Số 26.2009 (433) ngày 07/07/2009

CHÍNH PHỦ


Rà soát lại các quy định về tiền lương trong doanh nghiệp (SMS: 534798) - Ngày 01/7/2009, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 189/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước. Theo Thông báo này, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước; trong đó phải xác lập được các tiêu chí để các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước làm căn cứ xem xét tự quyết định tiền lương và thu nhập theo quy định chung của Chính phủ và đồng thời bảo đảm được yêu cầu về giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khắc phục được chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa các công ty như hiện nay. Đồng thời rà soát lại các quy định về quản lý lao động, tiền lương và thu nhập, xác định rõ những quy định hiện đang tạo ra bất hợp lý về phân phối tiền lương và thu nhập trong khu vực sản xuất kinh doanh để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Cũng tại Thông báo này, Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính dự kiến phương án điều chỉnh tiền lương và trợ cấp năm 2010 theo lộ trình cải cách tiền lương và phù hợp với khả năng ngân sách, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2009 với 4 nội dung chính là: đề xuất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng; nghiên cứu chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang trong năm 2010; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi đối với người có công, chú ý điều chỉnh mức trợ cấp cho người bị chất độc hóa học.

Nghị định mới về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMS: 534715) - Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Nghị định này, doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên), cụ thể như sau: doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lao động từ 10 người trở xuống; doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở xuống hoặc có số lao động từ trên 10 người đến 200 người (đối với doanh nghiệp hoạt động thương mại và dịch vụ thì tiêu chí tổng nguồn vốn được xác định là từ 10 tỷ đồng trở xuống hoặc có số lao động từ trên 10 người đến 50 người); doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng hoặc có số lao động từ trên 200 người đến 300 người (đối với doanh nghiệp hoạt động thương mại và dịch vụ thì tiêu chí tổng nguồn vốn được xác định là từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng hoặc có số lao động từ trên 50 người đến 100 người).
Nghị định quy định chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên các phương diện: tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực…Cụ thể là khuyến khích thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực lập dự án, phương án kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn. Thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm mục đích tài trợ các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chú trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; nguồn vốn của Quỹ này được cấp từ ngân sách nhà nước, từ đóng góp của các tổ chức trong nước, các khoản viện trợ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài…Bên cạnh đó, Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành tỷ lệ nhất định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các hợp đồng hoặc đơn đặt hàng để cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công; Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2009 và thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 

BỘ TÀI CHÍNH


Biểu phí và lệ phí mới trong lĩnh vực chứng khoán (SMS: 534823) - Ngày 01/7/2009, Bộ Tài chính ra Thông tư số 134/2009/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Theo Thông tư này, đối tượng chịu phí, lệ phí là các công việc liên quan đến cấp các loại giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Mức thu cụ thể như sau: lệ phí cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán là 20 triệu đồng đối với nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán, 60 triệu đồng đối với nghiệp vụ tự doanh, 100 triệu đồng đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng là 20 triệu đồng đối với quỹ đầu tư chứng khoán từ 50 tỷ đến dưới 150 tỷ đồng, 35 triệu đồng đối với quỹ đầu tư chứng khoán từ 150 tỷ đến dưới 250 tỷ đồng và 50 triệu đồng đối với quỹ đầu tư chứng khoán từ 250 tỷ đồng trở lên; lệ phí cấp phép thành lập chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong nước là 10 triệu đồng/giấy phép; lệ phí cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện hoặc gia hạn giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam là 01 triệu đồng/giấy phép; lệ phí cấp phép cho cá nhân hành nghề kinh doanh dịch vụ chứng khoán và quản lý quỹ là 01 triệu đồng/giấy phép; phí quản lý công ty đại chúng là 10 triệu đồng/năm…
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ các nội dung quy định về phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước được quy định tại Thông tư số 110/2002/TT-BTC ngày 12/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu (SMS: 534764) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 133/2009/TT-BTC ngày 30/6/2009 điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710 quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, mặt hàng Kerosene (mã 2710-19.16.00) thuế suất giảm từ 35% xuống còn 30%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 06/7/2009. Bãi bỏ Thông tư số 119/2009/TT-BTC ngày 10/6/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
 

BỘ XÂY DỰNG


Quản lý đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp (SMS: 534847) - Ngày 30/6/2009, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 19/2009/TT-BXD quy định về quản lý đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có trách nhiệm: cung cấp các thông tin về quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng và thiết kế hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp hoặc các khu chức năng trong khu kinh tế; cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu; chấp thuận bằng văn bản về vị trí, quy mô xây dựng đối với các dự án nhóm B, C đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế chưa có trong quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư quy định, ban quản lý khu kinh tế cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trong khu kinh tế theo quy định phải có giấy phép xây dựng (trừ những công trình thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện và UBND cấp xã). UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp II trở xuống và nhà ở riêng lẻ tại đô thị thuộc phạm vi quản lý trong khu kinh tế. UBND xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc các điểm dân cư nông thôn trong khu kinh tế đã có quy hoạch được duyệt hoặc tại các khu vực theo quy định của UBND cấp huyện khi xây dựng phải có giấy phép xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2009.

Thủ tục xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng (SMS: 534848) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BXD điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và thương nhân nước ngoài tham gia xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Theo Thông tư này, khoáng sản được phép xuất khẩu là khoáng sản không nằm trong danh mục hạn chế xuất khẩu. Khoáng sản nằm trong danh mục hạn chế xuất khẩu bao gồm: đá vôi, phụ gia thuộc các mỏ trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến làm nguyên liệu sản xuất xi măng theo Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ và thuộc các mỏ được Thủ tướng cho phép bổ sung vào quy hoạch; các loại đất sét; felspat (trường thạch); cát xây dựng; cuội, sỏi, sạn các loại; đá xây dựng thuộc các mỏ tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Hồ sơ xuất khẩu khoáng sản bao gồm: hồ sơ theo quy định của pháp luật thương mại; kết quả phân tích thí nghiệm các chỉ tiêu cơ, lý, hóa của khoáng sản được các phòng thí nghiệm LAS-XD hoặc tương đương trở lên xác nhận. Ngoài ra, đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu khoáng sản do tự khai thác, chế biến phải có bản sao công chứng giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực; đối với tổ chức, cá nhân mua khoáng sản đã qua chế biến để xuất khẩu phải có bản sao công chứng giấy phép khai thác và giấy phép chế biến của bên bán còn hiệu lực cho đến thời điểm diễn ra hành vi khai thác và chế biến; đối với tổ chức, cá nhân mua khoáng sản để chế biến xuất khẩu phải có bản sao công chứng giấy phép khai thác của bên bán và giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực cho đến thời điểm diễn ra hành vi khai thác và chế biến; các trường hợp mua khoáng sản nói trên còn phải kèm theo hợp đồng kinh tế và bản sao y hóa đơn giá trị gia tăng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế các nội dung liên quan đến xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Thông tư số 02/2006/TT-BCN ngày 14/4/2006 của Bộ Công nghiệp về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản. Các hợp đồng đủ điều kiện xuất khẩu đang thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc hợp đồng.

Giá cho thuê nhà ở sinh viên và người có thu nhập thấp (SMS: 543850) - Phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp và giá bán, giá thuê mua nhà ở cho người có thu nhập thấp thuộc các dự án do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư được hướng dẫn tại Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng. Theo đó, giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để bảo toàn vốn đầu tư, bảo đảm thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay (nếu có), chi phí quản lý, vận hành và chi phí bảo trì nhà ở. Chi phí quản lý, vận hành và bảo trì nhà ở được thu, chi theo nguyên tắc tự thu, tự trang trải và công khai nhằm bảo đảm tốt việc vận hành của khu nhà ở và do đơn vị quản lý vận hành nhà ở chịu trách nhiệm quản lý. Các chi phí sử dụng nhiên liệu, điện, nước và các dịch vụ khác (nếu có) của người thuê nhà không tính trong giá cho thuê mà do người thuê nhà trực tiếp chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc trả cho đơn vị quản lý, vận hành theo khối lượng thực tế tiêu thụ và các chi phí khác trong quá trình quản lý, vận hành nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không nhằm mục đích kinh doanh; riêng giá điện, nước được tính theo giá sinh hoạt, không tính theo giá kinh doanh.
Cũng theo Thông tư này, các chi phí dịch vụ trong giá cho thuê nhà ở bao gồm: bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, diệt côn trùng và các dịch vụ khác (nếu có) được quy định cụ thể trong hợp đồng thuê nhà ở. Không được tính các chi phí được Nhà nước ưu đãi vào giá cho thuê nhà ở (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, các ưu đãi về thuế…).
Đối với giá bán nhà ở cho người có thu nhập thấp được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay (nếu có), chi phí bảo trì nhà ở (phần sở hữu chung), không tính các chi phí được Nhà nước ưu đãi vào giá bán nhà ở (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, các ưu đãi về thuế…); trường hợp bán nhà trả góp, thời hạn trả góp do bên bán và bên mua thỏa thuận nhưng tối thiểu là 10 năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2009.

Thứ tự ưu tiên cho sinh viên, công nhân thuê nhà ở (SMS: 534851) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về việc cho thuê, quản lý vận hành nhà ở sinh viên và nhà ở công nhân khu công nghiệp, đối tượng được thuê nhà ở là sinh viên tại các cơ sở đào tạo, công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu thuê nhà ở; trường hợp không đủ chỗ bố trí theo nhu cầu thì việc sắp xếp cho thuê nhà ở được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể: đối với sinh viên, thứ tự ưu tiên là: sinh viên ngoại tỉnh; sinh viên mà gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo theo quy định của Nhà nước; sinh viên học giỏi; sinh viên năm đầu tiên. Trường hợp có nhiều sinh viên cùng thuộc diện ưu tiên nêu trên thì tiếp tục xét duyệt theo thứ tự: sinh viên là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh; sinh viên là con liệt sỹ; sinh viên là con thương binh và bệnh binh đã xếp hạng; sinh viên là người dân tộc thiểu số; sinh viên nữ. Đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thứ tự ưu tiên là: công nhân là người ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại khu công nghiệp, nơi có dự án nhà ở công nhân; công nhân có thu nhập thấp (dưới mức thu nhập bình quân của công nhân trong doanh nghiệp); công nhân chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình là nhà ở tạm bợ (nhà tranh tre, nứa lá). Trường hợp có nhiều công nhân thuộc diện ưu tiên nêu trên thì tiếp tục xét duyệt theo thứ tự: công nhân là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh; công nhân là con liệt sỹ; công nhân là con thương binh, bệnh binh đã xếp hạng; công nhân là người dân tộc thiểu số; công nhân có hợp đồng lao động không thời hạn; công nhân có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích ở bình quân dưới 5m2/người; công nhân nữ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2009. Đối với nhà ở của các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cho các đối tượng là sinh viên, công nhân thuê không thuộc diện điều chỉnh của Thông tư này thì có thể căn cứ vào những nguyên tắc quy định tại Thông tư này để thực hiện việc quản lý vận hành nhà ở.
 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Công ty tài chính được tham gia hỗ trợ lãi suất vốn vay (SMS: 534713) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký Quyết định số 1542/QĐ-NHNN ngày 30/6/2009 cho phép Công ty tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam được thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 10/3/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009, Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh, Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.