Số 29.2007 (334) ngày 27/07/2007

 CHÍNH PHỦ


Quản lý tài sản của dự án
(SMS: 500848)
- Ngày 25/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 17/2007/CT-TTg về việc tăng cường quản lý tài sản của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu: các Ban Quản lý dự án thu hồi các tài sản hiện đang quản lý, sử dụng, cho thuê, cho mượn không đúng quy định; Tổ chức bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước hoặc điều chuyển theo quy định của pháp luật, bao gồm cả tài sản của các dự án đã kết thúc hoặc tài sản của các dự án đang hoạt động nhưng không còn nhu cầu sử dụng…
Đối với các dự án đã kết thúc nhưng không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý tài sản và các trường hợp dự án có xảy ra sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, trên cơ sở đó có hình thức xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, sẽ chỉ thực hiện trang cấp tài sản cho các Ban Quản lý dự án được thành lập theo quy định của pháp luật. Nhà thầu, tư vấn, giám sát dự án tự đảm bảo tài sản để phục vụ việc tư vấn, giám sát, thi công. Ban Quản lý dự án không đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản để trang bị cho nhà thầu, tư vấn, giám sát…
Đối với xe ô tô phục vụ công tác: các cơ quan được giao thực hiện chương trình, dự án sắp xếp, bố trí trong số ô tô hiện có để phục vụ công tác quản lý của Ban Quản lý dự án. Trường hợp không bố trí, sắp xếp được thì Ban Quản lý dự án được thuê phương tiện đi lại. Việc thuê phương tiện đi lại phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức…
Việc xử lý tài sản của các dự án khi dự án kết thúc hoặc không còn nhu cầu sử dụng trong quá trình thực hiện dự án phải được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thời hạn xử lý tài sản tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày dự án kết thúc. Đối với tài sản được tạm nhập, miễn thuế của chuyên gia tư vấn nước ngoài, sau khi dự án kết thúc nếu chuyển giao lại cho Chính phủ Việt Nam thì Ban Quản lý dự án hoặc cơ quan được giao xử lý tài sản thay mặt dự án làm thủ tục chuyển nhượng và nộp thuế (nếu có) theo quy định của pháp luật.


Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi
(SMS: 500856)
- Ngày 20/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
Theo đó, hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học tại các lớp mẫu giáo thôn, bản với mức hỗ trợ cho một học sinh là 70.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm; hỗ trợ học sinh bán trú là con các hộ nghèo đang theo học tại các trường phổ thông về tiền ăn, dụng cụ sinh hoạt và học tập với mức hỗ trợ cho một học sinh là 140.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm.
Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường. Cụ thể, hỗ trợ một lần cho các hộ nghèo về vật liệu để nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, làm mới hoặc di chuyển chuồng trại chăn nuôi và nhà vệ sinh, mức hỗ trợ bằng 01 triệu đồng/hộ nghèo.
Hỗ trợ một số hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống. Mức hỗ trợ cho một xã là 02 triệu đồng/năm; cho một thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II là 0,5 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ một số hoạt động tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại xã; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cung cấp thông tin pháp luật miễn phí cho người nghèo. Mức hỗ trợ cho một xã là 02 triệu đồng/năm; cho một thôn, bản là 0,5 triệu đồng.
Thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân từ năm 2008 và kết thúc vào cuối năm 2010. Riêng đối với chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học được thực hiện theo niên học, từ tháng 9/2007 đến hết tháng 5/2010.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sản xuất và kinh doanh thuốc lá
(SMS: 500832)
- Theo Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ban hành ngày 18/7/2007, Chính phủ quy định: từ ngày 01/4/2008 áp dụng in lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ bằng chữ đen trên nền trắng, chiếm 30% diện tích vỏ bao thuốc lá với một trong các nội dung: "hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi"; "hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính"…
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá được phép thực hiện các hình thức giới thiệu về doanh nghiệp sau: đăng, phát giới thiệu sản phẩm thuốc lá, sợi thành phẩm do doanh nghiệp sản xuất trên báo chí đối ngoại bằng tiếng nước ngoài; Đăng phát một lần trên các phương tiện truyền thông lời chúc mừng, giới thiệu tên, địa chỉ, biểu tượng của doanh nghiệp trong các dịp lễ tết, ngày truyền thống hàng năm của doanh nghiệp.
Tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh nguyên liệu thuốc lá khi có giấy chứng nhận đủ các điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thực hiện đúng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, bao gồm: có đăng ký kinh doanh mặt hàng nguyên liệu thuốc lá; Có cơ sở kinh doanh đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ; có quy trình kinh doanh phù hợp với ngành, nghề mua, bán nguyên liệu thuốc lá; địa điểm đặt cơ sở kinh doanh phải phù hợp với Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá; Có cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên đảm bảo các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp theo yêu cầu của pháp luật; Có hợp đồng đầu tư vùng nguyên liệu thuốc lá theo Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá và kế hoạch hàng năm…
Các doanh nghiệp đầu tư trồng thuốc lá được trích trong giá mua nguyên liệu thuốc lá để lập Quỹ trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá nhằm mục đích phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá…
Sản lượng sản phẩm thuốc lá sản xuất hàng năm của doanh nghiệp không được vượt quá năng lực sản xuất ghi trong Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển điện lực
(SMS: 500855) - Ngày 18/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025.

Theo đó, phát triển nguồn điện phải đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Đảm bảo thực hiện tiến độ xây dựng các nhà máy thủy điện có các lợi ích tổng hợp như: chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; phát triển hợp lý, có hiệu quả các nguồn nhiệt điện khí; đẩy mạnh xây dựng nhiệt điện than; phát triển thủy điện nhỏ, năng lượng mới và tái tạo cho các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; chủ động trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững. Hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án nhà máy điện hạt nhân, trình Thủ tướng phê duyệt…
Bên cạnh đó, cần phát triển lưới điện truyền tải và phân phối một cách đồng bộ với chương trình phát triển nguồn điện. Thực hiện việc hiện đại hóa và từng bước ngầm hóa lưới điện các thành phố, thị xã, hạn chế tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, áp dụng các biện pháp giảm tổn thất điện năng theo quy định…
Tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư phát triển điện nông thôn, phấn đấu đến năm 2010 có 95% và năm 2015 có 100% các xã có điện…
Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện phân phối theo các hình thức đầu tư được pháp luật quy định…
Tính toán giá mua - bán điện theo hướng thị trường và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư phát triển các công trình lưới điện đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xúc tiến đầu tư
(SMS: 500859)
- Ngày 17/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007 - 2010.
Mục tiêu của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia là tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước trong một chương trình tổng thể thống nhất; gắn kết với hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và lĩnh vực liên quan khác…
Các Bộ, ngành quản lý đầu tư, sản xuất và UBND cấp tỉnh xây dựng đề án-chương trình xúc tiến đầu tư do Bộ, ngành và địa phương mình chủ trì tổ chức thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, xây dựng thành Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Đề án-chương trình xúc tiến đầu tư được gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01/7 của năm trước năm kế hoạch…
Cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến đầu tư chủ động tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ quy định tại Quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia hàng năm và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.
Trường hợp các cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến đầu tư có yêu cầu điều chỉnh, thay đổi nội dung hoặc chấm dứt đề án-chương trình xúc tiến đầu tư đã được phê duyệt, cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến đầu tư có văn bản đề nghị Hội đồng thẩm tra, giải thích rõ lý do và kiến nghị phương án điều chỉnh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến đầu tư, Hội đồng thẩm tra báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định việc điều chỉnh, thay đổi nội dung hoặc chấm dứt đề án-chương trình…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thời gian tính bảo hiểm
(SMS: 500834)
- Ngày 13/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg về việc tính thời gian để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân thuộc biên chế các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị -xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được cơ quan, đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc có thời hạn, xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước trước ngày 01/01/2007 nhưng không đúng hạn.
Theo đó, thời gian làm việc trong nước trước khi đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài và thời gian ở nước ngoài trong thời hạn cho phép trước ngày 01/01/1995 nếu chưa nhận chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất…
Thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội kể từ ngày 01/01/1995 trở đi được tính theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Cấp mã số thuế
(SMS: 500819)
- Ngày 18/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 85/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế về việc đăng ký thuế.
Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân, chủ hộ kinh doanh có các cơ sở, cửa hàng kinh doanh đóng tại các địa bàn quận, huyện, thị xã hoặc tỉnh khác nhau thì ngoài mã số thuế chính 10 số còn được cấp các mã số thuế 13 số để kê khai nộp thuế cho các cơ sở, cửa hàng kinh doanh với cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế cơ sở, cửa hàng này...
Trường hợp nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài trực tiếp nộp thuế tại Việt Nam khi thực hiện dự án đầu tư, đã đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế 10 số, nếu phát sinh các hợp đồng (thuộc dự án) tại các địa điểm khác, thì nhà thầu phải kê khai đăng ký thuế để được cấp mã số thuế 13 số cho các Ban điều hành dự án hoặc nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài trực tiếp thực hiện từng hợp đồng…
Đối với trường hợp nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài, các hợp đồng, hợp tác kinh doanh của Việt Nam với người nước ngoài, nhưng bên nước ngoài không trực tiếp nộp thuế tại Việt Nam, thì bên Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu có trách nhiệm kê khai và nộp thuế cho bên nước ngoài. Bên Việt Nam được cấp một mã số thuế 10 số để sử dụng cho việc kê khai, nộp hộ thuế cho các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài. Trường hợp bên Việt Nam ký hợp đồng là doanh nghiệp đã được cấp mã số thuế thì không được sử dụng mã số thuế của doanh nghiệp để kê khai, nộp thuế cho các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài…
Cơ quan Thuế có trách nhiệm cấp chứng nhận đăng ký thuế chậm nhất không quá 5 ngày làm việc đối với các hồ sơ đăng ký thuế nộp trực tiếp tại các Cục thuế và 10 ngày đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại các Chi cục thuế, tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký thuế (không tính thời gian chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ do người nộp thuế kê khai sai sót).
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sắp xếp, xử lý nhà đất
(SMS: 500820)
- Ngày 16/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Theo đó, đối với các địa phương có số lượng cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước không lớn, việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước không phức tạp thì không cần thành lập Ban chỉ đạo; UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo hoặc giao Sở Tài chính chủ trì giúp UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh...

Trường hợp đơn vị sử dụng nhà, đất
chưa được xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, đơn vị thì đơn vị sử dụng nhà, đất có văn bản đề nghị Sở Tài chính xác định giá trị quyền sử dụng đất trên cơ sở diện tích đất và giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, công bố vào ngày 01/01 hàng năm theo mục đích sử dụng tại thời điểm báo cáo kê khai...
Trường hợp đơn vị sử dụng nhà, đất thuộc Trung ương quản lý không thuộc đối tượng xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, đơn vị
, nhưng cơ sở nhà, đất này phải thu hồi do sử dụng không đúng quy định; được điều chuyển giữa các Bộ, ngành, các địa phương; được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đơn vị sử dụng nhà, đất có văn bản đề nghị Sở Tài chính xác định giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm này...
Trường hợp đang cho thuê toàn bộ hoặc một phần khuôn viên (không phân biệt phần khuôn viên cho thuê đó là độc lập hay không độc lập) thì việc bồi thường chi phí thiệt hại thực tế do chấm dứt hợp đồng cho thuê trước hạn (nếu có) khi chấm dứt hợp đồng thuê được thực hiện theo quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế. Sau ngày 16/8/2007 mà chưa chấm dứt hợp đồng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi toàn bộ hoặc một phần khuôn viên nhà, đất đang cho thuê và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định và chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Hướng dẫn về hoạt động mua bán hàng hoá
(SMS: 500779)
- Ngày 17/7/2007, Bộ Thương mại đã ban hành Thông tư số 09/2007/TT-BTM hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp FDI được thực hiện quyền nhập khẩu, tuy nhiên, không được lập cơ sở để phân phối hàng nhập khẩu. Cụ thể,
doanh nghiệp FDI đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu sẽ được nhập khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Đối với những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo lộ trình sẽ được nhập khẩu theo đúng như cam kết của Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI được trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ được bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu cho một thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối nhóm hàng đó. Doanh nghiệp FDI được tự lựa chọn đối tác phân phối và phải đăng ký với cơ quan quản lý.
Đối với những doanh nghiệp FDI đã được cấp phép thực hiện quyền phân phối, các doanh nghiệp này được thực hiện bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại, đại lý mua bán hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này sẽ không được thực hiện bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ đã được cấp phép và phải xin phép nếu muốn thành lập thêm cơ sở bán lẻ mới. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở bán lẻ, sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của từng địa phương trước khi quyết định có thể cấp phép hay không…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.