Số 25.2007 (330) ngày 29/06/2007

 CHÍNH PHỦ


Hướng dẫn về hộ khẩu
(SMS: 500526)
- Ngày 25/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú.
Chính phủ quy định: nghiêm cấm việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Cấm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu hoặc đưa ra các quy định về hộ khẩu làm điều kiện hạn chế quyền lợi ích hợp pháp của công dân; cấm cố ý giải quyết hoặc từ chối giải quyết yêu cầu về hộ khẩu của công dân trái quy định của pháp luật cư trú…
Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú. Nếu không xác định được nơi cư trú theo quy định trên thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn…
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật…
Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các loại: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật; hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở; giấy tờ về mua, bán, tặng cho, đổi, nhận thừa kế...
Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển chỗ ở hợp pháp mới, người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu hoặc kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú…
Công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương là các trường hợp tạm trú liên tục 1 năm tại một chỗ hoặc tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau thuộc thành phố trực thuộc Trung ương mà thời hạn tạm trú tại tất cả các chỗ ở đó từ 1 năm trở lên. Thời hạn tạm trú được tính từ ngày công dân đăng ký tạm trú đến ngày công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ
(SMS: 500525)
- Theo Nghị định số 106/2007/NĐ-CP ban hành ngày 22/6/2007, Chính phủ quy định: học sinh là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Nhà nước…
Gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp: gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai; bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện từ 15 ngày trở lên được hưởng mức trợ cấp 300.000 đồng/suất/lần; không quá 2 lần trong một năm. Nếu thân nhân của họ từ trần thì mức trợ cấp là 600.000 đồng…
Thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được thực hiện chế độ bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng cho một người là 3% tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm mua thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế quy định chung là 2 năm…
Trong trường hợp hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân thì thân nhân của họ sẽ thôi hưởng chế độ và chính sách ưu tiên…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Công khai các thủ tục hành chính
(SMS: 500528)
- Ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Theo đó, thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật
là nguyên tắc hàng đầu trong việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Ngoài ra, phải công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; nhận yêu cầu và trả kết quả tại một đầu mối; bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện; đảm bảo sự phối hợp giải quyết công việc giữa các bộ phận, cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân…
Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ các quy định của pháp luật, phân loại công việc giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trong đó bao gồm các loại công việc giải quyết ngay trong ngày làm việc không phải ghi giấy hẹn, loại công việc giải quyết phải ghi giấy hẹn. Quy định thống nhất thời gian giải quyết công việc, hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thu các loại phí, lệ phí. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp…
Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; quy định quy trình làm việc; niêm yết công khai các quy định, thủ tục, lệ phí, thời gian giải quyết...
Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là ban hành các quy định phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm cho UBND các cấp; rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc đặt tại địa phương thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định chung của Chủ tịch UBND cấp tỉnh…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách thúc đẩy đầu tư
(SMS: 500485)
- Ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15/2007/CT-TTg về một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thủ tướng yêu cấu: đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án. Hoàn chỉnh và công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư…
Theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Chấn chỉnh tình trạng ban hành và áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trái với quy định của pháp luật…
Tăng cường các đoàn vận động đầu tư làm việc trực tiếp với các tập đoàn lớn, tại một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài để kêu gọi đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng. Chủ động tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam…

Đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư. Đảm bảo sự thống nhất, các quy trình, các thủ tục tại địa phương, đồng thời, phù hợp với điều kiện cụ thể…
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quy định về thí điểm thủ tục hải quan điện tử
(SMS: 500427)
- Theo Quyết định số 52/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ban hành ngày 22/6/2007, thí điểm thủ tục hải quan điện tử được áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình: xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán; để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài; theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; Hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất; Hàng hóa đưa ra, đưa vào doanh nghiệp chế xuất; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu; Phương tiện vận tải đường biển, đường hàng không xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng…
Cơ quan hải quan thu lệ phí hải quan và các loại phí thu hộ các hiệp hội, tổ chức đối với các lô hàng đã thông quan tháng trước từ ngày 1 đến ngày 10 tháng sau. Đối với tổng số thuế được xác định theo các luật về chính sách thuế cho một tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không quá 50.000 đồng thì không phải nộp thuế.
Cơ quan hải quan không thu hoặc không hoàn đối với các trường hợp điều chỉnh thuế, hoàn thuế, truy thu thuế, phạt chậm nộp thuế mà số tiền phải thu hoặc phải hoàn cho một tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không quá 50.000 đồng.
Chi cục trưởng Chi cục hải quan điện tử nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan điện tử, trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, quyết định hình thức và mức độ kiểm tra; quyết định thay đổi hình thức và mức độ kiểm tra do hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đưa ra, khi có thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2007.


Hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan
(SMS: 500498)
- Ngày 14/6/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 62/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, trường hợp nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm không đúng với khai hải quan mà việc làm thủ tục hải quan do doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu không có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và người làm thủ tục hải quan nhằm mục đích gian lận thì không xử phạt.
Trường hợp hàng hoá thuộc danh mục nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc quản lý của các Bộ chuyên ngành (không thuộc danh mục cấm nhập khẩu), chưa quá thời hạn làm thủ tục hải quan nhưng chủ hàng không làm thủ tục nhập khẩu mà xin tái xuất thì không xử phạt.
Công chức hải quan được ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp phạm pháp quả tang, nếu không áp dụng biện pháp tạm giữ ngay thì tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, đánh tráo để xoá dấu vết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo và phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng trực tiếp…
Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức theo hợp đồng có thời hạn từ 06 tháng trở lên, hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hưởng trợ cấp hưu trí hoặc mất sức hàng tháng…
Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý vi phạm pháp luật về thuế
(SMS: 500426)
- Theo Thông tư số 61/2007/TT-BTC ban hành ngày 14/6/2007, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện: phạt theo số tiền tuyệt đối đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế, mức phạt tối đa không quá 100 triệu đồng. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu cộng với mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc hai tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ, nếu còn một tình tiết tăng nặng và một tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của người vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền áp dụng đối với trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt…
Phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt; 10% số tiền thuế thiếu đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu
(SMS: 500425)
- Ngày 14/6/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, phương pháp tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với trường hợp số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực tế có chênh lệch so với hoá đơn thương mại do tính chất của hàng hoá, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hoá thì số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp được xác định trên cơ sở trị giá thực thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thuế suất từng mặt hàng...
Miễn thuế hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép định cư tại Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài; Hàng hóa là tài sản di chuyển của người nước ngoài mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài; Riêng ô tô, xe máy đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc cho mỗi hộ gia đình…
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu vượt tiêu chuẩn được miễn thuế thì đối tượng có hàng hoá nhập khẩu phải nộp thuế đối với phần vượt. Nếu tổng số thuế phải nộp đối với phần vượt dưới 50.000 đồng thì được miễn thuế. Người nhập cảnh được chọn vật phẩm để nộp thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm…
Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư sản xuất sản phẩm bán cho doanh nghiệp khác để trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Sau khi doanh nghiệp mua sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với số lượng sản phẩm thực xuất khẩu…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - TƯ PHÁP


Thù lao và chi phí đối với luật sư tham gia tố tụng
(SMS: 500428)
- Ngày 19/6/2007, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 66/2007/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo đó, mức thù lao chi trả cho luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 120.000 đồng/1 ngày làm việc của luật sư. Ngày làm việc của luật sư được tính thành 2 buổi. Trường hợp chỉ làm việc một buổi thì mức thù lao cho mỗi buổi làm việc của luật sư là 60.000 đồng/1 buổi…
Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên toà, luật sư được thanh toán chi phí tiền tàu, xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước…
Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được nhận thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.