Số 25.2006 (279) ngày 30/06/2006

 CHÍNH PHỦ


Phát triển giáo dục
(SMS: 19732)
- Ngày 23/6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015".
Đề án này nhằm mục tiêu: Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phấn đấu để có 80% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo năm 2010 và 100% năm 2015, trong đó có 8% đạt trình độ trên chuẩn năm 2010 và 15% năm 2015...
Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ từ 15% năm  2005 lên 20% năm 2010 và đạt 30% năm 2015; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 58% năm 2005 lên 67% năm 2010 và đạt 75% năm 2015; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 92% năm 2005 lên 95% năm 2010 và 99% năm 2015...
Nâng tỷ lệ các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 9%  năm 2005 lên 20% vào năm  2010 và 50% vào năm  2015...
Đối với các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo: nâng tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 43% năm 2005 lên 55% năm 2010 và đạt 62% năm 2015. Phấn đấu để tỷ lệ trẻ 5 tuổi ở các vùng này đến lớp mẫu giáo đạt bằng tỷ lệ chung của toàn quốc...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
(SMS: 19735)
- Theo Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ban hành ngày 21/6/2006, Chính phủ quy định: xử phạt hành chính từ 100 nghìn đồng đến 100 triệu đồng cho mọi vi phạm hành chính trong xây dựng và khai thác cảng biển; hoạt động hàng hải của tàu thuyền tại cảng biển; hoạt động kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải; hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm; hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải...
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 500 ngàn đồng đối với mỗi hành vi ra, vào vùng đất cảng hoặc lên tàu không được phép hoặc không tuân theo chỉ dẫn của người có thẩm quyền...
Mức phạt hành chính cao nhất từ 50 đến 100 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xả nước hoặc chất thải có lẫn dầu hoặc lẫn các loại hóa chất độc hại khác xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển...
Trường hợp vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu thuyền, áp dụng mức phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: không có đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm hoặc trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hoặc không sẵn sàng hoạt động theo quy định; chở khách vượt quá số lượng theo quy định; chở hàng quá trọng tải cho phép hoặc không áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định...
Áp dụng mức phạt tiền từ trên 5 - 20 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn; thực hiện chẫm trễ lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng...
Đối với vi phạm quy định về hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm tại cảng biển, áp dụng mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lắp đặt hoặc lắp đặt không kịp thời báo hiệu phù hợp với vị trí tài sản bị chìm đắm; thực hiện việc trục vớt hoặc kết thúc việc trục vớt tài sản bị chìm đắm không đúng thời gian quy định; trục vớt tài sản chìm đắm khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép; không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ tài sản chìm đắm ngẫu nhiêm trục vớt; không than toán các chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản chìm đắm...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG


Xử lý vi phạm về sử dụng dich vụ Internet và trò chơi trực tuyến
(SMS: 201678)
- Ngày 29/6/2006, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT-BBCVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 05/2004/TT-BBCVT về hướng dẫn thực hiện một số điều về xử lý vi phạm hành chính và khiếu nại, tố cáo quy định tại Chương IV Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.
Theo đó, đại lý Internet mở cửa cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài giờ qui định sẽ bị phạt tiền từ 01 đến 05 triệu đồng...
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trên Internet không có: phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ và dự phòng để bảo đảm an toàn khi có sự cố xảy ra; Mặt bằng, các trang thiết bị và phương án kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin theo qui định của Bộ Công an; Biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi cài tại các máy chủ; Biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý thông tin về người sử dụng dịch vụ; Cung cấp dịch vụ khi chưa có văn bản xác nhận của Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ...  có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng...
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet vi phạm: Ký hợp đồng đại lý với tổ chức, cá nhân không đáp ứng các điều kiện kinh doanh; Không chấm dứt hợp đồng đại lý theo văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đại lý Internet có hành vi vi phạm pháp luật; Không xây dựng quy chế quản lý đại lý Internet và phổ biến quy chế cho các đại lý Internet; Không có chương trình phần mềm và các trang thiết bị quản lý tập trung đặt tại doanh nghiệp và kết nối trực tuyến tới đại lý Internet nhằm quản lý hoạt động đại lý Internet... cũng có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng...
Hành vi không lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc có lập sổ nhưng không ghi chép đầy đủ thông tin về người sử dụng dịch vụ, người bảo lãnh cho người dưới 14 tuổi bao gồm họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ khác như thẻ nghiệp vụ, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên..., vị trí máy tính và thời gian sử dụng dịch vụ. Sổ có thể bằng giấy hoặc tệp dữ liệu máy tính... có thể bị phạt từ 01 đến 02 triệu đồng...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thành lập doanh nghiệp kiểm toán
(SMS: 201679)
- Ngày 28/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 60/2006/TT-BTC hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với doanh nghiệp kiểm toán.
Theo đó, Doanh nghiệp kiểm toán được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật dưới các hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Khi thành lập và trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tư nhân kiểm toán phải có ít nhất 3 người có Chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc)...
Thành viên được cử làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) công ty phải có Chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên; phải góp ít nhất là 10% vốn điều lệ; không được cùng lúc tham gia quản lý, điều hành hoặc ký hợp đồng lao động với tổ chức, cơ quan khác...
Trường hợp người đại diện được cử làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) công ty thì phải có Chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên; không được cùng lúc tham gia quản lý, điều hành hoặc ký hợp đồng lao động với tổ chức, cơ quan khác. Tổ chức là thành viên phải góp ít nhất 10% vốn điều lệ...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007
(SMS: 201673)
- Theo Thông tư số 56/2006/TT-BTC ban hành ngày 23/6/2006, Bộ Tài chính hướng dẫn: căn cứ kết quả thu 6 tháng đầu năm, đánh giá kết quả thu năm 2006 trên cơ sở thực hiện các biện pháp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước đã được giao; trong đó tập trung phân tích kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2006, so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ thu ngân sách Hội đồng nhân dân giao. Năm 2006 phấn đấu thực hiện tăng thu ngân sách nhà nước tối thiểu 3% so dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) tăng tối thiểu 5%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu theo đúng chế độ chính sách và kim ngạch xuất nhập khẩu thực tế phát sinh...
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương theo tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Căn cứ dự toán thu ngân sách năm 2007 trên địa bàn, các nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100% theo quy định, xác định tỷ lệ % phân chia các khoản thu phân chia giữa Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2007 và ổn định trong thời kỳ ngân sách mới...
Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, thực hiện lập dự toán đầy đủ theo đúng trình tự lập và quyết định ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, các Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản, về quản lý và sử dụng vốn ODA; trong đó chú ý lập chi tiết vốn ODA và vốn đối ứng theo từng chương trình, dự án, theo tính chất nguồn vốn chi đầu tư XDCB và chi sự nghiệp, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNGBINH VÀ XÃ HỘI


Phí môi giới trong xuất khẩu lao động
(SMS: 201680)
- Theo Thông tư liên tịch số 59/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ban hành ngày 26/6/2006, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn: mức khung phí môi giới cho các thị trường được xác định không vượt quá 01 tháng lương theo hợp đồng/người lao động cho một năm làm việc. Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ tính phí môi giới là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ; tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan và thuyền viên tàu vận tải biển: tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ tính phí môi giới là tiền lương bao gồm: lương cơ bản và lương phép...
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản...) hoặc không phải do lỗi của người lao động, thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách nhiệm yêu cầu bên trung gian môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần phí môi giới của người người lao động đã nộp, theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian hợp đồng thì được nhận lại 50% phí môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc trên 50% thời gian theo hợp đồng thì không được nhận lại phí môi giới.
Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu lao động không đòi được của bên trung gian môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm trích từ nguồn phí dịch vụ xuất khẩu lao động hoặc nguồn thu hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp để hoàn trả phí môi giới cho người lao động...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất
(SMS: 19734)
- Ngày 13/6/2006, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo đó, thời gian đăng ký thế chấp đối với nhà đất đã có giấy tờ hợp pháp (bao gồm các loại giấy đỏ, giấy hồng) sẽ được giải quyết ngay trong ngày nhận hồ sơ (qui định trước đây là 05 ngày làm việc). Trừ trường hợp nộp hồ sơ sau 15 giờ, người đăng ký mới phải chờ đến ngày hôm sau để nhận lại hồ sơ...
Đối với nhà đất chưa có chứng nhận hợp pháp về quyền sử dụng đất mà chỉ có giấy tờ hợp lệ, thời gian đăng ký thế chấp vẫn thực hiện như trước là 05 ngày...
Trong trường hợp bên thế chấp dùng quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu bên đã nhận thế chấp trước đó đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải giao lại giấy chứng nhận đó cho bên thế chấp để thực hiện đăng ký thế chấp...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Đăng ký và quản lý hộ tịch
(SMS: 201676)
- Ngày 06/6/2006, Bộ Tư pháp đã ra Công văn số 2488/BTP-HCTP về việc thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Theo đó, khi công dân có yêu cầu về thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc; xác định lại giới tính; bổ sung hộ tịch; điều chỉnh hộ tịch; cấp lại bản chính Giấy khai sinh; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, mà việc giải quyết các yêu cầu đó cần đến thông tin trong sổ hộ tịch đang lưu tại Sở Tư pháp, thì Sở Tư pháp, nơi lưu trữ sổ hộ tịch có trách nhiệm tạo điều kiện cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền của mình theo đúng quy định...
Trong trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã thành niên, nếu cha hoặc mẹ đã chết, mà cha mẹ không đăng ký kết hôn, thì người con phải làm thủ tục nhận cha hoặc mẹ (đã chết). Sau khi có quyết định công nhận việc nhận cha/mẹ, thì tên của người cha, người mẹ (đã chết) mới được ghi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con...

Trong trường hợp một người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), thì khi đăng ký kết hôn, ngoài việc xác nhận tình trạng hôn nhân của nơi cư trú hiện tại, đương sự phải viết tờ cam kết và chịu trách nhiệm về cam kết của mình về tình trạng hôn nhân trong thời gian trước đó...
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Bảo lãnh ngân hàng
(SMS: 201677)
- Ngày 26/6/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng.
Theo đó, Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ sau: Nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay và các chi phí khác có liên quan đến khoản vay; Nghĩa vụ thanh toán tiền mua vật tư, hàng hoá, máy móc, thiết bị và các khoản chi phí để khách hàng thực hiện các dự án hoặc phương án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ đời sống; Nghĩa vụ thanh toán các khoản thuế, các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước; Nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia dự thầu; Nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia quan hệ hợp đồng với bên nhận bảo lãnh, như thực hiện hợp đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhận và hoàn trả tiền ứng trước...
Tổng số dư bảo lãnh của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có...
Hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng bao gồm đề nghị bảo lãnh và các tài liệu có liên quan đến giao dịch bảo lãnh do tổ chức tín dụng quy định. Khách hàng cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc bảo lãnh theo yêu cầu của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu này...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.