Số 29.2009 (436) ngày 28/07/2009

CHÍNH PHỦ


Cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (SMS: 535478) - Ngày 24/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Theo Quyết định này, có 7 lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, bao gồm: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y, dược và sức khỏe, khoa học nông nghiệp, dịch vụ khoa học và công nghệ. Cụ thể là các ngành: toán học; khoa học máy tính và thông tin; vật lý; hóa học; cơ học; các khoa học trái đất; sinh học; tâm lý học; kinh tế và kinh doanh; khoa học giáo dục; xã hội học; địa lý kinh tế và xã hội; lịch sử và khảo cổ; triết học; ngôn ngữ học và văn học; nghệ thuật; kiến trúc và xây dựng dân dụng; kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông; kỹ thuật cơ khí và công nghệ chế tạo máy; công nghệ hóa học; công nghệ vật liệu và kỹ thuật luyện kim; kỹ thuật y học; công nghệ môi trường; công nghệ sinh học; công nghệ nano; công nghệ thực phẩm và đồ uống; công nghệ năng lượng và khai thác tài nguyên; y học cơ sở; y học lâm sàng; y học dự phòng; dược học; trồng trọt; chăn nuôi; thú y; thủy sản; dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ; dịch vụ thư viện, lưu trữ khoa học và công nghệ; dịch vụ bảo tàng khoa học và công nghệ; dịch vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; dịch vụ sở hữu trí tuệ và dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ do mình thành lập và chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục nói trên. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009.

Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp (SMS: 535477) - Đó là Nghị định số 60/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 23/7/2009. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động: thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; giám định tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; hành nghề luật sư; tư vấn pháp luật; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; cho, nhận, nuôi con nuôi; hợp tác quốc tế về pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là 01 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, nếu quá một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 69 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp được quy định cụ thể như sau: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp hoặc lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của bản sao có chứng thực hoặc bản chính để làm thủ tục yêu cầu chứng thực; phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có một trong số bất động sản mà tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở; phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi được yêu cầu; phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định tại cơ quan có thẩm quyền…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/9/2009 và thay thế Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Bãi bỏ Điều 9 và Điều 14 tại Chương II Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Giảm và miễn thuế đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở (SMS: 535428) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg ngày 22/7/2009 sửa đổi một số điều của các Quyết định: số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê; số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê và số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo Quyết định này, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2009 và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở để: cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuê; cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thuê; bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến 2015 (SMS: 535328) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 phê duyệt “Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” với quan điểm là Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển ngành công nghiệp môi trường, trên cơ sở hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường và đồng bộ với phát triển doanh nghiệp, thị trường và nguồn nhân lực; đồng thời đảm bảo việc hài hòa giữa ba lĩnh vực: dịch vụ môi trường, thiết bị môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Theo Quyết định này, giai đoạn từ nay đến năm 2015 là giai đoạn xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường; phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Cũng theo Quyết định này, Nhà nước sẽ hỗ trợ qua tín dụng nhà nước để phát triển ngành công nghiệp môi trường và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp này. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo quy định của pháp luật. Thu hút và có chính sách ưu đãi đối với chuyên gia nước ngoài, nhất là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc phát triển ngành công nghiệp môi trường trong nước cùng với việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực ở trong nước và nước ngoài cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

 

BỘ TÀI CHÍNH


Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu (SMS: 535487) - Ngày 21/7/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 148/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710 quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, mặt hàng nhiên liệu động cơ tuốc bin dùng cho hàng không (nhiêu liệu phản lực) có độ chớp cháy từ 230C trở lên (mã 2710.19.13.00) và có độ chớp cháy dưới 230C (mã 2710.19.14.00) thuế suất giảm từ 25% xuống còn 20%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 26/7/2009. Bãi bỏ Thông tư số 133/2009/TT-BTC ngày 30/6/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Quy định mới về lệ phí liên quan đến quốc tịch (SMS: 535382) - Ngày 20/7/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 146/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí giải quyết các việc liên quan đến quốc tịch. Theo Thông tư này, đối tượng thu lệ phí là công dân Việt Nam và người nước ngoài khi nộp đơn tại Việt Nam để xin nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam và thôi quốc tịch Việt Nam. Cơ quan thu lệ phí là sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi tiếp nhận hồ sơ của các đối tượng nói trên. Mức thu cụ thể như sau: lệ phí xin nhập quốc tịch Việt Nam là 03 triệu đồng, lệ phí xin trở lại hoặc xin thôi quốc tịch Việt Nam là 2,5 triệu đồng. Các đối tượng sau đây được miễn lệ phí liên quan đến quốc tịch: người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo quy định về chuẩn nghèo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam; người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người Lào di cư sang Việt Nam đã được cấp phép cư trú ổn định trước ngày 01/01/2009; người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người Campuchia lánh nạn diệt chủng từ những năm 1978 đến 1983 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch gốc và đã từng được đăng ký tại các trại tị nạn ở Việt Nam do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) bảo trợ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên tịch số 08/TTLT/BTC-BTP-BNG ngày 31/12/1998 hướng dẫn mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí giải quyết việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam.
 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Quy định về tốc độ, khoảng cách của xe cơ giới trên đường bộ (SMS: 535425) - Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo Thông tư này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới được ghi trên biển báo hiệu đường bộ; tại những đoạn đường không có biển báo hiệu đường bộ quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện các quy định tại Thông tư này. Cụ thể, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo. Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: tốc độ lưu hành đến 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 30m; tốc độ lưu hành trên 60km/h đến 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 50m; tốc độ lưu hành trên 80km/h đến 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 70m; tốc độ lưu hành trên 100km/h đến 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 90m. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định nói trên.
Thông tư cũng quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp: có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; qua cầu, cống hẹp, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; qua khu vực có trường học vào giờ học sinh đến trường hoặc tan trường, khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường xảy ra tai nạn giao thông; khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ có khách đang lên, xuống xe…
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 05/2007/QĐ-BGTVT ngày 02/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được (SMS: 535489) - Ngày 23/7/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 04/2009/TT-BKH hướng dẫn thực hiện một số quy định về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư này 06 danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Đó là: danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng (bao gồm cả tàu bay, dàn khoan, tàu thủy) trong nước đã sản xuất được theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 để làm căn cứ thực hiện việc miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 17 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng; danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được để làm căn cứ thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 16 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08/12/2005 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (gọi tắt là Nghị định số 149/2005/NĐ-CP); danh mục vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí trong nước đã sản xuất được làm căn cứ thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 16 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP và miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 17 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng; danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ cho việc đóng tàu trong nước đã sản xuất được làm căn cứ thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 12 Điều 16 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP; danh mục nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước đã sản xuất được làm căn cứ thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 13 Điều 16 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP; danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được làm căn cứ thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 16 Điều 16 Nghị định số 149/2005/NĐ-CP.
Các danh mục nói trên sẽ được xem xét, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Thông tư này thay thế cho Quyết định số 827/2006/QĐ-BKH ngày 15/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

ỦY BAN DÂN TỘC


Sửa đổi nội dung đào tạo cán bộ thực hiện Chương trình 135 (SMS: 535474) - Ủy ban Dân tộc vừa ban hành Thông tư số 01/2009/TT-UBDT ngày 17/7/2009 sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2 Điều 2 Quyết định số 04/2007/QĐ-UBDT ngày 19/7/2007 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc về việc ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II. Theo đó, điểm c, khoản 2 Điều 2 được sửa đổi như sau: Chủ tịch UBND các tỉnh thuộc Chương trình 135 giai đoạn II chỉ đạo cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh và cấp huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo tại địa phương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II theo tài liệu do Ủy ban Dân tộc ban hành và các tài liệu do địa phương biên soạn. Riêng nội dung đào tạo nghề thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15/9/2008 của liên tịch Ủy ban Dân tộc - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải được tổ chức đảm bảo thời lượng tối thiểu của các chuyên đề theo nội dung Chương trình khung. Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng có thể được tổ chức nhiều lần để cập nhật kiến thức phù hợp với đặc thù của học viên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.