Số 22.2008 (378) ngày 06/06/2008

 CHÍNH PHỦ


Xử lý nghiêm vi phạm giao thông
(SMS: 504511)
- Ngày 04/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 857/TTg-KTTH về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
Thủ tướng yêu cầu: Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở đợt cao điểm về tuần tra, kiểm soát, tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai phần đường, làn đường, chở quá tải, quá số người quy định, uống rượu bia quá nồng độ cho phép điều khiển phương tiện, đỗ xe không đúng quy định; xử lý kiên quyết các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Kiên quyết thực hiện cưỡng chế giải tỏa dứt điểm vi phạm (các công trình, lều quán xây dựng trái phép) trên đất hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi 5 - 7m đối với 4 đoạn tuyến thực hiện thí điểm trên quốc lộ 1 theo kế hoạch.
Tăng cường chỉ đạo, quản lý chặt chẽ chất lượng mũ bảo hiểm; kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm tiêu chuẩn quy định…


Mở đợt cao điểm phòng chống ma tuý
(SMS: 504506)
- Theo Công văn số 849/TTg-KGVX ra ngày 04/6/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính và Quốc phòng xây dựng kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển đồng loạt ra quân tấn công, xử lý tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp; tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh mạnh ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt trên 3 tuyến biên giới phía Bắc, Việt-Lào, Tây Nam ngăn chặn các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài. Tập trung đấu tranh, khai thác, mở rộng điều tra truy bắt các đối tượng trong vụ án mua bán, vận chuyển trái phép nhựa cần sa, bị bắt giữ ngày 12/5/2008 tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; phối hợp với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân nhanh chóng truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Tập trung đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm bán lẻ, sử dụng ma túy, không để công khai tồn tại trong cộng đồng dân cư, gây nhức nhối trong nhân dân; đồng thời điều tra, xử lý kiên quyết bọn tội phạm mua bán, tổ chức sử dụng đang còn tiềm ẩn; kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm lợi dụng các loại hình dịch vụ trong các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán bar-karaoke để sử dụng và tổ chức sử dụng các chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp; tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, xuất, nhập khẩu, sử dụng các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; chủ động phòng ngừa, việc điều chế và sản xuất ma túy tổng hợp…
Qua đợt cao điểm phòng, chống ma túy lần này, phải tạo được chuyển biến tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy.
Về vấn đề cai nghiện, các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để đưa hết số người nghiện nặng vào các cơ sở cai nghiện. Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ, triển khai đề án thí điểm điều trị thay thế nghiện bằng Methadone tại TPHCM và Hải Phòng.


Chính sách xã hội hoá
(SMS: 504471)
- Ngày 30/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn  hoá, thể thao, môi trường.
Nghị định nêu rõ: Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở thực hiện xã hội hóa. Các cơ sở này được tham gia cung cấp các dịch vụ công do nhà nước tài trợ, đặt hàng.
Cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh theo quy định, được phép tổ chức khám, chữa bệnh cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế và do người có thẻ bảo hiểm y tế tự lựa chọn nơi khám, chữa bệnh.
Các cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, khu vui chơi, khu thể thao, bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, rạp hát, rạp chiếu phim... được UBND cấp tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Các cơ sở này cũng được miễn phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất; được miễn các khoản phí, lệ phí khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất.
Cơ sở xã hội hóa mới thành lập kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định đối với cơ sở bảo trợ xã hội
(SMS: 504470)
- Ngày 30/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP về việc quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH).
Theo đó, CSBTXH phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Diện tích đất tự nhiên phải đạt bình quân 30m2/đối tượng ở khu vực nông thôn và 10m2 ở khu vực thành thị. Diện tích phòng ở phải đạt mức bình quân 6m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.
Về định mức cán bộ, nhân viên của CSBTXH: chăm sóc trẻ em dưới 18 tháng tuổi, cứ 1 nhân viên chăm sóc 1 trẻ em. Trẻ em trên 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi, nếu là trẻ bình thường thì 1 nhân viên chăm sóc 5-6 em, nếu là trẻ tàn tật, nhiễm HIV thì 1 nhân viên chăm sóc 3-4 em; chăm sóc người tàn tật, người cao tuổi còn tự phục vụ được, 1 nhân viên/8-10 đối tượng; đối tượng là người tâm thần nặng, thì 1 nhân viên chăm sóc 2 đối tượng... Cán bộ, nhân viên làm công tác dinh dưỡng, 1 nhân viên/20 đối tượng. Cán bộ, nhân viên gián tiếp tối đa không quá 20% tống số cán bộ công nhân viên của CSBTXH.
Tổ chức, cá nhân muốn thành lập CSBTXH phải có Đơn xin thành lập; đề án thành lập CSBTXH; Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, nhà ở; Dự thảo quy chế hoạt động; Sơ yếu lý lịch của Giám đốc CSBTXH, có xác nhận của  UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi thành lập CSBTXH; Có ý kiến bằng văn bản của UBND cấp xã đồng ý hay không đồng ý nơi CSBTXH đặt trụ sở hoạt động…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ bồi dưỡng đặc thù
(SMS: 504441)
- Ngày 30/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2008/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg quy định chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước.
Theo đó, điều chỉnh tăng chế độ ăn định lượng tính thành tiền theo ngày làm việc thực tế như sau: mức 1 tăng từ 32.000 đồng/ngày lên 50.000 đồng/ngày; mức 2 từ 37.000 lên 60.000 đồng; mức 3 từ 45.000 lên 70.000 đồng; mức 4 từ 80.000 lên 110.000 đồng; mức 5 từ 110.000 lên 150.000 đồng/ngày.
Khi chỉ số giá lương thực, thực phẩm do Tổng cục Thống kê công bố tăng từ 10% trở lên so với lần điều chỉnh gần nhất thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn điều chỉnh mức tiền ăn theo định lượng không vượt quá mức tăng chỉ số giá lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, mức phụ cấp đi biển áp dụng đối với công nhân, nhân viên, viên chức thuộc ngành dầu khí trong những ngày thực tế làm việc trên các giàn khoan, các tàu dịch vụ vận tải dầu khí, các công trình dầu khí trên biển cũng được điều chỉnh tăng thêm 40.000 đồng/ngày (từ 110.000 lên 150.000 đồng/ngày).
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
(SMS: 504440)
- Ngày 29/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo đó, số tiền kỹ quỹ tối thiểu phải bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Việc nhận ký quỹ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản sẽ do Quỹ bảo vệ môi trường đảm trách.
Khoản tiền ký quỹ được tính toán căn cứ vào quy mô khai thác, tác động xấu đến môi trường, đặc thù của vùng mỏ sau khai thác, chi phí cần thiết để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Nguyên tắc tính toán số tiền ký quỹ là dựa trên cơ sở dự báo tác động xấu nhất tới môi trường sinh thái do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.
Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn khai thác dưới 3 năm phải thực hiện ký quỹ 1 lần, mức tiền ký quỹ bằng 100% dự toán tổng chi phí phục hồi môi trường. Đối với giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 3 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần. Trong trường hợp được ký quỹ nhiều lần, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có thể lựa chọn việc ký quỹ 1 lần toàn bộ số tiền ký quỹ cho suốt thời hạn khai thác khoáng sản.
Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ lần đầu tiên 30 ngày trước khi bắt đầu tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản mà chưa ký quỹ phải hoàn thành việc này trước 31/12/2008.
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện việc ký quỹ sẽ bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép, đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm khắc phục các hậu quả gây ra đối với môi trường theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
(SMS: 504434)
- Theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ban hành ngày 28/5/2008, Chính phủ quy định: doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan này phải có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Đối với trường hợp có nội dung phức tạp thì thời hạn trả lời là 30 ngày.
Các hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý gồm: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Phân hạng nhà chung cư
(SMS: 504483)
- Theo Thông tư số 14/2008/TT-BXD ban hành ngày 02/6/2008, Bộ Xây dựng hướng dẫn: việc đánh giá, phân hạng nhà chung cư được thực hiện sau khi có dự án và thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; được thực hiện đối với từng chung cư độc lập (có một hoặc nhiều đơn nguyên liền nhau thành một khối).
Nhà chung cư được đánh giá phân hạng theo các nhóm tiêu chí sau: Quy hoạch, kiến trúc; Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; Chất lượng hoàn thiện và trang thiết bị gắn liền với nhà chung cư; Chất lượng dịch vụ quản lý sử dụng nhà chung cư.
Nhà chung cư được phân thành các hạng như sau: hạng một (cao cấp) có chất lượng sử dụng cao nhất, đảm bảo yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc như có hạ tầng giao thông bên ngoài nhà, có vườn hoa, thảm cỏ, đủ các không gian chức năng tối thiểu như phòng khách, ngủ, bếp, phòng ăn, ít nhất hai khu vệ sinh. Căn hộ không được nhỏ hơn 70m2, diện tích phòng ngủ chính lớn hơn 20m2, có khu vệ sinh riêng. Mỗi căn hộ phải có tối thiểu 1,5 chỗ để ôtô.
Hạ tầng kỹ thuật gồm các hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, phòng chống cháy nổ đều phải đạt điều kiện vận hành thông suốt.
Hạ tầng xã hội bao gồm các trường học, dịch vụ thương mại, thể thao, thông tin... trong bán kính 500 mét. Các khu vui chơi cho trẻ em, đường dạo... có thiết kế đẹp.
Vật liệu xây dựng, trang thiết bị gắn liền với nhà phải là loại có chất lượng cao. Điều kiện về an ninh nghiêm ngặt với hệ thống camera kiểm soát trong các sảnh, hành lang, cầu thang và có nhân viên bảo vệ tại các lối ra vào 24/24 giờ trong ngày...
Tương tự như hạng cao cấp, nhà chung cư hạng hai được qui định là hạng có chất lượng sử dụng cao, chất lượng hoàn thiện, trang thiết bị và điều kiện cung cấp dịch vụ quản lý sử dụng đạt mức độ tương đối hoàn hảo. Diện tích căn hộ tối thiểu 60m2, diện tích phòng ngủ chính lớn hơn 15m2, có hai khu vệ sinh trở lên... Riêng về dịch vụ an ninh, chung cư hạng hai chỉ có nhân viên bảo vệ tại các khu vực công cộng.
Hạng ba: chất lượng sử dụng khá cao, đảm bảo yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chất lượng hoàn thiện, trang thiết bị và điều kiện cung cấp dịch vụ quản lý sử dụng đạt mức độ khá.
Hạng bốn: chất lượng sử dụng trung bình, đảm bảo yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chất lượng hoàn thiện, trang thiết bị và điều kiện cung cấp dịch vụ quản lý sử dụng đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng.
Các tranh chấp về hợp đồng giao dịch nhà ở liên quan đến việc phân hạng nhà chung cư được giải quyết trên cơ sở hoà giải; nếu hoà giải không thành thì giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Thăm dò, khai thác khoáng sản
(SMS: 504512)
- Ngày 05/6/2008, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 11/2008/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2025.
Theo đó, một trong những mục tiêu phát triển là phải thu hồi tối đa tài nguyên trong khai thác và chế biến thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến
. Đảm bảo hiệu quả kinh tế việc khai thác và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn hoạt động khoáng sản…
Trong giai đoạn 2008 - 2015, đẩy mạnh công tác thăm dò các mỏ, điểm mỏ vàng đã được điều tra cơ bản và có triển vọng về tài nguyên, điều kiện khai thác gồm 39 mỏ, điểm mỏ, trong đó 06 điểm mỏ vàng thuộc diện thăm dò và khai thác quy mô công nghiệp đều đã và đang được thăm dò là các mỏ vàng Sa Phìn, Minh Lương (tỉnh Lào Cai); Trà Năng (Lâm Đồng); vàng gốc vùng A Vao - A Pey thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; vàng khu vực Bồng Miêu (huyện Phú Ninh và huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) và vàng gốc Đắc Sa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam…
Cũng trong giai đoạn này, sẽ đẩy mạnh công tác thăm dò các mỏ, điểm mỏ quặng đồng, bao gồm 18 mỏ, điểm mỏ với tổng mức đầu tư dự kiến 189 tỷ đồng, gồm một số mỏ chủ yếu sau: Tả Phời, Vi Kẽm (Lào Cai); An Lương, Làng Phát (Yên Bái); Nậm He - Huổi Sấy (Điện Biên); Nậm Tia, Nậm Ngã, Nậm Kinh (Lai Châu); Suối On, Đá Đỏ, Phiêng Lương, Nà Lạy (Sơn La); Đức Bố (Quảng Nam)…
Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp quản lý tài nguyên, hoàn thiện quy chế và tăng cường đấu thầu hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khai thác chế biến quặng vàng, đồng; thành lập các Công ty cổ phần với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, năng lực khai khoáng, có khả năng tài chính để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến sâu khoáng sản. Khuyến khích đa dạng loại hình sở hữu, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng vàng, đồng, niken và molipđen theo định hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực trong nước; liên doanh liên kết với  nước ngoài trong lĩnh vực chế biến đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao như chế biến niken, molipđen.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quản lý, tính hao mòn tài sản cố định
(SMS: 504475)
- Ngày 29/5/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ban hành Chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nuớc, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo đó, tài sản cố định được chia thành hai loại: tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình.
Tài sản cố định hữu hình là tài sản mang hình thái vật chất, có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thoả mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn: Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.
Tài sản cố định vô hình là tài sản không mang hình thái vật chất cụ thể mà cơ quan đơn vị phải đầu tư chi phí cho việc tạo lập như: giá trị quyền sử dụng đất, bằng phát minh sáng chế, phần mềm máy vi tính, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả..., thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn như trên.
Đối với các tài sản cố định có trước ngày 01/01/2009, đơn vị phải căn cứ các số liệu trên sổ kế toán và hồ sơ của tài sản cố định để xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản cố định làm cơ sở lập danh mục tài sản cố định theo tiêu chuẩn mới, tiếp tục theo dõi, quản lý, sử dụng các tài sản cố định này theo các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn luỹ kế theo đúng như quy định trong chế độ này. Những tài sản cố định không đủ tiêu chuẩn theo quy định mới được chuyển sang theo dõi, quản lý, sử dụng như công cụ, dụng cụ lâu bền.
Hao mòn tài sản cố định được tính mỗi năm một lần vào tháng 12, trước khi khoá sổ kế toán hoặc bất thường (đối với các trường hợp bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, đơn vị hoặc tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định theo chủ trương của Nhà nước).

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng từ ngày 01/01/2009.
 

 LIÊN BỘ: LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH


Bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp
(SMS: 504465)
- Ngày 30/5/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/2008/NĐ-CP về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.
Theo đó, trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định của Tòa án nhân dân về tính bất hợp pháp của cuộc đình công có hiệu lực, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn hoặc đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công phải bồi thường thiệt hại.
Mức bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 03 tháng tiền lương, tiền công trước ngày xảy ra đình công. Tổ chức công đoàn cơ sở phải bồi thường thiệt hại từ nguồn kinh phí của công đoàn. Trường hợp đại diện tập thể lao động lãnh đạo đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố bất hợp pháp, mức bồi thường bằng tổng mức bồi thường thiệt hại chia cho tổng số người tham gia đình công. Việc bồi thường của mỗi cá nhân được khấu trừ dần vào tiền lương, tiền công hằng tháng của người đó nhưng không được quá 30% mức lương, tiền công theo hợp đồng lao động.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.