Số 26.2006 (280) ngày 07/07/2006

 CHÍNH PHỦ


Hoạt động đánh bắt hải sản
(SMS: 201693)
- Ngày 30/6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ.
Thủ tướng yêu cầu: tàu phải có đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin, thuyền viên được mua bảo hiểm. Chủ tàu phải khai báo với chính quyền và đồn biên phòng về tần số liên lạc, thông báo ngư trường đang hoạt động cho cơ quan quản lý thủy sản...
Khi có tai nạn hoặc bão, thuyền trưởng phải sử dụng các biện pháp cấp bách để đưa tàu đến nơi an toàn; thông báo cho đài thông tin duyên hải, đồn biên phòng gần nhất vị trí tàu, số người trên đó và phát tín hiệu cấp cứu khi cần thiết. Các tàu này có trách nhiệm tham gia ứng cứu khi phát hiện người và tàu khác gặp nạn...
Bộ Thủy sản cần hướng dẫn các địa phương rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và thuyền viên. Trước mắt, tất cả tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ phải lắp máy có công suất 90 sức ngựa trở lên, phải lắp máy thông tin liên lạc tầm xa và liên lạc hai chiều với đất liền...

Không xây dựng mới, mà phải sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật đã được nhà nước đầu tư. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn phải có biện pháp sớm đưa cảnh báo bão trước 48 giờ, đặc biệt với trường hợp bão đang di chuyển trên biển Đông...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hoạt động của Quỹ tín dụng trung ương
(SMS: 201692)
- Ngày 29/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân trung ương.
Theo đó, khi bị tổn thất về tài sản, Qũy tín dụng nhân dân trung ương phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau: Nếu do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc Qũy tín dụng nhân dân trung ương quyết định mức bồi thường theo qui định; Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, nếu thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của Qũy tín dụng nhân dân trung ương. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch  toán vào chi phí khác trong kỳ...
Qũy tín dụng nhân dân trung ương được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố, thanh lý, nhượng bán tài sản của Qũy để thu hồi vốn sử dụng cho mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn...
Mức chi cho các tổ chức có tư cách pháp nhân có đóng góp trong việc thu hồi các khoản nợ đã xoá, nợ quá hạn khó đòi trong năm của Qũy tín dụng nhân dân trung ương không được vượt quá 5% số nợ thu hồi. Mức chi thu hồi nợ tối đa đối với một món nợ không vượt quá 150 triệu đồng...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ tài chính Quỹ tín dụng
(SMS: 201690) - Ngày 29/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 62/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Theo đó, Qũy tín dụng nhân dân cơ sở được mua, đầu tư vào tài sản cố định của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn tự có cấp một và phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng...
Đối với hoạt động tín dụng: Qũy tín dụng nhân dân cơ sở hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ xác định là có khả năng thu hồi cả gốc, lãi đúng thời hạn và không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo qui định.
Đối với số lãi phải thu đã hạch toán thu nhập nhưng đến kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) khách hàng không trả được đúng hạn Qũy tín dụng nhân dân cơ sở hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu hoạt động kinh doanh.
Đối với số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại không phải hạch toán thu nhập, Qũy tín dụng nhân dân cơ sở theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu hoạt động kinh doanh...
Mức chi cho các tổ chức có tư cách pháp nhân có đóng góp trong việc thu hồi các khoản nợ quá hạn khó đòi trong năm của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở không được vượt quá 5% số nợ thu hồi. Mức chi thu hồi nợ tối đa đối với một món nợ không vượt quá 20 triệu đồng...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách thuế đối với hàng nông sản
(SMS: 201689) - Ngày 29/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2006/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại Campuchia nhập khẩu về nước.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu phải có đầy đủ các hồ sơ theo qui định sau: Công văn đề nghị miễn thuế nhập khẩu của doanh nghiệp trong đó ghi cụ thể số lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá nhập khẩu; Văn bản xác nhận cho phép đầu tư của cơ quan có thẩm quyền tại Campuchia nơi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư (bản photocopy kèm bản dịch tiếng Việt có đóng dấu và xác nhận của doanh nghiệp); Hợp đồng hoặc Thoả thuận ký kết với phía Campuchia về việc hỗ trợ đầu tư, trồng và nhận lại nông sản, trong đó ghi rõ số tiền, hàng đầu tư vào từng lĩnh vực và tương ứng là số lượng, chủng loại, trị giá từng loại nông sản sẽ thu hoạch được. Khi làm thủ tục nhập khẩu hàng nông sản, doanh nghiệp phải nộp bản sao và xuất trình bản chính Hợp đồng hoặc Thoả thuận ký kết với phía Campuchia về hỗ trợ đầu tư, trồng và nhận lại nông sản nêu trên để cơ quan Hải quan (nơi đơn vị làm thủ tục nhập khẩu hàng) đối chiếu; Chứng từ liên quan đến việc hỗ trợ đầu tư, trồng nông sản tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt nam...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Định giá tài sản
(SMS: 201688)
- Ngày 22/6/2006, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện  một số điều của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Theo đó, nguyên tắc định giá như sau: Phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai và kịp thời... Mức giá tài sản được xác định để làm cơ sở cho việc định giá là mức giá bình quân của tháng. Thời gian để thu thập mức giá tài sản bị xâm phạm là một tháng trước và một tháng sau ngày tài sản bị xâm phạm; nếu trong thời gian trên mà không thu thập được đầy đủ thông tin làm cơ sở cho việc định giá thì mở rộng thời gian thu thập thông tin về giá thêm một tháng về trước và  một tháng về sau...
Đối với tài sản mới: Hội đồng định giá tài sản xác định giá tài sản theo tài sản cùng loại hoặc tài sản tương đương và còn mới 100%. Đối với tài sản đã qua sử dụng: phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa sau khi đã tính phần hao mòn đã qua sử dụng để xác định giá trị còn lại của tài sản đó...
Tùy theo tính chất, đặc thù và điều kiện lưu thông trên thị trường của từng loại tài sản bị xâm phạm mà Hội đồng định giá tài sản tiến hành khảo sát giá tài sản bị xâm phạm theo một trong 2 loại sau: giá bán buôn hoặc giá bán lẻ đối với tài sản cùng loại hoặc tài sản tương đương...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Chương trình quốc gia về bệnh HIV
(SMS: 201696)
- Ngày 07/7/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 20/2006/QĐ-BYT về việc phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn 2006 - 2010.
Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2010: Khống chế tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở mức dưới 0,5%; 90% số phụ nữ mang thai được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được tư vấn tự nguyện xét nghiệm HIV; 100% phụ nữ có thai nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 90% bà mẹ nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh.

Các giải pháp thực hiện: đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động lãnh đạo chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể liên quan như: Lao động - Thương binh, Xã hội, Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Hội nông dân....ủng hộ và tham gia chăm sóc, hỗ trợ bà mẹ và trẻ em bị nhiễm  HIV tại cộng đồng; Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức xã hội khác, đặc biệt là bản thân người nhiễm HIV và gia đình họ tham gia vào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ bà mẹ, trẻ em nhiễm HIV...
Củng cố, tăng cường đầu tư cho hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội để tăng cường khả năng tiếp nhận và chăm sóc trẻ mồ côi bị nhiễm HIV không nơi nương tựa tại các tỉnh, thành phố...
Khuyến khích xét nghiệm HIV trước khi kết hôn cho cả nam và nữ. Tư vấn cho 100% phụ nữ khi mang thai và trước khi đẻ để họ tự nguyện xét nghiệm HIV. Đối với phụ nữ nhiễm HIV dương tính có mong muốn sinh con phải tư vấn để họ chấp nhận và tuân thủ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Mua bán hàng hoá lĩnh vực ngân hàng quản lý
(SMS: 201695)
- Ngày 03/7/2006, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2006/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, hàng hoá phải có Giấy phép nhập khẩu bao gồm: Cửa kho tiền và Máy huỷ tiền; hàng hoá chỉ định đơn vị nhập khẩu bao gồm: Giấy in tiền; Mực in tiền; Máy phủ Varnish; Máy in số Numerota; Máy in Flexo; Máy Intaglio; Máy Simultan...
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu; Bản sao hợp lệ: Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản photocopy kèm theo bản gốc để đối chiếu); Tài liệu kỹ thuật của thiết bị, máy móc (bản gốc và bản dịch tiếng Việt)...
Giấy phép có hiệu lực đến ngày cuối tháng của tháng mà đơn vị dự kiến nhập khẩu hàng hoá...
Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày thông quan, đơn vị nhập khẩu phải báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) về tình hình sử dụng hàng hóa đã nhập khẩu...

Đơn vị đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu muốn gia hạn giấy phép nhập khẩu phải có văn bản nêu rõ lý do và thời hạn xin gia hạn gửi đến Ngân hàng Nhà nước trước thời gian hết hạn ghi trong giấy phép đã được cấp (kèm theo giấy tờ chứng minh sự chậm trễ của việc nhập khẩu hàng hóa)...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Thủ tục hải quan
(SMS: 201694)
- Theo Công văn số 2807/TCHQ-GSQL ra ngày 26/6/2006 về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện các quy trình thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: đối với Hải quan cửa khẩu nếu chưa nhận được bản fax Biên bản bàn giao của Hải quan ngoài cửa khẩu nhưng doanh nghiệp xuất trình được bản chính Biên bản bàn giao và bộ hồ sơ hải quan kèm theo thì vẫn giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và photocopy một bản Biên bản bàn giao để lưu theo dõi (bản fax chỉ là biện pháp theo dõi, giám sát của nội bộ ngành Hải quan còn việc giải quyết nghiệp vụ vẫn phải thực hiện trên cơ sở bộ hồ sơ gốc do chủ hàng xuất trình)...
Doanh nghiệp có ý định làm thủ tục chuyển cửa khẩu thì phải chuẩn bị sẵn đơn xin chuyển cửa khẩu trước khi đăng ký tờ khai...
 

 CỤC QUẢN LÝ CẠNH TRANH


Mẫu đơn giải quyết cạnh tranh
(SMS: 201691) - Ngày 04/7/2006, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-QLCT về việc ban hành một số mẫu giấy tờ theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Ban hành kèm theo Quyết định này gồm các mẫu giấy tờ sau: Mẫu đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh dành cho doanh nghiệp và cá nhân; Mẫu đơn đề nghị hưởng miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh; Mẫu đơn đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế; Mẫu thông báo việc tập trung kinh tế.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 04/7/2006.