Số 26.2011 (535) ngày 28/06/2011

 

SỐ 26 (535) - THÁNG 6/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

51/2011/NĐ-CP

Nghị định 51/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện

 

* Vi phạm tần số vô tuyến điện bị phạt tới 100 triệu đồng

Trang 2

2

50/2011/NĐ-CP

Nghị định 50/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ…

 

* Điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông 

Trang 2

3

49/2011/NĐ-CP

Nghị định 49/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ…

 

* Công ty hoa tiêu được trực tiếp thu phí hoa tiêu hàng hải

Trang 2

4

48/2011/NĐ-CP

Nghị định 48/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

 

* Để tràn dầu ra cảng biển bị phạt tới 50 triệu đồng

Trang 3

5

34/2011/QĐ-TTg

Quyết định 34/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế quản lý rừng…

 

* Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong 10 ngày

Trang 3

6

945/QĐ-TTg

Quyết định 945/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công các bộ, nghành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội…

 

* Phân công thực hiện cải cách TTHC liên quan trực tiếp tới công dân, doanh nghiệp

Trang 3

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

7

92/2011/TT-BTC

Thông tư 92/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp…

 

* DN phải tự chi trợ cấp khó khăn cho lao động tối thiểu 250.000 đồng/người

Trang 4

8

91/2011/TT-BTC

Thông tư 91/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

 

* Từ 4/8, tăng thuế nhập khẩu thuốc lá lên 50%  

Trang 4

9

89/2011/TT-BTC

Thông tư 89/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu

 

* Từ 1/8, cấm thương nhân ép giá mua thóc, gạo của người sản xuất

Trang 4

10

87/2011/TT-BTC

Thông tư 87/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ…

 

* Khóa sổ lợi nhuận để tổng kiểm kê tài sản doanh nghiệp Nhà nước

Trang 5

BỘ XÂY DỰNG

 

 

 

11

06/2011/TT-BXD

Thông tư 06/2011/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiến trúc…

 

* Báo cáo nhanh sự cố công trình xây dựng trong vòng 24 giờ

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 06/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS06/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

VI PHẠM TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN BỊ PHẠT TỚI 100 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 27/06/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền và còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo, không làm thủ tục xin cấp lại giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện tối đa sau 15 ngày kể từ khi thay đổi tên cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép hoặc giấy phép bị mất, hư hỏng.

Đáng chú ý, hành vi sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh không có giấy phép; sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện có công suất lớn hơn 10 kW không có giấy phép bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng. Sử dụng băng tần không có giấy phép bị xử phạt vi phạm từ 70 đến 100 triệu đồng.

Đối với nhóm hành vi không thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật về quản lý tương

 

thích điện từ (EMC), gây nhiễu có hại cho mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng; kênh, tần số sóng phát thanh, truyền hình; mạng viễn thông cố định… tùy theo tính chất mà mức độ vi phạm có thể bị xử phạt ở mức thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất đến 100 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định các mức phạt cụ thể khác thuộc 05 nhóm hành vi vi phạm về giấy phép và sử dụng tần số vô tuyến điện; chất lượng phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ; xử lý nhiễu có hại; đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh; chế độ báo cáo, không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011 và bãi bỏ Mục 3 Chương II Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08/07/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.
 

ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24/06/2011 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ bao gồm 25 đơn vị thay vì 26 như quy định trước đây. Cụ thể, trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không bao gồm Cục Quản lý chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông; đồng thời Vụ Viễn thông sẽ được thay đổi thành Cục Viễn thông.

Các đơn vị trực thuộc Bộ được chia theo chức năng, trong đó có 18 đơn vị giúp 

 

Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 07 đơn vị là các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ. Các Vụ Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ được tổ chức phòng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Viễn thông, ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức tài chính nhà nước, các cơ quan báo chí khác thuộc Bộ.

Các sửa đổi này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2011.

CÔNG TY HOA TIÊU ĐƯỢC TRỰC TIẾP THU PHÍ HOA TIÊU HÀNG HẢI

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2011/NĐ-CP ngày 21/06/2011 sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải.

Theo đó, phí hoa tiêu hàng hải là nguồn thu thuộc ngân sách nhà nước; các công ty hoa tiêu trực tiếp thu phí hoa tiêu hàng hải thay vì trách nhiệm thu phí hoa tiêu hàng hải trước đây thuộc về Cảng vụ hàng hải. Nguồn kinh phí để thanh toán dịch vụ hoa tiêu hàng hải được lấy từ nguồn thu phí hoa tiêu hàng hải và được bổ sung từ nguồn ngân sách nhà nước.
 

 

Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ hoa tiêu hàng hải và tổ chức thực hiện việc đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải trong phạm vi cả nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải, chế độ quản lý thu, nộp và sử dụng phí hoa tiêu hàng hải theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và phù hợp với tình hình thực tế về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011.

ĐỂ TRÀN DẦU RA CẢNG BIỂN BỊ PHẠT TỚI 50 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 21/06/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực hàng hải.

Theo đó, hành vi sử dụng người lao động không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép theo quy định; vi phạm quy định về báo hiệu ban ngày và đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm đối với giới hạn cầu cảng cho tàu cập cầu bảo đảm an toàn sẽ bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng.

Đối với các vi phạm quy định về bảo vệ môi trường như xả rác, xả chất thải khác xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển; không có kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng xăng dầu bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi xả nước có lẫn dầu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển; mức phạt sẽ từ 50 đến 100 triệu đồng khi tổ chức, cá nhân xả nước hoặc chất thải rắn có lẫn hóa chất độc hại xuống cầu cảng hoặc vùng cảng biển.

Nghị định cũng quy định: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng khi tổ chức, cá nhân

 

cho tàu thuyền vào cảng hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải; tự ý bốc, dỡ hàng hóa khi tàu thuyền chưa hoàn thành thủ tục vào cảng theo quy định; không có giấy chứng nhận an ninh bến cảng hoặc không thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển theo quy định.

Đối với hành vi thi công công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và để xảy ra tai nạn; thi công sai vị trí được phép và để xảy ra tai nạn; thi công công trình gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 30 đến 60 triệu đồng… 

Thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm kể từ ngày hành vi VPHC được thực hiện. Đối với vi phạm về xây dựng cảng biển và công trình hàng hải; môi trường; xuất cảnh, nhập cảnh của tàu thuyền, thuyền viên và hành khách, thời hiệu xử phạt là 02 năm; quá thời hạn nêu trên, hành vi vi phạm không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2011 và thay thế Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/06/2006.

CHO PHÉP CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG TRONG 10 NGÀY

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 34/2011/QĐ-TTg ngày 24/06/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải nộp 01 bộ hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ quyết định xác lập hoặc 01 bộ hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đó quyết định xác lập.

Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, báo cáo về hiện trạng rừng, các tiêu chí và chỉ số cho phép xác lập loại rừng xin chuyển đổi. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trả kết quả xử

 

lý hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.

Quyết định còn sửa đổi các điều kiện để chủ rừng, hộ gia đình được phép khai thác chính gỗ rừng tự nhiên. Cụ thể, chủ rừng là tổ chức kinh tế phải có phương án điều chế rừng và thiết kế khai thác được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải có phương án khai thác rừng được Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc phòng chức năng của cấp huyện được ủy quyền phê duyệt.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/08/2011; bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 8; khoản 3 Điều 39 Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
 

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CẢI CÁCH TTHC LIÊN QUAN TRỰC TIẾP TỚI
CÔNG DÂN, DOANH NGHIỆP

Ngày 20/06/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 945/QĐ-TTg về việc phân công các bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp tới công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách TTHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên rà soát các quy định, thủ tục hành chính đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương theo các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; kịp thời sửa đổi, cụ thể các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật gắn với việc giải quyết TTHC trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện…

Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, trong đó: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ quan nhà nước theo quy định hiện hành để đảm bảo việc thực hiện
 

 

cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đồng thời huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ việc cải cách hành chính, cải cách TTHC.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu các nội dung kiến nghị về lĩnh vực thuế, hải quan nêu tại Báo cáo số 378/BC-UBTVQH12 ngày 18/10/2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để triển khai, áp dụng, đồng thời bố trí đủ và kịp thời kinh phí bảo đảm yêu cầu đẩy nhanh công tác cải cách hành chính, nhất là việc cải cách TTHC liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng cuối quý) gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương mình trong việc thực hiện công tác cải cách TTHC đã được phân công để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xây dựng nội dung trong báo cáo công tác hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

DN PHẢI TỰ CHI TRỢ CẤP KHÓ KHĂN CHO LAO ĐỘNG
TỐI THIỂU 250.000 ĐỒNG/NGƯỜI

Ngày 23/06/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 92/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng trợ cấp khó khăn theo hướng dẫn tại Thông tư này là người lao động có tên trong danh sách lao động của doanh nghiệp tại thời điểm 30/03/2011 và có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống (đã trừ đi các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm).

Theo đó, các doanh nghiệp căn cứ vào nguồn Quỹ tài chính hợp pháp và khả năng tài chính để quyết định mức trợ cấp khó khăn cụ thể cho người lao động nhưng tối thiểu là 250.000 đồng/người. Số tiền trợ cấp khó khăn cho người lao động được loại trừ không dùng để tính nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo

 

hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

Căn cứ mức trợ cấp và danh sách người lao động được hưởng trợ cấp đã được phê duyệt, các doanh nghiệp chủ động thực hiện chi trợ cấp khó khăn cho người lao động 01 lần trong năm 2011.

Sau khi đã sử dụng các nguồn Quỹ tài chính hợp pháp để chi trợ cấp còn thiếu hoặc doanh nghiệp không có nguồn Quỹ tài chính hợp pháp để đảm bảo mức chi nêu trên, doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp số tiền tối đa là 250.000 đồng/người để chi trợ cấp khó khăn chưa có nguồn bù đắp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/08/2011.
 

TỪ 4/8, TĂNG THUẾ NHẬP KHẨU THUỐC LÁ LÊN 50%

Ngày 20/06/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2011/TT-BTC sửa đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 184/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010.

Theo đó, thuế nhập khẩu quả hạch tươi hoặc khô đã bóc vỏ được nâng lên 30% (tăng 10% so với quy định cũ); thuế nhập khẩu nước xốt cà chua nấm và nước xốt cà chua khác lên 35% (tăng 5% so với quy định trước đây).

Đáng chú ý, thuế nhập khẩu thuốc lá thuần nhất hoặc hoàn nguyên tăng thêm

 

20% lên mức 50% kể từ ngày 04/08/2011; các loại thuốc lá bột để hít, thuốc lá không dùng để hút khác, kể cả để nhai hoặc ngậm, Ang Hoon và loại khác cũng đồng loạt tăng lên mức 50%.

Đối với nhóm đồ trang bị trong nhà vệ sinh và các bộ phận rời của chúng làm bằng gang, đã hoặc chưa qua tráng men và loại khác cũng được tăng thuế xuất thuế nhập khẩu lên đến 36% thay vì mức 32% như quy định trước đây.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/08/2011.

TỪ 1/8, CẤM THƯƠNG NHÂN ÉP GIÁ MUA THÓC, GẠO
CỦA NGƯỜI SẢN XUẤT

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2011/TT-BTC ngày 17/06/2011 hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu làm căn cứ để Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có cơ sở ký kết hợp đồng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Theo đó, trong trường hợp giá thị trường thế giới hạ thấp, thương nhân phải tính toán chi tiết giảm chi phí kinh doanh của mình, không được ép giá mua thóc, gạo của người sản xuất xuống thấp không phù hợp với giá thóc định hướng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và mặt bằng giá thị trường; đồng thời phải chấp nhận các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo ở thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định: Căn cứ vào chi phí kinh doanh xuất khẩu gạo, giá thị trường thế giới và điều kiện xuất khẩu gạo theo giá FOB hoặc CNF/CIF, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lựa chọn áp dụng 01 trong 02 phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu là: Phương pháp chi phí và Phương pháp khấu trừ.

 

Theo Phương pháp chi phí, giá sàn xuất khẩu gạo bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo được xác định bằng giá vốn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo cộng lợi nhuận dự kiến cộng các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật.

Trong đó, mức lợi nhuận dự kiến tối đa được xác định bằng tỷ suất lợi nhuận thực tế (tính trên giá vốn gạo xuất khẩu) của toàn ngành xuất khẩu gạo bình quân 01 năm của 03 năm liền kề với thời điểm tính giá.

Giá sàn gạo xuất khẩu bình quân theo từng tiêu chuẩn, phẩm cấp gạo xác định theo Phương pháp khấu trừ bằng giá gạo trên thị trường thế giới của từng tiêu chuẩn, phẩm cấp gạo trừ tổng chi phí thực hiện đưa sản phẩm từ cảng xuất khẩu đến cảng nhập khẩu (chi phí vận tải quốc tế và xếp dỡ; phí, lệ phí bến cảng; phí, lệ phí hải quan; phí kiểm định sản phẩm và các chi phí khác)… 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2011.
 

KHÓA SỔ LỢI NHUẬN ĐỂ TỔNG KIÊM KÊ TÀI SẢN
DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Ngày 17/06/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2011/TT-BTC hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 01/07/2011 theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trước khi tiến hành kiểm kê, doanh nghiệp phải thực hiện khóa sổ lợi nhuận; không phân phối lợi nhuận của năm 2010; lập báo cáo quyết toán tại thời điểm ngày 30/06/2011 theo quy định. Bên cạnh đó, phải tiến hành kiểm kê theo phương pháp thực tế, đối chiếu với số liệu trên sổ kế toán.

Đối tượng kiểm kê là toàn bộ tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp (tài sản cố định hiện có tại doanh nghiệp, công trình xây dựng cơ bản, đất, tài sản lưu động, các khoản đầu tư tài chính, các khoản nợ phải thu); nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Việc xác định lại giá trị tài sản cố định phải theo công thức: giá trị còn lại của tài sản cố định đánh giá lại bằng nguyên giá nhân với chất lượng còn lại tài sản cố

 

định (%). Đối với tài sản lưu động, phải xác định lại giá trị của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm đã tồn kho trên 12 tháng tính từ thời điểm kiểm kê; riêng tài sản kém, mất phẩm chất, ứ đọng, chậm luân chuyển… đều phải thực hiện xác định lại giá trị và không phụ thuộc vào thời gian tồn kho.

Cũng theo Thông tư này, Bộ Tài chính chỉ yêu cầu đánh giá lại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc bằng ngoại tệ lấy theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm ngày 01/07/2011; đối với ngoại tệ không có tỷ giá với VNĐ thì sử dụng tỷ giá chéo với USD.

Đối với tài sản là đất, thực hiện đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đối với các khoản đầu tư chứng khoán phải xác định lại theo giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm kiểm kê; vốn góp vào doanh nghiệp khác được xác định trên cơ sở tỷ lệ vốn đầu tư của doanh nghiệp trên vốn điều lệ hoặc tổng số vốn góp tại các doanh nghiệp khác…
 

BÁO CÁO NHANH SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
TRONG VÒNG 24 GIỜ

Ngày 21/06/2011, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2011/TT-BXD về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng thực thi Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/12/2010 về đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 25/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 hướng dẫn về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình; một số điều về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng của Thông tư số 05/2010/TT-BXD…

Theo quy định mới chủ đầu tư đối với công trình đang thi công, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng đối với công trình đang sử dụng, vận hành, khai thác có trách nhiệm lập báo cáo nhanh sự cố công trình và gửi qua đường bưu điện tới các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp quy định tại Điều 35 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP trong vòng 24 giờ, kể từ khi xảy ra sự cố (thời điểm gửi báo cáo

 

tính theo dấu bưu điện nơi đi).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo nhanh sự cố đối với công trình xây dựng cấp I, cấp II, cấp III; Bộ Xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo nhanh sự cố công trình xây dựng cấp I và cấp II. Sau khi nhận được báo cáo, các cơ quan tiếp nhận theo phân cấp phải gửi phiếu tiếp nhận qua đường bưu điện cho chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo (thời điểm nhận báo cáo căn cứ theo dấu công văn đến).

Ngoài ra, Điều 7 của Thông tư hướng dẫn xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp: Các cơ sở đào tạo đã được công nhận hoặc các cá nhân đã được cấp hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì không phải đăng ký lại; Các cơ sở đào tạo về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình đã được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải đăng ký lại... 

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/08/2011.

 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.