Cấm buôn bán, đốt và thả “đèn trời” (SMS: 535255) - Ngày 17/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”. Theo đó, kể từ ngày 15/9/2009 (ngày Quyết định này có hiệu lực), nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trong phạm vi cả nước. Tại Quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này; nghiên cứu đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi nói trên; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan tuyên truyền, giáo dục thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên nhận thức những nguy hại của việc đốt, thả “đèn trời”, tích cực tham gia vận động toàn xã hội thực hiện Quyết định này; giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” theo quy định của pháp luật. Những người có công phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009.
Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại (SMS: 535257) - Đó là Nghị định số 59/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16/7/2009. Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các ngân hàng thương mại bao gồm: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại liên doanh, ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của ngân hàng. Theo Nghị định này, ngân hàng được thực hiện các hoạt động theo quy định tại Chương III Luật các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, các quy định hiện hành có liên quan của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009 và thay thế Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng được thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực, áp dụng các quy định tại Nghị định này theo lộ trình sau đây: đối với quy định tại Điều 16 Nghị định này (hội đồng quản trị và cơ cấu hội đồng quản trị), các ngân hàng phải điều chỉnh để phù hợp trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực; đối với quy định tại Điều 21 (tiêu chuẩn và điều kiện để được bầu, bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc sở giao dịch, giám đốc chi nhánh, giám đốc công ty trực thuộc), các ngân hàng phải thực hiện cho các lần bầu, bổ nhiệm tiếp theo kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (đối với thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát) hoặc phải thực hiện cho các lần bổ nhiệm mới kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (đối với tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc sở giao dịch, giám đốc chi nhánh, giám đốc công ty trực thuộc); đối với quy định tại Điều 34 (tỷ lệ sở hữu cổ phần), các ngân hàng phải điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông cho phù hợp trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, hình thức điều chỉnh do ngân hàng tự quyết định; đối với các quy định khác trong Nghị định này, các ngân hàng phải thực hiện ngay khi Nghị định này có hiệu lực. Hướng dẫn chi tiết về thủ tục thi hành án dân sự (SMS: 535182) - Ngày 13/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Theo hướng dẫn tại Nghị định này, đơn yêu cầu thi hành án phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự. Việc cấp hoặc gửi bằng đường bưu điện giấy biên nhận cho người nộp đơn phải được thực hiện ngay sau khi nhận được đơn. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, nếu có căn cứ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải gửi văn bản thông báo cho đương sự biết về việc từ chối nhận đơn và nêu rõ lý do. Nghị định cũng hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2009. Trường hợp bản án, quyết định được tuyên trước ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành thì thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính như sau: tính đến hết ngày 30/6/2009 mà đã đủ 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; tính đến ngày 01/7/2009 mà vẫn chưa hết thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn thì áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Đối với các việc thi hành án đã thi hành một phần hoặc thi hành chưa xong trước khi Nghị định này có hiệu lực nhưng đã thực hiện các thủ tục về thi hành án theo đúng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì kết quả thi hành án được công nhận, các thủ tục thi hành án tiếp theo được thực hiện theo quy định của Nghị định này. Phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai (SMS: 535171) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân ở các làng, xã nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa do thiên tai gây ra. Mục tiêu cụ thể của dự án là tiến tới tất cả các làng, xã ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng được kế hoạch phòng tránh thiên tai, có hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng được lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai, lực lượng tình nguyện viên để hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đề án dự kiến được thực hiện trong 12 năm, bắt đầu từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2020, ở khoảng 6.000 làng, xã thường bị ảnh hưởng do thiên tai trên toàn quốc. Tổng mức vốn thực hiện Đề án khoảng 988,7 tỷ đồng được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách 55%, vốn dân đóng góp 5%, vốn tài trợ không hoàn lại từ các chính phủ và tổ chức quốc tế 40%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Đề án. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. |