc lựa chọn học viên tham gia Tổ tự quản được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín. Người được giới thiệu vào tổ tự quản là người có ít nhất 51% số người trong tổ dự họp bỏ phiếu đồng ý. Trường hợp nhiều người được đề cử vào một vị trí thì người được giới thiệu là người có số phiếu đồng ý cao nhất…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu
(SMS: 505357)
- Ngày 25/7/2008, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 10/2008/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu.
Theo đó, để được cấp Giấy phép sản xuất rượu, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp bao gồm khu chế biến và khu bảo quản phải có tổng diện tích không dưới 500m2, trong đó phải bố trí kho riêng cho bảo quản sản phẩm; Phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam…
Bộ Công Thương thực hiện cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên; quy mô dưới 03 triệu lít sẽ do Sở Công Thương thực hiện cấp giấy phép…
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu phải có Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 05 năm gần nhất, trong đó cần nêu rõ chỉ tiêu sản lượng sản xuất đối với từng nhóm sản phẩm rượu, các khoản thuế đã nộp, lợi nhuận (đối với các cơ sở sản xuất rượu đang hoạt động)…
Giấy phép sản xuất rượu có thời hạn 05 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 ngày, doanh nghiệp sản xuất rượu phải có văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép để xem xét cấp lại.
Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công, thì không phải xin cấp Giấy phép. Nhưng tổ chức, cá nhân đại diện làng nghề phải xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề và chịu trách nhiệm về các điều kiện sản xuất rượu áp dụng chung cho các thành viên thuộc làng nghề.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu D
(SMS: 505337)
- Ngày 24/7/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 19/2008/QĐ-BCT ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Theo đó, nhà xuất khẩu được lựa chọn áp dụng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 40% (RVC(40)) hoặc tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp 4 số (CTH) để xác định xuất xứ của hàng hoá so với việc trước đây chỉ được áp dụng duy nhất tiêu chí RVC(40) (chỉ áp dụng đối với những hàng hoá không thuộc danh mục Tiêu chí các mặt hàng cụ thể (PSR)).
Các quy định về quy trình và thủ tục cấp C/O Mẫu D cũng có một số thay đổi đáng kể như quy định về đăng ký hồ sơ thương nhân, không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (do các Tổ chức giám định cấp) trong bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O, chế độ báo cáo qua hệ thống eCOSys của Tổ chức cấp C/O và một số sửa đổi, bổ sung khác…
Một bổ sung khác nhằm tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu là việc áp dụng tiêu chí xuất xứ cho các mặt hàng cụ thể (PSR) đối với hầu hết các mặt hàng từ chương 1 đến chương 97 (ngoại trừ những mặt hàng áp dụng tiêu chí chung). Một số tiêu chí cụ thể cho những mặt hàng được quy định lỏng hơn so với tiêu chí chung nhằm mục đích tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu dễ dàng có được Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Mẫu D để được hưởng ưu đãi thuế quan CEPT/AFTA…

Quyết định này só hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Phí thẩm định lĩnh vực y, dược
(SMS: 505335)
- Ngày 21/7/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 59/2008/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 44/2005/QĐ-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế, phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề y, dược, lệ phí cấp giấy phép xuất, nhập khẩu và cấp chứng chỉ hành nghề y, dược.
Theo đó, đối với kinh doanh thương mại có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế áp dụng mức phí thẩm định nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị, dụng cụ y tế, đủ điều kiện được khảo nghiệm hoá chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế là 1 triệu đồng/hồ sơ; Công bố chất lượng mỹ phẩm (bao gồm cả việc kiểm tra điều kiện sản xuất, giám sát chất lượng): 500.000 đồng...
Thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế (GMP): 20 triệu đồng/lần thẩm định; Thuốc đông y, thuốc từ dược liệu áp dụng lộ trình triển khai GMP với doanh nghiệp là 6 triệu đồng, hơp tác xã là 3 triệu đồng; Thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế và nguyên liệu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài: 15 triệu đồng...
Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế có giá dưới 1 tỷ đồng áp dụng mức 500.000 đồng/1 mặt hàng/1 lần thẩm định; từ 1 đến 3 tỷ: 1 triệu đồng; trên 3 tỷ: 3 triệu đồng... Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký: 500.000 đồng/giấy phép...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - TƯ PHÁP


Phí thi hành án
(SMS: 505282)
- Ngày 21/7/2008, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án.
Theo đó, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp 2,5% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận, nhưng tối đa không vượt quá 100 triệu đồng. Trước đây, tuỳ thuộc vào số tiền và mức giá trị tài sản khác nhau, người có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp số % tương ứng, chẳng hạn: mức 5% áp dụng đối với những tài sản có giá trị từ 01 đến dưới 100 triệu đồng; đối với tài sản từ 100 đến 200 triệu đồng, người được thi hành án phải nộp 5 triệu đồng + 4% của phần tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận vượt quá 100 triệu đồng...
Không thu phí thi hành án đối với các khoản: tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động; trường hợp người yêu cầu thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án với tổng số tiền hoặc giá trị tài sản dưới 1 triệu đồng. Ngoài ra, những trường hợp sau cũng không thu phí thi hành án: người được thi hành án nhận hiện vật chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi và không tính được giá trị vật chất; tiền được thi hành án là khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội, như: xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ, giáo dục của nhân dân mà không vì mục đích kinh doanh, các chương trình kinh tế-xã hội trọng điểm của Nhà nước...
Giảm 50% phí thi hành án đối với người được thi hành án có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn nghèo. Miễn phí thi hành án đối với người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.