Xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới (SMS: 534244) - Ngày 10/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức, cá nhân). Nghị định quy định các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, gia đình. Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; nếu quá thời hạn này thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối thiểu là 200 ngàn đồng, tối đa là 40 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung gồm có: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt nói trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; buộc chịu mọi chi phí khám chữa bệnh hợp lý trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần... Người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2009.
Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia từ 2009-2020 (SMS: 534104) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 - 2020 với mục tiêu chiến lược là trực tiếp hỗ trợ việc thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, đạt 100% các yêu cầu về: tỷ lệ dân cư đô thị được tiếp cận với nước sạch, có nhà vệ sinh kết nối với bể tự hoại, chất thải rắn được thu gom đến nơi quy định, nhà xây tại các khu vực không bảo đảm an toàn và không phù hợp cho sinh sống của người dân được di dời, cải thiện điều kiện nhà ở. Theo Quyết định nói trên, phạm vi nâng cấp được triển khai tại các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc, tập trung cải tạo nâng cấp các khu dân cư thu nhập thấp và các khu vực đô thị chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, về nhà ở và khu vực dự báo đến năm 2020 có mật độ xây dựng cao. Kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn huy động trong nước và quốc tế khác. Trong đó lựa chọn một số đô thị ưu tiên lập dự án nâng cấp đô thị giai đoạn từ năm 2009 đến 2015 từ nguồn vốn ODA, đặc biệt là nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới theo kế hoạch cụ thể; từ sau năm 2015 giảm dần nguồn vốn vay ODA, huy động đa dạng các loại nguồn vốn khác. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5/2009 (SMS: 534102) - Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 08/6/2009 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2009, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, trong những tháng tiếp theo cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tập trung hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, chính sách tài chính, tiền tệ, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, hỗ trợ phát triển chính thức, có khả năng hoàn thành trong năm 2009-2010; đặc biệt chú trọng thúc đẩy nhanh các chương trình, mục tiêu trọng điểm như ký túc xá sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp ở thành thị và người nghèo ở nông thôn… Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tận dụng thời cơ để thúc đẩy xuất khẩu và khai thác thị trường mới; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nhập siêu năm 2009 không vượt quá mức 20% so với tổng kim ngạch xuất khẩu; tổ chức tốt thị trường nội địa, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại cơ chế xuất khẩu gạo, làm rõ những mặt được và những mặt hạn chế của cơ chế xuất khẩu gạo hiện hành để có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát huy những hoạt động tốt của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát kỹ các thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, xem xét, quyết định cho vay, trong đó cần tập trung cho các tổ chức, cá nhân vay vốn kích cầu bao gồm: cho vay hỗ trợ lãi suất vốn lưu động, vốn trung, dài hạn đầu tư mới để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn. Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hoàn chỉnh dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. |
Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu (SMS: 534215) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 119/2009/TT-BTC ngày 10/6/2009 điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710 quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, mặt hàng nhiên liệu đốt khác (mã 2710-19.79.00) thuế suất giảm từ 30% xuống còn 25%; loại khác (mã 2710-19.90.00) thuế suất giảm từ 40% xuống còn 25%. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 12/6/2009. Bãi bỏ Thông tư số 108/2009/TT-BTC ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Thủ tục cấp phép nhập khẩu ô tô đang sử dụng (SMS: 534262) - Ngày 09/6/2009, Bộ Tài chính có Thông tư số 118/2009/TT-BTC hướng dẫn việc nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương được nhập khẩu 01 chiếc xe ô tô cá nhân đang sử dụng. Xe ô tô đang sử dụng phải được đăng ký sử dụng ở nước định cư hoặc nước mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) trước thời điểm hoàn tất thủ tục cấp sổ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng bao gồm: đơn đề nghị nhập khẩu xe ô tô có xác nhận địa chỉ cư trú của chính quyền địa phương; hộ chiếu hoặc giấy thông hành hồi hương có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu; sổ hộ khẩu do cơ quan công an Việt Nam cấp; giấy đăng ký xe ô tô đang lưu hành hoặc giấy hủy đăng ký xe ô tô tại nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp hoặc nước mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc cấp; vận tải đơn. Cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ để cấp, quản lý giấy phép nhập khẩu xe ô tô theo quy định hiện hành cho người được phép hồi hương có địa chỉ cư trú trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi cục hải quan tỉnh, thành phố đóng trụ sở chính. Trường hợp người được phép hồi hương có địa chỉ cư trú trên địa bàn tỉnh, thành phố không có tổ chức hải quan thì người hồi hương liên hệ với cục hải quan tỉnh, thành phố thuận tiện để được cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 27/2001/TTLT/BTM-TCHQ ngày 06/12/2001 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) và Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô của một số đối tượng theo đường phi mậu dịch và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Cơ chế tài chính và biên chế của ngành thuế (SMS: 534125) - Ngày 05/6/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 116/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với ngành thuế năm 2009 và 2010. Theo Thông tư này, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của ngành thuế phải đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các khoản thu nội địa, hoàn thành nhiệm vụ thu thuế cho ngân sách nhà nước. Biên chế của ngành thuế được xác định trong phạm vi tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu biên chế cho ngành thuế trên cơ sở chủ động tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý và sử dụng lao động theo đúng chủ trương tinh thần giảm biên chế của Nhà nước; Tổng cục trưởng Tổng cục thuế chủ động tổ chức, quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của Bộ Tài chính. Ngoài số biên chế được giao, ngành thuế được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Về kinh phí bảo đảm hoạt động của ngành thuế, Thông tư quy định là 1,8% trên dự toán thu được Quốc hội thông qua do ngành thuế tổ chức thực hiện trong dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm. Trường hợp số thu do ngành thuế tổ chức thực hiện hàng năm tăng, giảm so với dự toán thu được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Khi nhà nước thay đổi chính sách, chế độ, ngành thuế tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách, chế độ mới. Ngoài mức kinh phí được giao nói trên, ngành thuế còn được sử dụng các nguồn kinh phí sau: kinh phí ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ quản lý khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chương trình của nhà nước, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác của Chính phủ ngoài nhiệm vụ thường xuyên của ngành thuế, thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ quy định; các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và được áp dụng cho các năm ngân sách 2009, 2010. Bãi bỏ Thông tư số 54/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 107/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Thuế giai đoạn 2005 - 2007. |
Phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ (SMS: 534214) - Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 08/6/2009 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025 với quan điểm là phát triển ngành công nghiệp này phù hợp với chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, ưu tiên trước hết cho phát triển các ngành điện, xi măng, alumina-nhôm và tham gia chế tạo thiết bị cấp, thoát nước. Theo Quyết định này, định hướng phát triển của ngành công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ là phát triển các tổ chức tư vấn thiết kế trên cơ sở kết hợp lực lượng tư vấn chuyên ngành với tư vấn công nghệ cao, có khả năng thực hiện toàn bộ công việc tư vấn thiết kế và quản lý dự án; xây dựng một số viện nghiên cứu có khả năng đảm nhận công việc tổng thầu thiết kế trong một số chuyên ngành. Về đầu tư, ở miền Bắc đầu tư chế tạo thiết bị đồng bộ cho ngành xi măng, nhiệt điện, thủy điện; miền Trung đầu tư chế tạo thiết bị đồng bộ cho ngành alumina-nhôm, thủy điện và một số thiết bị cho điện hạt nhân, nhiệt điện và lọc hóa dầu; miền Nam đầu tư vào chế tạo thiết bị đồng bộ cho ngành hóa dầu, nhiệt điện; đầu tư mới và đầu tư chiều sâu với công nghệ tiên tiến để chế tạo thiết bị đồng bộ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu nội địa vào năm 2015, 80% nhu cầu vào năm 2025. Để thực hiện những nội dung nói trên, một số giải pháp về thị trường, về đầu tư, khoa học và công nghệ, về phát triển nguồn nhân lực…cũng được đề cập tại Quyết định này. Cụ thể như việc áp dụng các quy định phi thuế quan ở mức cao nhất nhằm bảo hộ hợp lý thị trường cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục quy hoạch, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chế tạo thiết bị đồng bộ…Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
|
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tư pháp (SMS: 534199) - Ngày 10/6/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Chỉ thị số 01/CT-BTP về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tư pháp giai đoạn 2009 - 2010. Theo Chỉ thị này, Bộ trưởng Tư pháp giao các đơn vị thuộc Bộ, sở tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác của ngành, nhất là công tác thi hành dân sự; kiểm tra, hệ thống hóa, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; đăng ký giao dịch bảo đảm; công chứng; chứng thực; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; giám định tư pháp; quản lý cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo áp dụng thống nhất và thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành công tác trong toàn ngành. Đồng thời cung cấp, cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Bộ, nhất là các trang thông tin về văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, hướng dẫn nghiệp vụ, hỏi đáp pháp luật, dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm công. Bộ trưởng Tư pháp cũng yêu cầu các đơn vị nói trên tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay thế cho các văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; từng bước chuyển sang làm việc dựa trên văn bản điện tử và môi trường mạng; khai thác triệt để các ứng dụng của phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử được cấp, các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng mạng internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn. Phấn đấu đến hết năm 2010 đạt tỷ lệ 100% cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ, các sở tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự TP trực thuộc trung ương; 80% cán bộ, công chức của các sở tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh và quận; 60% cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án huyện sử dụng thành thạo hộp thư điện tử phục vụ công việc chuyên môn; 100% các đơn vị thuộc Bộ, 40% các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, TP trực thuộc trung ương sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng.
|
Hướng dẫn thu - chi bảo hiểm thất nghiệp (SMS: 534077) - Theo hướng dẫn tại Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 về thu - chi bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hàng tháng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, đơn vị sử dụng lao động (gọi tắt là đơn vị) đóng số tiền bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trích 1% tiền lương, tiền công của từng người lao động để đóng cùng với bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước nơi đơn vị đóng trụ sở. Nếu đơn vị là doanh nghiệp sản xuất (nuôi, cấy, trồng trọt…) thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện trả tiền lương, tiền công cho người lao động theo mùa vụ hoặc theo chu kỳ sản xuất mà đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo định kỳ (quý hoặc 6 tháng một lần) thì đóng BHTN theo định kỳ đó. Cũng theo Công văn này, người lao động có nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 12 tháng trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHTN cùng với nơi đang đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc. Trường hợp được cử đi học, thực tập, công tác, nghiên cứu, điều dưỡng ở trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị thì người lao động và đơn vị vẫn phải đóng BHTN theo mức tiền lương, tiền công trước khi đi. Người lao động có thời gian ngừng việc trên 14 ngày trong tháng hoặc nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định mà không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị thì cả người lao động và đơn vị không phải đóng BHTN; thời gian không đóng BHTN này không được tính để hưởng trợ cấp BHTN khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
|