Số 30.2006 (284) ngày 04/08/2006

 UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI


Giao dịch nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài
(SMS: 201758)
- Ngày 27/7/2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
Theo đó, tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam đều được phép xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trước ngày 1/7/1991 (thời điểm trước khi có Pháp lệnh Nhà ở)...
Việt kiều có thể tiếp tục cho thuê cho mượn nhà tại Việt Nam, song phải có hợp đồng rõ ràng. Trường hợp muốn lấy lại nhà phải thông báo cho bên thuê, mượn trước 6-12 tháng. Cơ quan tổ chức phải trả lại nhà cho Việt kiều có thể thực hiện theo các phương thức: trả nhà ở đang quản lý sử dụng, trả bằng nhà ở khác, trả bằng tuền, nhà nước giao đất và họ không phải trả tiền sử dụng đất...
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xác lập quyền sở hữu nhà ở khi có các giấy tờ: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các hợp đồng cho thuê, mượn, giấy tờ thừa kế, sơ đồ nhà ở đất ở, hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc của nước ngoài Trường hợp sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký kinh doanh...

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/9/2006.
 

 CHÍNH PHỦ


Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(SMS: 201764)
- Ngày 01/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 26/2006/CT-TTg về việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định.
Thủ tướng chỉ thị: nghiêm cấm việc sử dụng công quỹ để thưởng, biếu, cho, tặng sai chế độ quy định của Nhà nước; nghiêm cấm việc nhận tiền, tài sản dưới các hình thức thưởng, biếu, cho, tặng sai chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng được pháp luật quy định. Các tổ chức, cá nhân khi được thưởng, biếu, cho, tặng sai quy định phải kiên quyết từ chối. Trường hợp không thể từ chối được, phải báo cáo với Thủ trưởng trực tiếp của mình và nộp lại tiền, hiện vật để trả lại hoặc xử lý theo quy định của pháp luật...
Người quyết định việc sử dụng công quỹ để thưởng, biếu, cho, tặng sai chế độ phải bồi hoàn theo giá thị trường; cán bộ, công chức đưa, nhận quà biếu dù ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị kiểm điểm xử lý kỷ luật; trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật...
Thủ tướng yêu cầu phải triệt để tiết kiệm trong việc tiếp khách, tổ chức hội nghị, khai trương, khởi công, khánh thành, tổng kết, mừng công, đón nhận danh hiệu... Việc tổ chức hội nghị, tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức; thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại rượu ngoại để chiêu đãi, tiếp khách. Mọi khoản chi cho những việc nêu trên phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định và phải công khai, minh bạch trong cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị, tiếp khách phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc chi tiêu sai quy định...
Chỉ thị cũng nêu rõ, cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực này; đồng thời, không xét thi đua, khen thưởng và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân không tuân thủ nghiêm các quy định của Chỉ thị này.


Phân công nhiệm vụ
(SMS: 201759)
- Ngày 28/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg về việc phân công công việc của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.
Theo đo, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng chỉ đạo, xử lý các công việc hàng ngày trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ ngoại trừ các công việc do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Phó Thủ tướng sử dụng quyền hạn của Thủ tướng để giải quyết các công việc thuộc phạm vi được phân công.

Trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được giao, các Phó Thủ tướng chủ động giải quyết công việc. Nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực do Phó Thủ tướng khác phụ trách thì các Phó Thủ tướng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Phó Thủ tướng có ý kiến khác nhau thì Phó Thủ tướng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Thủ tướng quyết định.

Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về các quyết định liên quan đến việc thực hiện các công việc được Thủ tướng phân công; báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng khi thấy cần thiết.
Trong trường hợp thấy cần thiết, hoặc khi Phó Thủ tướng vắng mặt thì Thủ tướng trực tiếp xử lý công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng. Việc phân công công việc giữa các Phó Thủ tướng có thể thay đổi theo quyết định của Thủ tướng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/7/2006.


Quản lý cẩng biển và luồng hàng hải
(SMS: 19852)
- Theo Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ban hành ngày 25/7/2006, chính phủ quy định: kể từ ngày 14/8/2006, việc đầu tư xây dựng cảng biển, luồng hàng hải phải phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển đã được phê duyệt. Bộ Giao thông vận tải công bố công khai quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt và quyết định điều chỉnh cụ thể đối với bến cảng, cầu cảng không trái với chức năng của cảng biển trong quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt...
Thủ tướng công bố hình thức đầu tư đối với cảng biển loại I và bến cảng đặc biệt quan trọng thuộc cảng biển loại I, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố hình thức đầu tư đối với bến cảng thuộc cảng biển loại I và Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh công bố hình thức đầu tư đối với cảng biển loại II, bến cảng quan trọng thuộc cảng biển loại II...

Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thực hiện nhiệm vụ phải tuân theo quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác trong cảng...
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Thẩm định, cấp giấy phép đầu tư
(SMS: 201760)
- Ngày 26/7/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra Công văn số 5495/BKH-ĐTNN hướng dẫn tạm thời về đầu mối xử lý, trình tự, thủ tục đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy trình đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, có quy mô dưới 20 triệu đô la Mỹ hoặc 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện...
Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô dưới 40 triệu đô la Mỹ hoặc 600 tỷ đồng Việt Nam trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, trừ các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; đối với dự án có quy mô dưới 20 triệu đô la Mỹ hoặc 300 tỷ đồng Việt Nam, việc cấp chứng nhận đầu tư thực hiện theo quy trình đăng ký đầu tư...

Quy trình đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện như sau: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ gốc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý; Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký đầu tư hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sao gửi Giấy chứng nhận đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, UBND cấp tỉnh, Ban quản lý có liên quan...
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Quy chế sử dụng chữ ký số
(SMS: 201755)
- Ngày 25/7/2006, Bộ trưởng Bộ thương mại đã ban hành Quyết định số 25/2006/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế sử dụng chữ ký số của Bộ Thương mại.
Theo Quy chế này, mọi văn bản điện tử được ký bằng chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy được ký và đóng dấu...
Quy chế này áp dụng cho các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Thương mại; các sở thương mại, sở thương mại và du lịch giao dịch trực tuyến với Bộ Thương mại thông qua các phần mềm do Bộ Thương mại cung cấp; các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thương mại và các tổ chức, cá nhân khác giao dịch trực tuyến với Bộ Thương mại...
Khi có nhu cầu sử dụng, các đối tượng trên đều phải đăng ký với đơn vị quản lý hệ thống MOT-CA của Vụ Thương mại điện tử để được cấp thẻ, thiết bị đọc thẻ và được cài đặt các phần mềm liên quan...
Khi gửi văn bản điện tử, người sử dụng phải lưu trữ văn bản điện tử đó bằng các hình thức tin cậy để có thể được sử dụng làm bằng chứng khi cần thiết. Khi gửi văn bản điện tử có nội dung mật hoặc không công khai, người gửi phải mã hoá văn bản này bằng tiện ích mã hoá của Hệ thống MOT-CA và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả xảy ra do việc không mã hoá văn bản điện tử này...
Khi nhận được văn bản điện tử được ký bằng chữ ký số, người nhận phải kiểm tra tính xác thực của văn bản điện tử nhận được trước khi sử dụng văn bản điện tử này...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Kiểm tra tình hình quy hoạch sử dụng đất
(SMS: 201761)
- Ngày 02/8/2006, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-BTNMT về kiểm tra tình hình sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư.
Bộ trưởng yêu cầu: cần phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo"; chỉ ra biện pháp xử lý và thời hạn xử lý đối với từng trường hợp...
Kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án đầu tư đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê nhưng đã không sử dụng đất trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa; làm rõ nguyên nhân chậm triển khai; các biện pháp đã thực hiện (đôn đốc việc triển khai của nhà đầu tư, quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất, quyết định thu hồi đất,...)...
Kiểm tra việc sử dụng đất của các loại quy hoạch, bao gồm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch ngành (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, thể dục thể thao...), quy hoạch khu công nghiệp..., trong đó tập trung kiểm tra các khâu lập, thẩm định, trình, xét duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch; làm rõ tính pháp lý, sự hợp lý và tính khả thi của các quy hoạch; những quy định không phù hợp với pháp luật trong việc hạn chế quyền của người sử dụng đất trong khu quy hoạch; nguyên nhân dẫn tới chậm triển khai quy hoạch; các biện pháp đã tiến hành (bảo đảm các điều kiện để thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, hủy quy hoạch)...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 02/8/2006.


Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
(SMS: 201754)
- Ngày 21/7/2006, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT ban hành Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quy định về mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp theo từng thửa đất gồm hai bản, một bản cấp cho người sử dụng đất và một bản lưu tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của cơ quan tài nguyên và môi trường trực thuộc UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất mà có nhiều người được thừa kế theo pháp luật nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa xác định được đầy đủ những người đó thì cấp một (01) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích để thừa kế. Việc cử người đại diện ghi tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải bằng văn bản thỏa thuận của những người được thừa kế quyền sử dụng đất đã xác định theo pháp luật có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước...
Mục đích sử dụng đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thống nhất với mục đích sử dụng đất ghi trong sổ địa chính...
Tài sản gắn liền với đất gồm nhà ở, các loại nhà khác, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc khác, rừng cây, cây lâu năm được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất có yêu cầu...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng
(SMS: 19871)
- Ngày 31/7/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 35/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy định về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử.
Theo đó, Tổ chức tín dụng phải phân nhóm các loại rủi ro; xác định phương hướng và biện pháp phòng ngừa rủi ro, đặc biệt lưu ý đến quản lý an ninh mạng và bảo vệ thông tin; xác định mức tổn thất tối đa có thể chấp nhận được trong trường hợp xảy ra rủi ro; không triển khai các loại hình hoạt động ngân hàng điện tử đòi hỏi những biện pháp phòng ngừa rủi ro vượt ngoài khả năng hiện có...
Phải áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo bí mật thông tin hoạt động ngân hàng điện tử. Từng biện pháp cụ thể phải phù hợp với mức độ quan trọng của thông tin được truyền đi hay lưu trữ trong cơ sở dữ liệu: Chỉ những cá nhân có thẩm quyền mới được phép tiếp cận đến dữ liệu mật; Mọi thông tin bí phải được lưu trữ một cách an toàn và phải được bảo vệ khỏi mọi nguy cơ bị sửa đổi, truy cập trái phép hoặc rò rỉ trong quá trình truyền dữ liệu qua các mạng nội bộ hoặc mạng công cộng...
Trường hợp được quyền tiếp cận đến những thông tin mật của tổ chức tín dụng, bên thứ ba cũng phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn và chế độ kiểm tra, kiểm soát do tổ chức tín dụng quy định...
Khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử cho khách hàng và/hoặc trong lần đầu tiên sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng, ngân hàng phải có trách nhiệm công khai và giải thích rõ ràng, đầy đủ những rủi ro khách hàng có thể gặp phải khi sử dụng những dịch vụ này...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.