Số 24.2004 (177) ngày 25/06/2004

 CHÍNH PHỦ


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
(SMS: 17072 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 138/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/6/2004, mức phạt tối đa là 70 triệu đồng đối với các hành vi xuất, nhập khẩu hàng hoá gây hại cho sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...; hành vi vi phạm quy định về khai hải quan mà tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không phải là tội phạm khi xuất cảnh cũng có thể bị phạt mức tối đa này...
Hành
vi làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn có thể bị phạt từ 50.000 đến 2.000.000 đồng...
Vi phạm quy định về mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức 15.000.000 đồng và còn có thể bị tịch thu tang vật vi phạm...
Vi phạm quy định về xuất, nhập khẩu hàng hoá theo loại hình quà biếu bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức 1.000.000 đồng, đồng thời còn bị buộc đưa hàng hoá nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam...
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về khai hải quan khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá là tài sản di chuyển...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử
phạt vi phạm hành chính trên vùng biển và thềm lục địa
(SMS: 17071 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ban hành ngày 16/6/2004, Chính phủ quy định: mức phạt tiền từ 300 đến 500 triệu đồng đối với hành vi của cá nhân, tổ chức nước ngoài xâm phạm các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam sử dụng các loại máy ra đa, máy phát sóng siêu âm, máy quan trắc, máy đo đạc, các khí tài lặn và các loại khác nhằm nghiên cứu, thăm dò, khai thác nguồn lợi dầu khí, các tài nguyên thiên nhiên khác...
Hành vi vi phạm của tàu, thuyền hoạt động nghề cá của nước ngoài đi lại trong vùng biển Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu có các hành vi không thu cất lưới hoặc dụng cụ đánh bắt khác; không đưa về trạng thái bảo quản tất cả các loại máy thăm dò, phát hiện, dụ dẫn cá...
Tàu thuyền nước ngoài neo đậu trái phép trong vùng nội thủy, vùng lãnh hải của Việt Nam; sử dụng các vật liệu nổ trong vùng nội thủy, vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam; gây nhiễu có hại đến các mạng thông tin liên lạc phục vụ cho an toàn cứu nạn trên biển và các mạng thông tin liên lạc khác của Việt Nam; đưa người ra khỏi tàu, thuyền hoặc đưa người xuống tàu, thuyền không theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về xuất, nhập cảnh
có thể bị phạt từ 5 đến 100 triệu đồng...
Thuyền viên không có: đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hàng hải, hộ chiếu, sổ danh bạ... có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Vị trí, chức năng của Thanh tra giao thông vận tải
(SMS: 17070 - Không gửi qua fax)
- Ngày 16/6/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2004/NĐ-CP, về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Thanh tra giao thông vận tải được tổ chức thành hệ thống, ở Trung ương thuộc Bộ Giao thông vận tải, ở địa phương thuộc Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính), thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không theo quy định của pháp luật...
Hệ thống tổ chức của Thanh tra bao gồm các cấp sau: Thanh tra Bộ, Thanh tra của các Cục Thuộc Bộ, Thanh tra Sở và Thanh tra viên,  Cộng tác viên thanh tra...


Khôi phục, phát triển đàn gia cầm
(SMS: 17080)
- Ngày 15/6/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 22/2004/CT-TTg, về tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm.
Thủ tướng chỉ thị: cần tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch và nhanh chóng khôi phục, phát triển sản xuất chăn nuôi gia cầm...
Để cụ thể hoá công tác này, các địa phương cần chủ động kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đã được phân bổ để hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm và khôi phục phát triển sản xuất sau dịch, kể cả việc hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm ở nơi phát hiện gia cầm ốm, chết. Chỉ đạo ngăn chặn ngay từ đầu, nếu có dịch phải bao vây, khống chế kịp thời, không để dịch tái phát...

Đối với các vùng trước đây đã xảy ra dịch bệnh và các vùng có nguy cơ tiềm ẩn dịch, phải tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt như vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn diện, triệt để chuồng trại, phân rác, nơi tiêu huỷ... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình chỉ nuôi trở lại khi đã bảo đảm vệ sinh thú y và thời gian quy định; nếu phát hiện có gia cầm ốm chết thì phải báo cáo kịp thời cho cơ quan thú y và tiến hành tiêu huỷ theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn giải ngân
(SMS: 200059)
- Ngày 23/6/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2004/TT-BTC, Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 86/1999/TT-BTC về hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với vốn tín dụng của Ba Lan cho Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tầu thủy Việt Nam.
Thông tư này sửa đổi như sau: đối với nguồn tín dụng 70 triệu USD, Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, thực hiện cấp phát cho VINASHIN trị giá tối đa 7,965 triệu USD để thực hiện Dự án "Bể thử mô hình tầu thuỷ" (quy định trước đây: VINASHIN được vay toàn bộ nguồn tín dụng 70 triệu USD này)...
Số tiền còn lại: 62,035 triệu USD, VINASHIN được vay để thực hiện Chương trình này...
Việc thanh toán từ nguồn vốn tín dụng (90% trị giá hợp đồng) được thực hiện sau 60 ngày kể từ ngày phát hành chứng từ Certificate of Receipt hoặc Bill of Lading/Airway Bill... (quy định trước đây: phải xuất trình: các hợp đồng thương mại sử dụng tín dụng Ba Lan ký với các Người bán hoặc Người chế tạo Ba Lan)...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng trên Công báo.


Đối tượng áp dụng Thông tư số 118/2003/TT-BTC
(SMS: 200056)
- Theo Công văn số 6646/TC/CST ra ngày 16/6/2004, Bộ Tài chính thông báo: bổ sung hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ các nước Băng La Đét và Pê Ru thuộc đối tượng được áp dụng Thông tư số 118/2003/TT-BTC... Thông báo này có hiệu lực thi hành và áp dụng cho tất cả các tờ khai hàng hóa nhập khẩu nộp cho cơ quan Hải quan từ ngày 7/6/2004...
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy chế hoạt động cho thuê vận tải
(SMS: 17069 - Không gửi qua fax)
- Theo Quyết định số 731/2004/QĐ-NHNN ban hành ngày 15/6/2004, ban hành Quy chế tạm thời về hoạt động cho thuê vận hành của các Công ty cho thuê tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: điều kiện để 01 Công ty cho thuê tài chính được hoạt động trong lĩnh vực này như sau: có thời han hoạt động tối thiểu là 2 năm kể từ ngày chính thức khai trương hoạt động; hoạt động kinh doanh có lãi; tỷ lệ nợ quá hạn tại thời điểm cuối quý trước dưới 5%; phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động cho thuê vận hành, như: kho bãi, bảo dưỡng đối với tài sản cho thuê...
Hồ sơ xin phép phải nêu rõ: phương án hoạt động cho thuê vận hành, trong đó nêu rõ sự cần thiết, nhu cầu về hoạt động và nghiên cứu thị trường; nội dung hoạt động; kế hoạch hoạt động trong 3 năm đầu...
Tổng giá trị của tài sản sử dụng cho thuê vận hành đối với 1 khách hàng không được vượt quá 30% vốn tự có của Công ty...

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Bãi bỏ giấy chấp thuận về an toàn lao động
(SMS: 200058)
- Theo Công văn số 1936/LĐTBXH-TTR ra ngày 17/6/2004, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hướng dẫn: các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế tạo máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động không phải có chấp thuận của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng phải thực hiện việc kiểm định và đăng ký tại cơ quan lao động địa phương...
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Thủ tục kiểm hoá, giám sát hải quan
(SMS: 200057)
- Trước dư luận phản ảnh thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan tại một số cửa khẩu còn rườm rà, chậm trễ, tiêu cực, ngày 15/6/2004, Tổng cục Hải quan đã ra Công văn số 2719/TCHQ-GSQL, yêu cầu Cục trưởng hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện ngay một số quy định sau đây: khi kiểm tra thực tế hàng hoá không nhất thiết trường hợp nào công chức hải quan cũng phải mở kiện hàng để kiểm tra (kiểm tra thủ công), mà thực hiện theo trình tự: Nếu có máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật kiểm tra (ví dụ máy soi, cân...) thì trước hết phải sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật đó để kiểm tra. Nếu bằng máy móc, thiết bị phương tiện kỹ thuật đã xác định được nội dung cần kiểm tra thì không phải mở hàng kiểm tra trực tiếp nữa...
Đối với hàng xuất khẩu: chủ hàng đưa thẳng hàng vào bàn giao cho giám sát kho, bãi, (trường hợp lô hàng đã làm xong thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, kể cả trường hợp miễn kiểm tra) hoặc vào bãi tập kết hàng chờ làm thủ tục tiếp (trường hợp lô hàng đưa tới cảng để làm thủ tục xuất khẩu), không phải làm thủ tục gì tại cổng cảng...