Số 23.2007 (328) ngày 15/06/2007

 CHÍNH PHỦ


Xử lý vi phạm lĩnh vực thuế
(SMS: 500216)
- Ngày 07/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2007/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Theo đó, phạt tiền từ 200.000 đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi sau: không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra thuế ... quá thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày phải chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; từ chối, trì hoãn, trốn tránh cung cấp hồ sơ, tài liệu... liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tại trụ sở người nộp thuế…
Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế mức phạt tiền sẽ gấp từ 1 đến 3 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế…
Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan Kho bạc không thực hiện trách nhiệm trích chuyển từ tài khoản của người nộp thuế (vi phạm thuế) vào tài khoản của Ngân sách nhà nước cũng bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm. Tổ chức, cá nhân có hành vi thông đồng bao che người nộp thuế, trốn thuế... thì tùy theo tính chất vi phạm mà bị phạt tiền từ 2 đến 8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi hoặc khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không chấp hành quyết định xử phạt, không thanh toán chi phí cưỡng chế sẽ bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan có thẩm quyền phải trả lại cho người, tổ chức bị cưỡng chế số tiền chênh lệch…
Ngoài ra, còn cho phép cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ…
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007.


Xử phạt vi phạm lĩnh vực hải quan
(SMS: 500197)
- Ngày 07/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, hành vi trốn thuế, gian lận thuế hàng hóa xuất nhập khẩu, mức phạt tiền là từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, gian lận; đối với hành vi khai thiếu nghĩa vụ thuế hoặc khai tăng số thuế được miễn, giảm, được hoàn thì mức phạt tiền là 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền khai tăng thuế được hoàn. Mức phạt tiền là 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế nộp chậm đối với hành vi chậm nộp tiền thuế. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính khác về thủ tục thuế là 100 triệu đồng…
Hành vi xúc phạm danh dự hoặc cản trở cán bộ hải quan đang thi hành công vụ, bị phạt tiền từ 01 đến 03 triệu đồng (quy định trước đây: từ 500.000 đến 1.000.000 đồng). Các hành vi đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại cán bộ hải quan đang thi hành công vụ mà không phải là tội phạm bị phạt tiền từ 03 đến 5 triệu đồng (quy định trước đây từ 01 đến 03 triệu đồng)…

Sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành trong thời gian quy định các quyết định hành chính bao gồm: Thông báo về số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp, thông báo ấn định thuế, thông báo số tiền thuế phải nộp lại do được hoàn cao hơn, các quyết định khác về xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực hải quan…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2007.


Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh
(SMS: 500207)
- Theo Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ban hành ngày 06/6/2007, Chính phủ quy định: vốn pháp định của doanh nghiệp điện ảnh để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là 01 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất phim thành lập và hoạt động trước ngày 01/01/2007 phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành…
Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim có quy mô nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động phải đăng ký kinh doanh và phải có địa điểm sử dụng hợp pháp, có trang thiết bị để kiểm tra nội dung, chất lượng kỹ thuật phim…
Cơ sở điện ảnh khi sản xuất phim được ưu đãi về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp xây dựng rạp chiếu phim để kinh doanh phổ biến phim hoặc xây dựng công trình hoạt động điện ảnh khác được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, cơ sở điện ảnh còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định…
Các rạp phải chiếu phim trong các đợt phim kỷ niệm ngày lễ của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại… Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam bảo đảm đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu tại rạp, trong tỷ lệ đó, phim Việt Nam phải được chiếu vào khoảng thời gian từ 18-22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác. Trên hệ thống truyền hình, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim. Đối với phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi, thời lượng phát sóng phải đạt ít nhất 5% so với tổng số thời lượng phát sóng phim…
Cấm những hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước, miệt thị dân tộc, tôn giáo; những hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái hay hành vi đặt tên phim gây phản cảm, thô tục...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch
(SMS: 500206)
- Theo Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ban hành ngày 01/6/2007, Chính phủ quy định: Doanh nghiệp du lịch nước ngoài muốn mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam phải là doanh nghiệp du lịch được pháp luật nước sở tại công nhận hợp pháp và phải hoạt động kinh doanh du lịch ít nhất 5 năm, kể từ khi được thành lập. Khi đã mở văn phòng đại diện, người đứng đầu chi nhánh văn phòng không được kiêm nhiệm chức vụ đứng đầu văn phòng đại diện của cùng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoặc đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của một doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam…
Doanh nghiệp chỉ được sử dụng người có thẻ hướng dẫn viên quốc tế để hướng dẫn khách du lịch là người nước ngoài. Người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa ngoài việc có bằng cấp, nghiệp vụ thì không mắc các bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện cũng là yếu tố bắt buộc…
Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực lữ hành ít nhất là 03 năm (đối với kinh doanh lữ hành nội địa); 04 năm (kinh doanh lữ hành quốc tế) về các lĩnh vực  quản lý hoạt động lữ hành như: quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng và điều hành chương trình du lịch hoặc nghiên cứu, giảng dạy về lữ hành, hướng dẫn du lịch. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, phải ký quỹ 250 triệu đồng, tiền ký quỹ được sử dụng để bồi thường cho khách du lịch trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đối với khách du lịch, giải quyết rủi ro đối với khách du lịch không mua bảo hiểm du lịch…
Khu du lịch có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt với diện tích tối thiểu là 1000 ha và đáp ứng khả năng phục vụ ít nhất 01 triệu khách du lịch/năm sẽ được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy trình vận hành hồ thuỷ điện
(SMS: 500205)
- Ngày 01/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2007/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà trong mùa lũ hằng năm để phục vụ chống lũ và phát điện.
Theo đó, trước khi hồ Hòa Bình, Tuyên Quang xả lũ mà dự kiến có thể làm dâng mực nước sông Đà tại thị xã Hòa Bình, mực nước sông Lô tại thị xã Tuyên Quang vượt quá mức quy định thì Giám đốc các Công ty thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang phải thông báo cho UBND và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang biết trước từ 6 đến 10 giờ tính đến thời điểm mực nước đạt tới mức quy định (hồ Hòa Bình là +24 mét, hồ Tuyên Quang là +27 mét) để các tỉnh này có đủ thời gian sơ tán dân, đồng thời phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương…
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương có trách nhiệm tổ chức thường trực, theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, tính toán các phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du và nâng cao hiệu quả phát điện…
Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái và các tỉnh, thành phố có liên quan khi nhận được lệnh đóng, mở cửa xả các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phải triển khai ngay các biện pháp đối phó phù hợp với từng tình huống nhằm hạn chế tác hại do việc đóng, mở các cửa xả gây ra.
Trước 15 giờ hằng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Công ty thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà các số liệu, trị số khí tượng thủy văn thực đo, dự báo, báo cáo tình hình thời tiết 24 giờ qua và nhận định xu thế diễn biến thời tiết 48 giờ tới. Các Công ty thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Bộ Công nghiệp về trạng thái làm việc của công trình mỗi ngày một lần vào lúc 7 giờ sáng trong suốt mùa lũ. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện không đúng theo quy định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về thoát nước đô thị và khu công nghiệp
(SMS: 500194)
- Theo Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ban hành ngày 28/5/2007, Chính phủ quy định: nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, từ các hộ thoát nước đơn lẻ xả ra nguồn tiếp nhận cũng như nước thải từ các hộ thoát nước xả vào hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp phải bảo đảm các quy chuẩn môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định…
Đối với các khu công nghiệp, đô thị mới hình thành, phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng. Các đô thị đã có hệ thống thoát nước thì tùy điều kiện cụ thể của từng đô thị để nghiên cứu tổ chức quy hoạch thoát nước chung, riêng hoặc nửa riêng…
Tất cả các hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát nước có nghĩa vụ trả phí thoát nước theo quy định. Phương án tính phí thoát nước được xác định trên nguyên tắc hướng tới thu hồi chi phí để duy trì  dịch vụ thoát nước mưa và nước thải. Trường hợp sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải thu phí được lấy bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ tính theo hóa đơn tiền nước. Nếu không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải tính thu phí được lấy bằng 4m3/người/tháng…
Việc thiết kế và xây dựng các điểm xả phải bảo đảm chống xâm nhập ngược từ nguồn tiếp nhận và ngập úng đô thị. Các đơn vị thoát nước có trách nhiệm quản lý cao độ mực nước các hồ điều hòa, kênh mương, thoát nước và các cống chính, cống thu gom nước thải, nước mưa…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài
(SMS: 500200)
- Ngày 11/6/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2007/TT-BTC quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
Theo đó, cơ quan, đơn vị đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cần tận dụng nhà khách, phương tiện đi lại và cơ sở vật chất sẵn có để phục vụ khách. thực hành tiết kiệm trong việc chi tiêu tiếp khách đến công tác, làm việc; mọi khoản chi tiêu, tiếp khách đến làm việc phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định và thực hiện công khai. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại rượu, bia ngoại để chiêu đãi, tiếp khách. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức tiếp khách phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra việc chi tiêu sai quy định…
Thông tư hướng dẫn các mức chi cụ thể trong việc tiếp đón: Khách đặc biệt, Khách hạng A, Khách hạng B, Khách hạng C và Khách mời quốc tế khác…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Quy chế Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart)
(SMS: 500198)
- Theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BKHCN ban hành ngày 12/6/2007, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định: Techmart chỉ được tổ chức khi đáp ứng các điều kiện sau: Có số lượng gian hàng và công nghệ, thiết bị đăng ký tham gia giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị đạt trên 60% số lượng dự kiến trong Đề án tổ chức Techmart; Cơ quan tổ chức Techmart gửi Báo cáo tổng kết Techmart và các hoạt động tiếp nối sau Techmart đã tổ chức (nếu có) về Bộ Khoa học và Công nghệ…
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giao dịch mua bán tại Techmart: Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và quyền chuyển giao công nghệ; Giao dịch mua bán công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao hoặc giao dịch trái phép các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; Gian lận, lừa dối trong giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị, dịch vụ chuyển giao công nghệ…
Về quy mô: Techmart Việt Nam tổ chức ở quy mô cả nước, đa ngành có tối thiểu 200 gian hàng chuẩn và 1.000 công nghệ, thiết bị; quy mô cả nước, chuyên ngành có tối thiểu 150 gian hàng chuẩn và 500 công nghệ, thiết bị; quy mô vùng, đa ngành có tối thiểu 100 gian hàng chuẩn và 350 công nghệ, thiết bị…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy chế thành lập ngân hàng cổ phần
(SMS: 500199)
- Ngày 07/6/2007, Thống đốc Nhân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ban hành Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, để được cấp phép thành lập, ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về vốn điều lệ trong từng thời kỳ. Từ nay tới cuối 2008, quy định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, sau ngày 31/12/2008, tất cả các ứng viên phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn góp thành lập ngân hàng phải là nguồn thuộc sở hữu của cổ đông, không được sử dụng tiền vay dưới mọi hình thức và các tổ chức, cá nhân góp vốn phải cam kết trước pháp luật về nguồn tài chính này…
Các nhà đầu tư nước ngoài không được phép góp vốn thành lập ngân hàng mới, mà chỉ được mua cổ phần của các ngân hàng nội địa đã hoạt động tối thiểu là 2 năm, với một hạn mức nhất định, không quá 30%.
Một ngân hàng muốn thành lập phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia, trong đó ít nhất 3 cổ đông sáng lập là tổ chức có quy mô tài sản từ 2.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên. Trong trường hợp cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại, phải đảm bảo tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Các cổ đông không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 3 năm kết từ khi được cấp phép thành lập. Riêng các cổ đông sáng lập, chỉ được phép chuyển nhượng lẫn nhau trong thời gian 5 năm kể từ khi ngân hàng được cấp phép…
Mỗi cổ đông pháp nhân (tổ chức) và người có liên quan chỉ được phép sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ. Nếu là cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu của cá nhân đó và những người có liên quan không quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong trường hợp sở hữu vượt tỷ lệ cho phép, phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở lợi ích quốc gia…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.