Quy chế mới về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (SMS: 534422) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Quy chế này, nhà đầu tư nước ngoài (là tổ chức hoặc cá nhân) muốn góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam phải có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam; mọi hoạt động mua bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều phải thông qua tài khoản này. Ngoài ra còn phải có bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại nơi nhà đầu tư đã đăng ký chứng minh tư cách pháp lý (đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức) hoặc bản sao hộ chiếu còn giá trị (đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân) và tuân thủ những điều kiện khác quy định trong điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật. Việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài có thể được thực hiện dưới các hình thức: mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc phát hành thêm của các công ty cổ phần; mua lại cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần; mua lại phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hoặc góp vốn vào công ty TNHH hai thành viên trở lên để trở thành thành viên mới của công ty này hoặc mua lại toàn bộ số vốn điều lệ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên để trở thành chủ sở hữu mới của công ty TNHH một thành viên; mua lại phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh hoặc góp vốn vào công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn mới. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể mua lại một phần vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc góp vốn với chủ doanh nghiệp tư nhân để chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Cũng theo quy định tại Quy chế này, nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng cổ phiếu để cầm cố trong quan hệ tín dụng và trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; được chuyển sở hữu cổ phiếu, chuyển nhượng phần vốn góp, điều chỉnh vốn đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều lệ của doanh nghiệp. Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2009 và thay thế Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho giáo dục và y tế (SMS: 534462) - Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 18/6/2009 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị giao ban về xây dựng cơ bản cho giáo dục và y tế sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết một số công việc, làm việc với các chủ dự án để phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân việc chậm giải ngân để từ đó đề ra các biện pháp khắc phục và triển khai các dự án còn lại; chậm nhất trước 31/12/2009 phải khởi công xong tất cả các dự án còn lại của kế hoạch năm 2009. Về kế hoạch thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại để hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 30/6/2009; đồng thời giao Bộ Y tế kiểm tra, xem xét đề xuất phương án cụ thể việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện. Để có cơ sở xem xét việc tiếp tục bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện phân bổ xong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2009, trong tháng 9/2009 sẽ rà soát, quyết định việc ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 để thanh toán khối lượng hoàn thành theo quy định. Tăng cường công tác điều hành kinh doanh gạo 6 tháng cuối năm (SMS: 534319) - Ngày 15/6/2009, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 176/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ bàn về hoạt động sản xuất, kinh doanh lương thực. Theo Thông báo này, để công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao trong 6 tháng cuối năm 2009 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 2010, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác điều hành theo chức năng quản lý nhà nước của từng cơ quan và các địa phương. Về nguyên tắc, công tác điều hành các hoạt động liên quan đến tiêu thụ, xuất khẩu gạo phải bám sát yêu cầu, mục tiêu của Chính phủ là tiêu thụ hết và không để tồn đọng gạo hàng hóa, bảo đảm giá có lời cho người trồng lúa và bình ổn giá lương thực hợp lý trong nước. Trước mắt, đối với vụ Hè Thu, trên cơ sở giá thành sản xuất lúa do Bộ Tài chính công bố, Bộ Công thương phối hợp với UBND các tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên thu mua khoảng 02 triệu tấn gạo hàng hóa theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương, UBND các tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường phối hợp tìm kiếm thị trường, khách hàng để đẩy mạnh xuất khẩu với giá hiệu quả nhất; Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải chú trọng tăng cường vai trò cùng các thành viên bàn bạc dân chủ, điều phối, kiểm soát, bảo đảm giá sàn xuất khẩu phù hợp, tránh bị nước ngoài ép giá, điều tiết tiến độ giao hàng phù hợp với nguồn hàng của từng vụ sản xuất để tránh đẩy giá gạo trong nước tăng cao và hỗ trợ các doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đấu tranh chống các rào cản và xử lý các vụ kiện, tranh chấp thương mại liên quan. |
Sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ tài chính khu kinh tế quốc phòng (SMS: 534421) - Ngày 18/6/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 126/2009/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư 97/2005/TT-BTC ngày 09/11/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với khu kinh tế quốc phòng. Theo đó, bãi bỏ việc hỗ trợ kinh phí vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu, cây, con giống từ nơi mua đến các đội sản xuất của công ty để phục vụ sản xuất kinh doanh. Kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học đối với cơ sở chưa được đầu tư trang bị được nâng từ mức từ 50 triệu đồng/lớp theo quy định cũ lên 100 triệu đồng/lớp; trường hợp trường lớp, đồ dùng dạy học đã hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức chi không quá 10 triệu đồng/lớp/năm (gấp đôi so với quy định cũ). Theo Thông tư mới này, kinh phí thực hiện công tác chính sách xã hội như kinh phí mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao khi khám chữa bệnh cho nhân dân đối với đơn vị đóng quân tại địa bàn hiểm trở cách xa trung tâm y tế huyện được chi theo mức thực tế nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/năm đối với bệnh xá dưới 10 giường bệnh, 60 triệu đồng/năm đối với bệnh xá từ 10 đến dưới 20 giường bệnh, 70 triệu đồng/năm đối với bệnh xá, bệnh viện từ 20 giường bệnh trở lên. Thông tư mới cũng bổ sung quy định hỗ trợ doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho lao động là người dân tộc trong thời gian 5 năm kể từ ngày lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các mức hỗ trợ kinh phí quy định tại Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2009. Các quy định khác tại Thông tư số 97/2005/TT-BTC ngày 09/11/2005 của Bộ Tài chính vẫn có hiệu lực thi hành.
Giảm thuế đối với quặng Apatit xuất khẩu (SMS: 534388) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 121/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu từ 10% thành mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là 7% của mặt hàng quặng Apatit thuộc nhóm 2510 quy định tại Danh mục sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm Quyết định số 123/2008/QĐ-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Thông tư này có hiệu lực và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan hải quan sau 45 ngày kể từ ngày ký. |
Quản lý chất lượng kính xây dựng (SMS: 534366) - Ngày 18/6/2009, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BXD quy định công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thiết kế và thi công lắp đặt sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng tại Việt Nam. Theo đó, các loại sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng có khả năng gây mất an toàn phải được kiểm tra và quản lý chất lượng bao gồm: kính kéo, kính nổi, kính cán vân hoa, kính màu hấp thụ nhiệt, kính phủ phản quang, kính tôi nhiệt an toàn, kính dán an toàn nhiều lớp, kính dán nhiều lớp, kính gương tráng bạc bằng phương pháp ướt và các chế phẩm sử dụng kính. Tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hàng hóa này phải thực hiện việc công bố chất lượng phù hợp (công bố hợp quy) với tiêu chuẩn quy định tại Thông tư và phải có hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008 Các sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng nói trên ngoài việc phải thực hiện công bố hợp quy còn phải được đánh giá cấp chứng chỉ chứng nhận hợp quy bởi các tổ chức chứng nhận hợp quy do Bộ Xây dựng chỉ định (danh sách các tổ chức này được đăng tải trên website của Bộ Xây dựng). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2009. Đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ các điều kiện nói trên, được phép tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành nhưng phải khẩn trương kiện toàn tổ chức công nghệ sản xuất, đảm bảo sau 180 ngày kể từ ngày ký Thông tư phải đáp ứng các yêu cầu của Thông tư này. Đối với hàng hóa kính xây dựng đã có hợp đồng xuất, nhập khẩu ký trước ngày ký Thông tư này, được phép tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành cho khối lượng hàng hóa mà hợp đồng đã ký kết trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ký Thông tư; sau thời hạn này, khối lượng còn lại của hợp đồng chưa thực hiện phải tuân thủ đúng các quy định tại Thông tư này.
Không phải xin phép khi xây nhà ở cho sinh viên (SMS: 534315) - Đây là một trong những quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 15/6/2009 hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở và tham gia hoạt động xây dựng các dự án nhà ở trong phạm vi nêu trên. Theo quy định tại Thông tư này, đối với dự án nhà ở sinh viên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư các dự án nhà ở sinh viên tập trung, các dự án nhà ở trong khuôn viên của các cơ sở đào tạo sử dụng vốn ngân sách nhà nước có trong danh mục dự án đã được Bộ Xây dựng tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định các dự án này. Đối với dự án sử dụng các nguồn vốn khác và dự án nhà ở cho công nhân và nhà ở thu nhập thấp thì doanh nghiệp đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án. Thông tư cũng quy định: sau khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công chủ đầu tư được thi công xây dựng công trình mà không phải xin giấy phép xây dựng. Trước khi khởi công xây dựng ít nhất 7 ngày, chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương biết. Đối với các dự án nhà ở sinh viên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư được tự thực hiện dự án khi có đủ điều kiện năng lực hoặc được chỉ định tổ chức tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, cung cấp vật tư thiết bị và thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực để đàm phán trực tiếp và ký kết hợp đồng; đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn khác chủ đầu tư tự thực hiện dự án nếu có đủ điều kiện năng lực hoặc tự quyết định hình thức để lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực thực hiện dự án. Khuyến khích áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu có đủ điều kiện năng lực thực hiện tổng thầu EPC. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2009. |
Quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng lưới tọa độ quốc gia (SMS: 534451) - Ngày 18/6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư số 06/2009/TT-BTNMT ban hành Quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới tọa độ, mã số QCVN 04:2009/BTNMT. Quy chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật trong việc xây dựng lưới tọa độ quốc gia và là một thành phần của chuẩn hệ quy chiếu tọa độ quốc gia, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ ở đất liền, vùng trời và vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi có hoạt động liên quan đến việc xây dựng lưới tọa độ quốc gia. Lưới tọa độ quốc gia là lưới khống chế tọa độ cơ bản, thống nhất trong toàn quốc, phục vụ cho các nghiên cứu khoa học, đo vẽ bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, thành lập cơ sở dữ liệu địa lý và các loại bản đồ chuyên đề khác. Lưới tọa độ quốc gia bao gồm: lưới tọa độ cấp 0, lưới tọa độ hạng I, lưới tọa độ hạng II và lưới tọa độ hạng III khác nhau về độ chính xác, mật độ phân bố điểm, mục đích sử dụng, phương pháp xây dựng và trình tự phát triển của lưới. Lưới tọa độ hạng I là mạng lưới hiện đang tồn tại nhưng không xây dựng lại, do vậy trong phạm vi của Quy chuẩn này chỉ đưa ra các quy định kỹ thuật cụ thể cho lưới tọa độ cấp 0, hạng II và hạng III. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quy phạm Tam giác nhà nước hạng I, II, III và IV của Cục Đo đạc và bản đồ nhà nước ban hành năm 1976.
|