Số 25.2009 (432) ngày 30/06/2009

CHÍNH PHỦ


Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ (SMS: 534621) - Ngày 25/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 902/CT-TTg về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Theo đó, trước tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sản xuất, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cả đồ chơi nguy hiểm diễn ra khá phức tạp trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 47/CP và các văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tự bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của đơn vị mình không để thất thoát; tăng cường chỉ đạo lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường kiểm tra, tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không, sân bay, hải cảng, kho tàng, bến bãi, các chợ và phương tiện giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực, nhất là nhập lậu từ nước ngoài vào.
Thủ tướng cũng chỉ thị cho Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó chủ yếu tập trung các loại súng săn, súng tự chế, thuốc nổ tự chế, vũ khí thô sơ như kiếm, mác, dao lê, mã tấu, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực mà trong Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể.
 

BỘ TÀI CHÍNH


Kinh phí thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (SMS: 534599) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 129/2009/TT-BTC ngày 24/6/2009 quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30). Đối tượng áp dụng Thông tư này là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ về cải các thủ tục hành chính, hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thông tư này, mức chi đối với một số trường hợp cụ thể được quy định như sau: chi công tác phí, mức khoán 400.000 đồng/người/tháng, áp dụng cho các thành viên Tổ công tác thường xuyên đi công tác bình quân trên 20 ngày/tháng; chi điện thoại, mức khoán 200.000 đồng/người/tháng, áp dụng cho các thành viên chuyên trách của Tổ công tác trong thời gian triển khai giai đoạn thống kê, giai đoạn rà soát của Đề án 30; chi tổ chức các cuộc họp, chi cho người chủ trì cuộc họp 150.000 đồng/người/buổi, chi cho các thành viên tham dự 70.000 đồng/người/buổi; chi thuê chuyên gia tối đa không quá 4.800.000 đồng/người/tháng; chi nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai, biểu mẫu thống kê, rà soát 50.000 đồng/trang; chi tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát cho Tổ công tác của bộ, ngành, địa phương (chi thực tế) 300.000 đồng/người/buổi; chi xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các cấp dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật 10 triệu đồng/bộ…
Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất phức tạp của từng nhiệm vụ chi và khả năng ngân sách, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp quy định mức chi cụ thể cho phù hợp, bảo đảm không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Riêng năm 2009, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách đã được giao để thực hiện Đề án 30, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
 

BỘ XÂY DỰNG


Hướng dẫn mới về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (SMS: 534589) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Theo Thông tư này, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm có: chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng và chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp nếu còn giá trị sử dụng thì được công nhận để hành nghề; khi hành nghề tại Việt Nam, các cá nhân này phải gửi bản dịch chứng chỉ hành nghề sang tiếng Việt có chứng thực hợp pháp cho sở xây dựng địa phương nơi cá nhân đó hành nghề biết để quản lý. Cá nhân là công chức đang làm công việc quản lý hành chính nhà nước thì không được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư này, hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm có: đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề (theo mẫu); bản sao các văn bằng, chứng chỉ liên quan đến nội dung xin cấp chứng chỉ hành nghề; bản khai kinh nghiệm, công tác chuyên môn về hoạt động xây dựng liên quan đến lĩnh vực xin cấp chứng chỉ hành nghề. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề gửi 02 bộ hồ sơ tới sở xây dựng nơi xin cấp chứng chỉ hành nghề; trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, sở xây dựng có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ; trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sở xây dựng tổ chức xét cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2009 và thay thế cho các văn bản sau: Quyết định số 91/BXD-ĐT ngày 16/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế hành nghề kiến trúc sư, Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình, Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng.
 

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG


Quy định mới về quản lý thuê bao di động trả trước (SMS: 534588) - Ngày 24/6/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Theo đó, các đối tượng phải thực hiện đăng ký thông tin thuê bao gồm có: chủ thuê bao bắt đầu sử dụng dịch vụ di động trả trước, chủ thuê bao di động trả trước đang được mở hai chiều, chủ thuê bao di động trả trước đã bị khóa một chiều, chủ thuê bao di động trả trước đã bị khóa hai chiều nhưng đang còn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị khóa được giữ số thuê bao theo quy định và đăng ký sử dụng lại, chủ thuê bao di động trả trước thay đổi thông tin thuê bao đã đăng ký. Các chủ thuê bao này phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm giao dịch được ủy quyền để cung cấp số thuê bao, chứng minh thư hoặc hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng và giấy giới thiệu (đối với chủ thuê bao là tổ chức) cho chủ điểm giao dịch. Người dưới 14 tuổi không có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu phải có bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đứng bảo lãnh đăng ký.
Thông tư quy định, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 03 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức). Kể từ ngày 01/01/2010, các thuê bao di động trả trước nói trên không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động; các thuê bao này muốn sử dụng lại dịch vụ phải làm thủ tục như đối với thuê bao mới.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2009 và thay thế cho Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy định quản lý thuê bao di động trả trước.
 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Tiêu chuẩn của giám đốc điều hành mỏ khoáng sản (SMS: 534623) - Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 15/2009/TT-BCT ngày 25/6/2009 quy định tiêu chuẩn trình độ, năng lực của giám đốc điều hành mỏ; được áp dụng để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, ký hợp đồng, gia hạn hợp đồng và miễn nhiệm giám đốc điều hành mỏ do tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản rắn cử ra để trực tiếp điều hành các hoạt động khai thác khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, dầu khí và các loại nước nóng, nước khoáng thiên nhiên).
Theo Thông tư này, giám đốc điều hành mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò phải là kỹ sư khai thác mỏ chuyên ngành khai thác hầm lò hoặc kỹ sư xây dựng công trình ngầm và mỏ đã có thời gian làm việc trực tiếp ở công đoạn khai thác tại mỏ hầm lò ít nhất là 05 năm; giám đốc điều hành mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên phải là kỹ sư khai thác mỏ chuyên ngành khai thác lộ thiên hoặc kỹ sư khai thác hầm lò đã có thời gian làm việc trực tiếp ở công đoạn khai thác tại mỏ lộ thiên ít nhất là 03 năm; giám đốc điều hành mỏ đối với các mỏ không kim loại được khai thác bằng phương pháp lộ thiên mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc các mỏ khoáng sản được khai thác bằng phương pháp thủ công đơn giản phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp kỹ thuật khai thác mỏ hoặc trung cấp địa chất thăm dò trở lên (nếu trình độ chuyên môn là trung cấp thì phải có thời gian làm việc trực tiếp ở công đoạn khai thác khoáng sản tại mỏ lộ thiên ít nhất 03 năm, trường hợp là trung cấp địa chất thăm dò thì phải được huấn luyện về kỹ thuật khai thác mỏ).
Ngoài những điều kiện nêu trên, giám đốc điều hành mỏ phải có đủ tiêu chuẩn về năng lực quản lý, điều hành như nắm vững các quy định của pháp luật về khoáng sản, quy trình, quy chuẩn thiết kế và khai thác mỏ, có trình độ tổ chức, quản lý và kinh nghiệm thực tế…
Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản không được tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản nếu không có giám đốc điều hành mỏ có đủ tiêu chuẩn trình độ nêu trên và phải gửi hồ sơ thông báo việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc ký hợp đồng lao động thuê giám đốc điều hành mỏ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng lao động về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công thương (đối với mỏ khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác) hoặc về sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có hoạt động khai thác (đối với mỏ, điểm mỏ khoáng sản do địa phương cấp giấp phép khai thác) để kiểm tra, theo dõi. Đối với giám đốc điều hành mỏ đã được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc ký hợp đồng trước khi Thông tư này có hiệu lực, nếu thuộc diện phải huấn luyện theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này nhưng chưa qua huấn luyện thì phải có văn bản báo cáo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp hoặc sở công thương để được huấn luyện về kỹ thuật khai thác mỏ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Kiểm tra an toàn kỹ thuật xe cơ giới (SMS: 534653) - Ngày 24/6/2009, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT hướng dẫn về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này áp dụng đối với việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi chung là xe cơ giới) và làm căn cứ kỹ thuật cho các phương tiện và người lái xe thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện. Thông tư này không áp dụng cho xe mô tô, xe gắn máy và các xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đạt tất cả các hạng mục quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Các trường hợp phương tiện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký, hồ sơ chuyển vùng, cải tạo; phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký nhưng có nhu cầu tham gia giao thông để di chuyển về địa điểm cần thiết, được kiểm tra theo Thông tư này và nếu đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn không quá 15 ngày.
Cũng theo Thông tư này, chu kỳ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được quy định cụ thể như sau: đối với xe ô tô con (kể cả ô tô con chuyên dùng) đến 09 chỗ ngồi (kể cả người lái) nhập khẩu chưa qua sử dụng hoặc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, nếu có kinh doanh vận tải thì chu kỳ kiểm định ban đầu là 24 tháng, định kỳ là 12 tháng, nếu không kinh doanh vận tải thì chu kỳ kiểm định ban đầu là 30 tháng, định kỳ là 18 tháng; tất cả các loại xe cơ giới đã sản xuất hơn 7 năm, chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng; tất cả các ô tô khách (bao gồm ô tô chở người trên 09 chỗ kể cả chỗ người lái) có thời gian sử dụng tính từ năm sản xuất từ 15 năm trở lên và ô tô tải các loại (bao gồm ô tô tải, tải chuyên dùng) có thời gian sử dụng tính từ năm sản xuất từ 20 năm trở lên, chu kỳ kiểm định định kỳ là 03 tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 4134/2001/QĐ-BGTVT ngày 05/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định này.
 

LIÊN BỘ


Chuyển xếp ngạch đối với công chức ngành thống kê (SMS: 534625) - Liên bộ Nội vụ - Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư liên tịch số 03/2009/TTLT-BNV-BKH&ĐT ngày 24/6/2009 hướng dẫn thực hiện chuyển xếp ngạch và xếp lương đối với công chức ngành thống kê. Thông tư này hướng dẫn việc chuyển xếp ngạch và xếp lương đối với công chức vào các ngạch công chức ngành thống kê. Đối tượng áp dụng là công chức đang làm công tác thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, bao gồm: công chức làm công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung; công chức chuyên trách làm công tác thống kê tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kểm sát nhân dân tối cao; công chức chuyên trách làm công tác thống kê tại các sở, ban, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cách chuyển xếp ngạch từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức ngành thống kê được hướng dẫn cụ thể như sau: chuyển xếp vào ngạch thống kê viên cao cấp đối với công chức chuyên trách thống kê hiện giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-BNV ngày 12/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thống kê (gọi tắt là Quyết định số 03/2008/QĐ-BNV); chuyển xếp vào ngạch thống kê viên chính đối với công chức chuyên trách thống kê hiện giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-BNV; chuyển xếp vào ngạch thống kê viên đối với công chức chuyên trách thống kê hiện giữ ngạch chuyên viên và tương đương có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-BNV; chuyển xếp vào ngạch thống kê viên trình độ cao đẳng đối với công chức chuyên trách thống kê hiện hưởng lương loại A0, có trình độ cao đẳng, có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-BNV; chuyển xếp vào ngạch thống kê viên trung cấp đối với công chức chuyên trách thống kê hiện giữ ngạch cán sự và tương đương có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-BNV.
Việc xếp lương đối với công chức được xếp chuyển vào các ngạch công chức ngành thống kê nêu trên thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Kim cương thô xuất nhập khẩu phải được cấp chứng nhận (SMS: 534595) - Ngày 23/6/2009, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn việc cấp chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực hiện các quy định của Quy chế chứng nhận quy trình Kimberley. Thông tư này áp dụng đối với các thương nhân tham gia kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô.
Theo Thông tư này, giấy chứng nhận quy trình Kimberley (gọi tắt là giấy chứng nhận KP) là tài liệu có thuộc tính chống làm giả có kích thước và định dạng đặc thù, chứng nhận một lô hàng kim cương thô tuân thủ các yêu cầu của Quy chế chứng nhận KP. Thương nhân chỉ được phép nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô với các nước thành viên của Quy chế chứng nhận KP (hiện tại là 48 nước theo phụ lục I của Thông tư này). Nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu kim cương xung đột (là kim cương thô do các tổ chức phiến loạn hoặc các đồng minh của tổ chức phiến loạn sử dụng để tài trợ cho các cuộc xung đột chống lại các chính quyền hợp pháp).
Các lô hàng kim cương thô chỉ được phép xuất khẩu tới nước thành viên khi có giấy chứng nhận KP hợp lệ của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp và chỉ được phép nhập khẩu từ nước thành viên khi có giấy chứng nhận KP hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu là thành viên cấp. Cơ quan xác nhận nhập khẩu cho các lô hàng kim cương thô nhập khẩu và cấp giấy chứng nhận KP cho các lô hàng kim cương thô xuất khẩu là Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Bộ Công thương tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Thương nhân không phải xuất trình giấy chứng nhận KP và không phải thực hiện bất cứ thủ tục nào quy định tại Thông tư này khi lô hàng kim cương thô quá cảnh qua lãnh thổ của Việt Nam nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quá cảnh hàng hóa.
Theo quy định của liên Bộ, giấy chứng nhận KP chỉ có hiệu lực trong vòng 02 tháng kể từ ngày cấp; nếu lô hàng kim cương thô đã được cấp giấy chứng nhận KP nhưng chưa được xuất khẩu trong khoảng thời gian đó thì thương nhân phải trả lại giấy chứng nhận KP cho Phòng quản lý xuất nhập khẩu nơi đã cấp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 11/2002/TT-TM-XNK ngày 26/12/2002 của Bộ Thương mại hướng dẫn việc quản lý xuất nhập khẩu kim cương thô và các văn bản hướng dẫn có liên quan.