Số 28.2010 (486) ngày 20/07/2010

 

CHÍNH PHỦ


Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông (SMS: 82/2010/ND-CP) - Ngày 15/7/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Nghị định này áp dụng cho người dạy tiếng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà nước tập trung đầu tư, ưu tiên việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đối với các dân tộc thiếu số ít người. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân tộc thiểu số và điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương, UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung; không áp dụng chế độ phụ cấp này đối với những người đã được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người học được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng; người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo quy định. Hàng năm, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số, được giao thêm biên chế giáo viên tương ứng với số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2010. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều được bãi bỏ.

Quy định về an ninh hàng không dân dụng (SMS: 81/2010/ND-CP) - Nghị định số 81/2010/NĐ-CP về an ninh hàng không dân dụng được Chính phủ ban hành ngày 14/7/2010. Nghị định này áp dụng đối với hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam và hoạt động hàng không dân dụng do tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu pháp luật của nước sở tại không có quy định khác. Theo Nghị định này, hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển các hành khách sau đây trong trường hợp không thực hiện được các biện pháp an ninh để bảo đảm an ninh, an toàn cho chuyến bay: hành khách gây rối, người mất khả năng làm chủ hành vi, người bị từ chối nhập cảnh; người bị trục xuất không có người áp giải và những hành khách theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài. Hành khách không được mang theo người hoặc để trong hành lý xách tay những vật phẩm nguy hiểm khi đi tàu bay, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trong thời gian tàu bay đang bay, người chỉ huy tàu bay chỉ huy công tác bảo đảm an ninh trên chuyến bay được áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, hành vi gây rối, vi phạm trật tự, an toàn xã hội, không tuân thủ yêu cầu, sự điều hành của tổ bay theo quy định của pháp luật; bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay gần nhất đối với những người thực hiện các hành vi đó.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/9/2010. Bãi bỏ Nghị định số 11/2000/NĐ-CP ngày 03/5/2000 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Khuyến khích hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ (SMS: 80/2010/ND-CP) - Hoạt động hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010. Nghị định này quy định về hình thức, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; không áp dụng trong việc hợp tác, đầu tư với nước ngoài để thành lập trường đại học, học viện, trường cao đẳng. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, năng lượng nguyên tử và các dạng năng lượng mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ cơ khí - chế tạo máy, các công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm, công nghệ xử lý chất thải; đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ cao; phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ; lập hoặc đóng góp xây dựng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam được Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và làm thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài. Ngoài các quy định của pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phải đáp ứng 3 điều kiện: có dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; được phép của Bộ Khoa học và Công nghệ; được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010. Văn bản hợp tác với nước ngoài đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực đang thực hiện vẫn tiếp tục thực hiện và chậm nhất đến ngày 01/6/2011, tổ chức, cá nhân hợp tác với nước ngoài phải gửi báo cáo tổng hợp về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 10 Nghị định này. Văn bản hợp tác với nước ngoài đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực chưa thực hiện phải theo quy định của Nghị định này.

Nghiệp vụ quản lý nợ công (SMS: 79/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công. Nghị định này quy định về các công cụ quản lý nợ công; quản lý, huy động, sử dụng, trả nợ và quản lý rủi ro, cơ cấu lại nợ; hạch toán, kế toán, thống kê nợ và kiểm toán; tổ chức thông tin, báo cáo và công khai về nợ công. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ công thông qua các công cụ: chiến lược dài hạn về nợ công; chương trình quản lý nợ trung hạn; kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ; các chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công. Căn cứ vào các công cụ quản lý nợ, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, quyết định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; quyết định tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ.
Theo Nghị định này, có 8 chỉ tiêu về giám sát nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, bao gồm: nợ công so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP); nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; nợ chính phủ so với GDP; nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ. Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì thực hiện việc giám sát tình trạng nợ công, chịu trách nhiệm hướng dẫn phương pháp tính toán hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ; chủ trì tiến hành phân tích, đánh giá bền vững nợ; điều hành hạn mức nợ công, hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình vay và trả nợ công.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2010.

Cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (SMS: 78/2010/ND-CP) - Theo quy định tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện việc cho vay lại đối với: tổ chức tài chính, tín dụng để thực hiện chương trình hạn mức tín dụng không có ràng buộc cụ thể (các tổ chức tài chính, tín dụng được tự lựa chọn đối tượng vay vốn cuối cùng, quyết định lãi suất cho vay đến người vay vốn cuối cùng và chịu rủi ro tín dụng); ủy ban nhân dân cấp tỉnh và một số dự án đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn thẩm định các điều kiện cho vay lại và bảo đảm tiền vay. Bộ Tài chính ủy quyền cho tổ chức tài chính, tín dụng làm cơ quan cho vay lại trong các trường hợp: cho doanh nghiệp vay lại để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể (trong trường hợp này các tổ chức tài chính, tín dụng không chịu rủi ro tín dụng); để thực hiện các chương trình, hạn mức tín dụng có ràng buộc về đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, lãi suất cho vay lại/và hoặc các điều kiện khác có liên quan.
Lãi suất cho vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài đối với trường hợp cho vay lại vốn vay thương mại, vay ưu đãi. Đối với cho vay lại vốn vay ODA, trường hợp cho vay lại bằng ngoại tệ gốc vay nước ngoài, lãi suất cho vay lại bằng 2/3 lãi suất thương mại tham chiếu tương ứng với thời hạn cho vay lại tại thời điểm xác định điều kiện cho vay lại; trường hợp 2/3 lãi suất thương mại tham chiếu nêu trên thấp hơn lãi suất vay nước ngoài, lãi suất cho vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài. Lãi suất cho vay lại bằng đồng Việt Nam được xác định bằng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ cộng với tỷ lệ rủi ro tỷ giá giữa ngoại tệ và đồng Việt Nam. Một số ngành, lĩnh vực được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức bằng 30% mức lãi suất cho vay lại bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam tương ứng, nhưng không thấp hơn lãi suất vay nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2010. Bãi bỏ Quyết định số 181/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cho vay lại nguồn vốn vay, viện trợ nước ngoài của Chính phủ.

Bổ sung quy định xử phạt hành chính hành vi kinh doanh rượu và thuốc lá nhập lậu (SMS: 76/2010/ND-CP) - Ngày 12/7/2010, Chính phủ có Nghị định số 76/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá thành 3 Điều là Điều 11a “Vi phạm các quy định về kinh doanh rượu nhập lậu, Điều 11b “Vi phạm các quy định về kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu” và Điều 11c “Vi phạm các quy định về kinh doanh nguyên liệu thuốc lá nhập lậu”. Theo đó, bổ sung quy định: đối với hành vi vi phạm có trị giá rượu nhập lậu từ 100 triệu đồng trở lên hoặc số lượng thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên thì cơ quan phát hiện hoặc thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100 triệu đồng.
Về hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ nguyên liệu thuốc lá nhập lậu dưới dạng lá khô chưa tách cọng (đối với thuốc lá dưới dạng lá rời, lá đã sơ chế tách cọng hoặc thuốc lá sợi, thuốc lá tấm, cọng thuốc lá và các chế phẩm thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá được quy đổi theo trọng lượng tương đương) tùy theo trọng lượng của nguyên liệu thuốc lá nhập lậu. Đối với hành vi kinh doanh nguyên liệu thuốc lá nhập lậu có trọng lượng từ 2.000 kg trở lên thì cơ quan phát hiện hoặc thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010.

Đốt vàng mã tại nơi công cộng: phạt tiền đến 01 triệu đồng (SMS: 75/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/9/2010, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa là một năm, riêng đối với vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm văn hóa thì thời hiệu là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hiệu nói trên mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không tiến hành xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này. Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Nghị định quy định phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi: tự tiện thêm bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép công diễn gây hậu quả xấu; mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tự tiện thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt và cho phép. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với các hành vi: cho người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke; say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke, nơi hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng khác; đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác. Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm đủ ánh sáng theo quy định tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng hát karaoke hoặc sử dụng người lao động làm việc tại vũ trường, nhà hàng karaoke mà không có hợp đồng lao động theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010. Các quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt trong các lĩnh vực văn hóa tại các mục 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Chương II Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự (SMS: 73/2010/ND-CP) - Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thay thế Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/7/2010. Nghị định này quy định nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (trước đây phạt tối đa đến 100 ngàn đồng). Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào tàu, thuyền, xe lửa hoặc các phương tiện giao thông khác, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (trước đây phạt tối đa đến 500 ngàn đồng).
Nghị định quy định phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ không thông báo về nơi đặt trụ sở hoặc địa bàn, thời gian bắt đầu hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; không báo cáo định kỳ về hoạt động bảo vệ có liên quan đến an ninh, trật tự hoặc sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ chưa qua đào tạo, chưa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ. Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà không có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh dịch vụ bảo vệ; cho người khác mượn tên tổ chức, cá nhân để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ để cho người khác kinh doanh; hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ nhưng không ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức thuê dịch vụ bảo vệ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010 và thay thế Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ.

Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử 2011-2015 (SMS: 1073/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu đạt được vào năm 2015 là tất cả doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó: 100% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 70% doanh nghiệp tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng; 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý.
Một trong những nội dung cần thực hiện của Kế hoạch này là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm: các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; văn bản quy phạm pháp luật quy định kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử là một ngành, nghề kinh doanh có mã đăng ký riêng; các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và khuyến khích người tiêu dùng mua bán trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền về lợi ích và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng các ngành sản xuất và dịch vụ chính. Đến hết năm 2015, tất cả kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia; khoảng 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện qua mạng; thí điểm hình thức mua sắm chính phủ tập trung trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Chuyển đổi loại hình đại học dân lập sang đại học tư thục
(SMS: 20/2010/TT-BGDDT) - Ngày 16/7/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục. Thông tư này áp dụng đối với các trường đại học dân lập quy định tại Điều 1 của Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 của Thủ t­ướng Chính phủ về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học t­ư thục. Theo Thông tư này, trường đại học dân lập có trách nhiệm thông báo kế hoạch chuyển đổi cho người học, cán bộ và giảng viên của nhà trường biết để đảm bảo sự hoạt động bình thường của nhà trường trong và sau khi quá trình chuyển đổi kết thúc; việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của người học. Sau khi chuyển đổi, trường đại học tư thục có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các cam kết pháp lý trước đây của trường đại học dân lập với các tổ chức, đơn vị, cá nhân về các khoản nợ, tài chính, tài sản, hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ đối với người học và xây dựng phát triển trường như đã cam kết tại đề án thành lập trường. Từ thời điểm chuyển đổi, trường đại học tư thục duy trì mức đóng học phí của người học như trường đại học dân lập đã quy định cho đến kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học. Trong học kỳ hoặc năm học tiếp theo, nhà trường quy định mức đóng học phí theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trước cho người học biết.
Phần tiền vốn hình thành từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân được bảo toàn giá trị tại thời điểm đóng góp, được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm chuyển đổi trên cơ sở thống nhất giữa hội đồng quản trị với các thành viên góp vốn và được chuyển thành cổ phần. Chủ sở hữu cổ phần (gọi là cổ đông) có quyền được rút vốn hoặc chuyển nhượng cho người khác theo các quy định: cổ đông muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp trước hết phải chuyển nhượng phần vốn đó cho các cổ đông còn lại theo giá thoả thuận tại thời điểm chuyển nhượng; chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông của trường khi các cổ đông của trường không mua hoặc mua không hết.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2010.