Số 25.2004 (178) ngày 02/07/2004

 QUỐC HỘI


Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Tố cáo
(SMS: 200072)
- Ngày 15/6/2004, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, Tố cáo số 26/2004/QH11, có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2004.
Luật bổ sung thêm thẩm quyền đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau: xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của Tổng thanh tra...
Và sửa đổi: người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại (quy định trước đây: khi cần thiết), người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần tiếp theo phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại trong trường hợp cần thiết...
Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân cấp tỉnh...


Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em
(SMS: 200071 - Không gửi qua fax)
- Theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11, được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, trẻ dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập và Chính phủ dành hẳn một khoản ngân sách hằng năm để đảm bảo việc này...
Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho trẻ em là con em thương binh, liệt sĩ, người có công, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em của hộ nghèo, trẻ em cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; có chính sách hỗ trợ gia đình thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Bên cạnh đó, Luật có quy định: không được sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em...
So với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, Luật này dành hẳn một chương đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ lang thang, trẻ làm trái pháp luật...
Luật này có hiệu lực kể từ ngày
01/01/2005.

Bộ luật Tố tụng Dân sự
(SMS: 200070 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/6/2004, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Tố tụng Dân sự số 24/2004/QH11, gồm 9 phần, 36 chương và 418 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2005.
Bộ luật quy định: VKSND kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. VKSND tham gia phiên tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, các vụ án mà VKS kháng nghị bản án, quyết định của tòa án...
VKS không có quyền khởi tố vụ án dân sự bởi hai lý do. Thứ nhất, trước đây khi thực hiện kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, khi phát hiện có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì VKS được quyền khởi tố vụ án. Hiện nay, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND thì VKS không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật để tập trung thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Thứ hai, nếu VKS khởi tố vụ án dân sự thì việc xác định tư cách tố tụng của VKS trong vụ án (là nguyên đơn hay là cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện kiểm sát việc xét xử) không rõ ràng...
Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ...
Tòa án phải chịu trách nhiệm bồi thường do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng...


Luật Giao thông đường thuỷ nội địa
(SMS: 200069 - Không gửi qua fax)
- Theo Luật Giao thông đường thuỷ nội địa số 23/2004/QH11, được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, khi xẩy ra tai nạn đường thuỷ thì UBND nơi gần nhất nhận được tin báo phải mà không phân biệt UBND cấp nào...
Luật cũng quy định hành khách có quyền được từ chối chuyến đi trước khi tàu thuyền xuất bến vì bất kể lý do gì, chứ không phải chỉ trong trường hợp xét thấy phương tiện không bảo đảm an toàn và sẽ được hoàn trả lại tiền vé...
Trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, hoạt động thuỷ sản và các hoạt động khác không được làm che khuất báo hiệu, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người trực tiếp điều khiển phương tiện và phải theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa...
Phạm vi bảo vệ đập giao thông được tính từ hai đầu đập theo trục dọc về mỗi phía 50 mét, từ chân đập phía thượng lưu trở về phía thượng lưu và từ chân đập phía hạ lưu trở về phía hạ lưu, mỗi phía 100 mét...
Đối với báo hiệu đường thuỷ nội địa, trụ neo, cọc neo, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc, phạm vi bảo vệ là 5 mét, kể từ điểm ngoài cùng trở ra mỗi phía của trụ neo, cọc neo, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc...
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01/01/2005.

Luật Thanh tra
(SMS: 200068 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/6/2004, Quốc hội đã ban hành Luật Thanh tra số 22/2004/QH11, có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2004, thay thế Pháp lệnh Thanh tra ban hành năm 1990.
Luật quy định: cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước...
Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu của cơ quan thanh tra các cấp, ngành, lĩnh vực, thanh tra viên...


Luật Phá sản
(SMS: 200067 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/6/2004, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản số 21/2004/QH11, gồm 9 chương 95 điều, có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2004, thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp ban hành năm 1993.
Luật Phá sản quy định thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản bao gồm: nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ; tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản...
Khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm, có bảo đảm một phần, người lao động không được trả lương và các khoản nợ khác (thông qua đại diện của mình) đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó...  Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây: các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán; quá trình đòi nợ; căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản...
Sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, các hoạt động sau đây của doanh nghiệp, hợp tác xã phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện: cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản; nhận tài sản từ một hợp đồng chuyển nhượng; chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực...


Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng
(SMS: 200065 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/6/2004, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chưc tín dụng số 20/2004/QH11, có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2004.
Luật mới bổ sung như sau: Tổ chức tín dụng được phép: thành lập công ty trực thuộc có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có để hoạt động trên một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và quản lý, khai thác, bán tài sản trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và tài sản mà Nhà nước giao cho các tổ chức tín dụng xử lý thu hồi nợ (quy định trước đây: chỉ hoạt động trong 3 lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm)...
Tổ chức tín dụng có quyền xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay, bảo lãnh của bên thứ ba và chịu trách nhiệm về quyết định của mình...
Tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (quy định trước đây: chỉ được phát hành các chứng chỉ này khi Thống đốc Ngân hàng chấp thuận)...


Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo
(SMS: 200066 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/6/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11, gồm 6 chương, 41 điều có hiệu lực từ ngày 15/11/2004.
Pháp lệnh quy định: Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; tôn trọng giá trị văn hoá, đạo đức tôn giạ; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân...
Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với UBND xã, phường, thị trấn; trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận...

Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo... được sử dụng ổn định lâu dài...
 

 BỘ Y TẾ


Xuất, nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm
(SMS: 200073 - Không gửi qua fax)
- Ngày 31/5/2004, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2004/TT-BYT, hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người  đến hết năm 2005.
Thông tư này quy định: thuốc thành phẩm nhập khẩu vào Việt
Nam phải có hạn dùng còn lại khi đến cảng Việt Nam tối thiểu là 18 tháng. Đối với thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại khi đến cảng Việt Nam tối thiểu phải là 12 tháng...
Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc phải còn hạn dùng trên 3 năm kể từ ngày đến cảng Việt Nam, đối với nguyên liệu có hạn dùng 3 năm hoặc dưới 3 năm thì ngày về đến cảng Việt Nam không được quá 6 tháng kể từ ngày sản xuất, quy định này không áp dụng đối với dược liệu...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 7/7/2004.