Quản lý chất thải (SMS: 200845 - Không gửi qua fax) - Ngày 21/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành quy hoạch quản lý chất thải rắn theo hướng vùng tỉnh, liên tỉnh, trong đó ưu tiên quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn, xây dựng công trình tái chế chất thải; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy phạm về chất thải rắn; khuyến khích thực hiện xã hội hoá quản lý, xử lý chất thải rắn thông qua cơ chế đấu thầu dịch vụ hay đặt hàng; thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình cho 100% các đô thị được đầu tư xây dựng tái chế chất thải rắn; thu gom, vận chuyển và xử lý 90% tổng lượng chất thải rắn; xử lý 100% chất thải ytế và 60% chất thải công nghiệp... Hiện nay công tác quản lý chất thải rắn tại các khu đô thị và công nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém. Lượng chất thải rắn thu gom mới chỉ chiếm 70% và chủ yếu tập trung ở các khu đô thị, các chất thải nguy hại không được phân loại riêng mà để lẫn với chất thải sinh hoạt. Công nghệ xử lý chất thải chưa hoàn thiện, công trình xử lý chất thải rắn còn manh mún, phân tán, tình trạng thiếu bãi chôn chất thải là tương đối phổ biến...
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất (SMS: 200844 - Không gửi qua fax) - Ngày 20/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, đa dạng và bền vững dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và tăng cường khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm nghề rừng. Một số chỉ tiêu cụ thể: Thời kỳ 2006 - 2010: tốc độ tăng trưởng giá trị nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt bình quân 4 - 4,5%/năm, trong đó thuỷ sản tăng trưởng bình quân: 8 - 9%/năm; Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn: 7,5 - 8%; Cơ cấu kinh tế nông nghiệp: trồng trọt 65%, chăn nuôi 30%, dịch vụ 5%; Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 43 - 44%; Khai hoang mở rộng đất nông nghiệp mối năm 120.000 - 150.000 ha; Kim ngach xuất khẩu đạt 11 tỷ USD... Tầm nhìn 2020: Giá trị sản lượng 1 ha đất nông nghiệp đạt bình quân 50 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 1000 USD/người/năm... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử (SMS: 200843) - Theo Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 20/6/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định: việc thực hiện thí điểm thủ tục hải quan sẽ thông qua 3 giai đoạn: giai đoạn I bắt đầu từ năm 2005, giai đoạn II (từ ngày 01/01/2006 đến ngày 30/8/2006) và giai đoạn 3 (từ tháng 9/2006 đến 02/2007). Sau đó, các cơ quan sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện thí điểm... Việc thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử sẽ bằng các phương tiện điện tử, thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan; hồ sơ hải quan điện tử bảo đảm sự toàn vẹn, có khuôn dạng chuẩn và có giá trị pháp lý như hồ sơ hải quan giấy; thực hiện các quy định về việc người khai hải quan được tự khai, tự nộp thuế và các khoản thu khác. áp dụng hình thức nộp hàng tháng đối với lệ phí làm thủ tục hải quan... Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan trên cơ sở hồ sơ hải quan điện tử do DN gửi tới; quyết định thông quan dựa trên hồ sơ điện tử do DN khai; quyết định việc kiểm tra hải quan dựa trên kết quả phân tích thông tin từ cơ sở dữ liệu của hải quan và các nguồn thông tin khác... Đối với các DN, sẽ khai và thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; tự khai và tự nộp thuế; nộp lệ phí hải quan hàng tháng. Đặc biệt, các DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và trung thực của nội dung đã khai, các chứng từ đã nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan, sự thống nhất về nội dung giữa hồ sơ hải quan giấy và hồ sơ hải quan điện tử... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Đại lý làm thủ tục hải quan (SMS: 18311 - Không gửi qua fax) - Ngày 16/6/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2005/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan. Theo Nghị định, Đại lý hải quan là thương nhân thay mặt chủ hàng thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thoả thuận trong hợp đồng. Để được công nhận là đại lý hải quan, người đăng ký, cơ sở đăng ký phải làm đăng ký kinh doanh; có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc dịch vụ khai thuê hải quan ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ sở đăng ký làm đại lý hải quan cũng phải có ít nhất 1 nhân viên đại lý hải quan và đáp ứng điều kiện nối mạng máy tính với cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử... Cũng theo Nghị định, người làm nhân viên đại lý hải quan phải đáp ứng các điều kiện: là công dân Việt Nam, có bằng từ trung cấp trở lên thuộc các ngành kinh tế, luật và đặc biệt phải có chứng chỉ về nghiệp vụ khai hải quan. Người đã bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm pháp luật hải quan và thuế trong phạm vi 1 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan và công chức, viên chức nhà nước đang tại chức không được làm nhân viên đại lý hải quan... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách thu hồi đất (SMS: 18308 - Không gửi qua fax) - Ngày 15/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/2005/QĐ-TTg về chính sách thu hồi đất sản xuất của các nông trường, lâm trường để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Theo Quyết đinh này, đối với đất sản xuất của nông, lâm trường được giao trước ngày 01/01/1999 khi thu hồi không được bồi thường; Nếu đã chuyển sang thuê đất hoặc được nhà nước cho thuê sau ngày 01/01/1999, đã trả tiền thuê đất cho nhiều năm hoặc cho cả thời hạn thuê, khi thu hồi dược bồi thường chi phí đầu tư... Đối với vườn cây lâu năm, rừng trồng được hình thành từ nguồn vốn vay hoặc từ nguồn vốn đầu tư của hộ gia đình sẽ được bồi thường theo giá trị hiện có của vườn cây, giá trị này không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất... Mức bồi thường bình quân là 5 triệu đồng/ha... Căn cứ để đánh giá giá trị vườn cây, rừng trồng là thực trạng vườn cây, rừng trồng tính theo giá bán ở thị trường địa phương tại thời điểm bàn giao, đồng thời có xem xét giá trị đầu tư thực tế đến thời điểm bàn giao... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Bảo hiểm tương hỗ (SMS: 200847 - Không gửi qua fax) - Ngày 20/6/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2005/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Theo đó, Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép bảo hiểm cho các đối tượng sau đây: Doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề (sản xuất, chế biến, nuôi trồng, chuyên chở, phân phối, lưu thông, cung cấp dịch vụ và tiến hành các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp), có nhu cầu bảo hiểm, có quyền lợi có thể được bảo hiểm và có cùng loại rủi ro gắn liền hay xuất phát từ lĩnh vực, ngành nghề đó... Người lao động, chủ hộ gia đình, chủ xe cơ giới, chủ phương tiện vận chuyển đường thuỷ nội địa, chủ cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có thể tham gia thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ với tư cách là thành viên sáng lập... Tổ chức bảo hiểm tương hỗ không được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ khác hay cho tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài để hưởng hoa hồng tái bảo hiểm... Tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% tổng nguồn vốn thành lập. Phần trách nhiệm vượt quá tỷ lệ 10% nói trên phải nhượng tái bảo hiểm... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý tài chính (SMS: 200846 - Không gửi qua fax) - Ngày 20/6/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 51/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Theo đó, hàng năm Quỹ phải cân đối nguồn vốn và nhu cầu vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; thực hiện kế hoạch hoá các nguồn vốn huy động. Việc huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy động khi đã sử dụng tối đa các nguòn vốn không phải trả lãi hoặc huy động với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, tránh để đọng vốn lớn... Quỹ được quyền thay đổi cơ cấu vốn, tài sản trong phạmvi toàn hệ thống theo quy định để phục vụ cho việc phát triển hoạt động... Quỹ thực hiện tạm trích quỹ dự phòng rủi ro với mức trích tối đa 0,2% trên dư nợ bình quân cho vay đầu tư, nghĩa vụ bảo lãnh đầu tư... Cuối năm, nếu không sử dụng hết quỹ dự phòng rủi ro, số dư được chuyển sang quỹ dự phòng rủi ro...
|
Văn phòng đại diện của Ngân hàng (SMS: 200848 - Không gửi qua fax) - Ngày 16/6/2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 888/2005/QĐ-NHNN ban hành Quy định về việc mở, thành lập và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Ngân hàng thương mại được mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện sau: có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm (trừ trường hợp là sở giao dịch đặt tại trụ sở chính); Được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp loại A (đối với ngân hàng thương mại cổ phần) hoặc đánh giá đảm bảo điều kiện an toàn trong hoạt động ngân hàng (đối với ngân hàng thương mại nhà nước) trong năm trước năm mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện; tỷ lệ nợ xấu (NPL) đến thời điểm mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện dưới 5% tổng dư nợ; Không bị xử phạt hành chính tổng cộng trên 05 triệu đồng về những vi phạm đối với các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 01 năm tính đến thời điểm mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện... Sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại được mở phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng...
|