Số 27.2009 (434) ngày 14/07/2009

CHÍNH PHỦ


Gia hạn thực hiện ưu đãi về thuế tại khu kinh tế cửa khẩu (SMS: 535058) - Ngày 10/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, quy định ưu đãi về thuế đối với khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế hoạt động của từng khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện đến hết năm 2012 (theo quy định cũ là đến hết ngày 30/6/2009); từ ngày 01/01/2013 trở đi thực hiện theo Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công thương quy định danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (thuốc lá, rượu, bia) cần hạn chế nhập khẩu trong danh mục hàng bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu; phối hợp với các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại, du lịch và các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực kinh tế cửa khẩu cùng với việc xây dựng các biện pháp quản lý, phòng, chống và xử lý các hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi để thu gom, buôn lậu hàng vào nội địa, kinh doanh trái pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009.

Phê duyệt Hiệp định về xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Liên bang Nga (SMS: 535029) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/7/2009 phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm việc có thời hạn tại Liên bang Nga và công dân Liên bang Nga làm việc có thời hạn tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ký ngày 27/10/2008 tại Matxcơva - Liên bang Nga. Hiệp định này được áp dụng toàn bộ nội dung trong thời gian thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Hiệp định, Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại theo quy định và thông báo cho các cơ quan liên quan biết ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định nêu trên.

Chế độ phụ cấp cho người phục vụ trong Công an nhân dân (SMS: 535059) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2009/NĐ-CP ngày 08/7/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 17/01/2007 của Chính phủ quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân. Theo Nghị định 57/2009/NĐ-CP nói trên, các chế độ đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân được quy định chi tiết hơn so với quy định cũ. Cụ thể: ngoài việc được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Luật Công an nhân dân, các Nghị định của Chính phủ có liên quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ còn được hưởng các chế độ chính sách như sau: hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn từ tháng thứ 19 đến tháng thứ 24 thì hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ cấp cấp bậc hàm; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 36 thì hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp cấp bậc hàm; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được cấp hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2009.

Chính sách tín dụng đối với thương nhân tại vùng khó khăn (SMS: 535035) - Chính sách này được thực hiện theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với thương nhân quy định tại Quyết định này bao gồm các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) quy định trong danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; các xã thành lập sau khi Quyết định này có hiệu lực trên cơ sở chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg nói trên cũng được hưởng chính sách tín dụng theo Quyết định này.
Đối tượng được vay vốn là thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn. Để được vay vốn, thương nhân phải đáp ứng các điều kiện sau: được UBND cấp xã nơi thương nhân hoạt động thương mại xác nhận có thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên trên địa bàn; có vốn tự có (bao gồm cả giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn vay; thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định (thương nhân vay vốn đến 30 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay).
Cũng theo quy định tại Quyết định này, mức vốn cho vay đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa là 30 triệu đồng; đối với thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp các loại thuế theo quy định, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng; thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, mức cho vay tối đa là 500 triệu đồng. Lãi suất cho vay áp dụng bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay được xác định theo các loại cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhưng tối đa không quá 5 năm. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản vay vốn ngắn hạn tối đa không quá 12 tháng, đối với các khoản cho vay trung và dài hạn, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng ½ thời hạn cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2009. Đối với các cá nhân thuộc hộ gia đình có đăng ký kinh doanh đã được vay vốn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được quyền vay vốn theo quy định tại Quyết định này sau khi hoàn trả đầy đủ cả gốc, lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
 

BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng thiết bị điện (SMS: 535031) - Ngày 03/7/2009, Bộ Tài chính ra Thông tư số 138/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thiết bị điện quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại danh mục kèm theo Thông tư này. Theo đó, về cơ bản là giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thiết bị điện, cụ thể: mặt hàng bộ ổn định điện áp từng nấc, máy biến áp điện dùng cho thiết bị đo lường có công suất sử dụng không quá 5kVA và loại khác có công suất sử dụng trên 10kVA và điện áp tối đa từ 66.000V trở lên, thuế suất giảm từ 28% xuống còn 26%; máy biến áp trung tần, thuế suất giảm từ 28% xuống còn 5%; máy biến thế tăng/giảm điện áp, biến áp trượt, bộ ổn định điện áp, thuế suất giảm từ 28% xuống còn 20%; cầu chì nhiệt, cầu chì thủy tinh, thuế suất giảm từ 29% xuống còn 28%; cầu dao loại dùng cho gia đình, có giới hạn dòng danh định không quá 16A, dùng cho quạt điện hoặc thiết bị thu thanh, thuế suất giảm từ 18% xuống còn 15%...
Thông tư này có hiệu lực và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Cơ chế tài chính đối với hàng hóa, dịch vụ trong khu kinh tế cửa khẩu (SMS: 535030) - Ngày 03/7/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 137/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% phải kiểm tra trước khi hoàn thuế giá trị gia tăng bao gồm: bia các loại; nước giải khát, rượu và thức uống có cồn; thuốc lá điếu; xe gắn máy; xà phòng, dầu gội đầu, dầu tắm, kem đánh răng; sữa các loại, bột dinh dưỡng, dầu ăn các loại; mì, miến, cháo, phở ăn liền; bánh kẹo các loại; điện thoại di động, thẻ cào điện thoại di động; gaz sử dụng cho các loại thiết bị lạnh.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu và khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, thực hiện quản lý, hoàn thuế giá trị gia tăng các mặt hàng nói trên theo quy định của pháp luật về thuế và đề nghị bằng văn bản về Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa từ nội địa đưa vào tiêu thụ trong khu kinh tế cửa khẩu thực hiện kiểm tra trước khi hoàn thuế giá trị gia tăng cho phù hợp với thực tế tại khu kinh tế cửa khẩu.
Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư này, các nhà đầu tư có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế cửa khẩu và có sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khác trong khu kinh tế cửa khẩu là đối tượng nộp tiền sử dụng hạ tầng kỹ thuật - xã hội và phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khác trong khu kinh tế cửa khẩu. Mức thu tiền được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên một trong các tiêu chí: tổng doanh thu xuất khẩu; tổng doanh thu hoạt động sản xuất, dịch vụ hoặc tổng số tiền thuê lại đất đã có cơ sở hạ tầng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các chính sách tài chính không nêu tại Thông tư này được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn hiện hành trong từng lĩnh vực.

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Đường tinh luyện, đường thô được bổ sung hạn ngạch nhập khẩu (SMS: 534994) - Tại Thông tư số 18/2009/TT-BCT ban hành ngày 03/7/2009, Bộ trưởng Bộ Công thương đã quyết định bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2009 đối với mặt hàng đường tinh luyện, đường thô (mã số hàng hóa 1701) tại mục I Thông tư số 16/2008/TT-BCT ngày 09/12/2008 của Bộ Công thương hướng dẫn việc nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2009 thêm 40 ngàn tấn.
Thông tư số 18/2009/TT-BTC có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Thêm cảng biển được nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng (SMS: 534996) - Ngày 07/7/2009, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 19/2009/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/3/2006 của liên Bộ Thương mại - Giao thông vận tải - Tài chính - Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục III “Thủ tục nhập khẩu và đăng ký lưu hành” như sau: Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cảng biển quốc tế: Cái Lân Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được bổ sung so với quy định cũ). Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác của Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA không được sửa đổi vẫn giữ nguyên hiệu lực.
 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Chế độ bảo hiểm và trợ cấp mai táng cho thanh niên xung phong chống Pháp (SMS: 535102) - Ngày 10/7/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách này là người tham gia lực lượng thanh niên xung phong tập trung trong kháng chiến chống Pháp (gọi tắt là thanh niên xung phong), bao gồm cả thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh đến hết năm 1958.
Thanh niên xung phong được Nhà nước mua bảo hiểm y tế như đối với thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ; quyền lợi của người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định hiện hành. Thanh niên xung phong chết, người hoặc tổ chức lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng như các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do Luật Bảo hiểm xã hội quy định; trường hợp đối tượng chết từ ngày Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu chưa được hưởng chế độ mai táng phí thì người hoặc tổ chức lo mai táng cho đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
 

BỘ XÂY DỰNG


Quy định về điều kiện tham gia hoạt động xây dựng (SMS: 535039) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06/7/2009 quy định chi tiết về điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng. Thông tư này quy định điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng như: điều kiện năng lực của tổ chức khi thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng, khi thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng và khi thực hiện các công việc, thi công hạng mục công trình, công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt. Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt, đó là những công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có kỹ thuật phức tạp dễ gây sự cố mất an toàn trong thi công, đòi hỏi việc thi công phải do tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người, cho công trình và các công trình lân cận. Bao gồm các công việc: xử lý nền móng bằng cọc barret và cọc khoan nhồi cho các loại công trình xây dựng; phá dỡ công trình có chiều cao từ 10 mét trở lên; lắp đặt thiết bị siêu trường, siêu trọng; các hạng mục công trình: tầng hầm của các công trình nhà cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, các loại công trình khác; đập có chiều cao trên 25 mét; bồn chứa, bể chứa, đường ống dẫn xăng, dầu, khí; công trình nhà cao từ 20 tầng trở lên hoặc công trình có khẩu độ từ 36 mét trở lên; công trình dạng tháp có chiều cao từ 50 mét trở lên; công trình cầu có chiều dài nhịp chính từ 100 mét trở lên, cầu vòm có chiều cao từ 50 mét trở lên, cầu có trụ cao từ 30 mét trở lên…
Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng và chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thực hiện lập đồ án quy hoạch xây dựng hoặc thực hiện công việc, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực để thực hiện các công việc không đảm bảo chất lượng hoặc xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2009. Những cá nhân tham gia quản lý dự án quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này kể từ ngày 01/01/2010 phải có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Bãi bỏ Quyết định 10/2008/QĐ-BXD ngày 25/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định điều kiện năng lực của nhà thầu khi thi công công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt.