Số 23.2006 (277) ngày 16/06/2006

 CHÍNH PHỦ


Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện
(SMS: 201658)
- Ngày 12/6/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục 23 loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, 8 loại hạn chế kinh doanh và 92 loại kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, 23 loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh bao gồm: vũ khí dân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; các chất ma túy; hóa chất bảng 1 theo Công ước quốc tế; các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan; các loại pháo; đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bao gồm cả các chương trình trò chơi điện tử; khoáng sản đặc biệt, độc hại; phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường; dịch vụ kinh doanh mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em; hoạt động môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời;...
8 loại hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh bao gồm: hàng hóa có chứa chất phóng xạ, thiết bị phát bức xạ hoặc nguồn phóng xạ; vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amôn hàm lượng cao từ 98,5% trở lên; hóa chất bảng 2 và bảng 3; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuộc lá thành phẩm khác; rượu các loại; dịch vụ karaoke, vũ trường;...
Trong số 92 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì có 31 loại được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Cụ thể là: xăng, dầu; khí đốt; thuốc dùng cho người; di vật, bảo vật quốc gia; dịch vụ y tế, dịch vụ y, dược cổ truyền; dịch vụ truy nhập và kết nối Internet; các dịch vụ bảo hiểm; các dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; dịch vụ lữ hành quốc tế;...
61 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gồm có: phân bón, vật liệu xây dựng; giống cây trồng quý hiếm cần bảo tồn; thức ăn nuôi thủy sản; dịch vụ giết mổ, sơ chế động vật; đại lý dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư; đại lý dịch vụ Internet công cộng; dịch vụ dạy nghề, giới thiệu việc làm; dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa; dịch vụ lưu trú du lịch; dịch vụ giám định thương mại;...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thương mại điện tử
(SMS: 201653)
- Theo Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ban hành ngày 09/6/2006, Chính phủ quy định: chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như văn bản nếu thông tin chứa trong chứng từ điện tử đó có thể truy cập được để sử dụng khi cần thiết...
Chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc nếu thoả mãn 02 điều kiện: có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là chứng từ điện tử hay dạng khác; Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Chứng từ điện tử được coi là chữ ký của một bên nếu đã sử dụng một phương pháp để xác nhận được bên ký chứng từ điện tử và xác nhận sự chấp thuận của bên đó đối với thông tin chứa trong chứng từ điện tử được ký...
Trong trường hợp thông qua các hệ thống thông tin, một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và bên được đề nghị có thể tiếp cận được đề nghị đó thì trong khoảng thời gian hợp lý bên đưa ra đề nghị phải cung cấp cho bên được đề nghị chứng từ điện tử hoặc các chứng từ liên quan khác chứa những nội dung của hợp đồng. Các chứng từ này phải thoả mãn điều kiện lưu trữ và sử dụng được...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi
(SMS: 201655)
- Ngày 12/6/2006, Bộ trưởng Bộ tài chính đã ban hành Quyết định số 35/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Danh mục hàng  hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho năm 2006 để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc.
Theo đó, mặt hàng gia cầm sống, gồm các loại gà thuộc loài Gallus Domesticus, vịt ngan, ngỗng, gà tây, gà lôi (gà Nhật Bản) áp dụng mức thuế suất là 5%...
Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của gà thuộc loài Gallus Domesticus và gà tây áp dụng mức thuế suất 20%...
Trứng chim và trứng gia cầm nguyên vỏ, tươi để làm giống mức thuế suất là 0%.
Máy tính cầm tay, máy tính xách tay: 10%.
Động cơ điện và máy phát điện và máy phát điện: 25%...
Xe ôtô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người, kể cả xe chở người có khoang hành lý riêng và ôtô đua: 50%...
Môtô và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ: 90%...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 01/01/2006.


Thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
(SMS: 201657)
- Ngày 12/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc.
Theo đó, trường hợp Bộ Tài chính có văn bản thông báo mức thuế suất thuế nhập khẩu tại nước xuất khẩu để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục ST của nước xuất khẩu đó nhỏ hơn hoặc bằng 10%, thì thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng là mức thuế suất ACFTA của Việt Nam hoặc mức thuế suất ACFTA của nước xuất khẩu, tùy theo mức thuế suất nào cao hơn thì áp dụng.
Trường hợp Bộ Tài chính không có văn bản thông báo mức thuế suất ACFTA của nước xuất khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc danh mục ST của nước xuất khẩu đó nhỏ hơn hoặc bằng 10%, thì thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng là mức thuế suất MFN.
Nếu doanh nghiệp chọn áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá thì khi nhập khẩu chi tiết hoặc cụm chi tiết không đồng bộ, doanh nghiệp phải áp dụng chung một mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá cho toàn bộ danh mục các chi tiết hoặc cụm chi tiết nhập khẩu mặc dù trong danh mục có những chi tiết đủ điều kiện áp dụng theo mức thuế suất ACFTA.
Trường hợp doanh nghiệp chọn áp dụng mức thuế suất ACFTA thì những chi tiết hoặc cụm chi tiết không đồng bộ có đủ điều kiện áp dụng theo mức thuế suất ACFTA thì được áp dụng theo mức thuế suất ACFTA; những chi tiết và cụm chi tiết còn lại áp dụng theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường.
Khi nhập khẩu bộ linh kiện ôtô dạng CKD, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ được áp dụng mức thuế suất ACFTA theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô quy định tại Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 01/01/2006.


Ưu đãi thuế
(SMS: 19669)
- Ngày 07/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Theo đó, nhà thầu (bao gồm cả nhà thầu chính và nhà thầu phụ) trong nước và nước ngoài tham gia thực hiện gói thầu của dự án được miễn nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hoá để tạo tài sản cố định cho dự án...

Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất
được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức hoạt động sản xuất kinh doanh; Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo...
T
hông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Thanh tra, kiểm tra tài chính
(SMS: 19664)
- Ngày 06/6/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 32/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính.
Theo đó, trường hợp các đơn vị có điều chỉnh kế hoạch hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng phải đảm bảo tránh chồng chéo về đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra. Cấp nào có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch và quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất...
Đoàn thanh tra, kiểm tra không được tự ý mở rộng nội dung, đối tượng và kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra. Trường hợp cần thiết phải được người ký quyết định thanh tra, kiểm tra có quyết định bổ sung theo quy định của pháp luật.
Đoàn thanh tra, kiểm tra sau kế thừa kết quả của Đoàn thanh tra, kiểm tra trước. Chỉ thanh tra, kiểm tra những nội dung mà Đoàn thanh tra, kiểm tra trước chưa có kết luận xử lý hoặc kết luận xử lý chưa đúng. Trước khi kết luận xử lý lại, phải trao đổi với Đoàn thanh tra, kiểm tra trước đã kết luận...
Báo cáo kết quả thanh tra phải được thông qua các thành viên Đoàn thanh tra. Trưởng Đoàn thanh tra chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung báo cáo kết quả thanh tra...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế tài chính công ty TNHH một thành viên
(SMS: 201656)
- Ngày 06/6/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 49/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 58/2002/TT-BTC hướng dẫn quy chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, đối với khoản nợ phải thu xác định là khó đòi thì phải trích lập dự phòng theo quy định hiện hành. Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, công ty có trách nhiệm xử lý và được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi sau khi trừ tiền bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan, quỹ dự phòng tài chính, nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của công ty...
Trước khi khoá sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm, công ty phải kiểm kê, đối chiếu từng khoản nợ với chủ nợ và khách nợ. Công ty được quyền bán các khoản nợ phải thu theo quy định của pháp luật, gồm cả nợ phải thu trong hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thoả thuận. Trường hợp khoản nợ bán là khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi mà công ty đã xử lý theo quy định của Nhà nước và đang theo dõi tại tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán thì số tiền thu hồi được từ việc bán khoản nợ này được tính vào thu nhập khác. Trường hợp khoản nợ bán là khoản nợ phải thu đang theo dõi trong Bảng cân đối kế toán (nội bảng) không có khả năng thu hồi thì chênh lệch giữa số tiền thu được khi bán nợ với giá trị khoản nợ ghi trên sổ sách kế toán được xử lý như nợ phải thu không có khả năng thu hồi...
Mọi tài sản cố định hiện có của công ty (gồm cả tài sản cố định chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý) đều phải trích khấu hao theo quy định hiện hành, trừ những tài sản cố định thuộc công trình phúc lợi công cộng, nhà ở. Khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất kinh doanh hạch toán vào chi phí kinh doanh; khấu hao tài sản cố định chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý hạch toán vào chi phí khác. Mức trích khấu hao tối thiểu xác định theo thời gian sử dụng tối đa...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BO Y TẾ


Hướng dẫn nhập khẩu vắc xin
(SMS: 19667)
- Ngày 13/6/2006, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2006/TT-BYT hướng dẫn nhập khẩu vắc xin, sinh phẩm y tế; hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và trang thiết bị y tế.
Theo đó, thương nhân, tổ chức kinh doanh vắc xin, sinh phẩm y tế phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nhập khẩu vắc xin, sinh phẩm y tế nhưng chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì phải hoàn thành các thủ tục này theo luật định.
Doanh nghiệp nước ngoài có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực vắc xin, sinh phẩm y tế và nguyên liệu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế với Việt Nam được cung cấp vắc xin, sinh phẩm y tế cho các doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, sinh phẩm của Việt Nam theo phạm vi hoạt động đã được qui định trong giấy phép.
Doanh nghiệp nhập khẩu, đơn vị sử dụng, đơn vị nghiên cứu tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn của sản phẩm nhập khẩu và các hoạt động của mình.
Vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc danh mục được nhập khẩu theo nhu cầu phải còn ít nhất là 2/3 hạn sử dụng kể từ khi đến Việt Nam.
Vắc xin, sinh phẩm y tế bán thành phẩm sau khi được pha chế, đóng gói... thành thành phẩm phải được Bộ Y tế cấp Giấy phép đăng ký lưu hành trước khi sử dụng trên thị trường và phải thực hiện thủ tục xuất xưởng từng lô như các sản phẩm sản xuất trong nước.
Các cơ sở sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế chịu trách nhiệm về việc sử dụng các loại vắc xin, sinh phẩm và báo cáo định kỳ, đột xuất về việc sử dụng vắc xin: tác dụng phụ, tai biến do sử dụng vắc xin và các trường hợp bất thường khác trong quá trình sử dụng...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NỘI VỤ


Cơ chế tự chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ
(SMS: 19659)
- Ngày 05/6/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Theo đó, Trường hợp tổ chức KH&CN không có Đề án hoặc Đề án không được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ra quyết định yêu cầu tổ chức KH&CN xây dựng phương án sáp nhập hoặc giải thể...
Thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyền ký quyết định cử cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý của đơn vị đi công tác chuyên môn, học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài...
Mọi khoản chi của tổ chức KH&CN đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, có hiệu quả. Cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị đều có quyền và trách nhiệm giám sát việc chi tiêu trong đơn vị theo quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế dân chủ cơ quan. Tổ chức KH&CN phải chịu sự kiểm tra và có nghĩa vụ cung cấp thông tin, giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của đơn vị...
Để khuyến khích các tổ chức KH&CN chuyển đổi sớm trước năm 2009, Nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí vào năm thực hiện chuyển đổi với mức tối thiểu bằng 50% tổng kinh phí hoạt động thường xuyên của các năm còn lại tính theo mức của năm trước liền kề năm chuyển đổi và được chuyển vào Quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị để đầu tư phát triển...
Thủ trưởng tổ chức KH&CN có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ các chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán - tài chính, làm thủ quĩ, thủ kho trong đơn vị...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.