Số 29.2006 (283) ngày 28/07/2006

 CHÍNH PHỦ


Quy định về văn phòng đại diện và chi nhánh theo Luật Thương mại
(SMS: 201752)
- Ngày 25/7/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện sau: Là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp; Đã hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân. Đối với thành lập chi nhánh thì đã hoạt động không dưới 05 năm, kể từ khi thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp...
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng kỷ kinh doanh của thương nhân nước ngoài...
Trong những trường hợp sau đây, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi: Thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài trong phạm vi nước nơi thương nhân thành lập hoặc đăng ký kinh doanh; Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện bao gồm: Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc; Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghiên cứu thị trường để thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá, cung ứng và tiêu đùng dịch vụ thương mại của thương nhân mà mình đại diện; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác Việt Nam hoặc liên quan đến thị trường Việt Nam của thương nhân nước ngoài mà mình đại diện.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính
(SMS: 201751)
- Theo Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ban hành ngày 24/7/2006, Chính phủ quy định: tang vật, phương tiện bị tạm giữ bao gồm: vật hàng hoá, phương tiện có liên quan đến vi phạm hành chính và phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường môi trường, lây lan dịch bệnh, thuận lợi cho việc quản lý và phục vụ tốt công tác xử lý vi phạm hành chính. Mọi hành vi đánh tráo, chiếm đoạt, mua bán trái phép, làm mất, hư hỏng, thiếu hụt, vi phạm niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ đều bị nghiêm cấm. Nơi tạm giữ phải bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ và đáp ứng được các điều kiện về môi trường...
Người đứng đầu cơ quan quản lý nơi tạm giữ tang vật, phương tiện có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ; phân công cán bộ làm công tác quản lý cho phù hợp với điều kiện nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ.... Khi tiếp nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý phải kiểm tra quyết định tạm giữ, biên bản tạm giữ và những giấy tờ khác có liên quan; so sánh đối chiếu với tang vật, phương tiện bị tạm giữ với biên bản, bản thống kê về số lượng, khối lượng, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng; tình trạng niêm phong (nếu có); vào sổ theo dõi và yêu cầu bên giao phải ký vào sổ...
Đối với tang vật, phương tiện đã hết thời tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến giải quyết để nhận lại tang vật, phương tiện đó thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo ít nhất hai lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan người có thẩm quyền tịch thu. Trong thời hạn 30 ngày sau khi niêm yết mà không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 - 2010
(SMS: 201753)
- Theo Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 24/7/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định: tổng mức trái phiếu Chính phủ phát hành là 110.000 tỷ đồng. Mức phát hành và thời điểm phát hành hàng năm được xác định trên cơ sở nhu cầu vốn và tiến độ thực hiện của các dự án...
Nguyên tắc phân bổ nguồn vốn: Bảo đảm bố trí vốn không vượt quá tổng mức đã được thông báo giao chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực; Tập trung vốn đầu tư cho các dự án theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm dự án, đáp ứng yêu cầu bức thiết của dự án.
Riêng đối với đường giao thông ô tô đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô, ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các địa phương cần bố từ ngân sách địa phương và huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác, kể cả việc huy động từ đóng góp của cộng đồng dân cư để đầu tư...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
24/7/2006.

Hôn nhân có yếu tố nước ngoài
(SMS: 201750) - Ngày 21/7/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Luật hôn nhân và gia đình.

Theo đó, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, sở tư pháp có trách nhiệm thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở sở tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết hoàn cảnh của nhau.
Niêm yết việc kết hôn trong 7 ngày liên tục tại trụ sở sở tư pháp và nơi cư trú của bên đương sự VN và nơi thường trú của người nước ngoài tại VN. Đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn, thẩm định, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(SMS: 201734)
- Ngày 18/7/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn gốc từ NSNN mua sắm tài sản, hàng hóa, thanh toán dịch vụ nếu được người bán, người cung cấp dịch vụ trả hoa hồng đều phải kê khai và nộp đầy đủ, kịp thời cho cơ quan, tổ chức. Khoản hoa hồng này được quản lý, sử dụng cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và phải hạch toán công khai theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc nộp thiếu, chậm nộp hoặc giữ lại các khoản hoa hồng; sử dụng sai mục đích và vi phạm quy định về công khai việc sử dụng các khoản hoa hồng nhận được...
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức phải chấp hành thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật và của cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức phải niêm yết công khai thời giờ làm việc, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy chế, nội quy, các quy định về thời giờ làm việc, về sử dụng thời gian lao động, kỷ luật lao động. Nghiêm cấm sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng. Xử lý nghiệm các trường hợp vi phạm kỷ luật lao động...
Các Bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng, ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản nhà nước, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, tài nguyên thiên nhiên; xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Nhà nước khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng để dành vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mua công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng của đất nước và các hình thức đầu tư sinh lợi khác mà pháp luật không cấm...
Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức quần chúng đưa việc thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nội dung xem xét, đánh giá kết quả thi đua của các đơn vị trong hệ thống và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, thành viên của tổ chức...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Định mức trang thiết bị làm việc
(SMS: 201735)
- Ngày 18/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ban hành Quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Thủ tướng nghiêm cấm trao đổi, tặng, biếu, cho đối với các tổ chức và cá nhân; trang bị tại nhà riêng cho cá nhân (trừ điện thoại công vụ). Việc mua sắm phương tiện phục vụ công tác cũng được đưa vào khuôn khổ...

Nghiêm cấm việc cho thuê, cho mượn, điều chuyển giữa các cơ quan khi chưa được phép của các cấp có thẩm quyền... Việc mua sắm, thanh lý trang thiết bị và phương tiện làm việc thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước...
Các chức danh như bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được trang bị phương tiện, thiết bị làm việc không quá 75 triệu đồng. Các thứ trưởng, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND được trang bị phương tiện, thiết bị làm việc không quá 70 triệu đồng. Công chức, viên chức cơ quan bộ, UBND tỉnh... được trang bị không quá 18 triệu đồng. Nhân viên của bộ và của UBND tỉnh, các sở... được trang bị không quá 2 triệu đồng...
Cán bộ, công chức, viên chức được giao quản lý, sử dụng trang thiết bị và phương tiện làm việc phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn bảo đảm sử dụng lâu bền, tiết kiệm, hiệu quả...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đầu tư thiết bị cho cơ quan nhà nước
(SMS: 19833)
- Ngày 17/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu: các cơ quan, tổ chức này phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước... Trong trường hợp sản phẩm là loại trong nước đã sản xuất được, nhưng do yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, cơ quan chủ trì dự án phải có hồ sơ giải trình chi tiết về các yêu cầu đặc thù này gửi xin ý kiến các cơ quan chuyên môn liên quan và phải được sự thẩm định phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước...
Sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên mua sắm phải thoả mãn ít nhất một trong số các yêu cầu sau: Được nghiên cứu thiết kế, sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam; Được lắp ráp, chỉnh sửa, nâng cấp hoặc bản địa hoá trên lãnh thổ Việt Nam mà các hoạt động này đem lại hàm lượng giá trị gia tăng cao hoặc đem lại nhiều lợi ích thiết thực về chính trị, xã hội; Các dịch vụ công nghệ thông tin do các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có giấy phép đầu tư hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện; Các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở do các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài có giấy phép đầu tư hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khai thác, cung cấp...
Đối với các dự án công nghệ thông tin thực hiện đấu thầu quốc tế, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam và phải cam kết dành cho nhà thầu Việt Nam khối lượng công việc có giá trị tối thiểu là 30% giá trị của toàn bộ gói thầu. Ưu tiên cho nhà thầu có tỷ lệ giá trị công việc dành cho phía Việt
Nam cao hơn...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Mức thu phí an toàn và kiểm soát bức xạ
(SMS: 201745)
- Ngày 24/7/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 38/2006/QĐ-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.
Theo đó, mức thu phí thẩm định để cấp giấy phép hoạt động chiếu xạ công nghiệp sử dụng các nguồn bức xạ Gamma là 25 triệu đồng/1 thiết bị; Sử dụng Thiết bị X quang và các thiết bị khác: 20 triệu đồng...
Thẩm định để cấp giấy phép sử dụng nguồn bức xạ trong các hoạt động công nghiệp, thăm dò: Địa vật lý giếng khoan; Đo, phân tích trong công nghiệp, xây dựng: 2 triệu đồng...
Thẩm định để cấp giấy phép sử dụng nguồn bức xạ trong y tế có các mức thu từ 1,5 triệu đến 10 triệu...
Lệ phí cấp giấy phép: hoạt động cho cơ sở bức xạ, cho tiến hành công việc bức xạ, cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt: 100.000 đồng/giấy phép; Cấp giấy đăng ký: nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ: 50.000 đồng/giấy đăng ký... Trường hợp gia hạn, sửa đổi giấy đăng ký, giấy phép thì thu bằng 100% lệ phí cấp giấy đăng ký, cấp giấy phép mới...
Cơ quan nhà nước thu phí, lệ phí được trích 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định và thu phí...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG


Cước điện thoại đường dài
(SMS: 201749)
- Ngày 25/7/2006, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quyết định số 26/2006/QĐ-BBCVT ban hành cước dịch vụ điện thoại đường dài liên tỉnh do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cung cấp.
Theo đó, dịch vụ điện thoại đường dài liên tỉnh mạng PSTN được áp dụng mức tối đa là 1.636 đồng/phút; mức tối thiểu: 909 đồng/phút...
Đối với dịch vụ điện thoại đường dài liên tỉnh mạng NGN 64 Kbps sử dụng thẻ trả tiền trước, điện thoại IP đường dài liên tỉnh (VoIP) trả sau, điện thoại IP VoIP sử dụng thẻ trả trước, điện thoại đường dài liên tỉnh NGN 8 Kbps sử dụng thẻ trả tiền trước, mức cước tối đa quy định không cao hơn mức cước dịch vụ điện thoại liên tỉnh mạng PSTN cùng vùng tại thời điểm tương ứng; Mức tối thiểu không thấp hơn 20% mức cước dịch vụ điện thoại liên tỉnh mạng PSTN cùng vùng tại thời điểm tương ứng...
Phương thức tính cước dịch vụ điện thoại đường dài liên tỉnh được tính theo đơn vị tính cước đầu tiên và các đơn vị tính cước tiếp theo với điều kiện: đơn vị tính cước đầu tiên không thấp hơn Block 6 giây và đơn vị tiếp theo không thấp hơn Block 1 giây.
Quyết định cũng quy định mức giảm cước liên lạc điện thoại liên tỉnh mạng PSTN, mạng NGN 64 Kbps sử dụng thẻ trả tiền trước; điện thoại IP VoIP trả sau, điện thoại IP VoIP sử dụng thẻ trả trước; điện thoại liên tỉnh NGN 8 Kbps sử dụng thẻ trả tiền trước trong các ngày lễ, ngày chủ nhật và từ 23 giờ ngày hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ bẩy, nhưng mức giảm không được vượt quá 30% mức cước quy định tại thời điểm tương ứng...

Quyết định náy có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Sửa đổi tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cao tầng
(SMS: 19836)
- Ngày 19/7/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 21/2006/QĐ-BXD về việc sửa đổi, bổ sung  một sô nội dung Tiêu chuẩn TCXDVN 323: 2004 ban hành theo Quyết định số 26/2004/QĐ-BXD.
Theo đó, các khu đô thị mới có nhà ở cao tầng phải đảm bảo mật độ xây dựng không vượt quá 40% và hệ số sử dụng đất không vượt quá 5,0...

Các trường hợp khác áp dụng theo qui hoạch xây dựng chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bộ Xây dựng cũng qui định khoảng cách giữa các mặt nhà đối diện (không mở cửa) của hai nhà ở cao tầng tối thiểu phải là 10m (tiêu chuẩn cũ là 25m)...
Các dự án nhà ở cao tầng cao cấp phải đảm bảo yêu cầu cách nhiệt, cách âm và chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 2,7m (tiêu chuẩn cũ không nhỏ hơn 3m).
Mỗi tòa nhà cao tầng phải có ít nhất một thang máy chuyên dụng hoặc tương đương có kích thước đảm bảo yêu cầu cấp cứu bằng băng ca khi cần thiết. Số lượng, tải trọng, tốc độ thang máy trong nhà ở cao tầng được tính toán phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng toà nhà cụ thể và số lượng căn hộ trong một đơn nguyên. Tốc độ thang máy phải lớn hơn 1,5 m/s...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Tham vấn và xác định giá mặt hàng ôtô, xe máy nhập khẩu
(SMS: 201746)
- Theo Công văn số 3263/TCHQ-KTTT ra ngày 19/7/2006, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: sau khi kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra trị giá khai báo trên cơ sở các nguồn thông tin, các lô hàng có 1 trong các yếu tố sau phải tổ chức tham vấn: Lô hàng nhập khẩu có nghi ngờ về tính trung thực, chính xác của một trong các chứng từ hoặc nội dung khai báo liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế; Lô hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn mức giá khai báo của hàng tương tự, giống hệt đã được chấp nhận trị giá khai báo trước đó/ hoặc thấp hơn trị giá của hàng tương tự, giống hệt đã được cơ quan Hải quan điều chỉnh giá trước đó; Lô hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn các thông tin về giá do Tổng cục cung cấp sau khi tổng hợp từ các cửa khẩu; Lô hàng nhập khẩu có mức giá khai báo thấp hơn 80% mức giá chào bán công khai trên mạng Internet...
Kết thúc biên bản tham vấn phải kết luận rõ: Chấp nhận hoặc bác bỏ trị giá khai báo, dự kiến mức giá xác định lại đối với trường hợp bác bỏ trị giá khai báo và thông báo để đối tượng nhập khẩu biết. Biên bản tham vấn phải thể hiện rõ ràng, minh bạch căn cứ, lý do chấp nhận hoặc bác bỏ trị giá khai báo, mức giá dự kiến xác định lại của cơ quan Hải quan và yêu cầu doanh nghiệp cùng ký xác nhận...

Việc xác định lại trị giá phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc tham vấn và thông báo để đối tượng nhập khẩu biết, trường hợp thiếu thông tin để xác định trị giá thì có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 5 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày ký biên bản tham vấn...