Số 28.2011 (537) ngày 12/07/2011

 

SỐ 28 (537) - THÁNG 7/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

58/2011/NĐ-CP

Nghị định 58/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính

 

* Vi phạm về bưu chính bị phạt tới 70 triệu đồng

Trang 2

2

57/2011/NĐ-CP

Nghị định 57/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ

 

* Cán bộ, công chức được hưởng phụ cấp công vụ bằng 10% tiền lương

Trang 2

3

56/2011/NĐ-CP

Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập

 

* Từ 19/8, cán bộ y tế được hưởng phụ cấp nghề tối đa 70%

Trang 2

4

55/2011/NĐ-CP

Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

 

* Cán bộ pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề

Trang 3

5

54/2011/NĐ-CP

Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo

 

* Nhà giáo công tác 5 năm trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên

Trang 3

6

86/NQ-CP

Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2011

 

* Chính phủ lạc quan về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm

Trang 4

7

38/2011/QĐ-TTg

Quyết định 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/04/2008…

 

* Giảm điều kiện được hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường

Trang 4

8

1097/QĐ-TTg

Quyết định 1097/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học…

 

* Tuyển chọn 600 trí thức trẻ trước tháng 04/2012, bỏ qua giai đoạn thử nghiệm

Trang 4

9

1081/QĐ-TTg

Quyết định 1081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội…

 

* Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể Hà Nội

Trang 5

10

1072/QĐ-TTg

Quyết định 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020

 

* Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến 2020

Trang 5

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

 

 

 

11

826/QĐ-LĐTBXH

Quyết định 826/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm…

 

* Phê duyệt danh mục 120 nghề trọng điểm được hỗ trợ đầu tư

Trang 6

BỘ TƯ PHÁP

 

 

 

12

1128/QĐ-BTP

Quyết định 1128/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước

 

* Bộ Tư pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bồi thường nhà nước

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 06/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS06/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

VI PHẠM VỀ BƯU CHÍNH BỊ PHẠT TỚI 70 TRIỆU ĐỒNG

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính.

Cụ thể, hành vi không công bố hoặc công bố không đúng chất lượng dịch vụ bưu chính theo quy định sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng; không cung cấp công khai hoặc cung cấp không đúng bảng chất lượng dịch vụ đã công bố tại điểm phục vụ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng; mức phạt sẽ từ 10 - 15 triệu đồng khi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có chất lượng thấp hơn chất lượng đã công bố.

Các vi phạm về giá cước dịch vụ bưu chính cũng được quy định tăng mức tiền phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định giá cước dịch vụ bưu chính không đúng thẩm quyền; mức phạt có thể lên tới 30 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án giá cước dịch vụ bưu chính theo quy định.

Bên cạnh đó, hành vi không thực hiện kiểm kê, lập biên bản và gói, bọc lại trong trường hợp vỏ bọc bưu gửi bị rách, hư hại có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; hành vi bóc mở, tráo đổi nội dung bưu gửi, chiếm đoạt bưu gửi, hủy bưu gửi trái luật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp

 

bảo đảm an toàn cho người, bưu gửi và mạng bưu chính trong kinh doanh dịch vụ sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Các hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát hành những vật phẩm, hàng hóa có nội dung đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng; riêng hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát hành những ấn phẩm, hàng hóa có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá nhà nước sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng.

Cũng trong Nghị định này còn có quy định mức phạt tiền, các hình hình thức phạt bổ sung đối với các nhóm vi phạm về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính; hoạt động bưu chính công ích; tem bưu chính; khiếu nại, bồi thường thiệt hại, chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra và thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011 và thay thế Mục 1, Chương II, Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08/07/2004; Nghị định số 55/2010/NĐ-CP ngày 24/05/2010.

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP CÔNG VỤ
BẰNG 10% TIỀN LƯƠNG

Ngày 07/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nước (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức).

Theo quy định tại Nghị định này, cán bộ, công chức được hưởng mức phụ cấp công vụ bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm. Chế độ phụ cấp này được chi trả cùng kỳ lương tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thời gian không được tính hưởng phụ cấp công vụ bao gồm: Thời gian đi công tác, làm việc học tập ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương; thời gian nghỉ

 

việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

Cũng theo Nghị định này, khi thôi làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang thì thôi hưởng phụ cấp công vụ từ tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, đối tượng được phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc phụ cấp đặc thù thì vẫn được hưởng phụ cấp công vụ theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011; chế độ phụ cấp công vụ quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01/05/2011.

TỪ 19/8, CÁN BỘ Y TẾ ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP NGHỀ TỐI ĐA 70%

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Nghị định nêu rõ: Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất; phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ % trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Mức phụ cấp ưu đãi là 70% đối với công chức, viên chức thường xuyên xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV, phong, lao, tâm thần; giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý. Mức phụ cấp là 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; xét nghiệm phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới.

Bên cạnh đó, công chức, viên chức thường xuyên khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da

 

liễu sẽ được hưởng mức phụ cấp bằng 50%. Mức phụ cấp sẽ là 40% đối với công chức, viên chức làm công tác y tế dự phòng, kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng, dược, y dược cổ truyền, giám định y khoa…

Mức phụ cấp là 30% áp dụng đối với công chức viên chức làm truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình; công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở chuyên khoa.

Riêng đối với công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung, viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá 20% so với mức lương ngạch, bậc và phụ cấp hiện hưởng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2011 và bãi bỏ Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
 

CÁN BỘ PHÁP CHẾ ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi chung là tổ chức pháp chế) và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

Theo đó, người làm công tác pháp chế là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động vào tổ chức pháp chế và phải có trình độ cử nhân luật trở lên. Ngoài ra, công chức pháp chế phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, viên chức pháp chế phải là viên chức có chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tưởng quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức pháp chế trong các cơ quan nhà nước có chức

 

năng giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu cố vấn cho ban lãnh đạo về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vụ Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu sự quản lý, hướng dẫn kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Bộ Tư pháp. Phòng Pháp chế được thành lập ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, như: Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế… 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế; quyết định thành lập tổ chức pháp chế…

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25/08/2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/05/2004.
 

NHÀ GIÁO CÔNG TÁC 5 NĂM TRỞ LÊN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN

Ngày 04/07/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, trong đó quy định nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục từ đủ 05 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Cụ thể, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian tham gia công tác giảng dạy, giáo dục nêu trên.

Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội và thời gian bị tạm đình

 

chỉ công tác hoặc tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Cũng theo Nghị định này, mức phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo đủ điều kiện bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Mức phụ cấp này được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2011; chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01/05/2011.
 

CHÍNH PHỦ LẠC QUAN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM

Trong 02 ngày 30/06 và 01/07, Chính phủ đã họp trực tuyến mở rộng phiên thường kỳ tháng 06/2011 có sự tham gia của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thảo luận và ra quyết nghị về những vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý là tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2011 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất với nhận định tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng chậm lại và có xu hướng giảm dần; thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đang từng bước ổn định; tỷ giá được kiểm soát trong biên độ cho phép; tăng trường tín dụng được kiểm soát…

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng 06 tháng đầu năm ước đạt 5,57%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch; sản xuất nông nghiệp giữ được ổn định và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh.

Tuy nhiên, để phấn đấu đạt được mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu năm 2011, trong đó có kiểm soát lạm phát ở mức 15 - 17%; tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%;

 

tăng trưởng tín dụng dưới 20%; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5%, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; tài khóa thặt chặt và thực hiện mạnh các giải pháp tăng thu ngân sách; tăng cường kiểm soát giá cả thị trường, xử phạt nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và tiếp cận đối với các dự án hiệu quả. Đề xuất phương án miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng trong phiên họp lần này, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về Phương pháp điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp năm 2011 và năm 2012; giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định về lương tối thiểu vùng trình thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành ngay trong tháng 07/2011 và áp dụng từ ngày 01/10/2011…

GIẢM ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HỖ TRỢ KINH PHÍ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Ngày 05/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/04/2008 về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

Đối tượng áp dụng hỗ trợ được xác định cụ thể, bao gồm: Công trình xử lý chất thải rắn để thực hiện việc đóng cửa bãi rác cũ; công trình xử lý chất thải tập trung của làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để theo Quyết định của Thủ tướng.

Các công trình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để thuộc các đối tượng công ích là cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân; trường, trung tâm giáo dưỡng; trung tâm huấn luyện nghiệp vụ thuộc lực lượng công an nhân dân; cơ sở bảo trợ xã hội; trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội; các đơn vị huấn luyện quân sự từ cấp quân khu trở lên và các cơ sở xử lý vũ khí, khí tài, trang bị quân sự.

Các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường của các cơ sở nêu trên được xem xét, hỗ trợ khi có đầy đủ 02 điều kiện (thay vì 03 điều kiện như quy định trước 

 

đây) là: Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật và được đưa vào kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm; và chưa có kinh phí hoặc đã được bố trí nhưng chưa đủ để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các dự án được xem xét phải là dự án thực hiện một trong các nội dung xử lý tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật đã quá hạn sử dụng hoặc bị cấm lưu hành; xử lý phục hội môi trường đất; xử lý ô nhiễm tồn lưu chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; xử lý khống chế ô nhiễm bãi rác; cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình mới để xử lý chất thải rắn; xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; xử lý chất thải tập trung của làng nghề…

Quyết định cũng nêu rõ: Nhà nước dành một khoản kinh phí cho việc hỗ trợ có mục tiêu để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trong theo Quyết định của Thủ tướng; việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cho việc thực hiện các mục tiêu này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/08/2011; thời gian thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này cũng không bị giới hạn đến hết năm 2012 như quy định trước đây.

TUYỂN CHỌN 600 TRÍ THỨC TRẺ TRƯỚC THÁNG 04/2012,
BỎ QUA GIAI ĐOẠN THỬ NGHIỆM

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1097/QĐ-TTg ngày 08/07/2011 sửa đổi, bổ sung Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo được phê duyệt theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011.

Cùng với việc ban hành Quyết định này, Thủ tướng chủ trương tiến hành ngay việc tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ mà không qua giai đoạn thử nghiệm. Cụ thể, đến tháng 04/2012 phải tiến hành tuyên truyền, tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đủ 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Dự án tại 62 huyện nghèo thay vì triển khai thí điểm tại 05 tỉnh như quy định trước đây.

Giai đoạn 2 của dự án cũng được rút ngắn đến trước tháng 06/2017 thay vì đến hết thời gian thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP như quy định trước đây. Trong giai đoạn này, cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện tại 62 huyện nghèo; tổ
 

 

chức đánh giá kết quả công tác của đội viên dự án và sơ kết, tổng kết việc thực hiện dự án.

Trên cơ sở kết quả tổng kết việc thực hiện dự án giai đoạn 2011 - 2017, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tiếp tục triển khai dự án đến khi kết thúc chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Một trong những điểm đáng chú ý khác của quyết định này, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 199,875 tỷ đồng, cao hơn 5,6 tỷ đồng so với quy định trước đây, số kinh phí này được phân kỳ theo từng năm để thực hiện, trong đó, năm 2011 là 23,489 tỷ đồng; năm 2012 là 31,754 tỷ đồng…; năm 2017 là 30,263 tỷ đồng. Kinh phí của năm trước chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp cho dự án, không sử dụng cho mục đích khác.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/07/2011.

THỦ TƯỚNG PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ HÀ NỘI

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/07/2011.

Theo Quy hoạch này, tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.

Tại đô thị trung tâm bố trí trụ sở, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và Thành phố; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán; các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Hệ thống các trung tâm hành chính - chính trị quốc gia Ba Đình, trung tâm hành

 

chính - chính trị của Thành phố tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được hoàn thiện. Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Về mục tiêu kinh tế của Hà Nội thời kỳ 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12 - 13%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11 - 12%/năm và sau 2020 đạt khoảng 9,5 - 10%/năm. Cùng với đó, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD đến năm 2015 và 7.100 - 7.500 USD đến năm 2020; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu.

Về xã hội, quy mô dân số dự kiến đến năm 2015 đạt 7,2 - 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55% vào năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020. Phát triển giáo dục và đào tạo trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực; chú trọng giáo dục hướng nghiệp, phát triển đào tạo nghề nhất là đào tạo công nhân kỹ thuật cao….

THỦ TƯỚNG PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
NGHỀ LUẬT SƯ ĐẾN 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/07/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp.

Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 có từ 18.000 đến 20.000 luật sư, hành nghề chuyên sâu theo lĩnh vực pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hành nghề luật sư, vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, từng bước phát triển, mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý, tạo nền tảng phát triển nghề luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tỷ lệ số luật sư trên số dân đạt khoảng 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30 đến 50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khoảng 150 người.

 

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, đảm bảo 100% số lượng luật sư được bồi dưỡng thường xuyên và nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp theo chuẩn mực nghề nghiệp luật sư; tạo nguồn lựa chọn những luật sư giỏi để có thể bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp và chức danh quản lý nhà nước.

Phấn đấu đến năm 2020, phát triển được khoảng 30 tổ chức hành nghề luật sư có quy mô từ 50 - 100 luật sư và từ 100 luật sư trở lên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, trong đó, có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam có thương hiệu, uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Được biết, trong thời gian qua, đội ngũ luật sư nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố với hơn 6.250 luật sư và hơn 3000 người tập sự hành nghề luật sư.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

PHÊ DUYỆT DANH MỤC 120 NGHỀ TRỌNG ĐIỂM ĐƯỢC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Ngày 07/07/2011, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Cụ thể, Bộ trưởng đã phê duyệt danh mục 120 nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế (30 nghề), khu vực ASEAN (58 nghề) và quốc gia (120 nghề); danh mục các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập được lựa chọn nghề trọng điểm được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Trong danh mục 30 nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế đáng chú ý có các nghề như: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí; Cắt gọt kim loại; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; Công nghệ ôtô; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Cơ điện tử; Chế biến cà phê - ca cao, lương thực, thủy sản; Điện và điện tử công nghiệp; Điều khiển tàu biển; Hướng dẫn du lịch; May thời trang; Vận hành thiết bị lọc dầu…

Danh mục các trường được lựa chọn nghề trọng điểm để đầu tư được phân chia

 

theo từng vùng, từng tỉnh, thành phố; những địa phương có nhiều trường nghề được duyệt là: Hà Nội (19 trường); Hải Phòng (11 trường); Ninh Bình (9 trường); Thanh Hóa (12 trường); Nghệ An (12 trường); Tp. HCM (11 trường); Bình Dương (9 trường)…

Các trường được lựa chọn nghề trọng điểm phải thực hiện đầu tư tập trung, đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo theo nghề (gồm: cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề); tổ chức huy động các nguồn vốn để đầu tư đạt chuẩn theo cấp độ của từng nghề đã được phê duyệt; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ dự án từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc đưa dự án vào sử dụng có hiệu quả.

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở dạy nghề lập dự án đầu tư theo nghề; xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về nghề đầu tư ở từng cấp độ; thống nhất về quy mô và mức độ đầu tư đối với các dự án của các trường được lựa chọn nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực…

BỘ TƯ PHÁP QUY ĐỊNH NGHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA
CỤC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Ngày 05/07/2011, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1128/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước.

Theo đó, Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; thực thi nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về công tác bồi thường.

Cục có nhiệm vụ theo dõi việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự để trình Bộ trưởng xem xét, quyết định theo thẩm quyền; Thực hiện nhiệm vụ phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Đồng thời, Cục còn có nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về công tác bồi thường, chủ yếu theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước

 

về công tác bồi thường của các tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Sở Tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; Giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…

Về cơ cấu tổ chức, lãnh đạo Cục gồm 01 Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục. Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.

Các tổ chức trực thuộc Cục như: Văn phòng Cục; Phòng Chính sách - pháp luật; Phòng Nghiệp vụ giải quyết bồi thường và Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường có nhiệm vụ giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/07/2011.
 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.