Chính sách ưu đãi người có công (SMS: 500663) - Ngày 21/6/2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, người hoạt động cách mạng trước và từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 được hưởng các chế độ ưu đãi như: trợ cấp hàng tháng; bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết; cấp báo Nhân dân; sinh hoạt văn hóa, tinh thần phù hợp; được Nhà nước hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao và hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước và địa phương... Con của người hoạt động cách mạng được ưu tiên trong tuyển sinh và tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo… Ngoài ra, khi người hoạt động cách mạng bị chết thì người tổ chức mai táng được hưởng một khoản trợ cấp và mai táng phí; được trợ cấp một lần nếu chưa được hưởng các chế độ ưu đãi trên. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của họ được hưởng tiền trợ cấp tiền tuất hàng tháng… Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/10/2007.
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất (SMS: 500662) - Ngày 21/6/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Theo đó, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền mà hợp đồng hoặc văn bản chuyển quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực từ trước ngày 01/7/2007 thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền. Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối không được quá 6 ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và không được quá 4 ha đối với các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khác… Riêng đất cây trồng lâu năm không quá 20 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng và không quá 50 ha đối với các xã, phường, thị trấn trung du miền núi… Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng, không quá 50 ha đối với các xã phường, thị trấn ở đồng bằng và không quá 100 ha đối với các xã, thị trấn ở trung du, miền núi… Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.
|
Phiên họp Chính phủ tháng 6 năm 2007 (SMS: 500657) - Theo Nghị quyết số 35/2007/NQ-CP ra ngày 09/7/2007, Chính phủ quyết nghị các vấn đề sau: Bộ Tài chính cần điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hóa; tiếp tục các bước đi phù hợp thực hiện lộ trình đổi mới về cơ chế quản lý giá, nhất là giá những mặt hàng thiết yếu; kiểm soát tốc độ tăng giá phù hợp với quy luật thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ hàng hóa, gây biến động giá bất thường. Kiểm soát thị trường chứng khoán, bảo đảm sự phát triển ổn định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ hàng hóa, gây biến động giá bất thường. Kiểm soát thị trường chứng khoán, bảo đảm sự phát triển ổn định, không để xảy ra đổ vỡ… Kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách, tập trung rà soát, xử lý các khoản nợ đọng thuế; đẩy mạnh kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về thuế để bảo đảm kế hoạch thu ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao nhằm thực hiện có hiệu quả tiến độ hoàn thành công trình xây dựng cơ bản, các dự án, chương trình quốc gia, không để ứ đọng vốn; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách dự phòng cho các nhiệm vụ cấp bách… Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan khác để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản; khẩn trương rà soát các thủ tục hành chính về phê duyệt dự án, đấu thầu, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp đất nhằm sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản không phù hợp trong lĩnh vực này…
Kinh doanh vận tải biển (SMS: 500655) - Ngày 05/7/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2007/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ góp vốn của các bên nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp... Trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt hỗ trợ tại cảng biển Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ góp vốn của các bên nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp và có tàu lai dắt đăng ký mang cờ quốc tịch tàu biển Việt Nam… Nghị định này có hiệu lưc sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phụ cấp thu hút đặc thù và phụ cấp ưu đãi (SMS: 500660) - Ngày 03/7/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2007/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy. Theo đó, cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện được hưởng 2 loại phụ cấp: thu hút đặc thù và ưu đãi theo nghề… Mỗi cán bộ, viên chức chỉ được hưởng một loại phụ cấp ưu đãi theo nghề với mức phụ cấp ưu đãi cao nhất… Cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở nêu trên được hưởng phụ cấp thu hút đặc thù với mức tối thiểu là 500.000 đồng/người/tháng (quy định trước đây là từ 200 - 500.000 đồng/người/tháng)… Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề bao gồm phụ cấp ưu đãi y tế, phụ cấp ưu đãi giáo dục và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm công tác quản lý. Phụ cấp ưu đãi y tế có các mức từ 30 đến 70% (tính trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung), áp dụng đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người nghiện ma túy, người bán dâm bị bệnh AIDS. (trước đây là 40%)… Phụ cấp ưu đãi giáo dục có 2 mức là 50% áp dụng đối với cán bộ, viên chức trực tiếp dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề cho người nghiện ma túy, người bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và 40% áp dụng đối với cán bộ, viên chức tại các cơ sở ở đồng bằng, thành phố, thị xã… Cán bộ, viên chức làm công tác quản lý, không trực tiếp làm chuyên môn y tế, giáo dục tại các cơ sở ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa được hưởng mức phụ cấp 25%; ở đồng bằng, thành phố, thị xã thì mức phụ cấp là 15%... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Cải tạo chung cư (SMS: 500637) - Ngày 03/7/2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Theo đó, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp phải bảo đảm cho các hộ dân được tái định cư điều kiện sống tốt hơn chỗ ở cũ cả về diện tích, chất lượng cũng như môi trường sống. Các đơn vị thực hiện khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phải ưu tiên dành phần diện tích nhất định để phục vụ các nhu cầu công cộng, chú trọng đa dạng hóa thiết kế các căn hộ mới có qui mô diện tích khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dân. Diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư dành bồi thường cho các hộ tái định cư phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội, diện tích mỗi căn không thấp hơn 30m2 sàn. Diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư để kinh doanh phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn diện tích tối thiểu của nhà ở thương mại, mỗi căn không thấp hơn 45m2 sàn… Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư tại chỗ không phải nộp lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Những trường hợp không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, nếu các chủ sở hữu đó bán căn hộ thuộc quyền sở hữu của mình cho chủ đầu tư để chuyển đến nơi ở khác thì được miễn các loại thuế liên quan tới việc mua bán căn hộ cũng như thuế thu nhập cá nhân nếu có… Chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, bố trí tạm cư, tái định cư cho những người đang sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà ở tại chung cư cũ trước khi phá dỡ. Việc bồi thường, bố trí tạm cư, tái định cư được thanh toán bằng tiền hoặc nhà ở trong phạm vi dự án sau khi cải tạo, xây dựng lại hoặc bằng nhà ở tại các địa điểm khác… Các địa phương phải di dời khẩn cấp các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, ở mức độ nguy hiểm. Nguyên tắc chung là xã hội hóa công việc này. Các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm được khuyến khích tham gia đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư xuống cấp. Các địa phương được phép mở cơ chế riêng để thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia… Chủ đầu tư cũng có thể được ưu tiên miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao hoặc cho thuê, đồng thời có thể được vay tối đa là 70% giá trị xây lắp và thiết bị của dự án; được áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Riêng phần diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ không phải nộp thuế giá trị gia tăng... Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quản lý tiền phạt vi phạm giao thông (SMS: 500656) - Ngày 06/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2007/TT-BTC hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa. Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau: trích 50% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn TTATGT trên địa bàn; Trích 15% cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định tại địa phương… Ngoài ra, chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT với mức chi không quá 700.000 đồng/người/tháng; Cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng Công an chống đua xe trái phép ban đêm) được bồi dưỡng thêm không quá 70.000 đồng/người/ca… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Đăng ký và quản lý hành nghề kế toán (SMS: 500651) - Theo Thông tư số 72/2007/TT-BTC ban hành ngày 27/6/2007, Bộ Tài chính hướng dẫn: khi cung cấp dịch vụ, người hành nghề kế toán phải xuất trình Chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp. Khi ký tên trong các tài liệu liên quan đến dịch vụ cung cấp, người hành nghề kế toán phải ghi rõ họ, tên và số Chứng chỉ hành nghề kế toán… Tại một thời điểm nhất định, người hành nghề kế toán chỉ được đăng ký hành nghề ở một doanh nghiệp dịch vụ kế toán, hoặc một doanh nghiệp kiểm toán, hoặc đăng ký hành nghề cá nhân… Người đăng ký hành nghề kế toán từ lần thứ hai trở đi phải có thêm điều kiện tham dự đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm… Khi có sự thay đổi tên gọi, trụ sở, văn phòng và địa chỉ giao dịch, nội dung đăng ký kinh doanh thì chậm nhất là 10 ngày sau khi thực hiện việc thay đổi, cá nhân hành nghề kế toán, doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Hội nghề nghiệp được Bộ Tài chính uỷ quyền… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chế độ kế toán Bảo hiểm xã hội (SMS: 500623) - Ngày 22/6/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Chế độ kế toán Bảo hiểm xã hội. Theo đó, mọi chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ mới có giá trị thực hiện. Riêng chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật. Tất cả các chữ ký trên chứng từ kế toán đều phải ký bằng bút bi hoặc bút mực, không được ký bằng mực đỏ, bằng bút chì, hoặc dấu khắc sẵn chữ ký, chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký đã đăng ký theo quy định, trường hợp không đăng ký chữ ký thì chữ ký lần sau phải thống nhất với chữ ký các lần trước đó... Các đơn vị BHXH chưa có chức danh kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán để giao dịch với KBNN, Ngân hàng, chữ ký kế toán trưởng được thay bằng chữ ký của người phụ trách kế toán của đơn vị đó. Người phụ trách kế toán phải thực hiện đúng nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền quy định cho kế toán trưởng... Các đơn vị Bảo hiểm xã hội chỉ được sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm. Đối với đơn vị tiếp nhận kinh phí viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì đơn vị nhận viện trợ phải mở thêm sổ kế toán chi tiết theo dõi quá trình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ để làm cơ sở lập báo cáo tài chính theo yêu cầu của nhà tài trợ... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|