Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2008 (SMS: 505052) - Theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-CP ra ngày 08/7/2008, Chính phủ xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, đòi hỏi sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, với nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân. Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình để có biện pháp ứng phó thích hợp; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây: ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đi đôi với việc bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế; đáp ứng đủ vốn lưu động cho sản xuất, xuất khẩu, vốn cho các dự án, công trình đầu tư cấp bách sớm phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã đề ra. Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tín hiệu thị trường; thực hiện chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường hỗ trợ, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; theo dõi sát, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường chứng khoán. Điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường với lộ trình, thời điểm phù hợp; đồng thời tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Thực hiện kiên quyết cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để cắt giảm đầu tư công; sắp xếp, sử dụng tổng mức vốn đã được phê duyệt để đầu tư tập trung và xử lý trượt giá theo quy định cho các công trình không cắt giảm… Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách về kinh tế-xã hội, nhất là các thông tin về tình hình và sự điều hành kinh tế vĩ mô cho các cơ quan truyền thông.
Tăng cường quản lý thị trường (SMS: 505032) - Theo Công điện số 1063/CĐ-TTg ra ngày 08/7/2008, Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý thị trường, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các qui định về niêm yết giá, bán hàng theo đúng giá niêm yết, trước hết là những hàng hoá thuộc nhóm các mặt hàng thiết yếu trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân như: lương thực, xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, giấy, thuốc chữa bệnh… phát hiện kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, sản xuất hàng giả, thậm chí là đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán hàng lên cao để thu lợi bất chính; áp dụng biện pháp xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tình trạng đầu cơ, găm hàng, buôn lậu hoặc đưa tin thất thiệt làm tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, gây tâm lý hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn… Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan của Chính phủ, trước hết là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, một mặt tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá, mặt khác phải chủ động xử lý những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, kể cả chỉ đạo, điều hành nhập khẩu những hàng hoá thiết yếu mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất thiết không được để xảy ra thiếu, khan hiếm hàng hoá làm cho giá hàng hoá tăng cao bất hợp lý… Đồng thời, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phát huy vai trò chủ đạo, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tạo thêm nguồn hàng cung cấp cho tiêu dùng trong nước, đồng thời gương mẫu tuân thủ các qui định của pháp luật về quản lý giá cả, thị trường và tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chiến lược phát triển ngành Than (SMS: 505058) - Ngày 07/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025. Mục tiêu của Chiến lược này là ngành Than sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đủ khả năng đáp ứng về cơ sở nhu cầu trong nước và bảo đảm an ninh năng lượng. Đến năm 2010, thăm dò, đánh giá xong phần tài nguyên nằm dưới mức -300 m của bể than Đông Bắc, thăm dò tỉ mỉ một phần tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng; đến năm 2015 thăm dò, đánh giá xong phần tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2020, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn vùng mỏ. Chấm dứt tình trạng khai thác, chế biến, kinh doanh than trái pháp luật… Ngoài ra, sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo công tác an toàn lao động. Các mỏ than sẽ sử dụng loại vật liệu mới, vì chống thủy lực thay thế vì chống gỗ và kim loại; vì neo, vì neo kết hợp phun bê tông, bê tông phun,... để chống giữ và bảo vệ các đường lò trong điều kiện địa chất mỏ cho phép. Đổi mới đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền khai thác theo hướng đưa vào sử dụng các thiết bị cơ động có công suất lớn, phù hợp với điều kiện và quy mô từng mỏ. Chiến lược cũng chú trọng tới đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao nhằm đề phòng và loại trừ các sự cố mỏ. Hiện đại hóa và quân sự hóa Trung tâm cấp cứu mỏ chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu cá nhân cho công nhân, đặc biệt là công nhân hầm lò để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động. Giảm tối đa hình thức vận tải bằng ôtô để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh. Hoạt động của ngành Than sẽ được chuyển mạnh theo cơ chế thị trường, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế có sự điều tiết của Nhà nước, đồng thời sớm hình thành thị trường than cạnh tranh. Giá than sẽ được xác định phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước điều tiết giá than qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác. Quyết định này có hiiêụ lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đặc xá (SMS: 505011) - Theo Nghị định số 76/2008/NĐ-CP ban hành ngày 04/7/2008, Chính phủ quy định: đặc xá được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước… Người được đề nghị đặc xá phải thỏa mãn một trong các điều kiện sau: đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù; người mắc bệnh hiểm nghèo; người ốm đau thường xuyên, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình cư trú… Căn cứ vào Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Chính phủ, trại giam, trại tạm giam tổ chức cho tập thể đội phạm nhân họp bình xét, bỏ phiếu kín, giới thiệu người được đề nghị đặc xá, cán bộ quản giáo phụ trách đội có trách nhiệm tổng hợp kết quả cuộc họp bằng biên bản và đề xuất ý kiến. Việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá phải đúng pháp luật, công khai, dân chủ, khách quan… Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập Tổ thẩm định liên ngành gồm đại diện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan. Tổ thẩm định liên ngành có trách nhiệm giúp Hội đồng Tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm định danh sách, hồ sơ người được đặc xá. Đồng thời, Hội đồng Tư vấn đặc xá tổ chức thẩm định hồ sơ, danh sách do Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá trình và quyết định danh sách người đủ điều kiện và không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Kê khai tài sản, thu nhập (SMS: 505010) - Ngày 03/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ban hành Danh mục người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại khoản 11 Điều 6 Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo đó, những người đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng HĐND được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí làm việc ở những vị trí công tác như kế toán; thủ quỹ; thủ kho; mua sắm vật tư, tài sản, phương tiện; cấp phát vật tư, nhiên liệu và trang thiết bị thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập… Những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực như: phân bổ kế hoạch kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tổ chức tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch; thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy và biên chế; quản lý các đối tượng nộp thuế; cấp các loại giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại; thanh tra và phòng, chống tham nhũng..., cũng phải kê khai tài sản, thu nhập. Căn cứ vào Danh mục, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cụ thể hóa danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Giấy phép xuất khẩu tự động đối với sắt, thép (SMS: 505009) - Ngày 03/7/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BCT về việc tạm thời áp dụng chế độ cấp Giấy phép xuất khẩu tự động đối với sắt, thép. Theo đo, Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gửi về cơ quan cấp giấy phép của Bộ Công Thương gồm: Đơn đăng ký xuất khẩu sắt, thép; Hợp đồng xuất khẩu trong đó có điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và điều khoản hợp đồng chỉ có giá trị thực hiện khi được Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu; Hồ sơ chứng minh nguồn gốc của số lượng sắt, thép hoặc phôi thép xuất khẩu… Hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu được gửi qua đường bưu điện đến cơ quan cấp giấy phép hoặc nộp cho văn thư của cơ quan cấp giấy phép. Cán bộ cấp phép không trực tiếp nhận hồ sơ của thương nhân. Khi làm thủ tục xuất khẩu, ngoài hồ sơ xuất khẩu theo quy định, thương nhân phải xuất trình cho cơ quan Hải quan 01 Đơn đăng ký xuất khẩu sắt, thép đã được xác nhận của Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực thuộc Bộ Công Thương. Thời gian cấp Giấy phép xuất khẩu tự động trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của thương nhân. Sau mỗi lô hàng xuất khẩu, thương nhân báo cáo về Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực, nơi xác nhận Đơn đăng ký xuất khẩu, tình hình xuất khẩu sắt, thép. Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực sẽ xem xét xác nhận Đơn đăng ký xuất khẩu sắt, thép lần tiếp theo cho thương nhân khi thương nhân này đã xuất khẩu từ 80% trở lên số lượng đã được cấp Giấy phép xuất khẩu tự động trước đó. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và hết hiệu lực sau ngày 31/12/2008.
Cấp phép hoạt động điện lực (SMS: 505023) - Ngày 01/7/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN. Theo đó, Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho tổ chức, cá nhân để thực hiện 1 hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực sau: truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, xuất nhập khẩu điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Ngoài ra, Giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư xây dựng và hoạt động phát điện đối với từng dự án nhà máy điện. Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh nằm trong danh mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp Giấy phép đối với hoạt động truyền tải điện, xuất nhập khẩu điện. Cục Điều tiết điện lực cấp Giấy phép hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có quy mô từ 3 MW trở lên và các hoạt động như: bán buôn, bán lẻ điện, phân phối điện, tư vấn chuyên ngành điện lực. Việc cấp Giấy phép hoạt động phát điện đối với các nhà máy điện có quy mô công suất dưới 3 MW do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương thực hiện. Ngoài ra, các cơ quan này cũng cấp Giấy phép một số hoạt động khác như, phân phối điện nông thôn hay bán lẻ điện nông thôn tại địa phương... Một trong những yêu cầu quan trọng để được đăng ký hoạt động phát điện là phải có dự án đầu tư xây dựng điện khả thi phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được duyệt. Giấy phép hoạt động phát điện được cấp thành 2 giai đoạn: thực hiện đầu tư xây dựng và phát điện thương mại toàn bộ nhà máy điện. Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán buôn, bán lẻ điện phải có bằng trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính hoặc chuyên ngành tương tự và có ít nhất 5 năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện. Đối với hoạt động bán lẻ điện tại nông thôn, người trực tiếp quản lý kinh doanh cũng phải qua đào tạo các chuyên ngành này, nhưng chỉ cần có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|