Số 26.2007 (331) ngày 06/07/2007

 CHÍNH PHỦ


Quản lý giao thông
(500612)
- Ngày 29/6/2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
Chính phủ quyết nghị: từ ngày 15/12/2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm...
Từ ngày 01/01/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh; trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Đồng thời, tạm giữ mô tô, xe gắn máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm một trong các quy định sau: chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; tạm giữ mô tô, xe gắn máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy…
Bên cạnh đó, từng bước áp dụng công nghệ mới trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giám sát việc chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát; có chế độ khen thưởng kịp thời những cán bộ chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời, kỷ luật thích đáng cán bộ, chiến sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm.
UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức giải tỏa dứt điểm trước ngày 30/3/2009 các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ các quốc lộ trên địa bàn trong phạm vi đã được đền bù, xử lý. Tổ chức phân làn riêng cho mô tô, gắn máy trên những tuyến đường, tuyến phố đủ điều kiện để khắc phục tình trạng lưu thông hỗn hợp…
Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều
(SMS: 500582)
- Theo Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ban hành ngày 28/6/2007, Chính phủ quy định: công trình, nhà ở hiện có trong khu vực đang bị sạt lở phải di dời ngay để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Công trình, nhà ở không phù hợp với quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phải tổ chức di dời trong thời gian tối đa 5 năm, kể từ ngày Luật Đê điều có hiệu lực thi hành…
Việc xây dựng công trình theo dự án đầu tư do Thủ tướng phê duyệt ở bãi sông, để không được làm giảm quá giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế; không làm tăng quá giới hạn cho phép của mực nước lũ thiết kế; không ảnh hưởng đến dòng chảy của khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu phải đáp ứng các quy định: nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều; tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất; dự án xây dựng mới phải cách bờ sông một khoảng cách nhất định để thông thoáng dòng chảy, tránh sạt lở; phục vụ việc xây dựng đường ven sông, tạo cảnh quan môi trường…
Các công trình trạm điện, trạm y tế, trường học, trạm cấp nước, nhà kho khi lập dự án xây dựng phải bảo đảm các quy định nêu trên, đồng thời phải cao hơn mực nước thiết kế để hoạt động được thường xuyên và an toàn trong mùa mưa lũ…
Đê được phân loại thành đê sông, đê biển, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng. Nhà nước có các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu hoặc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực đê điều; đầu tư vào đê điều để kết hợp làm đường giao thông; đầu tư vào việc trồng cây chắn sóng bảo vệ đê điều được hỗ trợ về kinh phí và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành…
Biên chế của Hạt Quản lý đê do UBND cấp tỉnh quyết định theo định mức: 1 người quản lý trực tiếp từ 1-2 km đê đối với đê cấp đặc biệt, từ 3-4 km đê đối với đê từ cấp I-III. Định mức biên chế quản lý tuyến đê cấp IV, V; tuyến đê và công trình phân lũ, làm chậm lũ do UBND cấp tỉnh quy định.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thực hiện Luật Thể dục, thể thao
(SMS: 500611)
- Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thể dục, thể thao.
Theo đó, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm: sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao; sử dụng những bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; gian lận tên, tuổi, giới tính trong thi đấu thể thao; trực tiếp làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao; có hành vi bạo lực trong thi đấu thể thao. Nghiêm cấm lạm dụng quyền hoặc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TDTT…
UBTDTT có trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển TDTT quần chúng phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong phạm vi toàn quốc. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng khai thác công trình TDTT công cộng, thành lập các câu lạc bộ TDTT quần chúng; giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật và người cao tuổi tham gia hoạt động TDTT.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức, thực hiện chế độ tập thể dục giữa giờ hoặc đầu giờ làm việc cho người lao động để chống mỏi mệt và phòng, tránh các bệnh nghề nghiệp…
Quy hoạch đất dành cho TDTT sẽ thực hiện căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, UBND các cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho TDTT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai và pháp luật liên quan. Ngân sách Nhà nước đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phát triển TDTT ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý doanh nhiệp nhà nước
(SMS: 500593)
- Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2007/NĐ-CP về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ-công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới của Nghị định này là không quy định công ty liên doanh là đơn vị thành viên do tổng công ty nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối. Các đơn vị thành viên do tổng công ty nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối chỉ gồm: công ty cổ phần, công ty TNHH có cổ phần, vốn góp chi phối của tổng công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các doanh nghiệp do tổng công ty giữ cổ phần, vốn góp chi phối được thành lập ở nước ngoài, tổ chức và hoạt động theo pháp luật của nước sở tại…
Về hình thức công ty mẹ-công ty con với công ty mẹ là công ty nhà nước chỉ áp dụng đối với các tổng công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập đã chuyển đổi sang hình thức công ty mẹ-công ty con. Công ty mẹ có cơ cấu quản lý gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc…
Căn cứ vào đặc điểm, quy mô, số lượng công ty con hoạt động tại các địa bàn trong và ngoài nước, chủ sở hữu công ty quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của công ty mẹ theo mô hình Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên hoặc mô hình Chủ tịch công ty, Giám đốc, Kiểm soát viên…
Người quyết định thành lập tổng công ty, công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty là người phê duyệt đề án chuyển đổi, quyết định lộ trình, việc chuyển đổi tổng công ty, công ty và phê duyệt điều lệ công ty mẹ…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách đối với người lao động dôi dư
(SMS: 500581)
- Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2007/NĐ-CP về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
Đối tượng áp dụng là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Người lao động dôi dư đang thực hiện HĐLĐ không xác định thời hạn có tuổi đời từ đủ 55 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên thì được hưởng lương hưu…
Ngoài ra, người lao động này (nam tuổi dưới 60, nữ tuổi dưới 55) còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp: 3 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định; 5 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho 20 năm đầu làm việc có đóng BHXH, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm làm việc có đóng BHXH được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Đặc biệt, người lao động khi thực hiện chấm dứt HĐLĐ nếu có nguyện vọng học nghề thì được đào tạo tối đa 6 tháng tại các cơ sở dạy nghề theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Người lao động dôi dư đang thực hiện HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng khi chấm dứt HĐLĐ còn được hưởng các chế độ: trợ cấp 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, không kể thời gian người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm; trợ cấp 70% tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) ghi trong HĐLĐ cho số tháng còn lại chưa thực hiện hết HĐLĐ, nhưng tối đa cũng không quá 12 tháng…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng đến hết ngày 30/6/2010.


Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước
(SMS: 500580)
- Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Nghị định mới bổ sung thêm đối tượng cổ phần hoá là: Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con, công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng nhà đầu tư chiến lược, không chỉ có các nhà đầu tư trong nước, mà bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời xoá bỏ cơ chế ưu đãi giảm 20% giá bán cổ phần so với giá đấu bình quân. Nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu giá thành công bình quân...
Trước kia, sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài chưa khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đem vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý vào DN cổ phần hoá.
Bên cạnh đó, việc quy định giảm 20% giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là không cần thiết vì các nhà đầu tư này đều có tiềm lực về tài chính, họ góp vốn mua cổ phần với kỳ vọng tham gia quản trị DN. Vì vậy, họ cần được ưu đãi quyền mua cổ phần hơn là ưu đãi giảm giá. Ngoài ra, nếu cổ phần hoá các DN lớn, mà tiếp tục giảm giá bán cho nhà đầu tư chiến lược thì số tiền ưu đãi giảm giá sẽ rất lớn.

Bổ sung thêm phương thức mới về bán cổ phần lần đầu:
bảo lãnh phát hành và thoả thuận trực tiếp. Nếu áp dụng phương thức đấu giá công khai, DN có khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng thì được đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian. Ngược lại, nếu khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng thì nhất thiết phải đấu giá tại Sở, Trung tâm giao dịch chứng khoán…
Những DN đủ điều kiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch ngay trên Sở Giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán trong quá trình cổ phần hoá…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định đối với hoạt động in ấn
(SMS: 500600)
- Ngày 21/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2007/NĐ-CP về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm.
Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động in phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã thì phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Văn hóa-Thông tin sở tại. Đồng thời, nếu cơ sở in tham gia hoạt động in sản phẩm báo chí, tem chống hàng giả thì phải có Giấy phép hoạt động in; và phải có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền khi tham gia in các sản phẩm: Chứng minh thư, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Giám đốc hoặc chủ sở hữu cơ sở tham gia các hoạt động in trên phải là công dân Việt Nam và có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam…
Thời hạn cấp Giấy phép hoạt động in là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; nếu không cấp giấy phép thì phải có văn bản nêu rõ lý do…
Cấm các hành vi sau: in sản phẩm báo chí, tem chống giả mà không có Giấy phép hoạt động in; in các sản phẩm mà không có đủ các điều kiện nhận in, in vượt quá số lượng sản phẩm ghi trong hợp đồng in; in, photocopy trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật công tác; các sản phẩm mà pháp luật Việt Nam cấm lưu hành; ngoài ra, cấm hành vi thêm bớt, sửa chữa trái phép bản mẫu đặt in; chuyển nhượng, sửa chữa, tẩy xóa trái phép các loại giấy phép trong hoạt động in…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG AN


Hướng dẫn thi hành Luật Cư trú
(SMS: 500613)
- Ngày 01/7/2007, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú.
Theo đó, hồ sơ đăng ký thường trú gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định. Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân hoặc được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình thì người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà của mình hoặc người có sổ hộ khẩu phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký và ghi rõ họ tên, ngày tháng năm.
Đối với trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng... mà chuyển đến ở với nhau thì không phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nêu trên để làm căn cứ ghi vào sổ hộ khẩu…
Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha mẹ, cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ, cha hoặc mẹ. Trẻ em khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực).
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về nước sinh sống phải có một trong các giấy tờ: Hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu; giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy bà con Việt Kiều vẫn có thể đăng ký thường trú tại Việt Nam mà không cần phải có bảo lãnh của chính quyền địa phương như trước đây…
Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng, bị mất sẽ được cấp lại có số, có nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú phải đổi, cấp lại sổ hộ khẩu. Nếu có sai sót trong sổ hộ khẩu do lỗi của cơ quan đăng ký thì trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan đăng ký thường trú phải có trách nhiệm điều chỉnh sổ hộ khẩu phù hợp với hồ sơ gốc…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hỗ trợ đầu tư và tín dụng xuất khẩu
(SMS: 500583)
- Ngày 25/6/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2007/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Theo đó. mức vốn cho vay đối với từng dự án do Ngân hàng Phát triển quyết định, tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư được duyệt (không bao gồm vốn lưu động của dự án). Trường hợp đặc biệt, dự án nhất thiết phải vay với mức cao hơn 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động) mới đủ điều kiện để thực hiện, thì Ngân hàng Phát triển đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Phần vốn đầu tư còn lại của dự án, chủ đầu tư phải sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác như vốn chủ sở hữu, vốn vay các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để đầu tư. Trong đó vốn chủ sở hữu phải tối thiểu bằng 15% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định của dự án đó. Các nguồn vốn này phải được xác định cụ thể và bảo đảm tính khả thi của từng nguồn vốn…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.