Các loại thiên tai, dịch bệnh được Nhà nước hỗ trợ (SMS: 39/2010/TT-BNNPTNT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 hướng dẫn cụ thể các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, loại thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản gồm có bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại kéo dài; loại dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bao gồm: rầy nâu; bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, lùn xoắn lá; bệnh chồi cỏ mía, chổi rồng; bệnh cúm gia cầm; bệnh lở mồm long móng; bệnh tai xanh ở lợn; bệnh đốm trắng đối với tôm sú, tôm chân trắng; bệnh hội chứng Taura đối với tôm chân trắng; bệnh đầu vàng đối với tôm sú, tôm chân trắng. Thẩm quyền công bố thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hưởng chính sách hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản được quy định như sau: chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định công bố loại thiên tai xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ; cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố dịch bệnh nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương theo quy định của pháp luật về bảo vệ thực vật và thú y để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố hoặc xác nhận về loại dịch bệnh thuỷ sản xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Quy định về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật (SMS: 38/2010/TT-BNNPTNT) - Ngày 28/6/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 38/2010/TT-BNNPTNT. Thông tư này quy định về đăng ký; sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói; xuất khẩu, nhập khẩu; buôn bán; bảo quản, vận chuyển; sử dụng; tiêu hủy; nhãn; bao bì; hội thảo, quảng cáo; khảo nghiệm, kiểm định chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam. Theo Thông tư này, mỗi loại hoạt chất hay thuốc kỹ thuật của một nhà sản xuất chỉ được đăng ký 01 tên thương phẩm để phòng, trừ dịch hại hoặc điều hòa sinh trưởng cây trồng. Nếu các thuốc này dùng để khử trùng kho tàng, bến bãi; bảo quản nông lâm sản hoặc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều thì được đăng ký thêm 01 tên thương phẩm khác. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài là nhà sản xuất ra hoạt chất hay thuốc kỹ thuật được trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc được ủy quyền 01 lần cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên đăng ký 01 tên thương phẩm cho 01 hoạt chất hay thuốc kỹ thuật do mình sản xuất ra. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký được quyền thay đổi nhà sản xuất theo yêu cầu hoặc được quyền chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký theo thỏa thuận. Sau khi chuyển nhượng, đơn vị đã đứng tên đăng ký và đơn vị được chuyển nhượng quyền đứng tên đăng ký không được sử dụng hoạt chất cùng loại để đứng tên đăng ký tên sản phẩm khác. Việc thay đổi nhà sản xuất hoặc chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký phải được Cục Bảo vệ thực vật chấp thuận và làm các thủ tục pháp lý liên quan. Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật xin đăng ký đều phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam. Cũng theo Thông tư ngày, các loại thuốc bảo vệ thực vật phải đăng ký sử dụng ở Việt Nam gồm có: thuốc chứa hoạt chất chưa có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam; thuốc chứa hoạt chất đã có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng nhưng mang tên thương phẩm khác; thuốc có tên thương phẩm trong danh mục được phép sử dụng nhưng bổ sung phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất hoặc hỗn hợp với nhau thành thuốc mới; thuốc thành phẩm có độ độc cấp tính nhóm I hoặc thuốc thành phẩm có độ độc cấp tính nhóm II nhưng có hoạt chất thuộc nhóm độc I, theo quy định tại mục 1, mục 7, Phụ lục 4 của Thông tư này chuyên dùng trong khử trùng kho tàng, bến bãi; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc trừ mối hại các công trình xây dựng, đê điều; thuốc trừ chuột. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định sau của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006, số 63/2007/QĐ-BNN ngày 02/7/2007, số 91/2008/QĐ-BNN ngày 9/9/2008, số 50/2003/QĐ-BNN ngày 25/3/2003 và số 79/2003/QĐ-BNN ngày 8/8/2003.
|