Số 25.2010 (483) ngày 29/06/2010

CHÍNH PHỦ

Đẩy mạnh việc sắp xếp, chuyển đổi công ty nhà nước (SMS: 174/TB-VPCP) - Ngày 28/6/2010, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 174/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo tinh thần Thông báo này, để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện nghiêm túc Điều 166 Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan để chuyển tất cả các công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký tên doanh nghiệp theo nguyên tắc giữ nguyên tên gọi của các tổng công ty nhà nước theo quyết định của chủ sở hữu. Trong tháng 8/2010, Bộ Tài chính có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó chú ý đề xuất các nội dung: xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị lợi thế vị trí doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất, phương thức lựa chọn và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược…
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình cải cách, đổi mới, tiến độ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước 5 năm (2011-2015), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng tiếp tục duy trì, sắp xếp, đổi mới và phát triển các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh; thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn; bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.
Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (SMS: 962/QD-TTg) - Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số  thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Trưởng ban là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Theo Quyết định này, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án); giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch và các hoạt động của Đề án; kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai các hoạt động của Đề án.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực sử dụng con dấu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Khuyến khích đầu tư phát triển trường chuyên THPT (SMS: 959/QD-TTg) - Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010. Mục tiêu cụ thể của Đề án này là củng cố, xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường trung học phổ thông chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố. Tập trung đầu tư nâng cấp các trường trung học phổ thông chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2015 có 100% trường trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp đầu tư phát triển trường trung học phổ thông chuyên theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Đồng thời xây dựng chính sách ưu tiên đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, giáo viên có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ đỗ đại học cao; chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường trung học phổ thông chuyên, đặc biệt là giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Phê duyệt Quy hoạch ứng dụng năng lượng nguyên tử (SMS: 957/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 với quan điểm đưa lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành một lĩnh vực có đóng góp ngày càng tăng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử, tiến đến hình thành ngành công nghiệp hạt nhân.
Một trong những mục tiêu của Quy hoạch này là ứng dụng rộng rãi, an toàn, hiệu quả bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm tỷ lệ dân số được chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân, xạ trị, X-quang theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; nâng cao đáng kể tỷ lệ giống cây trồng đột biến phóng xạ trong cơ cấu giống cây trồng quốc gia; chế tạo được một số loại trang thiết bị bức xạ, thiết bị ghi đo bức xạ, vật liệu, sản phẩm ứng dụng bức xạ phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 có 80% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở y học hạt nhân, xạ trị, phát triển kỹ thuật X-quang can thiệp ở các bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trung tâm y tế lớn, đầu tư máy X-quang cao tần đến bệnh viện huyện. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm quốc gia và trung tâm khu vực về ứng dụng bức xạ trong các ngành, lĩnh vực, ưu tiên cho lĩnh vực ứng dụng bức xạ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và hỗ trợ ngành công nghiệp xuất khẩu của đất nước. Nhà nước có các chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển và mở rộng ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg ngày 23/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.
Hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở (SMS: 71/2010/ND-CP) - Theo Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và có giấy tờ chứng minh về việc tạo lập hợp pháp nhà ở (đầu tư xây dựng mới, mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế,…) thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó mà không bắt buộc phải có điều kiện về hộ khẩu thường trú, đăng ký kinh doanh tại nơi có nhà ở, trừ trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tạo lập nhà ở thông qua việc nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai trong các dự án phát triển nhà ở trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì việc công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Nghị định này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu thuộc các đối tượng và có đủ điều kiện quy định tại Điều 1 của Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai. Thời hạn sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là ổn định, lâu dài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư thì được sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; trường hợp mua nhà ở tại Việt Nam thì được sở hữu nhà ở theo quy định của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2010 và thay thế Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Quy định về nhà máy điện hạt nhân (SMS: 70/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 70/2010/NĐ-CP ngày 22/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân. Nghị định này quy định về đầu tư, lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt, vận hành, chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân và bảm đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó; về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo Nghị định này, việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân phải tuân theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch khác liên quan. Mọi hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm yêu cầu cao nhất về an toàn và an ninh. Việc đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân phải đạt được hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ảnh hưởng đối với môi trường, cải thiện và nâng cao đời sống của dân cư tại địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân.
Việc cấp phép cho nhà máy điện hạt nhân do cơ quan nhà nước thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác hay chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Quy định này không loại trừ trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn của tổ chức, cá nhân được cấp phép.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2010.
An toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen (SMS: 69/2010/ND-CP) - Ngày 21/6/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP quy định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ sinh vật biến đổi gen phải thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro để bảo đảm an toàn sinh học theo quy định của pháp luật. Khi xảy ra rủi ro, tổ chức, cá nhân phải khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục rủi ro, kịp thời báo cáo ngay với UBND cấp tỉnh nơi xảy ra rủi ro. Tổ chức, cá nhân không tuân thủ các biện pháp quản lý rủi ro thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Báo cáo đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi là căn cứ để cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/8/2010; hủy bỏ Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg ngày 26/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khảo nghiệm, phóng thích ra môi trường sinh vật biến đổi gen trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện và đăng ký xin cấp giấy phép lại trong thời hạn không quá 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
 
 

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xử phạt hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ (SMS: 04/2010/TT-BKHCN) - Thông tư số 04/2010/TT-BKHCN ngày 21/6/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2009/NĐ-CP ngày 21/5/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Theo đó, hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép chuyển giao công nghệ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép để chuyển giao một hoặc một số công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 49 trong quá trình thực hiện chuyển giao và hành vi đó có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép; hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chuyển giao các công nghệ không thuộc danh mục công nghệ cấm chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao nhưng có đăng ký chuyển giao với Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc sở khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, mà có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 49 trong quá trình thực hiện chuyển giao và hành vi đó có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy chứng nhận.
Việc tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận nói trên phải được ghi trong quyết định xử phạt; trường hợp tước quyền sử dụng có thời hạn thì phải ghi rõ thời hạn trong quyết định, đồng thời trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt, người ra quyết định phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, giấy chứng nhận biết việc tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận thì tổ chức và cá nhân vi phạm không được tiếp tục thực hiện các nội dung trong giấy phép, giấy chứng nhận cho phép. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng và tổ chức, cá nhân bị xử phạt thực hiện xong quyết định xử phạt thì người quyết định xử phạt giao lại giấy phép, giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đã bị tước giấy phép, giấy chứng nhận. Việc giao lại giấy phép, giấy chứng nhận phải được lập thành biên bản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2010.
 
 

TỔNG CỤC HẢI QUAN

Quy trình kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu (SMS: 1323/QD-TCHQ) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ký Quyết định số 1323/QĐ-TCHQ ngày 22/6/2010 ban hành Quy trình kiểm tra việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan. Quy trình này áp dụng đối với các lô hàng thuộc diện phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa và được thực hiện đồng thời với Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, Quy trình kiểm tra và ấn định thuế. Đối với các lô hàng thuộc diện kiểm tra sơ bộ hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận phải kiểm tra sơ bộ về khai báo chi tiết tên hàng, mã số, mức thuế của các mặt hàng nhập khẩu.
Mục đích kiểm tra phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế là nhằm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong khai báo tên hàng, mã số, mức thuế của người khai hải quan để đảm bảo kê khai đúng tên hàng, mã số, thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách nhà nước. Việc kiểm tra phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/01/2003 của Chính phủ về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện tình trạng gian lận trong việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế thì Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.