Phụ cấp trách nhiệm (SMS: 200829) - Theo Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 13/6/2005 về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao, Kiểm sát viên Viện KSND tối cao và điều tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Kiểm sát viên Viện KSND cấp tỉnh và điều tra viên trung cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Đối với kiểm sát viên Viện KSND cấp huyện và điều tra viên sơ cấp là 30%... Kiểm tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 15% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung. Kiểm tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung. Kiểm tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hỗ trợ tài chính thi hành án dân sự (SMS: 200828 - Không gửi qua fax) - Ngày 09/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2005/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án dân sự, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Theo đó, điều kiện để được hỗ trợ như sau: việc thi hành án làm cho tổ chức phải thi hành án bị ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao; phải ngừng hoạt động; bị giải thể hoặc ảnh hường đến an ninh, quốc phòng, trật tự công công... Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá tổng giá trị các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người được thi hành án. Việc hỗ trợ có thể được thực hiện toàn bộ trong một lần hoặc nhiều lần nhưng tối đa không được quá 12 tháng... Hồ sơ đề nghị hỗ trợ bao gồm: Bản án, quyết định dân sự có hiệu lực; Quyết định thi hành án; Các tài liệu chứng minh về tình hình tài chính của tổ chức phải thi hành án; Báo cáo về tình hình áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết...
Phòng, chống các vụ kiện thương mại (SMS: 200830 - Không gửi qua fax) - Theo Chỉ thị số 20/2005/CT-TTg ra ngày 09/6/2005 về việc chủ động phòng, chống các vụ kiện thương mại nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: cần coi việc chủ động phòng ngừa là yêu cầu hàng đầu; khi nảy sinh vụ kiện, cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý theo hướng hạn chế tới mức thấp nhất những hậu quả tiêu cực; nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn các quy định của luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các nước liên quan và pháp luật nước ta; bên cạnh đó, cần áp dụng đồng bộ những biện pháp khác, từ liên kết các bên bị khởi kiện và các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, cũng như đấu tranh trên mặt trận dư luận; các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các DN; các DN, hiệp hội ngành hàng đóng vai trò chủ yếu trong việc phòng, chống các vụ kiện thương mại với nước ngoài; các DN cần hiệp đồng, liên kết nhằm phòng, chống các vụ kiện thương mại có nhân tố quốc tế... Khi xảy ra kiện tụng cần tích cực tiến hành vận động hành lang và quan hệ công chúng để hỗ trợ cho việc kháng kiện. Các cơ quan có trách nhiệm, Hiệp hội ngành hàng, các DN liên quan cần chủ động cung cấp thông tin, định hướng cho các cơ quan truyền thông để hỗ trợ cho việc xử lý vụ kiện...
Phê duyệt định hướng quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010 (SMS: 200827 - Không gửi qua fax) - Theo Quyết định số 135/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 08/6/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định: từ nay đến năm 2010, các lĩnh vực sau đây được định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA: Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản), kết hợp xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm, định canh định cư, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn; Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; Phát triển cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo, dân số và phát triển); Khoa học, công nghệ, môi trường, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ ứng dụng... Hạn chế vay nợ thương mại của Chính phủ, chỉ áp dụng hình thức này trong trường hợp đặc biệt và không thể huy động ngay được các nguồn vốn khác có hiệu quả hơn... Việc quản lý nợ nước ngoài của các doanh nghiệp phải được giám sát chặt chẽ việc vay và trả nợ của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và vay nợ ngắn hạn. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài cũng cần phải được quản lý chặt. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, phát triển ổn định, kinh doanh có hiệu quả như: dầu khí, bưu chính viễn thông, điện lực có thể phát hành trái phiếu ra nước ngoài để huy động vốn theo những tỷ lệ nhất định sau khi đã phát hành tốt tại thị trường trong nước và sau khi Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Thuế đối với xe ôtô ngoại giao chuyển nhượng (SMS: 200826) - Theo Công văn số 6905/TC/TCHQ ra ngày 08/6/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn: giá tính thuế nhập khẩu đối với xe ôtô chuyển nhượng của các đối tượng ngoại giao có thời gian sử dụng và lưu tại Việt Nam trên 5 năm được xác định như sau: xe ôtô khi nhập khẩu nếu là hàng mới, chưa sử dụng, khi được sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ 5-6 năm mà có nhu cầu chuyển nhượng sẽ bị tính thuế nhập khẩu bằng 40% giá hàng hoá mới tại thời điểm tính thuế... Cũng loại xe này, nếu lưu tại Việt Nam từ 6-7 năm mà chuyển nhượng sẽ áp thuế 30%, từ 7-8 năm áp thuế 20%, 8-9 năm áp thuế 15%, trên 9 đến 10 năm áp thuế 10% và trên 10 năm không bị áp thuế... Với các xe ôtô ngoại giao khi nhập khẩu đã qua sử dụng thì với các mốc thời gian tương đương sẽ bị áp thuế là 30%, 20%, 10% và 5%. Trường hợp từ 9 năm trở lên thuế nhập khẩu là 0%... Các xe ôtô ngoại giao bị tiêu huỷ sẽ không thu thuế. Công văn này có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2004.
Xây dựng dự toán ngân sách (SMS: 200833 - Không gửi qua fax) - Ngày 03/6/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2005/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2006 và giai đoạn 2006 - 2010. Bộ Tài chính hướng dẫn: dự toán thu phải được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo đầy đủ về tăng trưởng kinh tế, sự biến động của thị trường, giá cả...; thực hiện các biện pháp khuyến khích sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu, thực hiện đầy đủ các cam kết theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (AFTA, WTO...)... Cụ thể hoá đối với ngành, địa phương mình những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2006: tăng trưởng GDP trên 8%, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 10,5%, giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 8%, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng trên 3,5%,.v.v. để làm cơ sở xây dựng dự toán NSNN năm 2006 và giai đoạn 2006 - 2010... Dự toán thu NSNN phải tính đúng, tính đủ các khoản thu theo quy định của luật thuế và các chế độ thu hiện hành. Dự toán thu NSNN xây dựng tích cực, vững chắc, có tính khả thi cao; ở phạm vi toàn quốc mức động viên phấn đấu đạt trên 22% so với GDP, trong đó thu thuế và phí đạt trên 21% so với GDP. Đối với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) tăng tối thiểu 12-14% so với thực hiện năm trước (đối với mức thực hiện năm 2005 yêu cầu phấn đấu tăng tối thiểu 5% so với dự toán thu Thủ tướng Chính phủ đã giao)... Trong phạm vi cả nước, bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2006 (bao gồm cả chi đầu tư, chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm) đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 18,6%, phấn đấu đến năm 2008 đạt 20%; lĩnh vực văn hoá thông tin đạt 1,5%, phấn đấu đến năm 2008 đạt 1,8%; lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt 2% và lĩnh vực môi trường trên 1% tổng chi ngân sách nhà nước... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Triển khai đợt cao điểm phòng chống ma tuý (SMS: 200831) - Theo Công văn số 1784/LĐTBXH-PCTNXH ra ngày 10/6/2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW cần tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sau cai, huy động cộng đồng giúp đỡ, giám sát người sau cai nghiện đã tái hoà nhập cộng đồng và phòng chốn tái nghiện có hiệu quả... Thường xuyên quan tâm chăm no đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ nhân viên đang làm việc tại các Trung tâm CBGDLĐXH giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Đồng thời kiên quyết thay thế những người yếu kém về phẩm chất đạo đức và không đủ năng lực, trình độ... Đợt cao điểm phòng chốn ma tuý bắt đầu từ tháng 6/2005 đến tháng 9/2005...
|
Cấp thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi (SMS: 200832 - Không gửi qua fax) - Ngày 10/6/2005, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã ban hành Thông tư số 02/2005/TT-DSGĐTE hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Theo đo, thủ tục cấp Thẻ được quy định như sau: Cha mẹ, người giám hộ xuất trình giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thực tế thường trú để làm căn cứ cấp Thẻ... Trường hợp trẻ em chưa có giấy khai sinh thì cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh cho trẻ em; UBND cấp xã có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em cùng với việc cấp Thẻ. Đối với những khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán thì cán bộ Tư pháp hộ tịch, cán bộ DSGĐTE phải có lịch định kỳ đến tận nhà để làm thủ tục giúp UBND cấp xã đăng lý khai sinh và cấp Thẻ... Trường hợp trẻ em thay đổi nơi thực tế thường trú thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị UBND cấp xã nơi đến để đổi Thẻ có ghi rõ địa chỉ nơi đi và kèm theo Thẻ cũ. Thời hạn cấp lại, đổi Thẻ chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đề nghị.
|