Số 30.2007 (335) ngày 03/08/2007

 CHÍNH PHỦ


Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong ngày nghỉ
(SMS: 500954)
- Ngày 01/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần ể tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, các thủ tục hành chính sau sẽ được tiếp nhận, giải quyết vào ngày thứ bảy hàng tuần: Công chứng; Chứng thực; Các thủ tục liên quan đến hộ tịch; Cấp, đổi giấy chứng minh nhân dân; Cấp, đổi, gia hạn hộ chiếu (bao gồm cả hộ chiếu thuyền viên); Cấp thị thực (visa) cho người nước ngoài; Cấp, đổi, gia hạn giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện vận tải thuỷ, bộ; Cấp giấy phép xây dựng; Cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu công trình xây dựng; Thu thuế, lệ phí trước bạ liên quan đến nhà, đất và phương tiện giao thông; thu phạt vi phạm hành chính các loại; Đăng kiểm phương tiện vận tải cơ giới; Đăng ký các loại phương tiện vận tải, thiết bị thi công; Thủ tục thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu; hàng hoá quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thời gian làm việc ngày thứ bảy như ngày làm việc bình thường. Các đơn vị tổ chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính vào ngày thứ bảy hàng tuần cần sắp xếp, bố trí lao động một cách khoa học để không tăng biên chế, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường vào các ngày làm việc khác trong tuần, bảo đảm hiệu quả công việc. Những thủ tục hành chính thuộc loại công việc giải quyết ngay thì bố trí cán bộ, công chức giải quyết theo quy định; những thủ tục hành chính khác thì chỉ bố trí bộ phận nhận và trả kết quả làm việc để tiếp nhận và trả kết quả, không bố trí các bộ phận liên quan làm việc.
Cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ bảy sẽ được bố trí nghỉ vào các ngày khác, bảo đảm làm việc 40 giờ trong tuần theo đúng quy định…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiểm soát thị trường
(SMS: 500940)
- Ngày 01/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường.
Thủ tướng yêu cầu: rà soát các chính sách điều hành tiền tệ để có biện pháp thích hợp kiểm soát được mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức huy động tín dụng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý; giữ bình ổn tỷ giá hối đoái, các lãi suất chủ đạo của đồng tiền Việt Nam, không để xảy ra những đột biến trên thị trường tiền tệ…
Rà soát, tập trung vốn đầu tư cho các dự án quan trọng; kiên quyết thực hiện việc điều chỉnh vốn của các công trình triển khai chậm (chưa mang lại hiệu quả ngay) cho các dự án có nhu cầu cấp thiết cần sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách để đầy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước và nguồn vốn ODA, nhất là giải ngân các công trình đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp; thực hiện việc ứng vốn cho các dự án đang vướng mắc về thủ tục thanh toán theo tiến độ thực hiện…
Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán và điều hòa cung cầu chứng khoán, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; chọn những công ty có uy tín để phát hành cổ phiếu thu hút tiền lưu thông cho sản xuất…
Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại; kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn đã công bố gắn với kiểm tra niêm yết giá, đăng ký giá và bán hàng theo giá niêm yết…


Xác định khung giá các loại đất
(SMS: 500924)
- Ngày 27/72007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.
Theo đó, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại một thời điểm xác định là số tiền Việt Nam tính trên một đơn vị diện tích đất theo từng mục đích sử dụng hợp pháp, được hình thành từ kết quả của những giao dịch thực tế đã hoàn thành, mang tính phổ biến giữa người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng trong điều kiện thương mại bình thường...

Bổ sung thêm 2 phương pháp xác định giá đất mới: Phương pháp chiết trừ xác định giá đất của thửa đất có tài sản gắn liền với đất bằng cách loại trừ phần giá trị tài sản gắn liền với đất ra khỏi tổng giá trị bất động sản. Phương pháp thặng dư xác định giá đất của thửa đất trống có tiềm năng phát triển theo quy hoạch hoặc được phép chuyển đổi mục đích sử dụng để sử dụng tốt nhất bằng cách loại trừ phần chi phí ước tính để tạo ra sự phát triển ra khỏi tổng giá trị phát triển giả định của bất động sản. (02 phương pháp cũ là so sánh trực tiếp và thu nhập)…
Bên cạnh đó, khi cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... thì UBND cấp tỉnh có quyền căn cứ vào các quy định hiện hành để điều chỉnh lại giá đất tai khu vực có thay đổi cho phù hợp.
Căn cứ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế tại các địa phương, UBND cấp tỉnh được quyết định giá các loại đất cụ thể trong giới hạn cho phép cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa và thấp hơn không quá 20% so với mức giá tối thiểu của khung đất cùng loại do Chính phủ quy định…
Khi định giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các tỉnh có đất giáp ranh phải tuân theo quy định pháp luật và tuân thủ nguyên tắc: Đất giáp ranh thuộc loại đất nào thì áp dụng khung giá do Chính phủ quy định đối với loại đất đó; Đất giáp ranh có điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng thì quy định mức giá như nhau. Mức định giá tại khu vực giáp ranh có thể  chênh lệch nhau, nhưng tỷ lệ chênh lệch không quá 30%...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về đình công
(SMS: 500923)
- Ngày 27/7/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2007/NĐ-CP quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công.
Theo đó, các doanh nghiệp không được đình công gồm doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế quốc dân. Danh mục doanh nghiệp không được đình công được chia thành 5 nhóm: Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp (thủy điện, nhiệt điện, điện lực, dầu khí...); giao thông vận tải (nhà ga, cụm cảng hàng không...); dịch vụ bưu chính, viễn thông (phát hành báo chí, Cục bưu điện Trung ương...); nông, lâm, ngư nghiệp (khai thác công trình thủy lợi); dịch vụ đô thị hoạt động trên địa bàn các thành phố loại đặc biệt, loại I và II (môi trường đô thị, thoát nước...).
Định kỳ 6 tháng một lần, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn và đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghe ý kiến của người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp không được đình công để kịp thời giải quyết yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.
Ngoài ra, khi có yêu cầu của tập thể lao động, người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu mà các bên không giải quyết được thì người sử dụng lao động phải báo cáo với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải báo cáo với tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp để phối hợp giải quyết.
Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp không được đình công thì mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội động trọng tài lao động giải quyết. Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động phải tiến hành hòa giải và giải quyết (rút ngắn được 7 ngày so với quy định cũ). Trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về hoạt động đầu tư dầu khí
(SMS: 500918)
- Ngày 25/7/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2007/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Theo đó, Thủ tướng chấp thuận đầu tư với các dự án dầu khí sử dụng vốn Nhà nước từ 1.000 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Các dự án dầu khí không thuộc quy định trên do đại diện chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư quyết định…
Việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án dầu khí được thực hiện theo một trong hai quy trình sau: đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng; Thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm tra dự án dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đầu tư…
Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong thời hạn 12 tháng mà dự án dầu khí không được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận, hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày dự án dầu khí được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận mà dự án không được triển khai thì nhà đầu tư phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị kéo dài thời hạn triển khai hoặc đề nghị chấm dứt dự án dầu khí gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận về Việt Nam trừ các khoản lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư hoặc đầu tư cho các dự án dầu khí khác. Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn trên, nhà đầu tư phải có văn bản nêu rõ lý do, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần, mỗi lần không quá 06 tháng…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ về nhà đất
(SMS: 500906)
- Ngày 25/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở.
Theo đó, trường hợp mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là nhà ở một tầng hoặc nhà ở nhiều tầng có một hộ ở thì được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền sử dụng đất. Đối tượng được hỗ trợ: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hỗ trợ 90% tiền sử dụng đất; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước", người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" được hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất…

Hỗ trợ 25 triệu đồng cho người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở…

Trường hợp người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở khi mua nhà ở đang thuê thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP thì được miễn tiền sử dụng đất đối với nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở hoặc được giảm 80% tiền sử dụng đất đối với nhà ở một tầng và nhà ở nhiều tầng một hộ ở. Nếu cả vợ và chồng thuộc đối tượng được hỗ trợ thì được hưởng mức hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất.
Bổ sung thêm trường hợp người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở từ trước đến nay không ở nhà thuê thuộc sở hữu nhà nước hoặc có thuê nhưng đã trả lại cho Nhà nước hoặc chưa được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất để làm nhà thì được hỗ trợ 25 triệu đồng; nếu người đó đã mất thì vợ (hoặc chồng) còn sống được hưởng tiêu chuẩn hỗ trợ 25 triệu đồng. Trường hợp cả vợ và chồng đều thuộc đối tượng trên mà cả hai còn sống đến ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì mỗi người được hỗ trợ 25 triệu đồng…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Xác định giá thi công công trình
(SMS: 500910)
- Ngày 25/7/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2007/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình.
Theo đó, giá ca máy được xác định theo nguyên tắc phù hợp với mặt bằng giá, điều kiện thi công cụ thể và thời gian xây dựng…
Các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn và nhà thầu chịu trách nhiệm tính toán và xác định giá ca máy công trình phù hợp với giá thị trường xây dựng, đảm bảo đủ chi phí trong quá trình sử dụng máy và mang tính cạnh tranh…
Giá ca máy là mức chi phí dự tính cần thiết cho máy và thiết bị thi công làm việc trong một ca. Các khoản mục chi phí được tính vào giá ca máy bao gồm: chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương thợ điều khiển máy và chi phí khác của máy…
Tiền lương thợ điều khiển máy trong giá ca máy được xác định phù hợp với mặt bằng giá của thị trường lao động phổ biến ở từng khu vực, tỉnh, theo từng loại thợ và điều kiện cụ thể của công trình; khả năng nguồn vốn, khả năng chi trả của chủ đầu tư và các yêu cầu khác…
Đối với các công trình xây dựng dạng tuyến đi qua nhiều địa phương như đường giao thông, đường dây tải điện, thuỷ lợi, cấp thoát nước và các công trình xây dựng dạng tuyến khác, thì chủ đầu tư xác định giá ca máy của công trình để lập đơn giá, dự toán và quản lý chi phí xây dựng cho công trình…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hợp đồng xây dựng
(SMS: 500922)
- Ngày 25/7/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 06/2007/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, hợp đồng xây dựng chỉ được ký kết sau khi bên giao thầu hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu theo qui định và các bên tham gia đã kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng.
Giá hợp đồng (giá ký kết hợp đồng) không vượt giá trúng thầu (đối với trường hợp đấu thầu), không vượt dự toán gói thầu được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu), trừ trường hợp khối lượng phát sinh ngoài gói thầu được người có thẩm quyền cho phép.
Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án.
Việc tạm ứng vốn đầu tư xây dựng công trình phải được qui định trong hợp đồng xây dựng và thực hiện ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực và sau khi bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng. Hợp đồng xây dựng phải qui định cụ thể về mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng, số lần tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng. Mức tạm ứng được qui định như sau: đối với hợp đồng tư vấn, mức tạm ứng vốn tối thiểu là 25% giá hợp đồng; thi công xây dựng là 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, 15% đối với hợp đồng từ 10 đến 50 tỷ đồng và 20% đối với các hợp đồng dưới 10 tỷ đồng; Đối với hợp đồng cung ứng vật tư, thiết bị tuỳ theo giá trị hợp đồng nhưng mức tạm ứng không thấp hơn 10% giá hợp đồng; hợp đồng thực hiện theo hình thức EPC, việc tạm ứng vốn để mua thiết bị được căn cứ theo tiến độ cung ứng trong hợp đồng; các công việc khác như thiết kế, xây dựng mức tạm ứng tối thiểu là 15% giá trị công việc đó trong hợp đồng.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý đầu tư xây dựng
(SMS: 500921)
- Ngày 25/7/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2007/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Theo đó, chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm toàn diện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Đối với các dự án có thời gian thực hiện đến 2 năm: chi phí dự phòng được tính bằng 10% trên tổng chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác…
Chỉ số giá xây dựng dùng để tính chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bình quân của không ít hơn 3 năm gần nhất và phải kể đến khả năng biến động của các yếu tố chi phí, giá cả trong khu vực và quốc tế. Thời gian để tính chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá là thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình…
Chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công được tính bằng 2% trên tổng chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước đối với các công trình đi theo tuyến ngoài đô thị và vùng dân cư như đường dây tải điện, đường dây thông tin bưu điện, đường giao thông, kênh mương, đường ống, các công trình thi công dạng tuyến khác và bằng 1% đối với các công trình còn lại…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.