Luật Nghĩa vụ quân sự (SMS: 200872 - Không gửi qua fax) - Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự số 43/2005/QH11. Một số nội dung sửa đổi như sau: công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi (quy định trước đây là đến hết 27 tuổi). Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng (quy định cũ là 3 năm); hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng (trước đây: 4 năm)... Bổ sung đối tượng có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu vào nhóm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình. Luật cũng quy định rõ đối tượng được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình: con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một, con của bệnh binh hạng một; Một người anh hoặc em trai của liệt sĩ; Một con trai của thương binh hạng hai... Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và binh sỹ tại ngũ từ tháng thứ 19 trở đi được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng, từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng.
Luật Hải quan (SMS: 200873 - Không gửi qua fax) - Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006. Luật quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để bảo đảm áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại; khuyến khích tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tham gia xây dựng, thực hiện giao dịch điện tử và thủ tục hải quan điện tử. Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu... Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế; gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan; nhận hối lộ; chiếm dụng, biển thủ hàng hoá tạm giữ và thực hiện các hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi... Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở Hải quan. Trong trường hợp có lý do chính đáng, được thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ hải quan đồng ý, người khai hải quan được gia hạn thời gian phải nộp, xuất trình một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; bổ sung, sửa chữa, thay thế tờ khai hải quan đã đăng ký đến trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải hoặc trước thời điểm miễn kiểm tra thực tế hàng hoá; nộp tờ lược khai hải quan và hoàn chỉnh tờ khai trong thời hạn quy định; khai một lần để xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần trong một thời gian nhất định đối với mặt hàng nhất định...
Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (SMS: 200874 - Không gửi qua fax) - Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã thông qua Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế số 41/2005/QH11. Luật quy định: việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề. Trước khi đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan... Người được ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế hoặc ủy nhiệm tham dự hội nghị quốc tế phải là lãnh đạo cơ quan đề xuất hoặc là người được cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định sau khi đã lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao... Trước khi tiến hành ký tắt điều ước quốc tế, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước hữu quan rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức... Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng điều ước quốc tế hai bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006.
Luật Kiểm toán Nhà nước (SMS: 200875 - Không gửi qua fax) - Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước số 37/2005/QH11, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006. Luật quy định: trong phạm vi nhiêm vụ của mình, Kiểm toán Nhà nước co quyền: yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán; đề nghị cơ quan hữu quan phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao; đề nghị cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội và công dân giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ... Yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; kiến nghị thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị... Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm toán nhà nước là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số, ý kiến thiểu số được bảo lưu và báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước. Các ý kiến của thành viên Hội đồng kiểm toán nhà nước được ghi vào biên bản của Hội đồng. Biên bản và các tài liệu khác của Hội đồng kiểm toán nhà nước được bảo quản, lưu giữ trong hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước...
|
Phí thẩm định chương trình (SMS: 200869) - Ngày 22/6/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 37/2005/QĐ-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định chương trên băng, đĩa, phần mềm và trên các vật liệu khác. Theo đó, đối với chương trình ca nhạc, sân khấu ghi trên băng đĩa áp dụng mức thu: 70.000 đồng/block (01 block = 15 phút); đối với Chương trình ca nhạc ghi trên đĩa nén, ổ cứng, phần mềm và các vật liệu khác: Ghi dưới hoặc bằng 50 bài hát, bản nhạc: 700.000 đồng/01 chương trình; Ghi trên 50 bài hát, bản nhạc: 700.000 + mức phí tăng thêm là 10.000/01 bài hát, bản nhạc (tổng mức phí không quá 2.000.000/một chương trình); Chương trình ca nhạc bổ sung mới vào chương trình ca nhạc đã được thẩm định ghi trên đĩa nén, ổ cứng, phần mềm và các vật liệu khác: 10.000 đồng/01 bài hát hoặc bản nhạc được bổ sung mới (tổng mức phí không quá 2.000.000/một chương trình ca nhạc bổ sung mới)... Cơ quan thu phí được trích 90% số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải chi phí cho việc tổ chức thẩm định và thu phí... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế kế toán trưởng (SMS: 200871 - Không gửi qua fax) - Ngày 15/6/2005, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2005/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp phụ cấp kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Theo đó, trường hợp đơn vị có khối lượng công việc kế toán không lớn, thì kế toán trưởng đơn vị cấp trên có thể được bổ nhiệm làm kế toán trưởng kiêm nhiệm đơn vị kế toán cấp dưới, người đó phải đủ tiêu chuẩn và điều kiện qui định cho kế toán trưởng đơn vị kế toán cấp trên... Trường hợp đơn vị sự nghiệp do nhà nước thành lập việc thuê người làm kế toán trưởng không phải ký hợp đồng làm việc mà chỉ ký hợp đồng lao động trong đó có qui định các điều khoản liên quan đến việc thuê làm kế toán trưởng tại đơn vị theo qui định của pháp luật... Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
|