Số 28.2005 (231) ngày 22/07/2005

 CHÍNH PHỦ


Quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập
 (SMS: 200959 - Không gửi qua fax)
- Theo Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, mục đích của việc phân loại, xếp hạng nhằm: phục vụ cho việc thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập là một căn cứ để quy định việc áp dụng chế độ phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của từng loại tổ chức theo các mức xếp hạng tương ứng, bảo đảm sự thống nhất trong cả nước; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập trong từng ngành, lĩnh vực; đổi mới phương thức đầu tư cho mỗi loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập theo hệ thống phân loại, xếp hạng...
Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập được đầu tư phát triển liên tục bảo đảm đạt tiêu chí cao hơn thì có thể rút ngắn thời gian và được xếp lại vào hạng liền kề...
Việc phân loại, xếp hạng căn cứ vào các nhóm tiêu chí sau đây: Nhóm tiêu chí về loại hình và tính chất tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; ngành, lĩnh vực hoạt động theo các luật, pháp lệnh chuyên ngành tương ứng điều chỉnh; Nhóm tiêu chí về cấp quản lý, chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước hoặc dịch vụ công đối với từng loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; Nhóm tiêu chí về quy mô tổ chức, khối lượng công việc; Nhóm tiêu chí về cơ cấu, trình độ lao động và độ phức tạp quản lý; Nhóm tiêu chí về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sở hữu nhà ở, công trình
(SMS: 200955 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/7/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2005/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, trường hợp công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp của 1 chủ sở hữu thì cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho chủ sở hữu đó, nếu nhiều chủ sở hữu nhưng không thể phân chia mục đích sử dụng riêng biệt thì giấy chứng nhận phải ghi đủ tên các chủ sở hữu trong giấy chứng nhận và cấp cho mỗi chủ sở hữu 1 bản, nếu có thể phân chia mục đích sử dụng thì cấp giấy chứng nhận cho từng chủ sở hữu...
Trường hợp nhà ở công trình xây dựng thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi tên cả vợ và chồng. Trong trường hợp có vợ hoặc chồng là người Việt
Nam ở nước ngoài, người nước ngoài mà không thuộc diện được sở hữu thì chỉ ghi tên người ở trong nước...
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận; Bản sao một trong các gấy tờ sau: Giấy phép xây dựng, Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, Giấy tờ xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc không có tranh chấp về sở hữu, Giấy tờ về nhà đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ...; Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình...
Nếu là người nước ngoài, hồ sơ đề nghị bao gồm: Giấy tờ chứng minh đối tượng thuộc diện được sở hữu; Hộ chiếu hợp lệ (đối với người Việt
Nam ở nước ngoài) kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch hoặc giấy xác nhận đăng ký công dân...
Đối với tổ chức, hồ sơ đề nghị bao gồm: bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh  doanh hoặc giấy phép đầu tư; Quyết định phê duyệt hoặc quyết định đầu tư dự án; Biên lai nộp nghĩa vụ tài chính...


Giải quyết quyền lợi của người lao động
(SMS: 200954 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/7/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2005/NĐ-CP về giải quyết quyền lợi của người lao động ở doanh nghiệp và hợp tác xã bị phá sản.
Theo đó, khi doanh nghiệp, hợp tác xã có quyết định tuyên bố phá sản, người lao động được trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có)...
Phương án thanh toán các khoản nợ như sau: trường hợp giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã trừ phí phá sản đủ thanh toán thì mỗi người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội được thanh toán đủ số nợ, nếu không đủ, thì sẽ được thanh toán các khoản nợ theo tỷ lệ tương ứng...
Trường hợp đến thời hạn thanh toán mà ngưòi lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chết  hoặc đã điều trị ổn định thương tật thì tổ chức quản lý, thanh lý tài sản thanh toán cho người lao động hoặc nhân thân của họ tiền chi phí y tế, tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài
(SMS: 200959 - Không gửi qua fax)
- Ngày 13/7/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức không phải xin chấp thuận của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng lao động nước ngoài nếu giấy cấp phép hoạt động có quy định số lượng lao động nước ngoài...
Trong thời hạn 30 ngày (tính theo ngày làm việc) trước khi giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải làm đơn xin gia hạn giấy phép lao động...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Phí cảng vụ đường thuỷ nội địa
(SMS: 200956 - Không gửi qua fax)
- Ngày 18/7/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2005/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí cảng vụ đường thuỷ nội địa, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Lệ phí ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa đối với: Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần  từ 10 đến 50 tấn: 5000 đồng/chuyến; từ 51 đến 200 tấn hoặc chở khách có sức chở  từ 13 đến 50 ghế: 10.000 đồng; từ 201 đến 500 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 51 đến 100 ghế: 20.000 đồng...
Tàu biển có trọng tải toàn phần từ 200 đến dưới 1000 GT: 50.000 đồng/chuyến; từ 1000 đến dưới 5000 GT: 100.000 đồng; trên 5000 GT: 200.000 đồng.
Đối với phí trọng tải: lượt vào và lượt ra (kể cả có tải, không tải): 150 đồng/tấn trọng tải toàn phần...
Cơ quan thu phí, lệ phí được trích để lại 95% trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho hoạt động của cảng vụ...


Sử dụng kinh phí hỗ trợ
(SMS: 200960 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/7/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2005/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các tổ chức cung ứng lao động được chỉ định thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, nguồn kinh phí hỗ trợ nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thuộc cấp nào chỉ định thực hiện do ngân sách cấp đó bảo đảm...
Đối với các khoản chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý lao động được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước...
Chi hỗ trợ may sắm trang phục cho bộ phận cán bộ thường xuyên phải tiếp và làm việc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo mức: 500.000 đồng/người/năm. Trong trường hợp một số khoản chi phục vụ nhiệm vụ quản lý lao động nhưng không tách được chứng từ chi riêng như: hoá đơn chi tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, vệ sinh môi trường..., được chi theo nguyên tắc phân bổ chi phí phù hợp với tính chất sử dụng các khoản chi của từng bộ phận nghiệp vụ trong đơn vị...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Thời gian bắt đầu ưu đãi miễn, giảm thuế
(SMS: 200961)
- Theo Công văn số 8842/TC/TCT ra ngày 13/7/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn: các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập được ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN nếu năm đầu tiên hoạt động kinh doanh dưới 06 tháng trong năm dương lịch mà chưa đăng ký với cơ quan thuế thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN hoặc đã được giải quyết ưu đãi miễn giảm thuế TNDN thì cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép lựa chọn đăng ký với cơ quan thuế áp dụng thời gian miễn, giảm thuế TNDN vào năm đó hoặc năm sau tiếp theo năm đó...
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được miễn giảm thuế TNDN trong vòng 5 năm kể từ năm đầu tiên được miễn giảm thuế mà thời gian được hưởng ưu đãi năm đầu dưới 06 tháng nay đăng ký lại thời điểm bắt đầu miễn, giảm vào năm sau thì cơ sở sản xuất, kinh doanh xác định số thuế phải nộp đã được miễn giảm trước đó để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định...
 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Chuyển giao khoa học và công nghệ
(SMS: 200958 - Không gửi qua fax)
- Ngày 18/7/2005, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 09/2005/QĐ-BKHCN ban hành "Quy chế quản lý Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010".
Theo đó, thời gian thực hiện dự án tối đa là 36 tháng. Riêng đối với các dự án trồng các loại cây lâu năm, trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu kết hợp chế biến và một số đối tượng đặc biệt khác, thời gian có thể kéo dài hơn nhưng không vượt quá 60 tháng...
Những công nghệ được chọn để chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện sau: những công nghệ được tạo ra trong nước đã được đánh giá, phê duyệt cho phép ứng dụng và chuyển giao ở các cấp quản lý, tiên tiến hơn so với công nghệ hiện có của địa phương, hoặc các công nghệ nhập từ nước ngoài nhưng phải chứng minh được tính thích nghi và khả năng làm chủ công nghệ đó của cơ quan chuyển giao công nghệ; Các công nghệ phải hướng vào giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Quản lý chất lượng công trình
(SMS: 200957 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/7/2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2005/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm
lập hoặc thuê tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình. Nhiệm vụ thiết kế phải nêu rõ các yêu cầu và điều kiện để nhà thầu thiết kế thực hiện. Tại các bước thiết kế, nhiệm vụ thiết kế có thể được bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả cho dự án đầu tư xây dựng công trình...
Đối với các công trình sửa chữa hoặc xây dựng mới có quy mô nhỏ, đơn giản có vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng thì chủ đầu tư có thể không lập Ban quản lý dự án nhưng phải được sự chấp thuận của người quyết định đầu tư. Chủ đầu tư phải cử người quản lý dự án và thuê các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng để giúp thực hiện...
Đối với các công việc xây dựng khó khắc phục khiếm khuyết khi triển khai các công việc tiếp theo như công tác thi công phần ngầm, phần khuất các hạng mục công trình chịu lực quan trọng thì chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế cùng tham gia nghiệm thu...
Sau khi có quyết định phá dỡ của cơ quan có thẩm quyền, người
được giao tổ chức thực hiện việc phá dỡ công trình phải lập và phê duyệt giải pháp phá dỡ. Khi có hộ liền kề hoặc không liền kề nhưng việc phá dỡ có thể ảnh hưởng đến công trình lân cận thì giải pháp phá dỡ phải có sự thỏa thuận của chủ hộ liền kề và của  chủ các công trình lân cận...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.