Số 29.2010 (487) ngày 27/07/2010

 

CHÍNH PHỦ


46 loại công nghệ cao được ưu tiên phát triển (SMS: 49/2010/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Theo đó, có 46 công nghệ cao thuộc Danh mục được ưu tiên đầu tư phát triển và 76 loại sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục được khuyến khích phát triển. Căn cứ tình hình từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các Danh mục nói trên.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển có yêu cầu riêng thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/9/2010.
 

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Cấm nhập khẩu ô tô bị sửa số khung, số máy (SMS: 29/2010/TT-BCT) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1046/TTg-KTTH ngày 21/6/2010 về việc bổ sung mặt hàng cấm nhập khẩu, ngày 19/7/2010, Bộ Công thương đã ra Thông tư số 29/2010/TT-BCT quy định cấm nhập khẩu ô tô các loại và bộ linh kiện lắp ráp ô tô các loại chưa qua sử dụng bị đục sửa, đóng lại số khung, số máy trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2010.
 

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Thí điểm thực hiện đấu thầu qua mạng (SMS: 17/2010/TT-BKH) - Từ ngày 15/9/2010, đấu thầu qua mạng sẽ được thực hiện thí điểm tại ba cơ quan là UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2010/TT-BKH ngày 22/7/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Thông tư này, thí điểm đấu thầu qua mạng được thực hiện đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa và xây lắp có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chào hàng cạnh tranh trong nước. Mỗi cơ quan thí điểm lựa chọn tối thiểu 05 gói thầu mua sắm hàng hóa, 03 gói thầu dịch vụ tư vấn, 03 gói thầu xây lắp để áp dụng thí điểm đấu thầu qua mạng.
Khi tổ chức đấu thầu qua mạng, bên mời thầu phải đăng ký tham gia vào Hệ thống đấu thầu qua mạng (Hệ thống) tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn để được cấp chứng thư số; nhà thầu cũng phải đăng ký tham gia vào Hệ thống khi tham gia đấu thầu qua mạng để được cấp chứng thư số. Các văn bản điện tử giao dịch qua Hệ thống có chữ ký số của người đại diện hợp pháp đều có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy. Văn bản điện tử được gửi đến máy chủ chỉ được coi là đã gửi thành công khi máy chủ nhận được; máy chủ sau khi nhận được sẽ có xác nhận là đã nhận thành công cho người gửi. Thời gian gửi, nhận văn bản điện tử qua Hệ thống được xác định căn cứ theo thời gian ghi lại trên máy chủ của Hệ thống. Nhà thầu cần thay đổi tên tham gia đấu thầu, tham gia chào hàng cạnh tranh so với khi nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì phải thông báo bằng văn bản giấy cho bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu, thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đề xuất.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2010.

 

 

BỘ NGOẠI GIAO


Hướng dẫn sử dụng biểu tượng quốc gia (SMS: 01/2010/TT-BNG) - Bộ Ngoại giao vừa ban hành Thông tư số 01/2010/TT-BNG ngày 15/7/2010 hướng dẫn sử dụng biểu tượng quốc gia và nghi thức nhà nước tổ chức một số hoạt động đối ngoại tại cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Thông tư này quy định việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc thiều, ảnh hoặc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh lãnh đạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quốc kỳ, quốc huy, quốc thiều, ảnh lãnh tụ, lãnh đạo của quốc gia tiếp nhận, cờ của chủ thể địa phương nơi đặt cơ quan đại diện lãnh sự hay văn phòng trực thuộc cơ quan đại diện và cờ của tổ chức quốc tế tiếp nhận (gọi tắt là biểu tượng quốc gia).
Thông tư quy định: trụ sở cơ quan đại diện và văn phòng trực thuộc phải treo quốc huy và quốc kỳ Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam được treo trong các hoạt động lễ tiết đối ngoại của cơ quan đại diện; quốc kỳ Việt Nam được treo ngoài trời tại trụ sở cơ quan đại diện, văn phòng trực thuộc, nhà riêng có đèn chiếu sáng khi trời tối. Trong trường hợp quốc gia tiếp nhận quy định treo quốc kỳ nước tiếp nhận tại trụ sở cơ quan đại diện, văn phòng trực thuộc hoặc nhà riêng khi nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu cơ quan  hành pháp hoặc lập pháp quốc gia tiếp nhận đến dự các hoạt động đối ngoại tại đó, quốc kỳ nước tiếp nhận được treo cùng quốc kỳ Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ nước tiếp nhận phải có kích thước tương đương, cách treo giống nhau và cao ngang nhau, quốc kỳ Việt Nam treo bên phải, quốc kỳ nước tiếp nhận bên trái nếu từ ngoài nhìn vào. Quốc kỳ của nước tiếp nhận được treo lên trước khi khách đến và được hạ xuống sau khi khách rời đi.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày đăng công báo.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Thuế nhập khẩu ưu đãi đối với vật tư sản xuất thiết bị nâng hạ (SMS: 104/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính có Thông tư số 104/2010/TT-BTC ngày 22/7/2010 quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất thiết bị nâng hạ thuộc Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg. Theo Thông tư này, các vật tư, linh kiện nhập khẩu nói trên được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%. Có hai điều kiện để được áp dụng mức thuế suất này: một là thiết bị nâng hạ đáp ứng điều kiện quy định tại mục 3, phụ lục I Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; điều kiện thứ hai là doanh nghiệp nhập khẩu (hoặc ủy thác nhập khẩu) vật tư, linh kiện sản xuất thiết bị nâng hạ phải có xác nhận của Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm là loại hình doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cơ khí trọng điểm.
Doanh nghiệp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu cam kết sử dụng đúng mục đích linh kiện, vật tư sản xuất thiết bị nâng hạ để sản xuất thiết bị nâng hạ. Các trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên hoặc sử dụng không đúng mục đích để sản xuất thiết bị nâng hạ thì các linh kiện, vật tư nhập khẩu này được áp dụng theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan hàng nhập khẩu với cơ quan hải quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/3/2009 và áp dụng đến hết ngày 31/12/2015.

Bổ sung chế độ tài chính thực hiện Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài (SMS: 103/2010/TT-BTC) - Ngày 19/7/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 103/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 141/2009/TT-BTC ngày 13/7/2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước”. Cụ thể, bổ sung quy định về chế độ chi tiền thuê phòng ở trong thời gian đào tạo như sau: Đề án tổ chức chỗ ở tập trung, mức chi theo hợp đồng ký kết với cơ sở; nếu Đề án không tổ chức chỗ ở cho học viên thì định mức chi do Ban Chỉ đạo Đề án quyết định, nhưng không vượt quá định mức quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm thực hiện. Bổ sung quy định về tiền thuê chuyên gia: Thuê chuyên gia cao cấp nước ngoài cho công tác đào tạo, chi phí chi trả thuê chuyên gia do Ban Chỉ đạo quyết định dựa trên kết quả công bố công khai của Hội đồng chấm thầu quốc tế.
Thông tư cũng quy định thêm về chi phí thuê phiên dịch, cụ thể: nếu thuê người từ bên ngoài làm phiên dịch (thuê phiên dịch ở trong nước và thuê phiên dịch ở nước ngoài), thực hiện theo cơ chế hợp đồng công việc khoán gọn, định mức chi do Ban Chỉ đạo Đề án xem xét, quyết định; nếu cán bộ phiên dịch là người của cơ quan nhà nước được hưởng các chế độ như thành viên đoàn cán bộ đi học. Vé máy bay áp dụng cho các đối tượng đi tham dự các khoá bồi dưỡng, đào tạo thực hiện thống nhất hạng phổ thông (hạng economy).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.
 

 

TỔNG CỤC HẢI QUAN


Quy chế phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (SMS: 1628/QD-TCHQ) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 1628/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2010 ban hành Quy chế phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trong ngành Hải quan. Theo đó, phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (gọi tắt là PTPL) là việc cơ quan hải quan kiểm tra thực tế mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các đơn vị PTPL bằng các phương tiện, biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật để xác định đặc tính, tên hàng, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu và theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hải quan. Việc PTPL được thực hiện khách quan, khoa học, chính xác theo các quy định của Quy chế này và theo quy định của pháp luật về công tác PTPL.
Kết quả PTPL là cơ sở để cơ quan hải quan xác định tên gọi, mã số, mức thuế của hàng hóa XNK. Nội dung, thời hạn ra Thông báo kết quả PTPL và việc sử dụng kết quả PTPL thực hiện theo Điều 23, 24 Thông tư 49/2010/TT-BTC. Kết quả PTPL chỉ có giá trị đối với mẫu hàng hóa được yêu cầu PTPL. Trường hợp đơn vị yêu cầu PTPL sử dụng kết quả PTPL để thông quan hàng hóa nhưng doanh nghiệp không đồng ý với kết quả PTPL và đề nghị được giám định để kiểm tra lại kết quả PTPL thì: đơn vị yêu cầu PTPL phải xác định rõ những lý do của doanh nghiệp không đồng ý với kết quả PTPL này; trên cơ sở đó, đơn vị yêu cầu PTPL gửi văn bản đề nghị đơn vị PTPL liên quan giải quyết cho doanh nghiệp nhận lại một phần mẫu còn đang được lưu theo quy định tại đơn vị PTPL để làm thủ tục giám định. Nếu kết quả giám định khác với kết quả PTPL thì trước khi sử dụng kết quả giám định theo quy định hiện hành, đơn vị yêu cầu PTPL có văn bản trao đổi với đơn vị PTPL liên quan để đơn vị PTPL có trách nhiệm làm rõ kết quả PTPL.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2010 và thay thế Quyết định số 1671/QĐ-TCHQ ngày 20/10/2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
 

 

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH


Quy định mới về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (SMS: 06/2010/TT-BVHTTDL) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2010 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thay thế cho Thông tư số 24/2007/TT-BVHTT ngày 27/7/2007 của Bộ Văn hóa thông tin. Đối tượng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, ngoài công lập, nghệ sĩ tự do, người hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Các đối tượng này, do yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu, quản lý lĩnh vực nghệ thuật, nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định, được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Theo Thông tư này, người được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, kèm theo tiền thưởng đối với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung, đối với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, danh hiệu nghệ sĩ ưu tú được xét và công bố hai năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/8/2010.

 

 

LIÊN BỘ


Trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và tổ chức tín dụng (SMS: 102/2010/TTLT-BTC-NHNN) - Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BTC-NHNN ngày 14/7/2010 hướng dẫn về trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý thuế (cơ quan thuế, cơ quan hải quan) và các tổ chức tín dụng. Thông tư này hướng dẫn việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các tổ chức tín dụng, bao gồm: thông tin phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực hải quan và thuế của cơ quan quản lý thuế; thông tin liên quan đến người nộp thuế phục vụ cho hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của các tổ chức tín dụng.
Thông tin do cơ quan quản lý thuế cung cấp gồm có: thông tin định danh về người nộp thuế như tên, địa chỉ, mã số thuế, lĩnh vực/ngành nghề kinh doanh…; thông tin về tình trạng hoạt động của người nộp thuế (người nộp thuế đang hoạt động và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế, người nộp thuế đang hoạt động nhưng chưa đủ điều kiện/thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế, người nộp thuế chuyển sang tỉnh khác, người nộp thuế ngừng hoạt động và đã đóng mã số thuế, người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế, người nộp thuế tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn); danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế. Thông tin do các tổ chức tín dụng cung cấp gồm có: hồ sơ, thông tin giao dịch qua tài khoản ngân hàng của người nộp thuế (là tổ chức, cá nhân đang bị cơ quan quản lý thuế nghi ngờ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan hoặc đang bị cơ quan quản lý thuế kiểm tra, thanh tra); thông tin về số tiền bảo lãnh cho người nộp thuế của tổ chức tín dụng; hồ sơ, chứng từ, số tài khoản thanh toán, bản sao sổ kế toán chi tiết tài khoản thanh toán, bản sao bộ chứng từ thanh toán quốc tế, bộ chứng từ thanh toán nội địa, thanh toán biên mậu qua tổ chức tín dụng của người nộp thuế; các thông tin khác phục vụ cho hoạt động thu thập xử lý thông tin, kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BTC-NHNN ngày 04/01/2006 hướng dẫn trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế với ngân hàng và tổ chức tín dụng.