Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (SMS: 534048) - Ngày 03/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn về giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng là cá nhân nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản. Theo quy định của Nghị định này, để được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên do cơ quan xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự; có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp kèm theo một trong các giấy tờ sau: Nếu là người vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải có tên trong giấy chứng nhận đầu tư hoặc trong giấy tờ tương ứng với hoạt động đầu tư còn thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc có giấy tờ chứng minh là thành viên hội đồng quản trị, hội đồng quản lý của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam; Nếu là người được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh giám đốc, tổng giám đốc và cấp phó của doanh nghiệp hoặc trưởng, phó các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp thì phải có hợp đồng thuê hoặc quyết định bổ nhiệm bằng tiếng Việt; Nếu là người có công đóng góp với đất nước thì phải có Huân chương hoặc Huy chương của Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng; Nếu là người có đóng góp đặc biệt với đất nước thì phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan cấp bộ phụ trách lĩnh vực cá nhân nước ngoài có đóng góp; Nếu là người vào Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục - đào tạo, văn hóa… thì phải có văn bằng chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp kèm theo giấy phép lao động hoặc giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam;… Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng được mua, được thừa kế, được tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải đang hoạt động tại Việt Nam và có giấy chứng nhận đầu tư còn thời hạn từ 01 năm trở lên. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nộp một bộ hồ sơ hợp lệ tại sở xây dựng nơi có căn hộ. Thời hạn cấp giấy chứng nhận tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thời hạn này không tính thời gian bổ sung giấy tờ (nếu có). Cũng theo quy định tại Nghị định này, cá nhân nước ngoài đang có sở hữu một nhà ở tại Việt Nam theo thông báo trên trang web của Bộ Xây dựng thì không được sở hữu các nhà ở khác trong phạm vi toàn quốc. Trường hợp cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này, nếu được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở khác thì được lựa chọn sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại; đối với các loại nhà ở còn lại thì cá nhân nước ngoài được quyền tặng cho hoặc bán cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2009.
Quy định chi tiết về quản lý tài sản nhà nước (SMS: 534050) - Ngày 03/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nghị định này quy định chi tiết về các vấn đề: đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản nhà nước; thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước; bảo dưỡng, sửa chữa, lập và quản lý hồ sơ tài sản nhà nước; thu hồi và điều chuyển tài sản nhà nước; bán và thanh lý tài sản nhà nước… Nghị định quy định: việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện theo phương thức mua sắm tập trung hoặc cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm. Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng đối với các loại tài sản có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại. Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải lập hồ sơ tài sản nhà nước. Hồ sơ tài sản nhà nước gồm: hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản; báo cáo kê khai tài sản; báo cáo tình hình sử dụng, quản lý tài sản; cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước. Việc thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước có thể là thuê trụ sở làm việc hoặc thuê tài sản là thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải và các tài sản khác. Tài sản nhà nước phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định. Thủ trưởng cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản. Tài sản nhà nước có thể bị thu hồi trong các trường hợp sau: là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất bị bỏ trống hoặc không sử dụng quá 12 tháng; đã trang bị cho các cơ quan nhà nước, cá nhân không đúng tiêu chuẩn, định mức, bị sử dụng sai mục đích, cho thuê hoặc sử dụng để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác; đã trang bị cho các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng mà cơ quan đó không còn nhu cầu hoặc giảm nhu cầu sử dụng… Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2009. Bãi bỏ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập. Bãi bỏ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các văn bản: Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ. Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu quốc tế (SMS: 534052) - Được quy định cụ thể tại Nghị định số 53/2009/NĐ-CP ngày 04/6/2009 của Chính phủ. Nghị định này điều chỉnh hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế dưới hai hình thức: có bảo lãnh Chính phủ và không có bảo lãnh Chính phủ. Để được phát hành trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện như: được thành lập theo luật pháp Việt Nam và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có đề án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt (đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phải được hội đồng quản trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương; đối với các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, phải được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên, đại diện chủ sở hữu vốn thông qua); trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm; các chương trình, dự án được xác định là trọng điểm quốc gia hoặc các dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định là có hiệu quả, đã hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định; đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế về hệ số tín nhiệm để phát hành (nếu có); người phát hành đã hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ phát hành… Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp phát hành thực hiện việc mở tài khoản và sử dụng tài khoản vốn vay và trả nợ nước ngoài để thực hiện nhận tiền phát hành trái phiếu, thực hiện trả gốc, lãi trái phiếu và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn từ phát hành, bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối của nhà nước. Đối với các trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát sử dụng vốn theo các quy định tại Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ hiện hành. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/7/2009. Quy định mới xử phạt vi phạm về chất lượng hàng hóa (SMS: 534068) - Ngày 05/6/2009, Chính phủ ra Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói trên phải chịu một trong những hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề do cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính… Ngoài các hình thức xử phạt nói trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do vi phạm mà có; buộc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa, phương tiện đo vi phạm; buộc thực hiện kiểm định phương tiện đo… Nghị định quy định: đối với hàng hóa đóng gói sẵn trong sản xuất hoặc nhập khẩu thuộc danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường, nếu không ghi định lượng hoặc ghi không đúng đơn vị đo lường trên nhãn hàng hóa thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng, nếu đóng gói hàng hóa không đủ định lượng thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng được áp dụng đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa nhưng không có công bố tiêu chuẩn áp dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Hành vi bán sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng được áp dụng các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại để xử phạt. Cũng theo Nghị định này, phạt tiền từ hai đến ba lần tổng giá trị hàng hóa, sản phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với các hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng; phạt tiền từ ba lần đến năm lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với các hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Ngoài ra, Nghị định còn quy định các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa và mã số mã vạch, các hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 31/7/2009 và thay thế Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 95/2007/NĐ-CP ngày 04/6/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 (SMS: 533982) - Ngày 03/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 751/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, định hướng phát triển là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân tăng 7-8%/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 2-3%/năm. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…, tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển. Một vấn đề nữa đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 là khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động. Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan nói trên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan liên quan (cơ quan nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng dân cư, nhất là các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các chuyên gia trong và ngoài nước…) về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 nhằm tạo sự đồng thuận cao, là cơ sở để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 (SMS: 534067) - Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 756/CT-TTg ngày 05/6/2009 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Đây là năm cuối thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 là tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm bình đẳng, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ thị, năm 2010 cần nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ có tiềm năng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng tỷ lệ khách du lịch đến với Việt Nam; phát triển và nâng cao chất lượng vận tải, đảm bảo phục vụ tốt lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân; coi trọng phát triển thị trường trong nước, thực hiện các chính sách để khuyến khích tiêu dùng nội địa. Để phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực khác, việc cần làm là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước, đi đôi với tăng cường chuyển giao công nghệ nước ngoài; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường.. Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Chỉ thị nêu rõ: dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2010 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ và trên cơ sở bám sát dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của năm. Đối với các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2009 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát sinh sau khi đã hết thời gian thực hiện giãn thuế; các khoản thu phát sinh năm 2009 được phép giãn chuyển sang nộp năm 2010; các khoản thu phát sinh từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi thuế, giao Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý, kể cả việc xử lý nợ thuế, phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành. |
Được nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (SMS: 534007) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu biên mậu, ngày 03/6/2009, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 13/2009/TT-BCT quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu. Thông tư này áp dụng đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu nhưng hiện đã có đủ các lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước. Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu chưa có đủ các lực lượng nêu trên thì chỉ cho phép hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới theo quy định hiện hành. Theo Thông tư này, hàng hóa xuất nhập khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành được xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu; riêng đối với hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản, chủ tịch UBND tỉnh biên giới có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quyết định cho phép xuất khẩu trên cơ sở có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Công thương. Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư này, các hàng hóa sau đây được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới: bột mỳ, khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp, cao su và các sản phẩm từ cao su, gỗ các loại, nhựa nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt, may, da, sắn và ngô các loại, hạt điều thô, đậu tương, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, vật liệu quý hiếm, kim loại và phế liệu kim loại. Các mặt hàng: nguyên liệu lá thuốc lá, hóa chất công nghiệp, than mỡ và than cốc, phân bón các loại được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Công thương. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
|