Số 22.2014 (683) ngày 17/06/2014

SỐ 22 (683) - THÁNG 06/2014

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn
 

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

DOANH NGHIỆP

 

DOANH NGHIỆP

1

888/QĐ-TTg

Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015

 

* Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Trang 2

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

2

872/QĐ-TTg

Quyết định 872/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội

 

* Giảm lãi suất cho vay ưu đãi với HSSV còn 0,6%/tháng

Trang 2

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

3

2002/QĐ-BYT

Quyết định 2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV)

 

* Triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông

Trang 3

4

17/2014/TT-BYT

Thông tư 17/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ

 

* Phòng sơ cấp cứu chữ thập đỏ rộng tối thiểu 6m2

Trang 3

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

5

44/NQ-CP

Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 về đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…

 

* Tiến tới gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học

Trang 3

6

21/2014/QĐ-UBND

Quyết định 21/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

 

* TP.HCM: Dạy thêm theo yêu cầu không cần xin Giấy phép

Trang 4

THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG

 

THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG

 

7

777/QĐ-BTTTT

Quyết định 777/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông

 

* Thủ tục cấp phép xuất bản bản tin đối với tổ chức nước ngoài

Trang 4

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

8

14/CT-TTg

Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015

 

* Chỉ bố trí vốn khởi công mới dự án đầu tư trước 31/10/2014

Trang 4

CÔNG NGHIỆP

 

CÔNG NGHIỆP

 

9

880/QĐ-TTg

Quyết định 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

* Công nghệ thông tin sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực

Trang 5

10

879/QĐ-TTg

Quyết định 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

 

* Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg, soạn tin: VB 11/2014/QD-TTg gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 05/2014, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS05/2014 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Doanh nghiệp:

TÁI CƠ CẤU TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM

Ngày 10/06/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015 với mục tiêu hình thành thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone), Bưu điện Trung ương và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý; các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, các trường trung học bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên được điều chuyển về các địa phương quản lý. Trong thời gian đợi điều chuyển, các bệnh viện, trường học này vẫn được tiếp tục duy trì hoạt động trong cơ cấu tổ chức của VNPT.

Các đơn vị còn lại của VNPT được tổ chức, sắp xếp lại và thoái vốn (63 doanh nghiệp) để quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông; kinh doanh, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ ứng dụng

 

viễn thông; thực hiện chức năng đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng mạng lưới viễn thông thống nhất trong Tập đoàn và nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thiết bị bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin...

Dự tính, sau khi tái cơ cấu, công ty mẹ - VNPT là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có 66 đơn vị hạch toán phụ thuộc (bao gồm: Công ty Hạ tầng mạng VNPT - Net; Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin 2; Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và 63 Viễn thông tỉnh, thành phố) và 21 công ty con; trong đó có Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn Thông (VNPT - Vinaphone), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media), Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT - Technology) và 18 công ty do VNPT nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ như: Công ty cổ phần Quảng cáo Truyền thông đa phương tiện; Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện; Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ü Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY ƯU ĐÃI
 VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÒN 0,6%/THÁNG

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 06/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay và lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên (HSSV).

Theo Quyết định này, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/04/2004 và lãi suất cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam đồng loạt giảm từ 0,65%/tháng xuống còn 0,6%/tháng (tương đương 7,2%/năm) từ ngày 06/06/2014.

Để được vay với mức lãi suất nêu trên tại Ngân hàng Chính sách xã hội, HSSV và đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài phải đáp ứng một số

 

điều kiện nhất định. Cụ thể, HSSV phải có Giấy báo trúng tuyển hoặc Giấy xác nhận được vào học của nhà trường (đối với HSSV năm nhất) và đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương cho vay; trong đó, hộ gia đình là hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình; gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha (mẹ) nhưng người còn lại không có khả năng lao động. Đối với HSSV từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đối với các khoản vay mới từ ngày 06/06/2014.

Ü Y tế-Sức khỏe:

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP VÙNG TRUNG ĐÔNG

Theo Hướng dẫn Giám sát và phòng, chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (Mers-cov) được Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 2002/QĐ-BYT ngày 06/06/2014, đây là loại bệnh truyền nhiễm nhóm A, có khả năng lây truyền từ người sang người; có nguy cơ tử vong cao; đến nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Người mắc bệnh thường có các triệu chứng ban đầu như: Sốt cao đột ngột ≥ 38°C; ho và khó thở, có biểu hiện viêm phổi hoặc suy hô hấp cấp tính; ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận… Viêm đường hô hấp vùng Trung Đông có thể lây lan khi trực tiếp tiếp xúc với người bệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào…

Để phòng tránh bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay

 

thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay; thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường; người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở… không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 3898/QĐ-BYT ngày 12/10/2012.

PHÒNG SƠ CẤP CỨU CHỮ THẬP ĐỎ RỘNG TỐI THIỂU 6M2

Ngày 02/06/2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BYT quy định việc cấp Giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ (sơ cấp cứu chữ thập đỏ là hoạt động sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và các tai nạn, thảm họa khác do Hội chữ thập đỏ tổ chức thực hiện).

Theo đó, trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải đáp ứng các điều kiện như: Có địa điểm cố định, phòng sơ cấp cứu có diện tích tối thiểu là 10m2; có đủ điện, nước phục vụ sơ cấp cứu; có điện thoại liên lạc thường xuyên; có các trang thiết bị sơ cấp cứu như bông, băng, bộ nẹp cố định gãy xương, túi cứu thương…; có tối thiểu 03 tình nguyện viên cấp II làm việc tại trạm, trong đó có 01 tình nguyện viên chuyên trách làm việc toàn thời gian tại trạm.

 

Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ cũng phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ cấp cứu tương tự như trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ. Tuy nhiên, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ cần phải có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu 06m2 và có tối thiểu 02 tình nguyện viên cấp I làm việc tại đây.

Trạm và điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ đều không được sử dụng thuốc trong hoạt động sơ cấp cứu. Bên cạnh đó, đều phải được đặt tại địa điểm thuận tiện giao thông, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra; riêng điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có thể đặt tại nhà dân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2014.

 

Ü Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

TIẾN TỚI GỘP KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT VÀ ĐẠI HỌC

Ngày 09/06/2014, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 44/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại Chương trình này là đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo. Cụ thể, đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học; thành lập các trung tâm khảo thí độc lập; tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động…

Đồng thời, tiến hành đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ

 

đào tạo theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo và ý thức tự học… Trong đó, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sử dụng thống nhất trên toàn quốc; xây dựng hệ thống ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh có thể tham khảo trong quá trình học; đổi mới chương trình giáo dục công dân, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục chính trị, quốc phòng - an ninh trong các cấp học…

Tại Chương trình này, Chính phủ cũng chủ trương nghiên cứu chính sách tiền lương nhằm khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục và đào tạo: Mức lương nhà giáo được hưởng trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; phụ cấp thâm niên nghề nghiệp tính theo thời gian trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tín dụng để tạo điều kiện về nhà ở và học tập nâng cao trình độ cho giáo viên, giảng viên trẻ…

TP.HCM: DẠY THÊM THEO YÊU CẦU KHÔNG CẦN XIN GIẤY PHÉP

Theo Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.HCM được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 06/06/2014 của UBND TP.HCM, cá nhân giáo viên (GV) hoặc những người dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn xin Giấy phép dạy thêm nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó (trường hợp người dạy kèm là GV đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập), đồng thời báo cáo và cam kết với UBND phường - xã, thị trấn nơi đặt điểm dạy kèm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và có trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy kèm.

Cũng theo Quyết định này, tùy tình hình thực tế, mỗi trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi khác nhau trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến các lớp học chính khóa; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ

 

nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết; mỗi lớp học thêm có không quá 45 học sinh; mỗi học sinh học thêm không quá 06 tiết/môn học/tuần và tổng không quá 18 tiết/tuần.

Trong đó, lớp học buổi sáng bắt đầu từ 07 giờ, kết thúc trước 11 giờ; buổi chiều bắt đầu từ 14 giờ, kết thúc trước 17 giờ và buổi tối bắt đầu từ 18 giờ, kết thúc trước 20 giờ 30 phút.

Mức thu tiền học thêm do cha mẹ học sinh và nhà trường thỏa thuận, nhưng không được vượt quá mức trần được phép thu theo quy định của pháp luật; được sử dụng để chi trả thù lao cho GV trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường, chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/06/2014.

Ü Thông tin-Truyền thông:

THỦ TỤC CẤP PHÉP XUẤT BẢN BẢN TIN ĐỐI VỚI TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI

Ngày 10/06/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 777/QĐ-BTTTT công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Danh sách bao gồm 05 TTHC lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình được sửa đổi, bổ sung và 05 TTHC lĩnh vực báo chí được ban hành mới; trong đó, đáng chú ý là quy định về thủ tục cấp Giấy phép xuất bản bản tin cho cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam muốn xuất bản bản tin phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Cụ thể, đối với cơ quan đại diện nước ngoài,

 

phải có người chịu trách nhiệm về việc xuất bản bản tin; có trụ sở chính thức và các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc xuất bản bản tin và phải xác định rõ nội dung thông tin, mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang, số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của bản tin. Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài, phải đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có người chịu trách nhiệm về việc xuất bản bản tin; có trụ sở chính thức và các điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc xuất bản bản tin và xác định được rõ nội dung thông tin, mục đích thông tin, kỳ hạn xuất bản, khuôn khổ, số trang, số lượng, nơi in, đối tượng phục vụ của bản tin...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ü Chính sách kinh tế-xã hội:

CHỈ BỐ TRÍ VỐN KHỞI CÔNG MỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRƯỚC 31/10/2014

Nhằm đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển và nâng cao hiệu quả, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân..., ngày 14/06/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ban ngành có liên quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, với những nhiệm vụ chính về phát triển kinh tế; phát triển xã hội; về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Cụ thể như: Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu; mở cửa thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng phù hợp với cam kết quốc tế; phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; tập trung bố trí

 
 

vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia; hỗ trợ ngư dân phát triển đánh bắt và các dịch vụ trên biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; các nhiệm vụ giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp...

Đối với các dự án khởi công mới, Thủ tướng khẳng định, chỉ bố trí vốn khởi công mới cho các dự án thật sự cấp bách, nằm trong quy hoạch đã được duyệt, đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, có thủ tục đầu tư theo quy định trước ngày 31/10/2014, đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật và không bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, không bố trí vốn bổ sung có mục tiêu nguồn ngân sách Trung ương cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn gốc; các dự án phê duyệt quyết định đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; không bố trí phần vốn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư theo quy định tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/06/2013 và không bố trí vốn ngân sách Trung ương cho các dự án sử dụng vốn vay ngân sách địa phương chưa thẩm định vốn hoặc phê duyệt phần vốn ngân sách Trung ương cao hơn mức đã thẩm định...

Ü Công nghiệp:

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN SẼ TRỞ THÀNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC

Ngày 09/06/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những định hướng nổi bật tại Quy hoạch này là xây dựng ngành điện tử, công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành phát triển khác; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2020 đạt 17 - 18%; tỷ trọng của ngành chiếm 9 - 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65 - 70 % nhu cầu thị trường…

Đặc biệt, đến năm 2030, phấn đấu tự cung cấp 80% nhu cầu phần mềm cho cả nước; đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã các thiết bị phần cứng đáp ứng trên 70% nhu cầu trong nước, tăng tỷ trọng thiết bị không dây theo nhu cầu; thiết bị, công nghệ hoàn toàn chuyển sang kỹ thuật số…

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng chỉ rõ, phát triển ngành dệt may - da giầy theo

 

hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm; lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho phát triển của ngành và đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa; đến năm 2030 tập trung phát triển vùng nguyên liệu bông, vùng chăn nuôi gia súc để chủ động một phần nguyên liệu bông, da cho ngành; tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại quần áo thời trang, giầy cao cấp phục vụ các thị trường đòi hỏi chất lượng cao…

Ngoài ra, Quy hoạch còn đề ra chủ trương từng bước hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện; Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Đến năm 2020, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo theo Quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng (gió, mặt trời, biomass…)…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025

Ngày 09/06/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Chiến lược do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan thực hiện, sao cho đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Trong đó, nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển bao gồm: Nhóm ngành cơ khí và luyện kim; nhóm ngành hóa chất; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt, may; ngành điện tử và viễn thông; ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, ô tô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo; ưu tiên phát triển

 

sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại, linh kiện...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của đổi mới thể chế phát triển công nghiệp; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực... trong việc thực hiện và hoàn thiện Chiến lược. Cụ thể như: Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước nhằm khắc phục, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm chính sách ổn định, nhất quán và đơn giản về thủ tục hành chính khuyến khích phát triển sản xuất; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp và kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.