Chính sách về tạo việc làm (SMS: 500725) - Ngày 06/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010. Theo đó, nội dung Chương trình gồm 3 dự án và hai hoạt động (hoạt động giám sát, đánh giá; hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm). Trong Chương trình, Dự án vay vốn tạo việc làm đặt mục tiêu tạo việc làm cho 1,7-1,8 triệu lao động thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Dự án hỗ trợ đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài phấn đấu đưa 40-50 vạn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Dự án chủ yếu hỗ trợ khai thác, mở thị trường tiếp nhận lao động và hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo định hướng, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhằm nâng cao năng lực và hiện đại hóa 30-40 Trung tâm giới thiệu việc làm, nâng số người được tư vấn và giới thiệu việc làm lên trên 4 triệu người trong 5 năm. Năm 2008 sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng trang Web về thị trường lao động. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách mới về kinh phí trồng rừng (SMS: 500724) - Ngày 06/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Theo đó, trước mắt, trong năm 2007, UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và đóng xong cọc mốc ranh giới… Cụ thể, 5% vốn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ lâm nghiệp cấp xã, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, phòng chữa cháy rừng...). Hỗ trợ 100.000đồng/ha/năm cho việc khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những nơi có nguy cơ bị đe doạ cao mà chưa có khả năng thu lợi từ rừng… Bên cạnh đó, sẽ cấp lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy. Trong thời gian người dân làm rừng chưa có điều kiện chuyển đổi phương thức canh tác, Nhà nước trợ cấp bình quân 10 kg gạo/khẩu/tháng, đồng thời tiến hành cấp kinh phí theo quy định tùy theo trồng rừng phòng hộ hay rừng sản xuất. Chính phủ cũng khuyến khích việc trồng các loài cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ trong các khu rừng phòng hộ. Người dân được hưởng toàn bộ lâm sản dưới tán rừng và những sản phẩm là gỗ… Kinh phí còn được chi cho việc nâng cấp vườn giống, rừng giống, vườn ươm, nâng cấp trạm bảo vệ rừng, làm mới và nâng cấp hệ thống đường lâm nghiệp. Kinh phí dự kiến chiếm 10% tổng số vốn ngân sách đầu tư cho dự án. Ngoài ra, vốn ngân sách còn dành để tổ chức các hoạt động khuyến lâm: xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, hướng dẫn tập huấn cho người làm nghề rừng tại địa bàn, phục vụ trực tiếp cho dự án; và cho công tác quản lý... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách tiền tệ (SMS: 500747) - Ngày 04/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có ban hành Quyết định số 98/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế. Theo đó, đến năm 2010, nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam (VNĐ) với các mục tiêu cụ thể sau: tự do hóa hoàn toàn giao dịch vãng lai, bước đầu xây dựng cơ chế để VNĐ tham gia thanh toán xuất nhập khẩu; Tiếp tục tự do hóa có lựa chọn các giao dịch vốn, bước đầu cho VNĐ tham gia quan hệ vay, trả nợ nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, để khắc phục từng bước tình trạng đô la hóa, cần nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về quản lý ngoại hối, thu hẹp tiến tới xóa bỏ việc niêm yết, định giá, thanh toán bằng ngoại tệ và kinh doanh ngoại tệ trái phép; xóa bỏ chế độ thanh toán bằng ngoại tệ trong nước; có biện pháp thu hút số ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống ngân hàng, đồng thời xóa bỏ các chính sách gây tâm lý đô la hóa… Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống lãi suất chủ đạo để định hướng lãi suất thị trường, tiếp tục thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt, tương đối ổn định, hướng vào mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, đổi mới chính sách quản lý ngoại hối theo hướng tự do hóa nhiều hơn và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước… Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép nhà đầu tư nước ngoài sử dụng VNĐ tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, giảm và tiến tới xóa bỏ các quy định về cân đối ngoại tệ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phòng chống lấy nhiễm HIV (SMS: 500745) - Ngày 28/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam. Theo đó, các cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ người nhiễm HIV để theo dõi sức khỏe, điều trị khi cần thiết; bố trí ăn ở, sinh hoạt... phù hợp với tình hình sức khỏe của người nhiễm HIV đối với những trường hợp sức khỏe yếu; bàn giao bệnh án và tài liệu liên quan cho cơ sở tiếp nhận khi điều chuyển người nhiễm HIV đến cơ sở mới; thông báo cho cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV tại địa phương nơi người nhiễm HIV trở về cư trú; thực hiện việc khám nghiệm tử thi, xử lý mẫu vật và mai táng theo quy định pháp luật hiện hành (nếu người nhiễm HIV tử vong do AIDS thì không phải trưng cầu giám định pháp y)… Việc xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở được thực hiện theo nguyên tắc giữ bí mật và tự nguyện, trừ các trường hợp khác do luật định. Chỉ có các phòng xét nghiệm HIV đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV dương tính mới được quyền khẳng định các trường hợp HIV dương tính… Người nhiễm HIV mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS được điều trị tại cơ sở y tế hoặc khu điều trị của cơ sở. Trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm phải điều trị tại khu hoặc phòng riêng, nếu nặng vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở thì được chuyển đến cơ sở y tế dân y của Nhà nước hoặc bệnh viện Quân đội để được tiếp tục điều trị. Khi điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội tại khu điều trị của cơ sở, người nhiễm HIV được hỗ trợ mức không thấp hơn 150.000 đồng/người/năm; khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng thấp nhất là 2 triệu đồng/người… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phòng chống HIV/AIDS (SMS: 500739) - Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV-AIDS). Theo đó, nhân viên tiếp cận cộng đồng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được hưởng các chế độ, phụ cấp và không bị coi là vi phạm pháp luật khi thực hiện việc phân phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện chất nghiện dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho các đối tượng mua dâm, bán dâm, người nghiện, người nhiễm HIV... Bơm kim tiêm sạch, bao cao su được cung cấp miễn phí cho các đối tượng trên phải được in rõ trên bao bì hoặc nhãn phụ dòng chữ "Cung cấp miễn phí, không được bán". Người nghiện chích ma túy có trách nhiệm thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng để trao lại cho nhân viên cộng đồng tiêu hủy theo quy định của pháp luật về xử lý chất thải… Đối với việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định. Việc điều trị này chỉ được thực hiện khi người nghiện tự nguyện và cam kết bằng văn bản về tuân thủ phác đồ điều trị chất gây nghiện bằng thuốc thay thế… Khi xây dựng chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các Bộ, ngành, UBND các cấp nhất thiết phải lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Ngành Y tế có mục tiêu cụ thể tới năm 2010 đạt 70% số huyện trong cả nước có cơ sở đủ khả năng điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV và thuốc kháng HIV sản xuất trong nước có thể đáp ứng được 50% nhu cầu điều trị cho bệnh nhân AIDS. Nhưng trước mắt cần tuyên truyền rộng rãi để nâng cao ý thức của người dân về nhiễm HIV và bệnh AIDS, nên có thái độ nhận thức đúng đắn, không kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV. Vì cuộc sống của những người nhiễm HIV rất cần sự thông cảm, sẻ chia của xã hội. Chính sự cảm thông ấy cũng là một biện pháp tích cực để giảm thiểu sự lây nhiễm HIV… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Kiểm soát chi phí (SMS: 500763) - Ngày 17/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2007/TT-BTC sửa đổi một số điểm của Thông tư số 18/2006/TT-BTC hướng dẫn chế dộ kiểm soát chi đối với các cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Theo đó, trong năm, sau khi thực hiện quý trước, nếu xét thấy đơn vị có khả năng tiết kiệm được kinh phí; thủ trưởng đơn vị căn cứ vào số kinh phí dự kiến tiết kiệm được lập giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (tạm ứng) để tạm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức trong đơn vị theo quý; Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng theo mức thủ trưởng đơn vị đề nghị đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao và tối đa không vượt quá 60% quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ một quý của đơn vị… Khi quyết toán của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định. Trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm thấp hơn số đơn vị thực hiện chế độ tự chủ tự xác định, căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách giảm trừ vào số tiết kiệm năm tiếp theo của đơn vị”… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý tài chính đối với viện trợ nước ngoài (SMS: 500726) - Ngày 12/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 82/2007/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo đó, đối với các khoản viện trợ nước ngoài có tính chất nhỏ, lẻ không theo các chương trình, dự án và phát sinh đột xuất trong năm, các Đơn vị sử dụng viện trợ phải lập dự toán thu - chi viện trợ (kể cả vốn đối ứng nếu có) trình Cơ quan chủ quản dự án phê duyệt bổ sung kế hoạch tài chính để gửi cho Cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để kiểm soát chi và hạch toán ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành… Các chương trình, dự án viện trợ thực hiện theo cơ chế cấp phát một phần và cho vay lại một phần từ ngân sách nhà nước và do cùng một Chủ dự án/Đơn vị sử dụng viện trợ thực hiện: Cơ quan tài chính chịu trách nhiệm xác định Cơ quan kiểm soát chi phù hợp, tuỳ theo tính chất dự án và bảo đảm nguyên tắc không có hai Cơ quan kiểm soát chi đối với một chương trình, dự án… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|