Số 24.2010 (482) ngày 22/06/2010

CHÍNH PHỦ

Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy (SMS: 909/QD-TTg) - Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án này được thực hiện tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước. Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, khuyến khích và huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của quốc tế vào thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thiết bị đo khí thải và các vật tư, phụ kiện thay thế kèm theo để thực hiện việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu cụ thể của Đề án này là trong các năm từ 2010-2013 phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải. Hình thành mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy với ít nhất 100 cơ sở tại Hà Nội và 150 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Đào tạo, tập huấn cho ít nhất 500 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ tại hai thành phố nói trên.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về nguyên tắc 6 dự án thành phần để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án gồm có: hoàn thiện tổ chức, cơ chế tài chính, văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vận động thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; đào tạo, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; tăng cường năng lực phục vụ kiểm tra, kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên đường; quy hoạch mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và phát triển một số cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy của nhà nước; xây dựng hệ thống mạng máy tính, phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Tổng kinh phí Nhà nước cấp để thực hiện dự kiến là 250 tỷ đồng trong thời gian từ 2010 đến 2015.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực (SMS: 68/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/8/2010, việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ. Nghị định này quy định việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về điện lực mà không phải là tội phạm, bao gồm: giấy phép hoạt động điện lực; xây dựng, lắp đặt công trình điện; hoạt động phát điện; hoạt động truyền tải điện; hoạt động phân phối điện; hoạt động bán buôn, bán lẻ điện; quy định về sử dụng điện; quy định về an toàn điện; quy định về điều độ hệ thống điện; quy định về thị trường điện lực. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện; nếu quá thời hạn trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với hành vi vi phạm liên tục, kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi.
Theo Nghị định này, đơn vị bán lẻ điện bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định; phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi. Nghị định này cũng quy định nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người sử dụng điện. Cụ thể, người sử dụng điện sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng) nếu cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện; phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300 ngàn đồng đến 700 ngày đồng) đối với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện. Bổ sung quy định phạt tiền khi người sử dụng điện không thông báo cho bên bán điện trước 05 ngày làm việc khi có nhu cầu tạm ngừng sử dụng điện hoặc trước 15 ngày làm việc khi có nhu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán điện đối với trường hợp mua điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hành vi này cũng bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2010 và thay thế Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.
Chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử (SMS: 67/2010/ND-CP) - Ngày 15/6/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2010/NĐ-CP. Nghị định này quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, cán bộ nói trên có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng thêm một số chế độ khác như: không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ việc trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội; được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp ½ tháng tiền lương. Tiền lương tháng để tính trợ cấp được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu, bao gồm mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Cán bộ theo quy định nói trên chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nếu không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi mà có phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe để tiếp tục công tác thì được cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí vị trí công tác mới thích hợp; trường hợp không bố được vị trí công tác mới thích hợp thì giải quyết cho nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2010. Chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2010. Cán bộ áp dụng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này thì không áp dụng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tin giản biên chế.
Quy chế Hoạt động kiểm soát hạt nhân (SMS: 45/2010/QD-TTg) - Được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kèm theo Quyết định số 45/2010/QĐ-TTg ngày 14/6/2010. Quy chế này quy định việc kiểm soát sử dụng, lưu giữ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn; vật liệu và thiết bị trong chu trình nhiên liệu hạt nhân tại Việt Nam. Theo Quyết định này, hoạt động kiểm soát hạt nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; được tiến hành thường xuyên, liên tục, chặt chẽ và không gây cản trở đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm các hành vi tiếp cận, chiếm giữ, mua, bán, sở hữu, sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, sử dụng bất hợp pháp vật liệu và thiết bị chịu sự kiểm soát hạt nhân; từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch liên quan đến việc sử dụng, lưu giữ, xuất nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu và thiết bị trong chu trình nhiên liệu hạt nhân; cản trở việc kiểm tra, thanh tra hợp pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn khác với quy định tại Quy chế này nhưng có khối lượng lớn hơn hoặc bằng 0,001 kg urani được làm giàu, 0,001 kg plutoni, 01 kg urani nghèo, 01 kg urani tự nhiên hoặc 01 kg thori có trách nhiệm báo cáo thông tin về việc sử dụng, nơi sử dụng vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn và bất cứ thay đổi nào về các thông tin này cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn có khối lượng nhỏ hơn quy định nói trên không phải thực hiện trách nhiệm báo cáo thông tin trừ trường hợp có yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2010.

 
 

BỘ CÔNG THƯƠNG

Sản xuất thiết bị chế biến nông sản được ưu tiên phát triển (SMS: 3129/QD-BCT) - Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký Quyết định số 3129/QĐ-BCT ngày 15/6/2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025. Mục tiêu chung của Quy hoạch này là đến năm 2025 đưa công nghiệp sản xuất thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản của Việt Nam trở thành một ngành có thế mạnh, đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản trình độ tiên tiến của khu vực. Ưu tiên cho phát triển các ngành: thiết bị chế biến lúa gạo, sắn, cà phê, cao su; thiết bị chế biến chè, mía đường, điều, thức ăn chăn nuôi, thiết bị sản xuất cồn nhiên liệu, thiết bị chế biến ván nhân tạo, thủy hải sản.
Chính sách và giải pháp chủ yếu để thực hiện Quy hoạch này là ưu tiên đưa thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản vào chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng năm. Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp để xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế. Doanh nghiệp có doanh thu sản xuất công nghiệp của các sản phẩm thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản tối thiểu bằng 50% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm miễn phí theo Thông tư số 03/2008/TT-BCT ngày 14/3/2008 của Bộ Công thương. Dự án sản xuất thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản sử dụng vốn nhà nước được xem xét, cho áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc giao thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Doanh nghiệp trong nước chế tạo thiết bị chế biến nông - lâm - thủy sản được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Hướng dẫn đăng ký kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu xăng dầu (SMS: 26/2010/TT-BCT) - Việc đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu vừa được Bộ Công thương hướng dẫn tại Thông tư số 26/2010/TT-BCT ngày 14/6/2010. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân sản xuất xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, trước ngày 30/10 hàng năm, thương nhân có đủ điều kiện sản xuất xăng dầu quy định tại Điều 10 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm tiếp theo. Hồ sơ đăng ký gửi đến Bộ Công thương gồm: bốn (04) bản đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu (theo mẫu); một (01) bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tài liệu chứng minh thương nhân có cơ sở sản xuất xăng dầu theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư; tài liệu chứng minh thương nhân có phòng thử nghiệm, đo lường đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thương nhân chỉ được đăng ký nhập khẩu các chủng loại nguyên liệu quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 84/2009/NĐ-CP, phù hợp công suất sản xuất theo giấy phép đầu tư.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để pha chế xăng dầu đăng ký kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu xăng dầu trước ngày 30/10 hàng năm. Hồ sơ đăng ký gửi đến Bộ Công thương gồm: ba (03) bản đăng ký kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu để pha chế xăng dầu (theo mẫu); một (01) bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Thương nhân chỉ được đăng ký nhập khẩu các chủng loại nguyên liệu quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Số lượng nguyên liệu xăng dầu nhập khẩu để pha chế sản phẩm của thương nhân được tính trừ vào hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu Bộ Công thương giao hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2010 và thay thế Thông tư 04/2008/TT-BCT ngày 01/4/2008 của Bộ Công thương hướng dẫn đăng ký kế hoạch sản xuất, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu.
 
 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tài chính quy mô nhỏ(SMS: 15/2010/TT-NHNN) - Ngày 16/6/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 15/2010/TT-NHNN quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Theo Thông tư này, ít nhất mỗi quý một lần, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu quý tiếp theo, tổ chức tài chính quy mô nhỏ thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước. Riêng đối với quý IV, trong thời hạn 15 làm việc đầu tiên của tháng 12, tổ chức tài chính quy mô nhỏ thực hiện việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày 30/11. Đối với các khoản cho vay bằng nguồn vốn tài trợ, ủy thác của bên thứ ba mà bên thứ ba cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm xử lý rủi ro khi xảy ra rủi ro thì tổ chức tài chính quy mô nhỏ không phải trích lập dự phòng rủi ro nhưng phải phân loại nợ theo quy định tại Thông tư này để phản ánh đúng tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng phục vụ cho công tác quản lý rủi ro cho vay.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thanh tra, giám sát việc thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Trường hợp tổ chức tài chính quy mô nhỏ vi phạm quy định tại Thông tư này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức tài chính quy mô nhỏ sẽ bị xử lý theo một hoặc một số hình thức sau: xử phạt vi phạm hành chính; tăng tỷ lệ trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro của các khoản nợ; hạn chế cho vay, hạn chế mở rộng mạng lưới và nội dung hoạt động; đình chỉ hoạt động đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Khách hàng được khoanh nợ tối đa 02 năm(SMS: 14/2010/TT-NHNN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo Thông tư này, trường hợp rủi ro phát sinh trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thường, tổ chức tín dụng cho vay tự xử lý từ nguồn dự phòng rủi ro của mình theo quy định. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, tổ chức tín dụng căn cứ vào mức độ thiệt hại và khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với khách hàng bị thiệt hại nặng khó khăn không trả được nợ ngân hàng đúng hạn. Thời gian khoanh nợ không tính lãi tối đa là 02 năm đối với dư nợ hiện còn của khách hàng tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Số tiền lãi tổ chức tín đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận để tính thuế thu nhập của tổ chức tín dụng.
Khách hàng được vay vốn phải cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn và mục đích vay để phục vụ cho hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh này. Khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn, hợp tác xã, chủ trang trại được vay không có bảo đảm bằng tài sản phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành và phải nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khách hàng vay phải được UBND cấp xã cấp 01 bản chính (duy nhất) giấy xác nhận khách hàng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Các khách hàng chỉ được vay không có bảo đảm tại một tổ chức tín dụng duy nhất và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vay vốn này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
 

BỘ TÀI CHÍNH

Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2011(SMS: 90/2010/TT-BTC) - Ngày 16/6/2010, Bộ Tài chính ra Thông tư số 90/2010/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Theo đó, dự toán thu ngân sách nhà nước phải được xây dựng trên cơ sở bám sát dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; đúng chế độ, chính sách; tính đúng, tính đủ các khoản thu ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát sinh trong năm 2011, trong đó chú ý tính các khoản thu phát sinh năm 2010 nhưng được phép giãn thời hạn nộp, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi thuế. Bên cạnh đó cần đề ra các biện pháp và lộ trình cụ thể để xử lý các khoản nợ thuế, chống thất thu, chốn lậu thuế và gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Cũng theo Thông tư này, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2011 được xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách năm 2001; các quy định của pháp luật về chính sách, chế độ chi tiêu ngân sách hiện hành và yêu cầu kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước dự kiến thực hiện năm 2011. Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các khoản chi theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo kinh phí phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 
 

LIÊN BỘ

Quy định về nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ(SMS: 25/2010/TTLT-BCT-BGTVT-BTC) - Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BCT-BGTVT-BTC ngày 14/6/2010 quy định việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi, loại mới (chưa qua sử dụng).Theo đó,ô tô chở người chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân-Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu nhập khẩu. Cơ quan hải quan chỉ được hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa khi ô tô chở người đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc cấp Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Thời hạn cấp các loại giấy tờ nói trên là 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra xe cơ giới nhập khẩu tại địa điểm kiểm tra đã đăng ký ghi trong Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/7/2010.