Số 27.2010 (485) ngày 13/07/2010

CHÍNH PHỦ

Điều chỉnh Quy hoạch khai thác khoáng sản làm xi măng đến 2020 (SMS: 1065/QD-TTg) - Ngày 09/7/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1065/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020. Ban hành kèm theo Quyết định này còn có Quy hoạch thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản dự trữ cho nhu cầu sản xuất mở rộng của các nhà máy xi măng và các dự án xi măng sẽ đầu tư tại Phụ lục II; Quy hoạch thăm dò, khai thác trữ lượng khoáng sản làm nguyên liệu cho các nhà máy xi măng lò đứng đến khi dừng hoạt động tại Phụ lục III; Điều chỉnh quy hoạch các mỏ khoáng sản dự trữ cho công nghiệp xi măng tại Phụ lục IV. Đối với các mỏ khoáng sản làm xi măng đã được ghi trong các Phụ lục kèm theo Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ mà không bị điều chỉnh tại Quyết định này, vẫn có giá trị thực hiện.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác làm nguyên liệu sản xuất xi măng, bảo đảm không chồng chéo với các quy hoạch khác trên địa bàn; không cấp phép làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các mỏ khoáng sản đã nằm trong quy hoạch, các mỏ khoáng sản có đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng; định kỳ rà soát công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng do tỉnh cấp phép báo cáo Bộ Xây dựng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Cảnh sát môi trường được hưởng thêm chế độ ưu đãi (SMS: 72/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08/7/2010 quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; các cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Nghị định này, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường được thành lập ở Bộ Công an, công an cấp tỉnh và công an cấp huyện. Nhà nước có chính sách ưu tiên cho Bộ Công an tuyển chọn cán bộ, chuyên gia giỏi để phục vụ công tác này và cử người đủ tiêu chuẩn đi học tập, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Nhà nước đảm bảo trang bị cho cơ quan chuyên trách các loại phương tiện nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ gồm: các phương tiện kỹ thuật để phát hiện, thu thập, lưu trữ thông tin, tài liệu, mẫu vật; phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông; hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, ngoài ra còn được hưởng chế độ độc hại theo quy định của pháp luật; được trang bị các phương tiện bảo hộ phòng, chống ô nhiễm trong khi thi hành công vụ; trường hợp đặc biệt có thể được nâng lương, thăng cấp hàm cao hơn một bậc so với quy định cấp bậc hàm tối đa cho từng chức vụ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6/2010 (SMS: 29/NQ-CP) - Ngày 07/7/2010, Chính phủ ra Nghị quyết số 29/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2010. Chính phủ nhận định, ngoài những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn như: nhập siêu vẫn ở mức cao; giá cả trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng, gây áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng; lãi suất tín dụng vẫn còn cao; tình trạng thiếu điện trong các tháng quý II, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân; một số lĩnh vực xã hội chuyển biến còn chậm…Trước tình hình này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước để chủ động các giải pháp điều tiết cung - cầu phù hợp, tăng cường kiểm soát việc thực hiện quy định về quản lý giá trên địa bàn nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá không hợp lý. Bộ Công Thương, Bộ Y tế, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, đăng ký và niêm yết giá sữa, giá thuốc chữa bệnh trên địa bàn và tại nhà thuốc trong các bệnh viện; đề xuất các giải pháp có hiệu quả để quản lý giá các sản phẩm này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành lượng tiền cung ứng hợp lý, bảo đảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm 2010 khoảng 20%, tổng dư nợ tín dụng khoảng 25%, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án, công trình đầu tư cụ thể.
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã thảo luận các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khiếu nại do Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ trình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp các ý kiến thành viên Chính phủ. Giao Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Khiếu nại, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam với Cu-ba và Pa-le-xtin (SMS: 1043/QD-TTg, 1042/QD-TTg) - Ngày 06/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu-ba về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải được ký tại La Ha-ba-na ngày 28/9/2009. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt và thông báo cho các cơ quan nước ta ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định này. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 1042/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, thể thao và du lịch giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Pa-le-xtin được ký tại Hà Nội ngày 25/5/2010; giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt, thông báo hiệu lực của Hiệp định này cho phía Pa-le-xtin và công bố, lưu chiểu Hiệp định theo quy định hiện hành.
Quyết định số 1043/QĐ-TTg và 1042/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Bổ sung, hủy bỏ thủ tục hành chính lĩnh vực giao thông vận tải (SMS: 1896/QD-BGTVT) - Ngày 06/7/2010, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 1896/QĐ-BGTVT công bố bổ sung, hủy bỏ, sửa đổi các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Theo Quyết định này, có 24 thủ tục hành chính được công bố bổ sung, trong đó có các thủ tục: cấp lại sổ kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi bị mất, hỏng, khi hết trang ghi; chuyển vùng quản lý hồ sơ đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng có thời hạn; xóa sổ đăng ký xe máy chuyên dùng; cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô; cấp lại giấy phép đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đại diện cho các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam…Hủy bỏ 5 thủ tục hành chính trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm: cấp chứng chỉ an toàn cho các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt; cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng đăng ký lần đầu cho các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng chuyển quyền sở hữu cho các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng bị hỏng, bị mất do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý; cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng tạm thời cho các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải. 10 thủ tục hành chính trong Cơ sở dữ liệu quốc gia cũng được sửa đổi theo Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Tiêu chí kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề (SMS: 19/2010/TT-BLDTBXH) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 19/2010/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2010 quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề. Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này được áp dụng để kiểm định chất lượng các trung tâm dạy nghề công lập, trung tâm dạy nghề tư thục, trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề được sử dụng để: các trung tâm dạy nghề tự kiểm định, đánh giá và hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề của trung tâm dạy nghề; cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thực hiện việc kiểm định, công nhận hoặc không công nhận các trung tâm dạy nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định; công bố công khai kết quả kiểm định cho người học nghề và xã hội biết.
Theo Thông tư này, có 9 tiêu chí kiểm định như sau: tiêu chí 1 mục tiêu và nhiệm vụ (06 điểm); tiêu chí 2 tổ chức và quản lý (08 điểm); tiêu chí 3 hoạt động dạy và học (16 điểm); tiêu chí 4 giáo viên và cán bộ quản lý (18 điểm); tiêu chí 5 chương trình, giáo trình (18 điểm); tiêu chí 6 thư viện (02 điểm); tiêu chí 7 cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học (18 điểm); tiêu chí 8 quản lý tài chính (08 điểm) và tiêu chí 9 các dịch vụ cho người học nghề (06 điểm). Có 3 cấp độ của kết quả kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề. Cấp độ 1: tổng số điểm đánh giá đạt dưới 50 điểm hoặc đạt từ 50 điểm trở lên nhưng điểm đánh giá của một trong các tiêu chí kiểm định đạt dưới 50% điểm chuẩn của tiêu chí đó. Cấp độ 2: tổng số điểm đánh giá đạt từ 50 điểm đến dưới 80 điểm và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định phải đạt từ 50% điểm chuẩn trở lên hoặc đạt 80 điểm trở lên và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định đạt từ 50% điểm chuẩn trở lên nhưng có một trong các tiêu chí 4, 5, 7 đạt dưới 80% điểm chuẩn của tiêu chí đó. Cấp độ 3: tổng số điểm đánh giá đạt từ 80 điểm trở lên và điểm đánh giá của từng tiêu chí kiểm định phải đạt từ 50% điểm chuẩn trở lên, trong đó các tiêu chí 4, 5, 7 phải đạt từ 80% điểm chuẩn trở lên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Thủ tục xác nhận chất lượng muối nhập khẩu (SMS: 1871/QD-BNN-CB) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 05/7/2010 đã ký Quyết định số 1871/QĐ-BNN-CB ban hành Quy định tạm thời thủ tục xác nhận chất lượng muối nhập khẩu. Theo đó, muối nhập khẩu được cấp giấy xác nhận đạt chất lượng muối nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư số 23/2010/TT-BCT ngày 20/5/2010 của Bộ Công thương. Đối với muối dùng cho ăn trực tiếp, công nghiệp thực phẩm, y tế phải đáp ứng thêm chỉ tiêu kỹ thuật về hàm lượng chất phụ gia thực phẩm, chất nhiễm bẩn theo quy định tại TCVN 3974:2007. Thương nhân nhập khẩu muối được hướng dẫn và tư vấn về các yêu cầu để làm thủ tục đăng ký xác nhận chất lượng lô hàng muối nhập khẩu và nhận mẫu hồ sơ tại Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (10 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội). Thương nhân lấy mẫu lô hàng muối nhập khẩu (có xác nhận của Hải quan) đưa đi phân tích kiểm tra chất lượng tại một trong ba Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng gồm: Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 tại số 8 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 tại số 2 Ngô Quyền, thành phố Đà Nẵng; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 tại số 49 Pasteur, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Hồ sơ đăng ký xác nhận chất lượng muối nhập khẩu gồm có: đơn đề nghị; bảng liệt kê các văn bản yêu cầu; kết quả thử nghiệm chất lượng lô hàng muối nhập khẩu; mẫu muối của lô hàng nhập khẩu có xác nhận của Hải quan; hợp đồng mua bán; hóa đơn; vận đơn; bảng kê hàng nhập khẩu; chứng nhận xuất xứ; bản sao công chứng giấy đăng ký kinh doanh.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2010.
 
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Quy định về phát sóng truyền hình trực tiếp trên vệ tinh (SMS: 15/2010/TT-BTTTT) - Việc phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình địa phương trên vệ tinh được hướng dẫn tại Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT ngày 01/7/2010 của Bộ Thông tin và truyền thông. Thông tư này áp dụng đối với các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ phát sóng truyền hình quảng bá trực tiếp trên vệ tinh tại Việt Nam. Theo Thông tư này, phát sóng truyền hình quảng bá trực tiếp trên vệ tinh là việc phát sóng trực tiếp trên vệ tinh các kênh chương trình truyền hình quảng bá cho mọi tổ chức, cá nhân tự do sử dụng mà không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát hoặc ràng buộc điều kiện đối với việc thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh. Việc phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình địa phương trên vệ tinh phải đảm bảo tổng thời lượng phát sóng kênh chương trình truyền hình tối thiểu 15 tiếng/ngày; tổng thời lượng phát sóng phim nước ngoài tại khung giờ từ 20 giời đến hết 21 giờ hàng ngày đối với kênh chương trình truyền hình không vượt quá 50% trong một tuần (không vượt quá 07 tiếng/tuần).
Các đài phát thanh, truyền hình địa phương muốn phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình của mình trên vệ tinh phải làm thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xét cấp giấy phép; giấy phép này có giá trị 05 năm kể từ ngày ký và không vượt quá thời hạn có hiệu lực ghi trong giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời và nêu rõ lý do.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2010.
 
BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2010 (SMS: 2323/QD-BVHTTDL) -  Được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phê duyệt tại Quyết định số 2323/QĐ-BVHTTDL ngày 05/7/2010. Theo đó, thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông trong nước và ngoài nước; xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với tổng kinh phí 16,4 tỷ đồng; thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước (hội chợ, triển lãm; khảo sát phát triển sản phẩm du lịch…) với tổng kinh phí 14,55 tỷ đồng; thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi chuyên ngành và các sự kiện du lịch khác ở trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng; thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua việc thiết lập, cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin du lịch Việt Nam phục vụ công tác xúc tiến du lịch với tổng kinh phí 1,35 tỷ đồng; thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua việc tổ chức các hoạt động để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch (xây dựng mới, nâng cấp tour, tuyến du lịch; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian…) với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng; thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng xúc tiến du lịch cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, cán bộ thuộc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng.