Số 28.2008 (384) ngày 18/07/2008

 CHÍNH PHỦ


Triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân
(SMS: 505157)
- Theo Chỉ thị số 22/2008/CT-TTg ra ngày 15/7/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: chậm nhất đến 31/12/2008, cơ quan Thuế hoàn thành việc đăng ký thuế cho tất cả các cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế và tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập trên địa bàn.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra các biện pháp tăng cường quản lý các hoạt động về đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán nhằm quản lý chặt chẽ thu nhập từ hoạt động này…
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng chỉ đạo các Sở liên quan tăng cường quản lý hoạt động đăng ký chuyển nhượng bất động sản, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đồng thời phối hợp với cơ quan Thuế quản lý chặt chẽ giá cả và thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn…
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, xử lý nghiêm các cá nhân thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh theo quy định…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và tiền lương để kiểm soát việc chi trả tiền lương, tiền công thực tế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cho người lao động…


Cải cách thủ tục hành chính
(SMS: 505082)
- Ngày 11/7/2008, Thủ tướng đã ra Công văn số 1083/TTg-TCCV về việc thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2007 - 2010.
Thủ tướng yêu cầu: xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi chậm trễ, tắc trách, gây cản trở trong quá trình thực hiện Đề án này.
Việc thực hiện Đề án 30 là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2010. Do vậy, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động phối hợp theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính…
Tổ công tác có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện Đề án 30 tại các Bộ, địa phương và báo cáo Thủ tướng xử lý những trường hợp chậm trễ, gây cản trở, thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện yêu cầu, hướng dẫn của Tổ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời đăng tải những trường hợp này trên trang tin điện tử của Tổ công tác và Cổng thông tin điện tử Chính phủ…


Điều tra dân số và nhà ở
(SMS: 505076)
- Ngày 10/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Theo đó, sẽ tiến hành điều tra toàn bộ dân số cả nước gồm 3 nội dung: Dân số chia theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, thành thị, nông thôn; Trình độ học vấn và thực trạng về nhà ở; điều tra trên phạm vi 15% tổng số dân cả nước đối với 6 nội dung: tình trạng di cư; Tình trạng khuyết tật; tình hình lao động - việc làm; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số và một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư.
Thời gian thu thập số liệu của cuộc Tổng điều tra là 15 ngày, bắt đầu từ ngày 01/4/2009. Số liệu sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 7/2009, số liệu điều tra chọn mẫu được công bố vào quý IV/2009, số liệu điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào quý III/2010.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra. Các Bộ liên quan có trách nhiệm tham gia, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu và kế hoạch chung của cuộc Tổng điều tra.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp Trung ương và địa phương sẽ được thành lập để chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra theo đúng phương án, kế hoạch và nội dung đề ra.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển giao thông vận tải thủ đô
(SMS: 505173)
- Ngày 09/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.
Theo đó, sẽ dành tối thiểu 15% tổng diện tích đất thành phố cho kết cấu hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư khoảng 287.800 tỷ đồng.
Phạm vi quy hoạch gồm Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, trong bán kính ảnh hưởng từ 30 - 50km.
Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, qua đó xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên phương thức hiện đại và dịch vụ hiệu quả.
Vào năm 2020, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng từ 35 - 45% tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố, phấn đấu giảm tỷ phần xe máy xuống còn 30%...
Hà Nội sẽ cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện đại lên thành đường từ 4 - 6 làn xe cơ giới, xây dựng các đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, cũng cơ bản hoàn thành đường vành đai II trước năm 2010.
Mở rộng, kết hợp xây dựng mới các trục đô thị của Thủ đô (18 trục phía Nam sông Hồng và 12 trục phía Bắc sông Hồng) nhằm tạo thành các luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội.
Khoảng 150 nút giao thông nội đô sẽ được cải tạo. Ngoài các cầu đã xây dựng, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng một số cầu vượt sông Hồng như cầu Nhật Tân, Hồng Hà, Mễ Sở, Vĩnh Thịnh...
Hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học…
Từ nay đến năm 2010, Hà Nội cần tập trung đầu tư triển khai một số dự án trọng điểm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị để phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quy chế thi, cấp, sử dụng  và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá
(SMS: 505189)
- Theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 15/7/2008, quy định: đối tượng dự thi phải: Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên chuyên ngành: Vật giá; Thẩm định giá; Kế toán; Kiểm toán; Tài chính - Ngân hàng; Kinh tế; Kinh tế - Kỹ thuật; Quản trị kinh doanh; Luật Kinh tế; Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 03 năm (đủ 36 tháng) trở lên tính từ khi có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành…
Người Việt Nam, người nước ngoài có Chứng chỉ hành nghề thẩm định giá do tổ chức nước ngoài có thẩm quyền cấp được Bộ Tài chính thừa nhận được phép dự thi sát hạch lấy Thẻ thẩm định viên về giá, phải có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp thẩm định giá hoặc có chức năng hoạt động thẩm định giá được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; Riêng đối với người nước ngoài phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 01 năm trở lên…
Người dự thi phải thi 8 môn: phải có điểm thi đạt yêu cầu tất cả 8 môn; trong đó tổng
điểm thi 6 môn chuyên ngành đạt từ 38 điểm trở lên…
Điểm thi của các môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu 03 năm tính từ lần thi thứ nhất. Trong thời gian bảo lưu, người dự thi được thi tiếp các môn thi chưa thi hoặc môn thi chưa đạt yêu cầu hoặc được dự thi các môn đã thi, đã đạt yêu cầu nhưng muốn thi để lấy điểm cao  hơn. Mỗi môn thi được thi tối đa 3 lần.
Sau 03 năm dự thi, tính từ lần thi thứ nhất nếu một trong các môn thi đã thi 3 lần nhưng điểm thi không đạt yêu cầu hoặc thí sinh dự thi đủ 8 môn nhưng không đủ tổng số điểm thi theo quy định để đề nghị cấp thẻ thẩm định viên về giá thì bị hủy bỏ toàn bộ kết quả thi.
Thẻ thẩm định viên về giá có giá trị không thời hạn. Những thẻ đã cấp trước ngày Quy chế này có hiệu lực (có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp) sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính đổi lại theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá và theo đúng quy định tại Quy chế này. Thời hạn đổi thẻ được hoàn thành trong năm 2008.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Lãi suất tín dụng đầu tư, xuất khẩu
(SMS: 505132)
- Ngày 14/7/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 52/2008/QĐ-BTC về việc công bố lãi suất tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.
Theo đó, mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 12%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 7,8%/năm; lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu bằng đồng Việt Nam là 14,4%/năm, bằng ngoại tệ là 7,8%/năm; mức chênh lệch lãi suất được được tính hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam là 3,9%/năm và đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ là 0,96%/năm.

Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 11,4%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 7,2%/năm.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
(SMS: 505169)
- Theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16/7/2008 quy định: trường mầm non (MN) đạt chuẩn quốc gia phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý; đội ngũ giáo viên và nhân viên; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị; thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Trường MN đạt chuẩn quốc gia được chia làm 2 mức độ, mức 1 quy định các tiêu chuẩn cần thiết đảm bảo tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục có chất lượng toàn diện; mức 2 quy định các tiêu chuẩn cao hơn mức 1.
Cụ thể, trường đạt chuẩn mức 1 phải đảm bảo 100% số giáo viên và nhân viên đạt trình độ chuẩn về đào tạo, trong đó có ít nhất 20% số giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo. Hàng năm, 100% trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần…
Trường đạt chuẩn mức 2 phải có ít nhất 30% số giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo, ít nhất 70% số giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, không có giáo viên bị xếp loại kém. Mỗi giáo viên đều có ít nhất một báo cáo cải tiến đổi mới phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ trong từng năm học. Có ít nhất 95% trẻ tăng trưởng đạt kênh A...
Thời hạn công nhận nhà trường, nhà trẻ đạt chuẩn quốc gia là 5 năm, kể từ ngày ký quyết định công nhận. Trong thời hạn 5 năm, nếu nhà trường, nhà trẻ đã đạt chuẩn quốc gia vi phạm về tiêu chuẩn của Quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xem xét để tiếp tục công nhận hoặc không công nhận nhà trường, nhà trẻ đạt chuẩn quốc gia.
Sau 5 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận, nhà trường, nhà trẻ phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được kiểm tra và công nhận lại.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Quản lý giá thuốc bệnh viện
(SMS: 505091)
- Ngày 11/7/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 24/2008/QĐ-BYT ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.
Theo đó, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc bệnh viện. Trong trường hợp liên doanh, liên kết thì cá nhân hoặc giám đốc đơn vị đó phải cùng chịu trách nhiệm với giám đốc bệnh viện về hoạt động của nhà thuốc. Không được sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp (kể cả nguồn viện trợ và viện phí) để làm vốn hoạt động cho nhà thuốc bệnh viện…
Nhà thuốc bệnh viện phải là một bộ phận không thể tách rời của khoa Dược nhưng vẫn được phép liên doanh, liên kết với đối tác khác; Thực hiện niêm yết giá thuốc và không được bán cao hơn giá niêm yết…
Thặng số lãi trần bán lẻ được quy định tối đa là 20% cho các sản phẩm dược phẩm có giá nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng; sản phẩm có giá gốc từ 1.000 - 5.000đồng, lãi trần là 15%; sản phẩm giá 5.000 - 100.000 đồng, lãi trần là 10%, trên 100.00 đến dưới 1.000.000 đồng: 7%;  từ trên 1 triệu đồng lãi trần là 5%...
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được mở cơ sở bán lẻ thuốc của chính doanh nghiệp…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ QUỐC PHÒNG


Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới
(SMS: 505093)
- Ngày 09/7/2008, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 101/2008/TT-BQP về việc hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ biên giới sẽ bị phạt từ 100.000 - 30.000.000 đồng.
Cụ thể, những hành vi: viết, vẽ, tẩy, xóa nội dung ghi trên mốc biên giới hoặc hành vi đập, phá, di chuyển mốc biên giới, dấu hiệu đường biên giới sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Đối với các hành vi xây kè, đào kênh, mương, đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối, kênh, rạch biên giới hoặc những hành vi khác làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới, làm sai lệch đường biên giới quốc gia; khoan, đào hoặc sử dụng các thiết bị công nghệ để thăm dò địa chất hoặc hành vi khai thác cát, sỏi trong khu vực biên giới làm sạt lở kè, đập trên sông suối biên giới dẫn đến sai lệch đường biên giới hoặc sạt, lở, đổ vỡ mốc quốc giới sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. In ấn, sao chụp, xuất bản bản đồ, sách, báo tài liệu về đường biên giới quốc gia khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc thể hiện sai lệch về đường biên giới quốc gia trên bộ, trên biển sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng…
Phạt tiền từ 200.000 - 500.000đồng đối với những hành vi của người cư trú ở khu vực biên giới không có một trong các loại giấy tờ: Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới, giấy chứng minh biên giới, giấy chứng nhận cư dân biên giới, giấy thông hành biên giới (tùy từng tuyến biên giới mà có các loại giấy khác nhau)…
Phạt tiền từ 2 đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, hàng cấm qua biên giới đối với cư dân cư trú trong khu vực biên giới và ngoài khu vực biên giới cả chủ hàng trực tiếp vận chuyển hoặc thuê vận chuyển và người mang vác, vận chuyển thuê hàng hóa, hàng cấm qua biên giới…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Hướng dẫn về hoạt động in ấn
(SMS: 505092)
- Ngày 09/7/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BTTTT hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm.
Theo đó, cơ sở in phải có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền khi tham gia in các sản phẩm: Chứng minh thư; hộ chiếu; văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Về in gia công cho nước ngoài, cơ sở in phải đảm bảo các sản phẩm in được xuất kkhẩu 100% ra nước ngoài, không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Bên đặt in phải chịu trách nhiệm về bản quyền đối với sản phẩm đặt in. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định.
Nếu cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã thì phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại và phải đảm bảo không có nội dung vi phạm các quy định về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ quan, tổ chức có pháp nhân đầy đủ cần sử dụng máy photocopy màu để phục vụ cho công việc nội bộ, sẽ được xem xét cho phép nhập khẩu. Đơn vị sử dụng máy phải ban hành quy chế quản lý và sử dụng máy gửi kèm hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu. Ngoài ra, phải đăng ký máy với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại…
Thời hạn thực hiện việc cấp lại giấy phép hoạt động in báo, tạp chí, tem chống giả là 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Riêng cơ sở in đã được cấp, đổi giấy phép sau ngày 01/7/2005 có chức năng in báo, tạp chí, tem chống giả thì không phải đổi giấy phép. Cơ sở in báo, tạp chí, tem chống giả không được cấp lại giấy phép sau thời hạn quy định tại Thông tư này phải ngừng hoạt động.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quản lý hoạt động đổi ngoại tệ
(SMS: 505084)
- Ngày 11/7/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ban hành Quy chế đại lý đổi ngoại tệ.
Quy chế chỉ điều chỉnh hoạt động đổi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế làm Đại lý đổi ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, không điều chỉnh hoạt động đổi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, vì vậy hoạt động đổi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục thực hiện bình thường.
Quy chế nêu rõ không giới hạn đối tượng được uỷ nhiệm làm đại lý đổi ngoại tệ, cho phép các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần có đủ điều kiện theo quy định đều có thể làm đại lý đổi ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với định hướng hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ chủ yếu nhằm phục vụ khách du lịch nước ngoài nên đại lý đổi ngoại tệ được quy định đặt tại những địa điểm có đông khách du lịch nước ngoài như cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài, văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam, khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài và các khu du lịch, trung tâm mua sắm, siêu thị có nhiều khách nước ngoài tham quan, mua sắm…
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày quy chế có hiệu lực, các tổ chức tín dụng phải ký kết lại hoặc thanh lý hợp đồng đại lý đối với các đại lý không đáp ứng các quy định về địa điểm đặt đại lý, điều kiện làm đại lý, các điều khoản trong hợp đồng đại lý.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.