Số 29.2008 (385) ngày 25/07/2008

 CHÍNH PHỦ


Phát triển ngành xi măng
(SMS: 505319)
- Ngày 21/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu: quy hoạch thăm dò khoáng sản làm xi măng phải đi trước một bước để làm căn cứ pháp lý cho việc quản lý cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác mỏ, đáp ứng kịp thời yêu cầu khai thác nguyên liệu cho ngành xi măng trong cả nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm sau.
Xây dựng phương án khai thác hợp lý và hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên và thu hồi toàn bộ khoáng sản. Huy động nguồn vốn và phát huy năng lực của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản làm xi măng (gồm 3 loại chủ yếu là đá vôi, đất sét, phụ gia).
Từ nay đến năm 2020, nhu cầu khối lượng khoáng sản cần quy hoạch thăm dò là 2.212 triệu tấn trong đó đá vôi 1.479 triệu tấn, đất sét 370 triệu tấn và phụ gia 363 triệu tấn. Nhu cầu khối lượng khoáng sản cần quy hoạch khai thác là 3.174 triệu tấn trong đó đá vôi 2.172 triệu tấn, đất sét 586 triệu tấn, phụ gia 416 triệu tấn.
Tổng vốn đầu tư cho thăm dò các mỏ khoáng sản là 243 tỷ đồng. Quy hoạch cũng nêu rõ: Ưu tiên thăm dò những mỏ, những diện tích phân bố khoáng sản trong vùng phát triển xi măng hoặc vùng lân cận các nhà máy xi măng, những vùng nguyên liệu sản xuất xi măng có điều kiện khai thác thuận lợi, không tác động đến môi trường.
Các mỏ đá vôi, đất sét chạy dọc các quốc lộ, dọc bờ biển cần có các biện pháp khai thác hợp lý như khai thác phía sau núi, chỉ khai thác trong ruột các mỏ để giữ lại cảnh quan và ngăn chặn sự xâm thực của khí hậu biển vào sâu trong đất liền.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu với gạo và phân bón
(SMS: 505254)
- Ngày 21/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/2008/QĐ-TTg về việc ban hành mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạo và phân bón xuất khẩu.
Theo đó, mức thuế tuyệt đối cao nhất với gạo sẽ là 2,9 triệu đồng/tấn, với phân bón là 5.000 đồng/kg.
Cụ thể, mặt hàng gạo chịu tám mức thuế tuyệt đối, được tính dựa vào giá gạo xuất khẩu theo giá FOB (giá giao tới mạn tàu chở hàng, chưa có bảo hiểm): gạo xuất khẩu có giá từ 600 đến dưới 700 USD/tấn chịu thuế 500.000 đồng/tấn, từ 700 USD/tấn đến dưới 800 USD/tấn chịu thuế 600.000 đồng/tấn...
Mức thuế tuyệt đối này sẽ tăng lũy tiến theo mức tăng của giá xuất khẩu gạo.
Đối với mặt hàng phân bón, mức thuế tuyệt đối 4.000 đồng/kg được áp dụng đối với phân SA và DAP; mức 5.000 đồng/kg đối với phân Urê và phân Kali.
Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ đánh bắt hải sản
(SMS: 505274)
- Ngày 21/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 965/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và ngư dân, Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 22/5/2008 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2007 - 2008 và chăn nuôi trâu, bò bị thiệt hại do ảnh hưởng rét đậm, rét hại năm 2008 và Quyết định số 289/QĐ-TTg.
Theo đó, kể từ ngày 21/7/2008, đối với tàu có công suất máy từ 90CV trở lên, mức hỗ trợ tăng từ 8 triệu đồng lên 10 triệu đồng cho 1 chuyến đi đánh bắt hải sản; với tàu từ 40 - 90 CV, tăng từ 5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng; với tàu dưới 40 CV, tăng từ 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng.
Với loại tàu có công suất máy 40CV, 40 - 90CV và 90CV trở lên, số lần hỗ trợ tương ứng là 5, 4, 3 lần/năm. Việc hỗ trợ được thực hiện trong năm 2008.
Để nhận hỗ trợ, ngư dân phải đáp ứng các điều kiện: có tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ tham gia hoạt động khai thác hải sản, cung ứng dịch vụ trên biển, có giấy đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá (đối với tàu dưới 20CV), thực hiện mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo quy định của pháp luật (tàu từ 90CV trở lên phải bắt buộc mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên); có giấy phép khai thác thủy sản, có địa chỉ cư trú hợp pháp được UBND cấp xã, phường, thị trấn xác nhận; có xác nhận của chính quyền cấp xã hoặc bộ đội biên phòng…


Quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật
(SMS: 505227)
- Theo Nghị định số 78/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành 17/7/2008, quy định: hợp tác với nước ngoài về pháp luật bao gồm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực: soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); Tổ chức thực hiện các văn bản QPPL và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giám sát việc thi hành pháp luật; Tăng cường năng lực của các cơ quan xây dựng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; Đào tạo luật ở bậc đại học và sau đại học, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức soạn thảo văn bản QPPL, thẩm pháp, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án, trợ giúp viên trợ giúp pháp lý, cán bộ thi hành án hình sự, trọng tài viên, công chứng viên, đăng ký viên, luật sư và các chức danh tư pháp khác; Thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý…
Hợp tác với nước ngoài về pháp luật được thực hiện dưới các hình thức như: ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, các chương trình, dự án hợp; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, tập huấn chuyên sâu về pháp luật có sự tham gia hoặc tài trợ của cơ quan, tổ chức nước ngoài; Tổ chức các đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật; Trao đổi tài liệu pháp luật như: giáo trình, sách giáo khoa, bài giảng...; Cung cấp chuyên gia tư vấn…
Chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng phải được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Nội dung thẩm định gồm: sự cần thiết của chương trình, dự án; Tính khả thi của chương trình, dự án; Hiệu quả kinh tế-xã hội; Tính hơp hiến, hợp pháp và sự tương thích của chương trình, dự án với các quy định của pháp luật Việt Nam; Không trùng lắp với chương trình, dự án khác... Thời gian thẩm định là 10 ngày làm việc, tính từ ngày Bộ Tư pháp nhận được Hồ sơ hợp lệ…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tư vấn pháp luật
(SMS: 505226)
- Theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ban hành ngày 16/7/2008, Chính phủ quy định: Trung tâm tư vấn pháp luật (Trung tâm) muốn thành lập phải có trụ sở; về nhân sự phải có ít nhất 2 tư vấn viên pháp luật hoặc 1 tư vấn viên pháp luật và 1 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc 2 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động…
Trung tâm được nhận và thực hiện vụ việc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật và được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý…
Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản. Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí, Trung tâm được thu thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác có yêu cầu tư vấn pháp luật để bù đắp chi phí hoạt động.
Trung tâm được quyền đề nghị cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin hoặc kiến nghị những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật.
Bên cạnh đó, Trung tâm phải tuân thủ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về việc sử dụng tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm; bồi thường thiệt hại do lỗi của tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn của Trung tâm gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật…
Tư vấn viên pháp luật phải có bằng cử nhân Luật; thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên… Tư vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật được hoạt động trong phạm vi toàn quốc…
Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu xây lắp
(SMS: 505307)
- Theo Quyết định số 937/2008/QĐ-BKH của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ban hành ngày 23/7/2008, quy định: nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về tình hình tài chính lành mạnh, tuỳ theo thực tế gói thầu mà yêu cầu nhà thầu hoạt động bình quân có lãi (lợi nhuận) ở mức bình thường trong 2 hoặc 3 năm trong thời gian yêu cầu báo cáo về tình hình tài chính…
Bên cạnh đó, nhà thầu phải đảm bảo lưu lượng tiền mặt nhằm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, được tính theo công thức: Lưu lượng tiền mặt yêu cầu bằng (=) Giá gói thầu theo trung bình tháng nhân với (x) t (t là khoảng thời gian trung bình dự kiến cần thiết kể từ khi nhà thầu phát hành hoá đơn đến khi chủ đầu tư thanh toán hoá đơn đó). Trong trường hợp liên danh, lưu lượng tiền mặt của cả liên danh được tính bằng tổng lưu lượng tiền mặt của mỗi thành viên trong liên danh…
Chủ đầu tư cần căn cứ vào tính chất, đặc điểm của gói thầu mà đưa ra các yêu cầu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Chuyển quyền sử dụng đất trong gia đình
(SMS: 505281)
- Ngày 21/7/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2008/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2000/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 19/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Theo đó, các trường hợp văn bản chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất giữa cha, mẹ với con dâu, con rể được lập từ ngày 5/5/2008 trở đi thì không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ), kể cả khi cha, mẹ CQSDĐ cho con dâu, con rể theo pháp luật về thừa kế.
Trường hợp văn bản này được lập trước ngày 5/5/2008, nhưng đến ngày 5/5/2008 trở đi mới nộp hồ sơ kê khai thuế, nếu vẫn trong thời hạn kê khai thuế theo quy định (10 ngày, tính từ ngày lập xong văn bản chuyển nhượng, tặng, cho QSDĐ), cũng không phải nộp thuế CQSDĐ.
Nếu cha, mẹ CQSDĐ cho con dâu, con rể trước ngày 5/5/2008, mà người đang sử dụng đất thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn về kinh tế, đã được phép ghi nợ tiền thuế CQSDĐ, thì không phải nộp số thuế còn nợ.
Người CQSDĐ phải có bản sao Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc giấy tờ chứng minh có QSDĐ hợp pháp; bản sao giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu thể hiện quan hệ huyết thống; bản sao Giấy đăng ký kết hôn hợp pháp chứng minh con dâu, con rể đang trong thời kỳ hôn nhân...
Các trường hợp không phải nộp thuế CQSDĐ theo hướng dẫn này, nhưng đã nộp thuế vào ngân sách từ ngày 5/5/2008 thì được xem xét hoàn trả lại số tiền thuế đã nộp.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo
(SMS: 505248)
- Ngày 18/7/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 64/2008/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 67/2004/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo.
Theo đó, lệ phí thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, panô và các hình thức tương tự có diện tích từ 40m2 trở lên áp dụng mức thu mới là 600.000 đồng/1giấy phép/1bảng, biển panô (quy định trước đây là 400.000 đồng); diện tích từ 30 đến dưới 40m2: 500.000 đồng (trước đây: 300.000 đồng); từ 20m đến dưới 30m2: 400.000 đồng (trước đây: 200.000 đồng)…
Lệ phí thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông, vật phát quan, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động và các hình thức tương tự khác: 100.000 đồng/1cái ((trước đây: 50.000 đồng).
Quảng cáo trên băng rôn (bao gồm cả băng rôn dọc và ngang): 50.000 đồng/1cái, tổng số thu lệ phí 1 lần cấp giấy phép không quá 2.000.000 đồng/1giấy phép (trước đây: 20.000 đồng và tổng số thu lệ phí 1 lần cấp giấy phép không quá 500.000 đồng/1 giấy phép)...
Không thu lệ phí cấp giấy phép thực hiện quảng cáo đối với những thông tin chính trị.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH


Hỗ trợ việc làm ngoài nước
(SMS: 505245)
- Ngày 21/7/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành hành Thông tư liên tịch số 11/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng cho thân nhân của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức tối đa 5 triệu đồng/trường hợp đối với người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không đủ sức khoẻ để tiếp tục làm việc và phải về nước trước thời hạn (mức hỗ trợ này không áp dụng đối với người lao động ra ngoài hợp đồng hoặc phải về nước ngay sau khi sang đến nước làm việc do sai sót khám sức khoẻ trong nước)…
Doanh nghiệp dịch vụ khi cử cán bộ của mình ra nước ngoài giải quyết rủi ro cho người lao động bị chết thì được hỗ trợ bằng một chiếc vé máy bay chiều từ Việt Nam đến nước có người lao động làm việc.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ giáo trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ; người lao động là con thương binh, liệt sỹ và người có công hưởng chính sách ưu đãi, người lao động thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ bằng 50% mức học phí phải nộp theo quy định nhưng không quá 1,5 triệu động/lao động…
Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước được hình thành trên cơ sở đóng góp của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và đóng góp của người lao động (doanh nghiệp đóng 1% trên tổng số thu tiền dịch vụ hàng năm, người lao động đóng góp Quỹ 100.000đ/người/hợp đồng)…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.